xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Chú Tư Sâm” đã về trời

VU GIA

Nhà văn Trang Thế Hy đã từ giã cõi đời ở tuổi 91, cái tuổi mà người xưa gọi là “Thiên thọ” nhưng những trang văn của ông chắc chắn vẫn còn mãi với thời gian

Từ ngày lập gia đình và về ở chung cư 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 6, quận 3, TP HCM), tôi mới quen biết với ông. Hình dáng cao gầy, liêu xiêu và chiếc mũ phớt trên đầu như một thầy giáo già ở miền Nam hồi thập niên 1960, đã để lại ấn tượng trong tôi vào những ngày đầu gặp gỡ. Những nhà thơ, nhà văn mà tôi đã gặp và trò chuyện ở chung cư này lần lượt ra đi, như: Huyền Kiêu, Phạm Minh Hòa, Lý Văn Sâm, Trang Nghị và nay đến phiên ông. Vợ chồng tôi và những người viết trẻ ở chung cư này thường gọi ông là “chú Tư Sâm”.

 

Trang Thế Hy- người hiền của văn chương Nam Bộ
Trang Thế Hy- người hiền của văn chương Nam Bộ

 

Tôi ở tầng 1, ông ở tầng 4; cứ mỗi chiều khoảng 17 giờ, ông ghé vào phòng tôi với câu nói đầu tiên là “rót ly rượu mậy”. Chẳng là tôi có hũ rượu thuốc mà theo ông là thuộc loại ngon. Và có ông, tôi cũng nhấp chút chút gọi là để trò chuyện một thoáng cho vui, chứ tôi không phân biệt được rượu ngon hay dở. Ông là người hay rượu, song không khi nào thấy ông bét nhè. Hồi họa sĩ Phạm Minh Chánh (ở sát phòng tôi) còn sống, thường khen ông “uống rượu đẹp”. Trong phòng, ông mắc chiếc võng, hễ say thì lên đó nằm đong đưa rồi ngủ lúc nào chẳng hay. Tôi biết được nhiều chuyện trên trời dưới đất là từ ông. Ông thường nghe đài nước ngoài và đọc văn học nước ngoài từ bản tiếng Pháp rồi phân tích, đánh giá theo cách riêng của mình. Ngày đó, ông rất mê Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Với ông, trời không cho ai đủ cả, được cái này thì mất cái kia nhưng riêng “bà đầm thép” của ông thì trời lại cho tài sắc vẹn toàn.

Nghĩ thì nhiều, nghĩ ra đủ thứ nhưng ông viết rất chậm và phải nói là quá kỹ. Nhìn bản thảo viết tay của ông móc ngang móc ngược, xóa dập lung tung… tôi đã thấy ngán! Nhưng cũng phải thừa nhận một điều là truyện nào của ông cũng chặt chẽ, có sức nặng phía sau chữ nghĩa. Hồi ông được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1994), tôi có viết một bài về ông trên Báo Lao Động, ông khen tôi “hiểu” ông và nói bằng giọng trầm ổn như muốn nhắc nhở tôi: “Viết văn là tu thân, là đương đầu với nhiều thứ. Với niềm vui, phải trầm tĩnh tiếp nhận nó như một động lực sáng tạo, đừng bị nó cám dỗ để trở thành người nhẹ dạ cả tin. Với nỗi buồn, phải giữ thế thượng phong, không biến được nó thành người bạn đường hữu ích thì cũng đừng để nó nhận chìm mình trong trầm cảm. Trong cao hứng phóng bút, hư cấu, phải nghiêm cẩn tự dặn dò mình đừng bao giờ tùy tiện bịa đặt”.

Nghe cũng có lý, song viết chậm và kỹ như ông thì tôi làm không được. Ngày ấy, tôi nghĩ các vị kể tên trên xuất thân từ trường Pháp Việt, với kinh nghiệm cầm bút và trình độ ngoại ngữ như thế thì đi vào nghiên cứu văn học sẽ tốt biết bao. Trang Thế Hy viết chậm nhưng còn có viết, chứ mấy vị kia thì… “lão giả an chi”. Nhìn các vị, tôi nghĩ đến tuổi già của mình và tò vè bước vào đường nghiên cứu văn học. Khi đọc một vài công trình nghiên cứu của tôi, ông thường nói: “Được quá mậy!”.

Khi vợ ông qua đời, ông về quê sống với vợ chồng người con gái. Mỗi năm một vài lần, vợ tôi theo xe cơ quan đến thăm ông. Và cũng có đôi lần, ông gọi điện lên Sài Gòn thăm tôi, dặn giữ gìn sức khỏe, bởi không có sức khỏe thì tất cả đều vứt đi. Ông khoe vẫn ăn ngủ tốt nhưng… chẳng làm được gì và cầu mong nếu “đi” thì “đi” cho nhẹ nhàng để khỏi làm phiền con cháu. Và bây giờ, ông có muốn làm phiền cũng không thể được nữa rồi. Nghe đâu, ông “đi” cũng nhẹ nhàng. Thế là mừng cho ông - chú Tư Sâm của chúng tôi.

 

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 9-10-1924; quê quán: Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre. Các bút danh khác: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn, Minh Phẩm.

Ông tham gia cướp chính quyền tháng 8-1945, sau đó theo cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; đã xuất bản: “Nắng đẹp miền quê ngoại” (1964), “Mưa ấm” (1981), “Người yêu và mùa thu” (1981), “Vết thương thứ mười ba” (1989), “Tiếng khóc và tiếng hát” (1993)...

Giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam (1960-1965), Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1994), Tặng thưởng loại A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2001).

Nhà văn Trang Thế Hy qua đời lúc 0 giờ 50 phút ngày 8-12-2015, hưởng thọ 91 tuổi; an táng tại quê nhà lúc 13 giờ ngày 10-12-2015.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo