xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ thủy điện đe dọa nhiều tỉnh: Không dễ rõ địa chỉ trách nhiệm!

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Van xả nhà máy thủy điện Đắk Kar đã vận hành được trở lại vào tối 10-8 nhưng chỉ xả có mức độ để tránh ngập lụt cho hạ du

Tối 10-8, ông Chu Văn Quyền - Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Kar, chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Đắk Kar, tỉnh Đắk Nông - cho biết đã vận hành được van cửa xả của nhà máy thủy điện này và theo yêu cầu của cơ quan chức năng, hiện chỉ xả nước từ 80 đến 100 m3/giây để tránh ngập lụt cho vùng hạ du. Van xả nước của đập thủy điện vẫn còn kẹt. Lực lượng của công ty vẫn đang tìm các phương án nâng cửa xả để giảm mực nước trong hồ.

Chưa thể khắc phục

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cũng cho biết sau khi tiếp nhận thông báo việc xả nước từ Nhà máy Thủy điện Đắk Kar, lực lượng chức năng đã thông báo cho 4 xã vùng hạ du để người dân nắm vì việc xả nước chắc chắn sẽ gây ngập cho khu vực này.

Trong ngày, trên lưu vực hồ Nhà máy Thủy điện Đắk Kar mưa vẫn liên tục, nước vẫn đổ về hồ. Trên thân đập, hàng chục nhân viên nhà máy tìm phương án nâng cửa xả. Nước thoát ra từ đường ống áp suất, cửa xả đáy và một phần cửa xả chính (đang bị kẹt) làm mực nước trong lòng hồ giảm được một ít.

Liên quan vụ việc, chiều cùng ngày, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM đã liên hệ với Báo Người Lao Động nhờ kết nối với Nhà máy Thủy điện Đắk Kar nhằm hỗ trợ hút nước xả lũ. Theo đó, công ty sẽ cho mượn 6 máy bơm loại lớn với công suất hơn 20.000 m3/giờ để hút nước từ hồ thủy điện. Tuy nhiên, ông Chu Văn Quyền cho biết hiện nước trong hồ đã xuống một ít và với công suất như thế thì không thấm vào đâu nên từ chối nhận hỗ trợ.

Cùng ngày, ông Đinh Xuân Nhơn, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đắk Sin 1 (xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), thừa nhận vẫn chưa thể tiếp cận nhà máy này vì mưa lớn và tuyến đường đi vào bị sạt lở, chia cắt. Theo đó, trong lúc vận hành, Nhà máy Thủy điện Đắk Sin 1 bị vỡ một đoạn đường ống áp suất khiến nước chảy ra gây ngập. Trong khi đó, hệ thống đường giao thông dẫn vào nhà máy một đoạn dài khoảng 5 km xảy ra nhiều điểm sạt lở, đất đá đổ lên đường nên không tiếp cận được.

Cũng theo ông Nhơn, hiện khu vực nhà máy mưa quá lớn nên công tác khắc phục gặp khó khăn. Với tình hình này, phải chờ dứt mưa mới khắc phục được nên chưa biết khi nào nhà máy mới có thể hoạt động lại. Hiện nhà máy xả lũ với lưu lượng khoảng 120 m3/giây.

Vụ thủy điện đe dọa nhiều tỉnh: Không dễ rõ địa chỉ trách nhiệm! - Ảnh 1.

Cửa van xả của thủy điện Đắk Kar đã vận hành được vào tối 10-8

Đùn đẩy trách nhiệm?

Ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, cho biết đã cử đoàn đi giám sát các công trình thủy điện trên địa bàn, cơ bản các thủy điện vẫn an toàn, nước đang rút.

Nói về việc chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đắk Kar chậm báo cho cơ quan chức năng để phối hợp khắc phục sự cố, ông Thành nhìn nhận chủ đầu tư có báo cáo nhưng họ chưa tính đến phương án xử lý sự cố đột xuất, thời tiết diễn biến phức tạp.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước để xảy ra sự cố, ông Thành cho rằng hiện nay do ứng phó với mưa lũ, xử lý các tình huống xảy ra nên chưa xem xét về trách nhiệm. Sau đợt này, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông sẽ báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Nông để xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan.

"Nhà máy Thủy điện Đắk Kar nằm ở tỉnh Bình Phước. Tỉnh Đắk Nông chỉ có cơ chế phối hợp chứ trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước" - ông Thành nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), lại khẳng định Nhà máy Thủy điện Đắk Kar thuộc tỉnh Đắk Nông.

"Anh hỏi tôi mưa vừa rồi ảnh hưởng thế nào đến Bù Đăng chứ Nhà máy Thủy điện Đắk Kar là của tỉnh Đắk Nông, Bù Đăng không có xía vào được đâu" - ông Bình nhấn mạnh. Về việc bảo đảm đời sống cho người dân bị di dời, ông Bình trả lời: "Bây giờ, những người dân nằm trong vùng trũng, vùng có khả năng dâng nước thì chúng tôi di dời. Hộ nào bị chia cắt, không có lương thực thì mới tiếp lương thực chứ".

Để làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước. Theo ông Hoàng, Nhà máy Thủy điện Đắk Kar liên quan đến 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước nên Bộ Công Thương cấp phép và sẽ cử người đứng ra quản lý; Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cũng có trách nhiệm liên quan đến việc xảy ra sự cố. Hiện nay, Nhà máy Thủy điện Đắk Kar đang trong giai đoạn thi công, chưa được nghiệm thu, vận hành.

"Sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi sẽ rà soát lại trách nhiệm quản lý, quá trình ứng phó sự cố như thế nào, trách nhiệm quản lý làm sao để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để ứng phó không chỉ riêng Nhà máy Thủy điện Đắk Kar mà còn nhiều thủy điện khác trên địa bàn" - ông Hoàng cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lòng hồ Nhà máy Thủy điện Đắk Kar thuộc huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) và huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), đập dâng nằm trên suối Đắk Kar (ranh giới tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước), nhà máy phát điện nằm tỉnh Bình Phước.

Tránh xả cấp tập

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khu vực Tây Nguyên có tổng cộng 1.207 hồ chứa thủy lợi (171 hồ chứa lớn, 1.036 hồ chứa vừa và nhỏ). Trong đó, 41 hồ chứa hư hỏng, chưa có nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp và gần 100 hồ chứa đang sửa chữa, đề nghị các tỉnh cần lưu ý.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết đã đề nghị các địa phương rà soát tổng thể hiện trạng an toàn các hồ chứa. Đối với các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, địa phương phải bố trí lực lượng 24/24 giờ để phát hiện sự cố và ứng phó kịp thời. Đồng thời, chủ động bố trí kinh phí sửa chữa ngay, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm nay. Riêng các hồ chứa lớn phải kiểm tra lại hệ thống xả lũ, vận hành thử, thường xuyên theo dõi lượng nước về hồ để có phương án xả lũ, tránh xả cấp tập ảnh hướng đến người dân vùng hạ du. 

Lũ ở Đồng Nai đã rút

Ngày 10-8, lũ trên sông Đồng Nai, đoạn qua tỉnh Đồng Nai, đã xuống thấp, công tác khắc phục hậu quả bắt đầu được triển khai.

Ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, cho biết lượng mưa phía thượng nguồn sông Đồng Nai đã giảm, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 đã ngừng xả tràn và Nhà máy Thủy điện Đắk Kar xả nước lưu lượng ổn định nên mực nước sông Đồng Nai hạ thấp khoảng gần 1 m so chiều 9-8. Theo thống kê của tỉnh Đồng Nai, trong những ngày qua, lũ gây ngập nhiều xã thuộc 2 huyện Tân Phú và Định Quán, một người bị lũ cuốn trôi mất tích; nhiều gia súc, gia cầm bị chết; 99 bè cá của 14 hộ dân nuôi cá bị cuốn trôi.

Trong ngày 10-8, lực lượng chức năng đã giải cứu thành công 6 người dân mắc kẹt trên cù lao Ba Lềnh, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán do cầu treo dân sinh tại ấp 8, xã Thanh Sơn bị lũ làm gãy.

Trước đó, do mưa lớn kéo dài kèm theo việc xả lũ của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 (khoảng 450 m³/giây) và Nhà máy Thủy điện Đắk Kar (khoảng 70-80m³/giây), nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn đã làm nước sông Đồng Nai dâng cao khiến hàng trăm ngôi nhà, tài sản, cây cối và các tuyến giao thông tại một số xã ở 2 huyện Định Quán, Tân Phú ngập sâu trong nước.

X.Hoàng


Lũ rút, Phú Quốc sạt lở nghiêm trọng

Ngày 10-8, sau khi nước lũ rút tại một số đoạn đường thuộc thị trấn Dương Đông, xã Cửa Dương, xã Dương Tơ của huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã lộ ra nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân.

Tại đường Trần Phú (thuộc khu phố 3, thị trấn Dương Đông), nước chảy làm sạt lở gần 100 m đường, nhiều đoạn hư hỏng nặng. Nước chảy cũng làm đứt hơn 50 m dây điện chiếu sáng và cáp viễn thông. Đoạn đường nối thị trấn Dương Đông - Bãi Thơm (thuộc ấp Cây Thông Ngoài) do nước chảy quá mạnh đã khoét sâu hơn 10 m đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên đường này. Nước lũ chảy xiết còn cuốn trôi hàng chục mét khối đất đá ra biển, làm cắt đứt đường nối cảng quốc tế Dương Đông thành 2 đoạn.

4-hình-box-2-trang-4

Một đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng ở Phú Quốc, ngày 10-8

Trong sáng cùng ngày, UBND huyện Phú Quốc đã chỉ đạo Hạt Quản lý đường bộ huy động phương tiện chở đất, cát đến lấp những đoạn đường bị sạt lở để người dân đi lại dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Minh Đông, Giám đốc Cảng vụ Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, xác nhận trong mấy ngày mưa bão vừa qua, tại sân bay này không có tình trạng hành khách bị kẹt lại, chỉ có một số hãng chậm chuyến nhưng đến 20 giờ ngày 9-8 đã khai thác trở lại.

Tin-ảnh: H.Tuấn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo