xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vườn cây đặc biệt giữa lòng phố biển Quy Nhơn

Anh Tú

(NLĐO) – Tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện có một “tác phẩm” đặc biệt. Đó là Vườn cây Nobel – nơi ghi dấu ấn các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới từng đặt chân đến.

Chuyện về cây hoa sứ trắng

Nằm yên bình, trầm mặc giữa thung lũng rộng hơn 18 ha cạnh bờ biển Quy Nhơn, ICISE do vợ chồng GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) - GS Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp, đầu tư xây dựng nhằm giao lưu trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các nước, tổ chức đào tạo chuyên ngành, cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ và dịch vụ liên quan.

Vườn cây đặc biệt giữa lòng phố biển Quy Nhơn - Ảnh 1.

Cây hoa sứ trắng do cố GS danh tiếng người Mỹ gốc Do Thái Jack Steinberger trồng trong Vườn cây Nobel

Những năm qua, ICISE đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều người đoạt giải Nobel. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, ICISE đã trở thành "hạt nhân" phát triển khoa học và là điểm đến của các nhà khoa học thế giới.

Đến thăm không gian ICISE tuyệt đẹp ấy, không ai có thể bỏ qua Vườn cây Nobel. Người trồng cây đầu tiên trong Vườn cây Nobel vào năm 2013 là cố GS danh tiếng người Mỹ gốc Do Thái Jack Steinberger (1921 - 2020), đoạt giải Nobel Vật lý năm 1988.

Cây hoa sứ trắng do chính tay GS Jack Steinberger trồng vẫn đang phát triển tốt, xanh tươi và nở hoa rất đẹp, thơm ngát. Nói về lý do trồng hoa sứ trắng, thời điểm đó, GS Jack Steinberger cho rằng cây này tượng trưng cho tình yêu vô tư và sự khởi đầu hanh thông.

Vị GS đáng kính này từng tham dự chương trình Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức lần đầu vào năm 1993 tại Hà Nội theo lời mời của GS Trần Thanh Vân. Thời điểm này, Việt Nam và Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ. Thế nhưng, ngay khi đặt chân đến Việt Nam, GS Jack Steinberger vẫn dành cho Việt Nam tình cảm hết sức đặc biệt.

Vườn cây đặc biệt giữa lòng phố biển Quy Nhơn - Ảnh 2.

GS Gerard't Hooft cùng phu nhân trồng cây lưu niệm tại Vườn cây Nobel

Sau khi về nước, GS Jack Steinberger đã viết một lá thư đề nghị Mỹ xóa bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Trước khi gửi đến Nhà Trắng vào tháng 12-1993, ông gửi lá thư cho GS Vân đọc. Một tháng sau (tháng 1-1994), Văn phòng Nhà Trắng có thư hồi đáp rằng Tổng thống đã nhận được.

Ngày 3-2-1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa 2 quốc gia.

Dấu ấn của các nhà khoa học danh tiếng

Trở lại Vườn cây Nobel vào một ngày đầu năm 2023, chúng tôi gặp một đoàn du khách đến từ Hà Nội đang thả từng bước chân trên thảm cỏ len lỏi vào những hàng cây hoa sứ, tùng La Hán xanh mướt. 

"Ở trong Vườn cây Nobel, tôi có cảm giác rất thoải mái, yên bình. Mỗi sớm mai hoặc chiều muộn được ngồi dưới tán cây đọc sách, tìm hiểu tư liệu nghiên cứu sẽ vô cùng tuyệt vời" – anh Nguyễn Văn Thời (một thành viên trong đoàn du khách) nhận xét.

Vườn cây đặc biệt giữa lòng phố biển Quy Nhơn - Ảnh 3.

GS Duncan Haldane (bên trái) - giải thưởng Nobel vật lý năm 2016, hiện giảng dạy tại Trường đại học Princeton, Mỹ - trồng cây xanh lưu niệm tại Vườn cây Nobel

Theo ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, sau 2 năm kể từ khi GS Jack Steinberger trồng cây hoa sứ trắng tại ICISE, cuối năm 2015, sở đã có văn bản xin chủ trương về việc trồng vườn cây lưu niệm dành cho các nhà khoa học đoạt giải Nobel tại khu vực này. Sau đó không lâu, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản thống nhất chủ trương thành lập Vườn cây Nobel trên khu đất có diện tích gần 900 m2 trong khuôn viên ICISE.

TS Trần Thanh Sơn - Phó Giám đốc ICISE - cho biết loại cây được trồng trong Vườn cây Nobel chủ yếu là hoa sứ, vạn niên tùng và thần tài núi có thân nhỏ, thấp, tán lá sum suê. Các nhà khoa học thường có lối sống giản dị. Vì vậy, họ chọn cây thân nhỏ, cứng cáp để trồng lưu niệm. Họ mong muốn Vườn cây Nobel nơi này sẽ là niềm cảm hứng, khơi dậy tình yêu khoa học cho các bạn trẻ mỗi khi đến đây.

"Chúng tôi dành một phần diện tích để lập nên Vườn cây Nobel với mong muốn các nhà khoa học đoạt giải Nobel, các nhà khoa học nổi tiếng từng được trao giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới khi đến với ICISE thì trồng một cây xanh lưu niệm ở đây. Điều đó sẽ rất tốt, khi chúng ta đã tạo cho họ có cảm giác gần gũi như đang sinh sống trên chính quốc gia của mình, đồng thời giữ mối liên hệ của họ với TP Quy Nhơn và ICISE" - TS Sơn nhìn nhận.

Vườn cây đặc biệt giữa lòng phố biển Quy Nhơn - Ảnh 4.

Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Vườn cây Nobel

Theo GS Trần Thanh Vân, từ lúc thành lập ICISE đến nay, 16 giáo sư đoạt giải Nobel và giải thưởng Fields (toán học) đã trồng cây lưu niệm tại Vườn cây Nobel. Ngoài ra, xung quanh khu vườn có hàng chục loài cây xanh khác do lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành Trung ương… trồng lưu niệm, góp phần tạo nên một không gian thư thái đặc biệt cho ICISE.

"Đối với một trung tâm khoa học, cảnh quan đặc biệt quan trọng và Vườn cây Nobel là một phần trong cảnh quan chung của ICISE. Đó là chưa kể, các nhà khoa học thường muốn chọn nơi yên tĩnh để trao đổi học thuật, suy ngẫm, thư giãn nhằm tìm kiếm ý tưởng nghiên cứu mới, không bị tác động bởi các mối quan hệ hay cuộc sống xã hội như nơi trung tâm phố thị. Không gian cây xanh, khung cảnh yên bình là một lợi thế để khơi sáng ý tưởng" - GS Vân cho hay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo