xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xung lực 2019

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Nếu bộ máy công quyền các ngành, các cấp làm được như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì sẽ tạo bước đột phá quan trọng trong sự phát triển của đất nước

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mỗi dịp Tết đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại chỉ đạo một số phương châm hành động. Năm 2017 là "Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững". Năm 2018 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Phương châm của năm nay, 2019, cũng là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", nhưng có thêm cụm từ "bứt phá".

Còn nhiều lực cản

Phương châm dù đúng chỉ mới là khẩu hiệu. Cái khó là biến khẩu hiệu thành hành động thực tiễn để đạt được những mục tiêu đề ra. Đó là tăng trưởng cao và bền vững; đời sống nhân dân được cải thiện, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; luật pháp nghiêm minh.

Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri nhìn nhận tình hình chung đã cải thiện, nổi bật là tăng trưởng kinh tế và chống tham nhũng. Nhờ vậy, niềm tin trong cán bộ và nhân dân đối với Đảng và nhà nước tăng lên. Tuy nhiên, so với nhu cầu của đất nước và nhân dân, so với nỗ lực cạnh tranh, giành lấy cơ hội phát triển của các quốc gia, các nền kinh tế trên thế giới, những thành tựu của chúng ta thực sự còn bé nhỏ, tiến bộ của chúng ta còn chậm và chưa vững chắc. Qua dư luận cử tri và báo chí cho thấy tham nhũng, cửa quyền, vô cảm, tắc trách vẫn còn xuất hiện ở nhiều ngành, nhiều cấp trong bộ máy nhà nước.

Xung lực 2019 - Ảnh 1.

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua; là nền tảng cho kỳ vọng kinh tế năm 2019 tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chúng ta có quyết tâm chính trị cao; kinh nghiệm tích lũy của 30 năm đổi mới và hội nhập; đội ngũ trí thức, khoa học, công nghệ không quá yếu trong số nhiều nước đang phát triển; lực lượng lao động cần cù, thông minh; vẫn còn tài nguyên thiên nhiên phong phú và chưa khai thác. Vậy vì sao lại phát triển dưới tiềm năng và chậm bước trong các năm qua? Bài toán này cần một bộ lời giải tổng hợp về chính trị, kinh tế - xã hội để khai thông những điểm nghẽn và giải tỏa những lực cản. Những điểm nghẽn và lực cản này khiến cho một số đường lối, chủ trương, chính sách hay và đúng của chúng ta như những mũi tên ngắm rất trúng nhưng bị xô chệch hướng hoặc làm mất đà nên cứ gần đến đích thì rơi xuống.

Đúng lúc và kịp thời

Trở lại với quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng, tôi cho rằng phương châm hành động 12 chữ trên đây của Thủ tướng rất đầy đủ và trúng đích. Chỉ cần người đứng đầu Chính phủ, các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng chỉ đạo để bộ máy công quyền các ngành, các cấp, từ trên xuống và từ dưới lên, nói được và làm được như lời Thủ tướng thì sẽ tạo bước đột phá quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, trong mọi hành vi và quyết định của mình, cán bộ, công chức phải bảo đảm tiêu chí đúng lúc và kịp thời. Thủ tướng cần xử lý nặng và nghiêm các trường hợp hành động không đúng lúc hoặc không kịp thời của bộ máy công quyền vì đây là căn bệnh trầm kha và nan y của nền hành chính suốt nhiều thập kỷ.

Nhiều người dân ta thán tình hình phổ biến sau đây: chuyện 3 tuần, giải quyết trong 3 tháng, thậm chí 1 năm chưa xong; chuyện phải làm trước thì lại làm sau; chuyện phải làm ngay thì đợi cấp trên nhắc hay đe nẹt mới làm; chuyện phải phòng tránh thì không làm, để xảy ra hậu quả mới đi xử lý thiệt hại; chuyện nhà thì năng nổ, chuyện dân thì bê trễ; chuyện có "bôi trơn" thì làm "ào ào", không có thì "ngâm giấm" hoặc bắt dân phải đi lại nhiều lần…

Theo kinh nghiệm nhiều nước có nền hành chính tốt, để phát hiện sớm và xử lý khách quan các trường hợp không đúng lúc, không kịp thời trong bộ máy công quyền, phải thiết lập đường dây nóng và hệ thống tiếp nhận khiếu nại, tố cáo do một cơ quan độc lập hoặc trên một cấp quản lý.

Tôi có một kinh nghiệm nhỏ về nền hành chính Singapore, khi làm thủ tục hoàn thuế GTGT cho khách du lịch có mua hàng đem về nước. Vừa xong thủ tục, lập tức một nhân viên giám sát từ bên ngoài tiếp cận và đặt câu hỏi: Anh có gặp khó khăn gì trong việc hoàn thuế không? Anh có hài lòng về các nhân viên phục vụ không? Chính phủ cũng cần phát động nhân dân, báo chí tham gia giám sát và xây dựng một bộ máy hành chính đúng lúc, kịp thời; khuyến khích và khen thưởng những cá nhân, tổ chức gương mẫu thực hiện tốt tiêu chí này.

Chỉ cần bảo đảm tiêu chí đúng lúc và kịp thời trong đại đa số các công việc hành chính thì người dân và doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều thiệt hại, chắc chắn sẽ phấn khởi và hoan nghênh Chính phủ. Giải quyết công việc hành chính đúng lúc và kịp thời cũng sẽ giúp tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu quả cho xã hội, cho nền kinh tế. Ngay trong Bộ Luật Hồng Đức đời Hậu Lê (1483), các hành vi không đúng lúc, không kịp thời của quan lại hành chính và tư pháp đều bị xử nghiêm, không kém các tội nhận hối lộ hay bức hiếp dân chúng!

Áp dụng chặt chẽ và nghiêm khắc tiêu chí đúng lúc và kịp thời trong các ngành, các cấp hành chính, xử nghiêm mọi vi phạm, tôi tin chắc rằng phương châm 12 chữ mà Thủ tướng đề ra cho năm 2019 sẽ tạo được chuyển biến đột phá chẳng những trong chất lượng và hiệu quả công vụ mà còn góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. 

Đầu tàu ra sức kéo nhưng còn rất nhiều lực cản ở các toa tàu và cả đường ray.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:

nguyen dinh cung

Kỳ vọng tăng trưởngkinh tế 10%

Năm 2018, chúng ta đạt mức tăng trưởng 7,08%, cao nhất kể từ 10 năm qua. Nhưng giá trị quan trọng của thành tích tăng trưởng nằm ở sự thay đổi về cách thức tăng trưởng chứ không phải ở con số.

Nền kinh tế không còn dựa vào gia tăng tín dụng mà bắt đầu dựa nhiều vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước; dựa nhiều hơn vào khai thác các ngành mà chúng ta có lợi thế; vào tăng năng suất, tăng hiệu quả, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Như vậy, tăng trưởng bắt đầu thiên nhiều hơn về nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là cách thức tăng trưởng tương đối bền vững. Nền tảng này cho chúng ta kỳ vọng năm 2019, kinh tế vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao và cách thức tăng trưởng bền vững.

Dù cho có những dự báo về tổng cầu của thế giới giảm, nhu cầu về sản phẩm điện thoại, ôtô - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - sẽ suy giảm, thì tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 không bị ảnh hưởng. Xét về cơ cấu, đúng là mấy năm trước, thặng dư chủ yếu ở khu vực FDI nhưng gần đây, thặng dư của khu vực kinh tế trong nước gia tăng hơn, tốc độ tăng trưởng thặng dư có những thời điểm cao hơn so với khối FDI. Nếu phát triển kinh tế tư nhân, cải cách khu vực nhà nước, tăng cường phát triển ở khu vực dịch vụ, hiệu quả sẽ bù đắp lại được việc giảm cầu từ bên ngoài với một số sản phẩm.

Những nền tảng cho tăng trưởng như trên phải liên tục được củng cố và kỳ vọng của tôi là tăng trưởng 10%. Trở lực lớn nhất hiện nay cần vượt qua để đạt được kỳ vọng là vấn đề tư duy.

GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

tran tho dat-crop

Cần "bộ đệm" lớn hơn

Một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu với lo ngại về suy giảm kinh tế khu vực châu Âu. Do độ mở của nền kinh tế trong nước đang ngày càng cao nên cùng với rủi ro tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn đến Việt Nam bởi đây là 2 đối tác thương mại chính.

Cần có những nghiên cứu toàn diện mang tính định lượng tốt hơn để phản ánh được những tác động đan xen cả từ phía tích cực và tiêu cực. Yếu tố tích cực thấy rõ là xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, từ đó mang lại cơ hội cho gia tăng thu hút FDI đối với Việt Nam. Ở phía tiêu cực, do tác động của chiến tranh thương mại, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nước này giảm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Những nhân tố này phần nào tác động đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

Để gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những rủi ro từ bên ngoài, các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ, cần có "bộ đệm" lớn hơn, dư địa và không gian để các chính sách này điều chỉnh cần được tăng cường, tức là các chính sách không ở "ngưỡng cận biên". Cụ thể, thâm hụt ngân sách và tỉ lệ nợ công vẫn ở mức cao, cần cải thiện, điều chỉnh lại. Ngoài ra, tín dụng cần tăng trưởng thấp hơn nữa, mức hiện tại vẫn gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế là chưa ổn...

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương:

le quang thuong (2)-crop

Chống "chạy" quy hoạch, phiếu bầu

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2019 là tham mưu chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, sẽ thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước nhiệm kỳ này. Do đó, công tác lựa chọn, quy hoạch cán bộ phải được làm chặt chẽ, loại bỏ những kẻ cơ hội. Tuy nhiên, điều này không dễ bởi như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Kẻ cơ hội chính trị như con lươn, con chạch, uốn éo rất khéo".

Để nhận diện những người này khi làm công tác cán bộ sẽ không dễ dàng. Họ thường ẩn mình, tìm cách che đậy và có sự tiêu cực từ trong tư tưởng. Với công tác làm cán bộ nhiều bước như hiện nay, đặc biệt trong năm 2019 tập trung thẩm định, đánh giá toàn diện thì sẽ loại bỏ được những người không đủ tiêu chuẩn. Tôi đề xuất công tác cán bộ phải lắng nghe dân, bám sát dân để nhận diện cán bộ, loại khỏi quy hoạch những người cơ hội chính trị bởi Đảng là luôn xác định "lấy dân làm gốc", "dựa vào dân mà xây dựng Đảng".

Ngoài ra, các cơ quan làm quy hoạch cán bộ cần chống triệt để các loại "chạy" như "chạy" quy hoạch, "chạy" phiếu bầu, "chạy" phiếu tín nhiệm. Mà để chống được tình trạng này thì giải pháp đầu tiên là phải công khai, minh bạch khi làm công tác cán bộ.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:

ong-nguyen-trong-phuc

Quyết dẹp nạn tham nhũng vặt

2019 là năm quan trọng trong công tác chỉnh đốn Đảng với những yêu cầu và nhiệm vụ cao hơn. Trong đó, công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm tiếp nối những thành quả đã đạt được trong năm qua.

Việc dẹp nạn tham nhũng vặt là vô cùng quan trọng vì thực trạng này đang lây lan rất nhanh, mức độ ảnh hưởng của nó tới người dân rất lớn, đồng thời làm hư hại đội ngũ cán bộ. Những vụ tham nhũng lớn đã bị phát hiện xử lý liên quan đến những cán bộ cấp cao, có chức quyền lớn trong tay, nhưng tham nhũng vặt thì không giống vậy. Có thể chỉ là một cán bộ ở bộ phận một cửa cũng có thể nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh tiền thì mới giải quyết việc cho người dân. Hay nói cách khác, chỉ cần một vị trí công việc, một "ghế ngồi" trong cơ quan nhà nước là có thể tham nhũng vặt được rồi.

Bên cạnh đó là thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng tất cả đảng viên đều có trách nhiệm này, cán bộ các cấp phải đề cao trách nhiệm này.

Thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM):

thay do duc anh

Loại bỏ các tiêu cực

Trong năm 2019, ở góc độ người thầy, tôi mong muốn ngành giáo dục không có những tiêu cực như năm cũ. Chúng tôi đều mong những tiêu cực, dù là nhỏ nhất cũng phải được loại bỏ hoàn toàn.

Đối với chương trình tập huấn giáo viên cho chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), giáo viên mong muốn được tập huấn sâu sát, cặn kẽ, chứ không phải kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Mọi đổi mới đều phải bắt nguồn từ người thầy nên các nhà quản lý cần chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Cần có nhiều bài mẫu, giáo án mẫu hay những kênh tập huấn thật hiệu quả.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM):

thay nguyen viet dang du (1)

Giảm tải cho người thầy

Tôi mong muốn chương trình và sách giáo khoa mới của Bộ GD-ĐT mang tính bền vững lâu dài để người thầy bớt thấp thỏm, hồi hộp trước những đổi thay mang tính tạm bợ, thời điểm của bộ. Bên cạnh đó, giáo viên tiếp tục được cởi mở trong phương pháp giảng dạy, lấy chất lượng đầu ra, niềm hạnh phúc của học sinh mỗi ngày đến trường để đánh giá chất lượng người thầy. Người thầy cần được giảm tải trong công tác chuyên môn, bớt sổ sách; được động viên và quan tâm đúng chất để toàn tâm phục vụ công tác giảng dạy.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT:

hinh moi hoang ngoc vinh

Hướng đến việc thiện

Một năm mới đến, chúng ta có quyền kỳ vọng về thay đổi văn hóa theo chiều hướng tích cực hơn. Tôn trọng và phát huy các giá trị dân tộc "uống nước nhớ nguồn", mỗi người mỗi ngày đều hướng đến việc thiện, làm việc gì cũng nên nghĩ về người khác thì xã hội sẽ đỡ rất nhiều tiêu cực.

Ngay cả cơ quan công quyền, nếu văn hóa hướng đến người dân mà tận tâm phục vụ thì những chính sách, hành vi ứng xử của cán bộ công chức sẽ trở nên chuẩn mực. Muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, trước hết cần hình thành văn hóa kiến tạo ở mỗi người dân và cán bộ công chức. Đó chính là đổi mới mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa".

P.Nhung - M.Chiến - Đ.Trinh - Y.Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo