xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xử lý tiếp bất cập của 5 trạm BOT

Văn Duẩn

Báo cáo Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định cơ bản những bất cập tại các trạm thu phí BOT đã được giải quyết

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình triển khai Nghị quyết của UBTVQH khóa XIV đối với một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Đóng cửa, di dời nhiều dự án

Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng, đến nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã huy động được 209.732 tỉ đồng đầu tư 68 dự án giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có 62 dự án BOT với tổng mức đầu tư là 189.452 tỉ đồng.

Hiệu quả to lớn của các dự án BOT đã rất rõ ràng nhưng do được triển khai trong bối cảnh chưa có Luật Đối tác công - tư; khung pháp lý cao nhất mới chỉ dừng ở các nghị định, thông tư nên còn một số tồn tại, bất cập. Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT), cho biết vấn đề căn bản làm phát sinh những bức xúc của người dân đối với các trạm BOT thời gian qua là việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu theo hình thức BOT phải đặt trạm thu phí dẫn tới người sử dụng đang được miễn phí phải trả phí.

Xử lý tiếp bất cập của 5 trạm BOT - Ảnh 1.

Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang tạm dừng thu phí Ảnh: MINH SƠN - THỐT NỐT

Sau khi tổng kết đánh giá tình hình triển khai đầu tư các dự án BOT, nhận thức được bất cập này, Bộ GTVT đã yêu cầu dừng triển khai 14 dự án cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT trên đường hiện hữu.

Cũng theo ông Huy, đối với các dự án BOT hoàn thành, đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã chủ động rà soát tổng thể vị trí đặt trạm để xử lý trực diện những bất cập nảy sinh. Theo đó, Bộ GTVT đã dừng thu phí tại 2 trạm Đèo Ngang và tuyến tránh Hà Tĩnh do hết thời hạn hợp đồng; không thành lập trạm Nam Hải Vân, thay vào đó là sử dụng trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án BOT Phú Gia - Phước Tượng và hầm Hải Vân; chuyển trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng (Thái Bình) để hoàn vốn cho dự án này.

"Đến nay, cơ bản các bất cập tại các trạm thu phí đã được giải quyết, hiện trên cả nước chỉ còn 5 trạm thu phí đang phải tiếp tục xử lý gồm: Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm Bỉm Sơn, trạm Cai Lậy, trạm Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm T2 trên Quốc lộ 91" - ông Huy dẫn chứng.

Đối với trạm thu phí Quốc lộ 3 thuộc dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thu phí. Hiện nay, Bộ GTVT đã thống nhất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án miễn, giảm giá vé cho người dân khu vực lân cận và đang hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị thu phí. Đối với trạm T2 trên Quốc lộ 91 nảy sinh bất cập khi cầu Vàm Cống đưa vào khai thác, Bộ GTVT đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính nhằm đưa ra phương án phù hợp, trong đó tính cả đến phương án di dời trạm.

Sau quyết toán, tiền đầu tư giảm 18.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, về chính sách miễn, giảm giá tại các trạm BOT, hình thức thu lượt (thu hở) tại các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ hiện nay không thể bảo đảm được sự công bằng tuyệt đối, đặc biệt là đối với người dân xung quanh các trạm thu phí. Về nguyên tắc, phương tiện đi qua trạm phải trả tiền nhưng các phương tiện lưu thông trong khoảng giữa 2 trạm không phải trả tiền.

Xử lý tiếp bất cập của 5 trạm BOT - Ảnh 2.

Trạm BOT T2 (Cần Thơ) đang tạm dừng thu phí Ảnh: MINH SƠN - THỐT NỐT

Đến nay, toàn bộ các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá, trong đó đã giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 39 dự án.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết trong hợp đồng dự án Bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư có thỏa thuận mức giá 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng khoảng 18%, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nay có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng nhưng Chính phủ chỉ đạo chưa cho tăng. "Theo tính toán, sẽ có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư…" - báo cáo Chính phủ nêu.

Một vấn đề khác được xã hội và người dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua là tính minh bạch của các dự án BOT. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết quy trình quản lý chi phí đầu tư của các dự án BOT được thực hiện rất chặt chẽ, trải qua 4 bước: Phê duyệt tổng mức đầu tư; kiểm soát dự toán thông qua thẩm định giá trị dự toán trước khi nhà đầu tư phê duyệt; kiểm toán; quyết toán. Các bước sau được tính toán chi tiết, chính xác hơn bước trước.

"Bộ GTVT đã quy định rõ trong hợp đồng, giá trị quyết toán là giá trị cuối cùng để tính toán thời gian thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án" - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho rằng Bộ GTVT đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán các dự án trước khi quyết toán. Đồng thời, Bộ GTVT cũng tiến hành thanh tra và phối hợp với các đoàn thanh tra của các bộ, Thanh tra Chính phủ để phát hiện sai sót nhằm kịp thời điều chỉnh, khắc phục.

Thông tin cụ thể về công tác quyết toán, ông Phạm Huy Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Bộ GTVT, cho biết trong 68 dự án BOT, BT đã hoàn thành, đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã quyết toán xong 62 dự án, đang thẩm tra quyết toán 2 dự án. Còn lại 4 dự án BOT vừa hoàn thành vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để quyết toán.

Theo ông Hiếu, tổng vốn đầu tư của các dự án BOT sau khi quyết toán đều thấp hơn so với dự toán ban đầu và giá trị đã được thanh tra, kiểm toán. Trên cơ sở giá trị quyết toán, cập nhật lưu lượng thực tế, Bộ GTVT đã tính toán và điều chỉnh lại thời gian thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Đại diện Vụ Đối tác công - tư cho hay sau khi quyết toán, tính toán sơ bộ, tổng vốn đầu tư thực tế của 62 dự án BOT giảm khoảng 10% (18.000 tỉ đồng) so với dự toán ban đầu.

Không thể mua lại trạm

Nhằm xử lý triệt để, dứt điểm những bất cập của các trạm thu phí BOT, nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho rằng trong giai đoạn hiện nay, rất khó cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện. "Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ GTVT tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng" - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

BOT Cai Lậy: Thu phí tại trạm hiện hữu

Nói rõ hơn về trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), ông Nguyễn Viết Huy nhìn nhận sau khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán ban hành kết luận, các bất cập tại trạm đã được xử lý như miễn, giảm giá vé chung cho tất cả các loại phương tiện và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vé cho các chủ phương tiện khu vực trạm thu phí. "Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại vị trí hiện hữu. Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương, Bộ Công an để triển khai tổ chức thu phí lại tại trạm Cai Lậy vào thời điểm thích hợp" - ông Huy nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo