xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ký họa người sân khấu: Bác Sáu Lăng - Một cách sống đẹp!

Nhà viết kịch Lê Chí Trung

L.T.S: Kể từ số chủ nhật tuần này, Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài của nhà viết kịch Lê Chí Trung về các nhân vật sân khấu qua lăng kính của cá nhân ông. Mời bạn đọc đón xem!

Ông giống như một "Lão ngoan đồng" trong tiểu thuyết Kim Dung. Bình dị, rất hồn nhiên yêu người mà võ công thâm hậu. Người như ông luôn thắp sáng lên trong lòng người khác về những điều tử tế và một nhân cách sống ở đời

Từ lâu, tôi đã muốn viết về những người bạn, những mặt người sân khấu quanh tôi, có người đã đi về một thế giới rất xa. Tôi không tham vọng vẽ chân dung họ bởi không thể hiểu hết về một ai đó, nhất là những vùng bóng tối luôn lẩn khuất trong mỗi con người.

Ký họa người sân khấu: Bác Sáu Lăng - Một cách sống đẹp! - Ảnh 1.

Hình ảnh ông Bùi Kinh Lăng lưu lại hiếm hoi nhưng tên tuổi và những đóng góp của ông cho sân khấu được khắc ghi sâu đậm trong lòng nghệ sĩ Ảnh: TƯ LIỆU

Ký họa Người sân khấu - Như một cách vẽ hoa trên tuyết, chỉ là những ấn tượng thoáng qua, hay suy nghĩ chủ quan của tôi về những con người đã góp phần dựng nên nền sân khấu này. Tôi muốn dành những lời đầu tiên, trân trọng nhất về một người chân chính, mà suốt bao năm tôi vẫn hằng tin như vậy: bác Sáu Lăng.

Người cha tinh thần

Tên đầy đủ của ông là Bùi Kinh Lăng, cố Phó Tổng Thư ký Hội Sân khấu TP HCM. Cùng với cố đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch, soạn giả Việt Thường (con trai cố soạn giả Trần Hữu Trang )…, ông chính là một trong những người cha tinh thần góp phần dựng nên CLB sân khấu thử nghiệm 5B Võ Văn Tần (Sân khấu 5B), sau được đổi tên là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ một thời vang bóng.

Bọn trẻ ngày ấy, với những Đăng Nhân, Mai Trần, Việt Anh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hải Đệ, Hồng Vân, Thành Lộc, Hùng Lâm… đều coi ông như người cha và gọi ông là bác Sáu. Họ yêu quý ông đến mức gần như tất cả đều lặng lẽ kéo về tụ tập ở Sân khấu 5B, thức suốt mấy đêm trong ngày ông mất. Đó là một đám tang mà người ta không đến đó bởi nghĩa vụ, bổn phận. Đám tang của tình nghệ sĩ và lòng kính trọng với một người nhân hậu, tử tế, cả đời lo cho người khác, nhất là bọn trẻ mới vào nghề. Sau này, Sân khấu 5B cũng có vài cuộc tiễn đưa như thế với đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, nhà viết kịch Ngọc Linh…

Cuộc sống luôn công bằng với những cái kết có hậu dành cho những ai thật lòng yêu thương con người. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh thế nào, vượt qua những tham vọng, cám dỗ phù du, anh đã lựa chọn và để lại cho đời một cách sống đẹp.

Khi bác Sáu mất, tôi có viết bài "Vĩnh biệt người cộng sản chân chính - Đồng chí Sáu Lăng". Tôi không phải là đảng viên nhưng không hiểu sao tự nhiên trong lòng lại thốt lên từ "đồng chí". Vậy mà bài viết bị vài ông khiển trách, bắt bẻ: Không lẽ cộng sản chỉ có một mình ông Sáu Lăng chân chính? Đó là một thời nặng nề bao cấp tư tưởng, mà người ta rất hay "trà đàm" suy diễn vẩn vơ, chụp mũ, nhất là những gì liên quan đến chính trị. Nhiều tác phẩm hay và ngồn ngộn tính công dân trong thời kỳ này đã phải chịu biết bao sóng gió, vùi dập mà ngày nay công chúng được biết đến và thưởng ngoạn nó cũng là nhờ cơn gió đổi mới.

Tử tế với cuộc đời

Bác Sáu rất nghèo, không có gì ngoài căn nhà trống trơn được nhà nước cấp nằm trên đường Lý Văn Phức, quận 1, TP HCM. Thời những năm 1980, nhà cửa chỉ là nơi trú ngụ, chưa có giá và thực sự trở thành tài sản như bây giờ. Sáng sáng đến cơ quan, ông thường ngồi thu lu với gói xôi, củ mì chấm muối mè, khi là ổ bánh mì mua vội ngoài đường. Thỉnh thoảng, ông hay đảo mắt nhìn quanh như không muốn người ta ái ngại cho hoàn cảnh của mình.

Tuềnh toàng từ cách sống, lời ăn tiếng nói trong mọi giao tiếp, thậm chí thường diễn đạt không hết câu nói của mình nhưng ông lại là con người suy nghĩ rất sâu sắc, từng trải. Bố vợ tôi (nhà văn Ngọc Linh) hay đùa "Sáu Lăng là người tả ý, chứ không tả thực…". Ông có cái tật đi xem kịch hay ngủ gà ngủ gật, rồi khi bừng tỉnh dậy có thể góp ý, nói vanh vách những gì diễn ra trên sân khấu. Không biết đó có phải thói quen tuổi tác của một người có chứng mộng du hay ông chỉ quan tâm đến cái tứ của tác phẩm mà không màng đến những chi tiết vụn vặt? Nhiều năm sau này, ông có một đệ tử chân truyền là đạo diễn Trần Ngọc Giàu, cũng hay gà gật khi đi xem duyệt vở.

Người ta hay kể về những giai thoại khi ông còn làm tuyên huấn trong R, trước năm 1975. Hồi đó, lính của ông là các nhà văn nổi tiếng như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng… Suốt ngày, ông loanh quanh châm nước pha trà như một cần vụ cho mấy ông nhà văn rung đùi ngồi sáng tác. Nhiều người thấy lạ, bảo ông: "Anh Sáu ơi, làm như vậy thì còn ra thể thống gì". Ông hề hà: "Lãnh đạo có thể giỏi viết văn được như chúng nó à. Chúng nó là những nhà văn có tài. Phục vụ bọn này để có tác phẩm tốt cho cách mạng không phải là một việc làm xứng đáng sao?...".

Thế hệ của ông có rất nhiều người như vậy. Họ có thể có sai lầm, thậm chí còn mang nét ngây thơ trong một hoàn cảnh mang tính lịch sử nào đó nhưng họ luôn tử tế với cuộc đời này và sẵn sàng hy sinh cho mục đích lý tưởng.

"Bà đỡ" tuyệt vời

Tham gia trại sáng tác trẻ, tôi viết vở đầu tay là một kịch bản đồng dao. Đọc xong, bác Sáu lôi tôi ra một góc: "Cất ngay đi nghe con. Bọn trẻ chúng mày cứ hung hăng ngựa non háu đá, không khéo ăn đòn vỡ mặt". Tôi hoảng và cất luôn kịch bản trong ngăn kéo.

Đến kịch bản thứ hai, tôi thấy ông mừng ra mặt. Ông bảo: "Lên xe! Tao chở mày đi đọc kịch bản". Ông chở tôi trên chiếc Velo Solex cũ kỹ mà thời đó người ta gọi là Solex mù. Cứ sắp đến ngã tư, ông lại la chói lói: "Thả ngay hai chân xuống, thắng phụ tao!". Loại xe Solex cũ mèm này thường thắng không ăn, máy nằm ở bánh trước, thắng vớ vẩn là té chúi nhủi đầu.

Tôi đọc kịch bản cho Đoàn Kịch nói Kim Cương. Còn ông cứ lim dim gà gật, như thể việc đồng áng đã xong, chỉ chờ ngày ra đồng gặt lúa. Nghe đọc kịch bản xong, nghệ sĩ Bảy Nam (mẹ nghệ sĩ Kim Cương) nói ngay: "Đoàn chúng tôi rất thích kịch bản này. Nhất là lại được anh Sáu cất công xuống tận đây giới thiệu".

Đó là tác phẩm đầu tay của tôi trên sân khấu chuyên nghiệp - vở "Đừng nói lời vĩnh biệt" (đạo diễn: Thành Trí). Hai diễn viên thủ vai chính là nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà - Hải Yến (vợ Mai Trần), các diễn viên trẻ như Bích Ngọc, Lê Công Tuấn Anh, Hữu Châu… được phân vai phụ.

Thời ấy, một tác giả trẻ chân ướt chân ráo được dựng vở và có cả trăm suất diễn trên Sân khấu Kim Cương quả là điều vinh hạnh. Đến giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn bác Sáu Lăng và Đoàn Kịch nói Kim Cương. Tác phẩm này không chỉ là dấu ấn cuộc tình đầu tiên của tôi với sân khấu chuyên nghiệp mà nó đã góp phần cứu đói cho gia đình tôi trong suốt mấy năm. Thời điểm những năm 1980, đời sống rất ngặt nghèo. Nhiều bữa vợ chồng tôi chở con gái trên xe đạp, nhác từ xa thấy xe bán bong bóng là vội vàng rẽ sang hướng khác vì sợ con đòi mua.

Lĩnh được tiền bản quyền tác phẩm hằng đêm, lại thấy con bác Sáu không có xe đi, tôi gửi tặng bác chiếc xe đạp. Đâu khoảng nửa tháng sau, bác nói với tôi nghẹn ngào như muốn khóc: "Chiếc xe đạp mày cho, thằng con tao bán mất rồi!". Tôi lặng đi không phải vì chuyện chiếc xe mà thương một người như bác. Cả cuộc đời sống chỉ để cho, đến khi về già mở hai bàn tay ra lại không thấy có gì.

Thỉnh thoảng nhớ về bác Sáu, tôi cố nghĩ cái gì vui vui. Có thể sự ví von hơi khập khiễng nhưng ông giống như một "Lão ngoan đồng" trong tiểu thuyết Kim Dung. Bình dị, rất hồn nhiên yêu người mà võ công thâm hậu. Người như ông luôn thắp sáng lên trong lòng người khác về những điều tử tế và một nhân cách sống ở đời. 

Như ông già nhà quê

Nhớ lại thời mới lon ton đặt chân đến Hội Sân khấu TP HCM dự trại sáng tác trẻ, tôi còn nhiều bỡ ngỡ lắm, nhìn lên thấy vị nào cũng ngời sáng tài hoa, uy nghi, đáng kính. Không khí ở các cơ quan văn nghệ hồi đó còn tôn ti phong kiến, gia trưởng đạo mạo, không buông tuồng dễ dãi như bây giờ.

Ông tổng thư ký Hội Sân khấu TP HCM sáng nào cũng ngồi rất thẳng, khoanh tay đĩnh đạc trên chiếc salon lớn, có bộ ấm trà ở đại sảnh, đưa mắt chờ các nhân viên từ xa lục tục kéo đến chào. Một lần được ông gọi đến cho hầu cờ, tôi sướng rơn và lấy làm vinh dự lắm. Riêng bác Sáu cứ như ông già nhà quê, hỉ hả mày tao chi tớ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo