xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì sự sống bệnh nhân Covid-19 (*): "Chiến binh F0" giữa ICU

Bài và ảnh: ANH THƯ

Với tinh thần của nghề y là cứu người, họ đã coi chính tình cảnh F0 của mình như một cơ hội để san sẻ nỗi vất vả cùng đội ngũ y tế căng mình chống dịch

Tại Khoa Điều trị Covid-19 A2 (ICU-A2) của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, tôi gặp 3 nhân viên y tế không mặc đồ bảo hộ do họ là bệnh nhân (BN) Covid-19 đang tập trung chăm sóc cho những BN nặng. Với chiếc khẩu trang N95 và tấm che giọt bắn, bộ đồ phòng mổ đơn giản hoặc bộ pyjama BN, thao tác của họ cũng tràn đầy năng lượng như bất kỳ nhân viên y tế khác, cùng đồng đội gánh vác đủ loại công việc.

Không thể ngồi yên

TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, bày tỏ ông rất cảm phục các nhân viên của mình, từ việc đồng lòng tách đôi BV, lập khu điều trị Covid-19 đến xung phong vào làm việc trực tiếp ở nơi có độ rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 cao và đáng trân trọng những người từng là F0 xin nhập viện chỉ để được tiếp tục làm việc, chăm sóc các BN Covid-19.

Vì sự sống bệnh nhân Covid-19 (*): Chiến binh F0 giữa ICU - Ảnh 1.

“Chiến binh F0” Tô Trung Tính đang tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại ICU của Bệnh viện 1A (TP HCM)

Bác sĩ (BS) Trần Thị Ngọc Mỹ từ Khoa Nội tim mạch, một trong những người tôi gặp gỡ ở Khoa A2 khu điều trị Covid-19, cho biết thời điểm đó, chị đã mắc bệnh đến ngày thứ 9, do bệnh nhẹ, vẫn khỏe nên chị tự nguyện làm việc cùng đồng đội. Đối với các F0 là nhân viên y tế, BV khuyên nghỉ ngơi nhiều hơn, không giao công việc cụ thể, họ chỉ làm việc khi bản thân thấy có thể làm được. Dù vậy, suốt thời gian đến khoa thực hiện bài viết, chúng tôi chứng kiến 3 người đều làm việc rất hăng hái.

"Tôi chỉ có triệu chứng nhẹ, ho, sổ mũi, đau họng, mất khứu giác nhưng nay đã khỏe. Lãnh đạo yêu cầu tôi hạn chế làm việc nhưng khi công việc khẩn cấp, BN trở nặng, tôi không nỡ ngồi yên mà ra hỗ trợ đồng đội" - BS Ngọc Mỹ bộc bạch. "Tôi đã là F0 7 ngày và không có triệu chứng. Trước đó, tôi đã được tiêm 2 mũi vắc-xin. Tuần trước, ngay sau ca trực, phát hiện dương tính nhưng tôi xin nhập viện để tiếp tục hỗ trợ đồng nghiệp vì BN vào nhiều. Do trước đây tôi thuộc bộ phận điều trị hồi sức ở phòng bệnh nặng của Khoa Nội thần kinh vốn rất áp lực nên nay chỉ cần giảm cường độ làm việc một chút thì cũng không sao" - BS Đỗ Văn Thịnh nói.

Người phụ nữ trong bộ pyjama BN đang cùng một nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ đẩy băng ca chở một BN nặng làm tôi chú ý. Chị tên Đặng Phạm Hương Lan, một điều dưỡng của Khoa Cấp cứu. Đã quen làm việc với áp lực cao, chị Lan cũng là người không chịu nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Chị cho biết bản thân thấy khỏe và nghĩ rằng giúp được đồng đội chừng nào hay chừng đó, như thay tã, cho BN ăn... vốn chiếm rất nhiều thời gian của các điều dưỡng vì BN Covid-19 không có người nhà bên cạnh.

Hồi sinh từ ICU để trở về... ICU

Một trong những BN đầu tiên ở ICU của Khoa Điều trị Covid-19 BV 1A (TP HCM) là anh Tô Trung Tính, một cử nhân gây mê hồi sức còn khá trẻ. "Dù tuổi còn trẻ nhưng do người nặng cân nên khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh anh Tính trở nặng. Để giúp anh thoát khỏi cơn bão Cytokine, tôi đã phải dùng tới 2 lọ Actemra (loại thuốc kháng virus hiện đã "đứt hàng" ở nhiều quốc gia - PV)" - TS-BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV 1A, kể lại thời điểm điều trị cho anh Tính. "Cơn bão Cytokine" là hiện tượng hệ miễn dịch "nổi loạn", tự tấn công các cơ quan trong cơ thể và có thể khiến BN suy đa cơ quan, hay gặp ở những BN Covid-19 thừa cân, béo phì và cũng là thứ từng quật ngã phi công người Anh - BN 91.

Gặp tôi vào lúc nghỉ giữa ca, anh Tính kể: "Thời gian đầu, tôi không hô hấp được bình thường, rồi không thể đi lại, phải thở bằng mặt nạ ôxy kèm túi khí lên tới 15 lít/phút". Nhờ điều trị tích cực, anh Tính vượt qua cơn sinh tử nhưng vẫn rất mệt mỏi nhiều ngày sau đó. Tuy nhiên, khi cảm thấy "hơi khỏe", anh lại... đòi làm việc, dù người thân, đồng nghiệp rất lo lắng, sợ anh quá sức. "Tôi không thể làm nhiều như mọi người nhưng không muốn nằm nghỉ trong lúc đồng nghiệp vất vả nên tham gia hỗ trợ. Khi nào mệt thì mình nghỉ" - anh nói.

TS-BS Đỗ Trọng Ánh cho biết ông từng bắt gặp nhân viên trẻ tuổi này nằm ngủ ngoài ghế đá. Với sức trẻ và nhiệt tâm, Tính đã tự "phục hồi chức năng" bằng công việc ngay tại buồng ICU đã hồi sinh anh. Một "cựu F0" khác của BV 1A là BS Nguyễn Xuân Đoàn từ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, không may thành F0 cùng một đợt với anh Tính. Tuy bệnh nhẹ nhưng BS Đoàn cũng có triệu chứng, người mệt mỏi. Dù vậy, nghĩ là người có bệnh vào khu điều trị thì sẽ an toàn hơn so với đồng đội nên BS Đoàn cũng xung phong làm việc tại Khoa Điều trị Covid-19.

Cũng tại đây, tôi gặp hộ lý Nguyễn Thị Thúy đang lau hành lang trong bộ thường phục vì bản thân chị là F0. Chị nói một cách thuần hậu: "Làm như thế này, tôi thấy khỏe hơn nhiều so với việc ngồi yên một chỗ". 

(*)Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-9

Kỳ tới: Tình nguyện lập khu điều trị

Trả ơn cuộc đời

Không phải nhân viên y tế, cô gái 18 tuổi Ngô Gia Kỳ cũng dốc sức như một điều dưỡng thực thụ giữa khu hồi sức cấp cứu "tầng 3" của BV Dã chiến Điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình. Là F0 vừa khỏe lại, đọc được lời kêu gọi của BV Thống Nhất, Gia Kỳ tình nguyện vào làm việc ở khu bệnh nặng và nguy kịch do BV này phụ trách. "Ba tôi cũng là BN Covid-19 có bệnh nền nhưng đã khỏi bệnh nên tôi muốn cống hiến chút sức lực để trả ơn" - cô gái trẻ bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo