xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mặc ai khó khăn, múa rối sống tốt!

Hoàng Lan Anh

Trong khi nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật khác trầy trật sống bằng nghề, thậm chí phải làm thêm nhiều nghề tay trái để nuôi đam mê thì các nghệ sĩ múa rối có đời sống khá sung túc

Sáu giờ rưỡi chiều, Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn nườm nượp khán giả đến xem. Dù không phải là giờ đẹp cho việc đến rạp nhưng những chú tễu, bà lão chăn vịt, tiên, phượng của nhà hát có sức hấp dẫn đặc biệt với khán giả.

Đỏ đèn cả năm đón khách

Đều đặn một ngày 6 suất diễn, kéo dài từ 12 giờ đến 22 giờ, Nhà hát Thăng Long, với địa thế cực kỳ đắc lợi, nằm ngay sát cạnh Hồ Gươm, 365/365 ngày luôn đỏ đèn đón khán giả. Khán phòng luôn đầy chật người, không chỉ là khách Tây tò mò đến xem môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà còn nhiều người Việt. Võ Thùy Dương, một diễn viên kỳ cựu của nhà hát, chia sẻ các diễn viên phải làm việc liên tục, thời gian nghỉ giữa 2 ca biểu diễn chỉ 30 phút. Để có thời gian nghỉ ngơi giữ sức cũng như chuẩn bị cho những tích trò mới, Võ Thùy Dương và các đồng nghiệp của nhà hát phải chia thành 2 đoàn diễn, một đoàn diễn ngày chẵn, một đoàn diễn ngày lẻ. “Bận thì bận, vất vả có vất vả nhưng nhìn thấy khán giả thích thú với những chú tễu, cô tiên, chúng tôi thấy thực sự được tiếp thêm năng lượng cho công việc của mình” - Dương nói.

 

Nghệ sĩ rối nước Võ Thùy Dung (em gái nghệ sĩ Võ Thùy Dương) điều khiển rối trong một buổi diễn Ảnh: ANH TUẤN
Nghệ sĩ rối nước Võ Thùy Dung (em gái nghệ sĩ Võ Thùy Dương) điều khiển rối trong một buổi diễn Ảnh: ANH TUẤN

 

Cũng có một địa điểm đẹp không kém gì Nhà hát Múa rối Thăng Long là Sân khấu Lục Thủy của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (được cải tạo lại từ Nhà hát Đông Kinh) với 300 ghế, ngồi ngay sát bờ Hồ Gươm. Đây cũng là địa điểm biểu diễn rối nước được nhiều du khách lựa chọn. Chương trình “Múa rối nước Bông Sen” của nhà hát này quy tụ nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm biểu diễn từ các vùng miền truyền thống trong nghề rối cả nước như NSND Thùy Trang; các nghệ sĩ Lan Hương, Thúy Lan, Thu Hương, Thế Khiển, Minh Toàn, Thanh Tùng...  với các tiết mục rối cổ truyền đặc sắc như tễu giáo trò - bật cờ, múa rồng, lân tranh cầu, múa phượng, múa tứ linh, câu ếch, đánh cá... Dưới bàn tay của các nghệ sĩ tài năng, nghệ thuật cổ truyền độc đáo múa rối nước duy nhất chỉ có ở Việt Nam đã được thổi hồn như một làn gió mới, đậm chất truyền thống, pha chút đương đại và mang tính thời cuộc, gần gũi với nhịp sống mới. Đều đặn mỗi ngày, các nghệ sĩ biểu diễn 2 suất chiều và tối, ngoài ra nhà hát cũng đặt lịch biểu diễn theo yêu cầu của khán giả. Tuy không có vị trí đắc địa như các đơn vị đàn em nhưng Nhà hát Múa rối trung ương cũng đều đặn duy trì 1 ngày 2 suất diễn phục vụ người xem.

 

Khán giả chật cứng khán phòng của Nhà hát múa rối Thăng Long trong mỗi xuất diễn
Khán giả chật cứng khán phòng của Nhà hát múa rối Thăng Long trong mỗi xuất diễn

 

Trong khi nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật khác trầy trật sống bằng nghề, thậm chí phải làm thêm nhiều nghề tay trái để nuôi niềm đam mê của mình thì các nghệ sĩ múa rối có đời sống khá sung túc. “Chúng tôi sống được bằng nghề và thậm chí là sống tốt” - Võ Thùy Dương cho biết. Chị cũng “bật mí” thu nhập của chị và các đồng nghiệp của Nhà hát Múa rối Thăng Long dù chưa hẳn là cao nhưng cũng là niềm mơ ước của các đồng nghiệp ở sân khấu kịch, chèo, cải lương... “Vì múa rối khá được yêu thích nên chúng tôi cũng có một đời sống ổn định” - nghệ sĩ này chia sẻ.

Làm mới từng ngày

Rối nước không chỉ còn là những tích trò đơn lẻ mà được xây dựng thành những câu chuyện hấp dẫn người xem. Các nhà hát múa rối cạnh tranh bằng việc đưa lên sân khấu nhiều vở mới hấp dẫn. “Chuyện tình Dạ Trạch”, vở rối nước của Nhà hát Múa rối trung ương, do đạo diễn - NSƯT Lê Hồng Hà viết kịch bản và dàn dựng vừa ra mắt khán giả vào đầu tháng 10 không chỉ khiến khán giả thích thú bởi tích truyện dân gian quen thuộc nói về chuyện tình của Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung mà còn gợi cho người xem trở về những cảnh thôn quê gần gũi. Vở diễn này cũng đánh dấu lần đầu tiên nghệ thuật truyền thống rối nước Việt Nam kết hợp với nghệ thuật sắp đặt và hoạt hình cắt giấy. Về sự kết hợp này, đạo diễn Hồng Hà nói chị muốn thổi nét tươi mới vào rối nước, vì thế, vở rối tuy vẫn trong không gian thủy đình nhưng qua cách thể hiện mới được phát triển lên với yếu tố đương đại như màn pháo sáng mở đầu, cảnh thuyền đuốc, chọi gà, bơi thi, đánh cá... Điệu múa bát tiên truyền thống của rối nước cũng được nâng cấp lên thành một nhóm múa cung đình mềm mại, uyển chuyển không khô cứng như những con rối trước đây. Điều đặc biệt là nếu như trước đây những vở rối nước thường được diễn trên nền nhạc truyền thống thì ở “Chuyện tình Dạ Trạch” lạ là âm nhạc world music (khai thác các chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền, pha trộn các thể loại âm nhạc với nhau), khiến cho vở rối mang hơi thở và hấp dẫn hơn. Sự hấp dẫn ở những màn biểu diễn luôn mới lạ, nghệ thuật múa rối vì thế càng thu hút khán giả đến với mình.

 

Hấp dẫn sân khấu rối nước thu nhỏ

Không chỉ hấp dẫn du khách ở các nhà hát, rối nước còn lan tỏa ở các sân khấu tư nhân quy mô nhỏ. 15 năm qua, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã phát huy hết thế mạnh của sân khấu rối nước thu nhỏ, đưa nghệ thuật múa rối nước đến với đông đảo người xem tại các cuộc triển lãm, hội chợ, hội xuân, đến các trường học và đến cả với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Sân khấu múa rối nước thu nhỏ tại ngôi nhà số 1, ngõ 260, ngách 17/18, phố chợ Khâm Thiên (Hà Nội) của ông đã trở thành địa chỉ quen thuộc của khách du lịch. Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm còn mang sân khấu múa rối nước thu nhỏ của mình đi biểu diễn thành công ở nhiều nước trong khu vực và thế giới. Mới đây nhất là chuyến lưu diễn tại Vương quốc Anh theo lời mời của Đại sứ quán Việt Nam.

Với khả năng biểu diễn điêu luyện cũng như sự sáng tạo trong việc tạo hình con rối, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm vừa khai thác, phục hồi các trò rối nước dân gian truyền thống vừa tìm tòi sáng tạo những trò múa rối nước phản ánh con người và cuộc sống hôm nay. Tham gia đề án văn hóa giao thông, anh đã làm ra những chiếc xe máy phóng nhanh xé nước, qua hình ảnh đua xe trái phép hay những cảnh trẻ em nô đùa trên đường phố gây ùn tắc giao thông... Rối nước cũng tham gia các đề tài hiện đại khác như bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương, bảo vệ môi trường...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo