xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vùng ven đua nhau bứt phá

TRƯỜNG HOÀNG

Nói về sự đổi thay ở TP HCM trong những năm vừa qua thì hẳn phải kể đến các quận, huyện vùng ven với bộ mặt đô thị ngày càng sầm uất, đời sống người dân được nâng cao từng ngày

Những ngày cuối tháng 9-2020, có dịp trở lại huyện Nhà Bè, TP HCM, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay ở đây. Nếu như năm 2015, huyện Nhà Bè còn "ẩn mình" bên những con đường nhỏ hẹp thì nay đã "hiện nguyên hình" là một đô thị với tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt.

"Đi xa chỉ một tháng, về đã thấy khác"

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là hàng loạt con đường được nâng cấp, mở rộng, theo sau đó là các chung cư với đầy đủ tiện ích hình thành. Trường học và các công trình phúc lợi công cộng thì vô cùng khang trang, sạch đẹp…

Hẹn gặp chúng tôi ở một quán nước bề thế trên đường Nguyễn Văn Tạo nối dài thuộc xã Long Thới, ông Nguyễn Văn Hóa (cán bộ hưu trí ngành giao thông) không ngừng điểm danh các cung đường khai phóng cho đô thị Nhà Bè. Con đường Nguyễn Văn Tạo nơi ông sinh sống giờ nhà nào cũng khang trang, làm gì cũng ra tiền; đường Phan Văn Bảy (xã Hiệp Phước) nhà nhà đua nhau xây sửa…

"Nhiều lắm, kể không hết. Tôi dám khẳng định ở Nhà Bè giờ chỉ cần đi xa tầm một tháng trở về là đã không nhận ra rồi" - ông Hóa đánh giá. Theo ông, nếu không tin thì đến cuối năm 2020, chúng tôi tới Nhà Bè thì bảo đảm sẽ không nhận ra, dù thời gian chỉ hơn 2 tháng.

Khẳng định của ông Hóa nghe qua có vẻ hơi cường điệu nhưng thực tế lại sát với các kế hoạch về phát triển hạ tầng, đô thị của huyện Nhà Bè đề ra trong thời gian tới. Cụ thể, huyện Nhà Bè đang chuẩn bị mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ từ 4 làn lên 6 - 8 làn xe; xây dựng cầu số 1, cầu số 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm; trục đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng thêm 15 m và cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm sẽ được khởi công xây dựng. Đặc biệt, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ với vốn đầu tư hơn 830 tỉ đồng đã khởi công giai đoạn 1, công trình sẽ thúc đẩy việc kết nối toàn TP thông qua sự kết hợp giữa các trục Bắc - Nam và Đông - Tây.

Còn ở thị trấn Nhà Bè thì xem ra hiện đã bắt đầu vượt quy mô của một thị trấn thông thường. "Nói thiệt, nếu so thị trấn Nhà Bè với thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nơi quê chồng tôi thì hẳn thị xã này khó bề sánh nổi. Ở đây, giao thông thuận lợi, các khu dân cư bề thế, quy mô kinh doanh mua bán cao hơn nhiều" - bà Nguyễn Thị Thu (ngụ thị trấn Nhà Bè) so sánh.

Theo bà Thu, sướng nhất bây giờ là đường sá thênh thang. Bởi khi xưa, muốn qua Nhà Bè chỉ có liên Tỉnh lộ 15, mà đường chỉ có vài đoạn, còn lại phải đi đò… Nay thì đường đếm không xuể. "Nhà Bè lớn nhanh như Thánh Gióng là vì đây chứ đâu" - bà Thu nói.

Theo ông Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nhà Bè, để có được sự đổi thay trên, 5 năm qua, địa phương đã huy động và sử dụng nhiều nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 3.217.627 tỉ đồng. Riêng chương trình đường giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã hoàn thành 74 công trình với tổng số vốn gần 457 tỉ đồng.

"Các công trình đầu tư đều mang tính cấp thiết nên đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, làm thay đổi diện mạo của huyện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân" - ông Phạm Minh Huấn nhìn nhận.

Sầm uất cửa hàng, cửa hiệu

Trở lại câu chuyện "giờ làm gì cũng ra tiền" của ông Nguyễn Văn Hóa, ông cho rằng đó là thực tế đang diễn ra ở Nhà Bè. "Đường sá được mở mang, xây mới; các khu dân cư, chung cư, công ty, xí nghiệp mọc lên nhiều thì hiển nhiên việc mua bán, kinh doanh tại nhà đang là ưu tiên số 1 của cư dân ở Nhà Bè" - ông phân tích.

Ông Hóa kể gia đình ông ở xã Long Hòa, trước đây có mảnh đất chỉ để trồng rau, nuôi gà thì nay đã là khu phòng trọ với hơn chục phòng cùng cửa hàng tạp hóa, mỗi tháng thu về không dưới 15 triệu đồng. "Số tiền này cộng với lương hưu thì 2 vợ chồng già tôi có thể nói là rủng rỉnh" - ông Hóa khoe.

Vùng ven đua nhau bứt phá - Ảnh 1.

Đô thị Nhà Bè ngày càng khang trang Ảnh: TẤN THẠNH

Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến nay các xã ở Nhà Bè đều đạt 19/19 tiêu chí, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn và đời sống mọi mặt của người dân.

Ông HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè

Không chỉ gia đình ông Hóa đang "rủng rỉnh" nhờ cho thuê phòng trọ và bán tạp hóa, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Tạo hay Phan Văn Bảy, theo quan sát, gần như nhà nào giờ cũng là cửa hàng, cửa hiệu. "Trước còn chạy ăn từng bữa, nay khác xa rồi" - bà Nguyễn Thị Lụa (nhà trên đường Phan Văn Bảy, xã Hiệp Phước) vừa gặp chúng tôi đã khoe. Bà Lụa nói giờ bà không làm vườn nữa mà đang cùng với người con mở cửa tiệm rửa xe, bình quân thu được khoảng 500.000 đồng/ngày. "Giờ tôi thành hộ kinh doanh rồi nhé" - bà Lụa nửa đùa nửa thật.

Có được kết quả trên, theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngoài hạ tầng được nâng bậc thì việc quyết liệt trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã đem lại cho Nhà Bè sự tăng trưởng ổn định. "Trong nhiệm kỳ vừa qua, các ngành kinh tế của huyện tăng trưởng khá nhanh với mức bình quân 12% - 12,2%. Trong đó, ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 12,53%" - Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè thông tin.

Ông Hoàng Tùng phân tích số doanh nghiệp và hộ kinh doanh đang tăng cao cả về số lượng và vốn đăng ký hoạt động. Theo đó, hiện trên địa bàn có hơn 4.200 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ 31.331 tỉ đồng. Hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích phát triển nhanh, đã hình thành một số siêu thị của các thương hiệu lớn; kinh tế hợp tác xã được củng cố. Hiện toàn huyện có 16 hợp tác xã, tổng số vốn điều lệ 13,14 tỉ đồng.

Những gợi ý đột phá từ Bí thư Thành ủy TP HCM

Với những gì đang diễn ra, theo Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, việc địa phương xác định khai thác mọi nguồn lực xây dựng Nhà Bè trở thành quận có cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ - công nghiệp là chủ yếu đã tương đối thuận lợi.

Ông Hoàng Tùng lạc quan cũng đúng bởi huyện Nhà Bè đã nhận được khá nhiều gợi ý cho mục tiêu lên quận từ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân. Bí thư Thành ủy đã đề nghị huyện Nhà Bè chủ động phối hợp với các cơ quan TP xem xét điều chỉnh các quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhiệm vụ cấp thiết là điều chỉnh quy hoạch chung của huyện theo quy hoạch chung của TP, từ đó rà soát điều chỉnh các quy hoạch không khả thi để tạo điều kiện phát triển phù hợp theo 5 tiêu chí trở thành quận. Đó là tiêu chí về đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng (hiện đạt gần 412.000 m2, phấn đấu đạt gấp 2,7 lần); tiêu chí về đất xây dựng công trình công cộng cấp đơn vị ở (hiện đạt gần 77.000 m2, phấn đấu đạt gấp 5,4 lần so với hiện nay); tiêu chí về cơ sở y tế cấp đô thị (khả năng đến năm 2025 chỉ đạt 300 giường bệnh, theo quy mô dân số 300.000 dân phải đạt trên 700 giường bệnh); tiêu chí về mật độ đường giao thông đô thị (hiện chỉ đạt 446 km trên diện tích 100 km2, phấn đấu đạt gấp 2,3 lần hiện nay); tiêu chí về đất cây xanh công cộng trên địa bàn..

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng định hướng phát triển kinh tế của huyện theo hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp là hợp lý. Vì thế, huyện cần chuẩn bị các phương án để tận dụng lợi thế của cảng biển gắn với khu đô thị cảng Hiệp Phước, hình thành các khu dịch vụ - thương mại phục vụ các doanh nghiệp; tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch tạo động lực thu hút nhà đầu tư phát triển các loại hình thương mại hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, ngân hàng)…

Những mục tiêu cụ thể

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Nhà Bè đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm các ngành kinh tế là 12%. Trong đó, ngành thương mại, dịch vụ tăng 12,5%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 10,5% và nông - lâm - thủy sản tăng 0,7%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, Nhà Bè quyết liệt thực hiện 3 chương trình trọng điểm: Chương trình xây dựng đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính giai đoạn 2020 - 2025, chương trình phát triển đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, chương trình xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2020 - 2025.

Kỳ tới: Hóc Môn - ngày lên quận không xa

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo