xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vượt lên nỗi đau do đại dịch Covid-19

Ý Linh

Tận cùng bi thương nhưng nhiều gia đình của các bệnh nhân mất vì Covid-19 đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, hướng về cuộc sống phía trước

Khoảnh khắc đoàn viên, Chương (15 tuổi), Bằng (14 tuổi) ôm lấy 2 em gái Trân (8 tuổi), Ngọc (3 tuổi) giàn giụa nước mắt. Bốn đứa trẻ là anh em cùng mẹ khác cha. Biến cố gia đình ập xuống khi lần lượt chú (cách các em gọi cha dượng) và mẹ - chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, người dì ruột của các em cùng "vú nuôi" đều không qua khỏi do dịch Covid-19. Trước biến cố quá lớn của gia đình, bà ngoại già yếu cũng suy sụp rồi qua đời không lâu sau đó.

Tổ ấm thứ 2

Lúc này, Chương và Bằng cũng trở thành F0. Sợ 2 cháu gái cũng nhiễm bệnh, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (cậu mợ của các em) gạt nước mắt, đưa Trân và Ngọc về huyện Nhà Bè để chăm sóc. Trong một lần chúng tôi ghé thăm gia đình, chị Phúc cho biết vợ chồng chị dự định về quận 4, nhà cũ của vợ chồng chị Lệ, để tiện chăm sóc cho 4 cháu vì Chương và Bằng không chịu rời nhà cũ. Căn nhà hiện tại, vợ chồng chị sẽ bán đi để dành dụm lo các cháu tiếp tục ăn học.

Đầu tháng 11, sau những ngày dài TP HCM thực hiện siết chặt giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, vợ chồng chị Phúc cùng con gái đang học năm 2 đại học chính thức cùng Trân và Ngọc về căn nhà nằm trên đường Tôn Đản, quận 4 đoàn viên cùng Bằng và Chương.

Chúng tôi đến thăm, chị Phúc đang cùng con và các cháu tổ chức sinh nhật chồng chị. Bữa tiệc đơn giản chỉ gồm vài món ăn nhanh và chiếc bánh kem do con gái chị đặt nhưng nghe tiếng cười giòn tan và niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt các cháu, chị hồ hởi: "Không còn hạnh phúc nào bằng".

Những ngày đại dịch như cơn ác mộng. Chị Lệ và chồng buôn bán quần áo tại quận 1 (TP HCM). Những ngày đầu tháng 6, một tháng trước khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, vợ chồng chị Lệ cùng vài người quen sống xung quanh thường thức khuya, dậy sớm, mỗi ngày nấu hơn 100 phần cơm thịt kho để phát miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư, tài xế xe ôm thất nghiệp do dịch bệnh. Tất cả chi phí đều do vợ chồng chị tự bỏ ra. Lo những gia đình bị cách ly, phong tỏa thiếu thốn lương thực, chồng chị khoác bộ áo bảo hộ lên người rồi mang gạo, thức ăn đến tận nơi để phát miễn phí.

Thời điểm này dịch bệnh đang tăng nhanh nhưng thấy vợ chồng chị Lệ lăn xả, vợ chồng chị Phúc khuyên em cẩn thận vì còn 4 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. "Nhưng vợ chồng nó thấy người ta tội nghiệp, không bỏ được" - chị Phúc nói. Mấy ngày sau đó, vợ chồng chị Lệ phát hiện mắc Covid-19. Sau thời gian điều trị, cả hai đều không qua khỏi.

Đón 2 cháu từ quận 4 về huyện Nhà Bè, chị Phúc ôm chầm các bé nức nở: "Cậu mợ sẽ nuôi 2 con khôn lớn. Từ nay, 2 con gọi cậu, mợ là ba, mẹ". Gặp lại chị sau gần 1 tháng, câu chuyện của chúng tôi đã không còn những tiếng khóc nghẹn của chị. Thay vào đó, chị nói nhiều về sự thay đổi và trưởng thành hơn của các cháu.

Vượt lên nỗi đau do đại dịch Covid-19  - Ảnh 1.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Phúc và 4 cháu Chương, Bằng, Trân, Ngọc quây quần trong buổi tiệc sinh nhật Ảnh: Ý LINH

Bằng trái tim yêu thương của người mẹ, người mợ, chị Phúc cảm nhận những thay đổi trong tâm lý của các cháu sau những biến cố dồn dập đến với gia đình. Chị chia sẻ lo lắng nhất là Chương, bởi em vốn trầm tính thì sau đó càng ít nói và khó mở lòng chia sẻ hơn. Lo cháu có dấu hiệu trầm cảm, chị dành gần hết thời gian của mình để nói chuyện cùng Chương. Dần dần Chương đã vui vẻ, hoạt bát hơn.

23 giờ mà 4, 5 đứa cùng kéo vào phòng của vợ chồng chị vui đùa, kể đủ chuyện trên trời dưới đất, chị buồn ngủ ríu mắt nhưng vẫn ráng ngồi nghe tụi nhỏ nói chuyện. Chị biết đây là giai đoạn rất khó khăn của tụi nhỏ nên phải cùng các cháu vượt qua. Chị cũng nói với tụi nhỏ: "Cậu mợ không có nhiều tiền nhưng cậu mợ về đây vì thương các con. Cậu mợ sẽ thay ba mẹ nuôi dưỡng các con đến khi các con đủ lớn để tự lo cho mình".

Chuyện nhà anh Cường "béo"

Thời gian qua, những người biết đến Cường "béo" (tên thật là Vũ Quốc Cường; SN 1975; ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM), một trong 18 cá nhân ở TP HCM được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen do có nhiều thành tích đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đã không khỏi xúc động xen lẫn sự biết ơn. Nhưng với những người quan tâm, lâu nay, "Cường béo" đã trở thành "thương hiệu" của sự tử tế bởi anh là tấm gương sáng, sống hết mình vì cộng đồng.

Chúng tôi hẹn gặp nhưng chị Tuyết Lan (vợ anh Cường) tỏ vẻ ái ngại. Chị nói: "Hồi còn sống, ổng - chồng chị, ngại báo chí lắm. Ổng nói mình làm việc thiện không cần thiết phải lên báo". Ngay hôm đó, chúng tôi đem ít trái cây đến thắp hương cho anh rồi nán lại với gia đình sau biến cố. Căn nhà bề ngang 3 m, vừa là nơi vợ chồng mở quán cơm xã hội 5.000 đồng vừa là nơi ở của vợ chồng anh cùng 3 con gái và người bác đã hơn 70 tuổi. Gần chục năm qua, quán cơm chay xã hội Cường "béo" đã trở thành địa chỉ quen thuộc để nhiều người lao động thu nhập thấp, sinh viên, học sinh... no bữa.

Vượt lên nỗi đau do đại dịch Covid-19  - Ảnh 2.

Anh Vũ Quốc Cường trong một dịp đi từ thiện. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Tình cờ, tại đây, chúng tôi gặp anh Hòa đến thắp hương cho anh Cường. Anh Hòa cẩn trọng mở bọc giấy được gói kỹ, lấy ra một bảng "Chú Đại Bi" khắc trên đá kèm vài tấm chân dung anh Cường do chính tay anh phục dựng, in ấn chỉn chu. 

Anh Hòa kể: "Hồi đó, mình làm việc gần đây, vài lần ghé ủng hộ quán cơm của chú Cường, thấy chú thích nên có tặng chú một bảng "Chú Đại Bi", lớn hơn tấm này. Sau đó, có người ghé quán cơm xin, chú cho luôn. Giờ tôi tặng chú tấm khác, dù hơi muộn". Nhận món quà của một khách hàng chưa kịp nhớ nổi đã gặp mặt từ khi nào, chị Tuyết Lan cởi mở: "Chắc ổng vui lắm!".

Những món quà bất ngờ như thế không phải là điều xa lạ đối với chị và người nhà. Ngày anh Cường còn sống, thi thoảng quán cơm của gia đình vẫn được nhiều khách lui tới giúp nhiều thứ do "quý cái tâm anh Cường". 

Nhìn quán cơm có nhiều thay đổi, anh Hòa nhắc chuyện ngày trước quán không có cửa, ngồi ăn cơm thì mồ hôi chảy ròng ròng vì nóng. Chị Lan tiếp lời: "Cửa và cả cái máy lạnh là do các nhà hảo tâm mang tới. Có máy lạnh, mình ngán tiền điện nhưng ổng cứ mở mỗi ngày cho khách tới ăn cơm cho mát mẻ" - chị Lan tâm sự.

Khi dịch bệnh bùng phát, anh Cường cùng bạn bè tiếp tục thành lập bếp cơm từ thiện để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Sau 2 tháng dấn thân tại nhiều "điểm nóng" dịch bệnh để thực hiện những hoạt động thiện nguyện, anh mắc Covid-19 rồi qua đời. Lúc này, cả gia đình anh đều dương tính, trừ con gái thứ 2 là sinh viên đang tham gia đội ngũ phòng chống dịch của thành phố. 

Những biến cố dồn dập ập đến, chồng đột ngột qua đời khi chị vừa lo hậu sự cho mẹ cũng mất do Covid-19, chị ngất xỉu ngay khi hay tin. Trong lúc chị mê man, người nhà chị nhận được tin báo của bác sĩ chuẩn bị tinh thần nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. Lúc này, các con chị gần như suy sụp, cả xóm nhỏ cũng trông ngóng tin tức chị từng ngày.

Chị Lan kể: "May lắm, không hiểu sao tôi thở lại rồi hồi phục. Nhưng lúc xuất viện về nhà, cả con hẻm vẫn còn giăng dây kín mít. Tôi đành ôm tro cốt của ổng đi ở nhờ nhà người quen". Nói đến đây, người phụ nữ mạnh mẽ trước mặt chúng tôi đưa mắt nhìn vô định. Vết thương trong lòng chị vẫn còn đó. Nhưng đối mặt với hiện tại, chị nở nụ cười như muốn giấu đi những giọt nước mắt đắng chát chực tuôn. "Qua hết rồi, bây giờ phải cố gắng sống vì các con, tụi nhỏ cần tôi" - chị mạnh mẽ.

Chị nói động lực lớn nhất hiện nay của chị là các con đều chăm ngoan, ngoài cô con gái đầu lòng đã lập gia đình, 3 con gái còn lại đều học rất giỏi. Chị dự định đến hết tháng này, khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, sẽ mở lại quán cơm chay xã hội bởi nhiều người lao động nghèo, người thu nhập thấp vẫn đang mong chờ.

Tâm sự với chúng tôi, chị thú thật ngày anh Cường còn sống, sau thời gian nấu nướng, phục vụ ở quán cơm, chiều tối chị thường đi phụ các cửa hàng xung quanh dọn dẹp để kiếm thêm thu nhập nên gần như không tham gia các hoạt động từ thiện khác của chồng. Tuy nhiên, đến bây giờ khi anh đã nằm xuống, chị mong sẽ duy trì được quán cơm và lớn hơn là duy trì thương hiệu Cường "béo" để ở nơi xa kia, anh mỉm cười mãn nguyện. 

Những niềm an ủi lớn

Chia sẻ về lá thư chia buồn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi cho gia đình, chị Tuyết Lan trải lòng: Khi nghe được thông tin từ báo, đài, chị đã không cầm được nước mắt. Bức thư là sự động viên, an ủi rất lớn giúp chị và các con có thêm động lực bước qua đau thương do dịch bệnh gây ra.

Chị Hồng Phúc cho hay ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người thân, các con chị còn nhận được sự chăm lo từ chính quyền địa phương như lần ghé thăm của Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải.

Chia sẻ với những mất mát, đau thương, động viên các cháu cố gắng vượt qua khó khăn, Phó Bí thư Nguyễn Hồ Hải khẳng định thành phố, địa phương sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ các em trong thời gian tới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo