xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm họa ấn phẩm xấu qua mạng: Vượt rào kiểm duyệt

Kim Khánh - Hoàng Lan Anh

Internet là phương tiện phổ biến tác phẩm nhanh nhất, hiệu quả nhất về lượng người xem và là nơi tự do phát hành ấn phẩm vượt qua “rào chắn” của các cơ quan kiểm duyệt

Với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, chỉ cần một ca khúc, một đoạn phim hay một tác phẩm đạt lượt xem (view) trên YouTube hoặc thích (like) trên Facebook cao đột biến trong thời gian ngắn, sản phẩm ấy lập tức xuất hiện trên nhiều trang thông tin điện tử với những dòng tít “gây sốt”, “gây bão”…

Từ đó, mức độ nổi tiếng của người thực hiện sản phẩm cũng nhanh chóng tăng theo. Thực tế cho thấy nhiều ấn phẩm như video clip, phim truyện ngắn do các cá nhân, tổ chức trong nước sản xuất đưa lên mạng đã nhanh chóng tạo hiệu ứng.

Hiệu quả truyền thông

Phát hành trên YouTube lần đầu vào tháng 4-2012, loạt phim sitcom (hài tình huống) My best gay friends - thực hiện bởi Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa, khi đó còn là sinh viên Khoa Đạo diễn điện ảnh Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM - đã nhanh chóng nhận được sự chú ý và phản hồi tích cực từ công chúng cũng như giới truyền thông cả trong và ngoài nước dù chỉ được quay nghiệp dư bằng camera kỹ thuật số SLR với diễn viên đa phần là bạn bè của Đăng Khoa.

 

Cảnh trong phim Căn hộ số 69 (ảnh cắt từ YouTube)
Cảnh trong phim Căn hộ số 69 (ảnh cắt từ YouTube)

My best gay friends được một phóng viên hãng AFP - Pháp mô tả như phim sitcom đầu tiên của Việt Nam về đề tài đồng tính mang một góc nhìn lành mạnh, tích cực bằng những tình huống phim hài hước xen lẫn tình cảm nhẹ nhàng trong cuộc sống của 3 chàng trai đồng tính trẻ tuổi thuê chung một căn hộ.

Đến nay, My best gay friends đã phát hành được 12 tập trên YouTube, trong đó có những tập thu hút trên 1 triệu lượt xem. Giải thích về việc chọn YouTube làm kênh phát hành, Đăng Khoa cho biết: “YouTube là nơi chia sẻ video dễ dàng và nhanh nhất trên mạng. Em muốn phim mình được nhiều đối tượng có thể tiếp cận và biết đến nên chọn YouTube”.

YouTube cũng là sự lựa chọn của nhiều sinh viên điện ảnh với mục đích thử sức bản thân hoặc đơn giản là thể nghiệm và chia sẻ tác phẩm với cộng đồng. Một minh chứng điển hình là thành công của clip Xin lỗi, anh chỉ là thằng bán bánh giò! - phim ngắn tốt nghiệp của sinh viên Phạm Việt Phước, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM - đã giúp diễn viên Nhã Phương được công chúng đón nhận nồng nhiệt, mở ra cơ hội bước chân vào thị trường giải trí cho “anh chàng bánh giò” Võ Đình Hiếu.

Thông qua YouTube hoặc các công cụ mạng xã hội như Facebook hay blog cá nhân, nhiều tác giả trẻ cũng có thể thăm dò sức hút ban đầu của công chúng đối với tác phẩm của mình, đặc biệt là với những phim ngắn hay tác phẩm thơ văn có đôi chút yếu tố nhạy cảm nhưng đôi khi dễ bị “bắt bẻ” bởi người làm công việc kiểm duyệt.

Trong lĩnh vực văn học, ngày càng có nhiều tác giả trẻ trở nên nổi tiếng từ con đường viết và đăng tải trên mạng xã hội như Lê Ngọc Mẫn (tác giả Người đi bán nắng), Phong Việt (nổi tiếng với những bài thơ trên Facebook) hay Trần Thu Trang (tác giả Cocktail tình yêu)… Nhờ những phương tiện này, họ dễ dàng tiếp cận đông đảo đối tượng người đọc và đón nhận những phản hồi ban đầu để hoàn thiện tác phẩm trước khi quyết định có nên xin giấy phép xuất bản chính thức hay không.

“Lách” vì biết không qua được

Tuy nhiên, với những ấn phẩm “có vấn đề”, rõ ràng khi các tác giả chọn kênh phát hành qua mạng là để né “hàng rào” kiểm duyệt. Tác giả biết chắc con đường phát hành hợp pháp qua các kênh chính thống là bất khả thi, trong khi mục tiêu của họ có thể là thu lợi quảng cáo chứ không đơn thuần thăm dò hay chia sẻ cộng đồng.

Khi thực hiện Căn hộ số 69, Nam Cito, người bỏ tiền đầu tư cho bộ phim, thẳng thắn cho biết phim khó có thể trình chiếu trên bất cứ kênh truyền hình nào. Với những nội dung nhạy cảm nhất định, nếu qua kiểm duyệt, chắc chắn Căn hộ số 69 không được bất kỳ đài truyền hình nào chấp nhận. Do đó, để thực hiện một dự án phim với kinh phí tương đối lớn (dự kiến dài 25 tập, mỗi tập 100 triệu đồng), nhà sản xuất phải lựa chọn YouTube để phổ biến tác phẩm. Lợi nhuận sẽ được tính bằng tiền bản quyền dựa vào số lần click chuột xem phim của khán giả cũng như tiền thu được từ quảng cáo đưa vào phim theo một số điều khoản của YouTube partner (đối tác của YouTube).

Không riêng mảng phim, thời gian gần đây cũng đã xuất hiện những video ca nhạc (MV) của một số ca sĩ nổi tiếng có xen lẫn yếu tố quảng cáo trá hình, như trường hợp MV Cảm ơn cha của ca sĩ Hồ Ngọc Hà với những hình ảnh quảng cáo rượu khá tinh vi. Nhờ việc phát hành 2 phiên bản MV - trong đó, phiên bản gửi cho các cơ quan báo chí được làm mờ nhãn hiệu rượu, còn MV đăng lên YouTube thì lại hiện rõ - thương hiệu rượu có trong MV đã đạt được mục đích tiếp thị nhãn hàng hết sức hiệu quả, ê-kíp thực hiện chắc chắn cũng nhận những khoản lợi không nhỏ. Dù cơ quan quản lý đã có động thái can thiệp nhưng lại “chậm chân” và đến nay, phiên bản MV với nguyên nhãn hiệu rượu vẫn còn trên YouTube qua kênh đăng tải của những cá nhân không rõ danh tính.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tác giả đưa ấn phẩm lên mạng chỉ để thỏa mãn sở thích và suy nghĩ cá nhân mà không sợ bị chặn bởi những quy định của các cơ quan kiểm duyệt. MV Tự sướng của ca sĩ Mai Khôi vẫn hiện diện “an toàn” trên YouTube chứa những hình ảnh, ngôn từ bị cho là phản cảm, dung tục nhưng lại được nữ ca sĩ này xem là công cụ để giúp cô thể hiện thông điệp theo cách sáng tạo của riêng mình.

Trong các thi đàn văn chương trên mạng, nhiều người cầm bút trẻ tuổi cũng đã gây nên hiện tượng “méo mó văn học mạng” khi tự do sáng tác, đăng tải những truyện ngắn, bài thơ có yếu tố “sex” táo bạo. Với việc sáng tác trên trang blog cá nhân, các cây bút này có thể tự do “sáng tạo” theo ý thích của mình mà không phải lo ngại quy định kiểm duyệt của những nhà xuất bản vì họ vốn không nghĩ đến con đường phát hành hợp pháp.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-6

Kỳ tới: Quản lý khó khăn

Phạt 3 cá nhân phổ biến nhạc “rác”

Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 26-6 đã ra quyết định xử phạt đối với 3 cá nhân đã tham gia phổ biến bản ghi âm Phiếu bé ngoan phần 1 và 2 có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Cụ thể, Tô Minh Vũ (nghệ danh Yanbi), Tằng Quốc Anh (nghệ danh Mr T) chịu mức phạt hành chính 5 triệu đồng do có tình tiết tăng nặng là tái phạm; Vũ Quốc Tùng (nghệ danh T-Akayc) chịu mức phạt 4 triệu đồng.

Trong quyết định, thanh tra bộ cũng yêu cầu những người bị xử phạt chấm dứt hành vi vi phạm, gỡ bỏ, xóa nội dung vi phạm.

Trước khi có quyết định nêu trên, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xử lý 7 trang web đăng tải, phổ biến ca khúc có nội dung sai phạm này.Y.Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo