xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hãy trả lại cho hài những tiếng cười tử tế

theo Zing.vn

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết xét trên phương diện triết học và mỹ học, hài là nghệ thuật của trí tuệ, do vậy, sự nhảm nhí, rẻ tiền chỉ phục vụ một bộ phận công chúng.

Sau khi đọc 2 bài viết đăng tải trên Zing.vn Hài miền Bắc: Bao giờ hết gây cười bằng răng vẩu, nói ngọng? Hài miền Nam: Giả gái, chọc cười đời tư đến khi nào? , tôi thấy cần thiết phải có một bài viết tổng kết về thực trạng của hài kịch cả nước, đồng thời đóng góp hướng đi cho các nghệ sĩ hài.

Là một người có nhiều năm nghiên cứu về sân khấu, tôi đồng ý rằng 2016 là một năm sôi nổi của thị trường hài. Ở khía cạnh nào đó, nghệ thuật hài đang kéo lại một bộ phận khán giả vốn đã chán chường với sân khấu bằng sự ra đời của nhiều chương trình truyền hình. Nhưng mặc lòng, sự sống sượng, cũ kỹ và chiêu trò rẻ tiền vẫn tồn tại.

img

PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái là nhà phê bình - nghiên cứu nổi tiếng về sân khấu. Bà từng là Phó Trưởng ban Lý luận phê bình sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ảnh: Quang Đức.

Kém cỏi mới gây cười bằng răng vẩu, đời tư

Tiếng cười là một trong những phương cách để nhân loại giã từ quá khứ. Không một dân tộc nào trên thế giới không cần tiếng cười.

Với Việt Nam, một dân tộc có căn cốt là văn hóa lúa nước quanh năm chân lấm tay bùn, chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, tiếng cười lại càng trở nên cần thiết.

Trước khi hài kịch phương Tây du nhập, nước ta đã có hề chèo, hề tuồng, hài cải lương. Xét trên tinh thần triết học và phạm trù mỹ học, hài là một nghệ thuật gây cười.

Thời hoàng kim của sân khấu đương đại, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi truyền hình – điện ảnh chưa phát triển, khán giả thậm chí phải xếp hàng để mua vé xem hài. Đến muộn chỉ có cách mua vé chợ đen với giá cắt cổ.

Sau một thời gian lẽo đẽo chạy theo sau khán giả, việc khán giả quan tâm đến hài kịch, dù là hài sân khấu hay kịch trên truyền hình, cũng đều là tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên, mừng nhiều mà thất vọng cũng không ít vì tiếng cười trào phúng đang ít đi, còn những hành vi rẻ tiền, câu khách lại trở nên phổ biến.

Tôi không thể chịu nổi việc các nghệ sĩ nam thi nhau giả gái trên truyền hình. Bên cạnh đó là lấy chuyện đời tư, phòng ngủ ra đùa bỡn. Người biểu diễn chẳng những không xấu hổ mà còn cảm thấy thích thú.

Một nghệ sĩ hài đã bình luận rất hay về việc này “gây cười bằng đời tư là giỡn mặt”. Giỡn là một từ rất chuẩn, đúng phương ngữ Nam Bộ.

Truyền hình thực tế với format đặc sệt nước ngoài biến nhiều nghệ sĩ thành những người “tự nhiên chủ nghĩa”. Họ diễn hài nhanh như chảo chớp với lối buông tuồng, phóng túng, không cần kịch bản, không cần nội dung.

Tình trạng thích gì nói ấy, thích gì làm ấy, mặc kệ hàng triệu khán giả đang xem truyền hình trở nên phổ biến. Đó là biểu hiện của sự kém cỏi về tài năng.

img

Hữu Châu, Thành Lộc được PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái nhận định là những người góp công tạo nên chất lượng hài kịch miền Nam và nói không với hài nhảm.

Hài kịch hai miền có sự tiếp biến về văn hóa

Hài Bắc – hài Nam, trước đây rất rạch ròi. Nhưng trong bối cảnh bùng nổ các chương trình truyền hình, game show hài, “đường biên không vạch kẻ” này bắt buộc phải có sự thay đổi.

Nói cách khác, hài kịch hai miền đang có sự tiếp biến về văn hóa. Nực cười là một miền có vẻ tốt hơn trong khi miền còn lại được đánh giá là “không còn hay như trước”.

Hài miền Nam vốn bị gắn mác hài nhảm, thậm chí đã đi đến tận cùng của sự nhảm nhí và nhạt nhẽo. Nhưng thời gian gần đây, yếu tố trí tuệ được đưa vào tác phẩm tương đối nhiều.

Thành Lộc, Hữu Châu, Hoài Linh là những nghệ sĩ đang làm tốt điều này. Tôi thấy nhiều tiểu phẩm với diễn xuất của Hoài Linh kết thúc rất nhân văn, điều mà tâm lý người Việt rất thích.

Ngược lại, hài Bắc lại xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm nhảm nhí, bắt chước miền Nam những năm về trước. Một thời, hài Nam chuyên trị lấy hình hài xấu xí của con người như răng vẩu, gương mặt biến dạng, đi nghiêng, đi lệch để gây cười. Bây giờ, miền Nam hạn chế cách gây cười kiểu này thì miền Bắc lại bắt đầu lạm dụng.

Thể loại hài chính luận cũng có sự thay đổi. Trước đây, miền Bắc đóng đinh với thương hiệu hài chính luận nhưng gần đây, một số tác phẩm chính luận lại nặng nề vì đạo diễn và tác giả kịch bản không biết chuyển hóa nội dung thành tiếng cười vui tươi, sảng khoái.

Sự cũ kỹ trong kịch bản và cách diễn xuất, cùng việc biến báo đầy sống sượng các vấn đề thời sự - xã hội thành tiếng cười khiến hài Bắc, vốn thơm nức tiếng bỗng trở nên lép vế. Không gì đáng tiếc hơn khi chính khán giả miền Bắc lại nhận xét hài Bắc nhảm và nhạt – điều mà trước đây không hề có.

2 miền Nam – Bắc là hai không gian văn hóa khác nhau. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc một số nghệ sĩ Bắc như Xuân Bắc, Tự Long vào tham gia các chương trình do đơn vị phía Nam tổ chức là một chiều hướng tốt.

Cách đón nhận của khán giả hai miền với hài kịch không tương đồng, thói quen thưởng thức cũng đầy khác biệt. Những ý kiến trái chiều và so sánh là không thể không có. Do vậy, muốn làm tốt, nghệ sĩ vừa phải giỏi ứng biến vừa phải giữ được bản sắc của mình.

img

Một số nghệ sĩ miền Bắc như Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý tham gia Ơn giời! Cậu đây rồi - một chương trình được ghi hình tại TP.HCM. Ảnh: CTCC.

Nghệ sĩ hài là chủ thể của sáng tạo

Nhân tố có vai trò quyết định trong chất lượng của hài kịch là nghệ sĩ. Và cũng chỉ có nghệ sĩ – chủ thể của sáng tạo trong nghệ thuật – mới biết con đường nào đúng đắn nhất để khán giả không quay lưng lại với mình và bản thân cũng không trở thành một “con rối” - khô cứng, máy móc và cũ rích.

Hơn ai hết, nghệ sĩ hài cần phải hiểu rằng sự nhảm nhí chỉ phục vụ được một bộ phận khán giả. Số đông còn lại, với dân trí ngày càng cao, đòi hỏi tác phẩm hài kịch phải chứa đựng những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa. Khi đó, tiếng cười không đơn thuần chỉ là sự hềnh hệch, huỵch toẹt mà còn phải thâm thúy, “cười từ bên trong”.

Không phải ngẫu nhiên mà dân gian có câu “cười chảy ra nước mắt” và “khóc bật lên tiếng cười”. Cười đó mà khóc ngay được mới đúng là tiếng cười mang triết lý thực sự.

Muốn thế, nghệ sĩ, ngoài cái duyên sân khấu trời cho còn phải dày công rèn luyện, đầu tư kịch bản. Quan trọng, cần dũng cảm nói không với lối gây cười cơ học, rẻ rúng, vượt ngưỡng chuẩn. Hãy trả lại cho hài kịch những tiếng cười tử tế.

Chúng ta cũng cần những nghệ sĩ hài sử dụng sự thông minh, trí tuệ để sáng tạo và biểu diễn những tác phẩm hài đúng nghĩa. Những nghệ sĩ tùy tiện, vì tiền, chọc cười phản cảm cần phải bị tẩy chay và lên án.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo