xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nàng thơ trong phố

Võ Kim Ngân - Ảnh: Lê Trọng Nghĩa

Một người bạn kiến trúc sư đã gọi sông Hàn là “Nàng thơ”... Lúc đầu, tôi cũng khá nghi ngại với cái tên đó.

Anh cũng người Đà Nẵng, cũng hiểu con sông Hàn như bao người dân thành phố này. Sông Hàn đã bao giờ là Nàng thơ đâu, dù là nguồn cảm hứng cho những bài thơ, bài hát viết về sông Hàn, Đà Nẵng...

Trong ký ức bao người, sông Hàn là dòng sông tần tảo của những chuyến đò ngang, của những chiếc thuyền đánh cá rong ruổi khơi xa, của mùi biển mặn, của những câu ca rát lòng: “Đứng bên ni Hàn, nước xanh như tàu lá...”.

img

Thế nhưng, khi đọc bài viết của anh phân tích về dòng sông Hàn bằng cách nhìn của một kiến trúc sư trong quy hoạch tổng thể về cảnh quan sông Hàn, tôi bỗng thấy hiện lên một Nàng thơ, đúng như anh phân tích, có đủ “công, dung, ngôn, hạnh”. Đó là sông Hàn đang chuyển mình với sự đổi thay của Đà Nẵng, một vẻ đẹp được đánh thức, hiện đại nhưng vẫn mang nét riêng của Hàn giang. “Là phần không gian mềm của đô thị”, nơi thể hiện rõ sự giao hòa với thiên nhiên, thái độ ứng xử văn minh của con người tôn trọng thiên nhiên. Tôi thích cái ý đó của anh. Theo anh, với thời gian và sự phát triển của đô thị Đà Nẵng, “Nàng ấy” như một cô gái đang tuổi xuân thì, đầy sức sống và tập hợp đông đủ những phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ thu hút mọi ánh nhìn, tỏa sáng cho thành phố.

Sông Hàn như sinh ra để dành riêng cho Đà Nẵng. Nơi bắt nguồn, cũng như độ dài của dòng sông vừa đủ làm nên vẻ đẹp, điểm nhấn của thành phố cửa biển.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, sông Cẩm Lệ (và sông Hàn) bắt nguồn từ 2 ngọn núi Kiền Kiền và Lỗ Đông với 2 con sông Lỗ Đông và Vinh Phàn. Sông chảy về phía Đông đến làng Bồ Bản nhập vào dòng sông Thạch Bồ (còn gọi sông Yên), xuôi xuống phía Đông đến xã Cẩm Lệ tạo thành sông Cẩm Lệ. Từ Cẩm Lệ, sông chảy qua xã Hóa Khuê Trung (nay phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) và xã Hóa Khuê Tây tạo thành con sông Hàn.

Cũng theo “Đại Nam nhất thống chí”, đổ vào hạ lưu sông Cẩm Lệ còn có sông Cổ Mân, dân gian gọi là sông Cái, nối từ hạ lưu sông Vĩnh Điện đi qua làng Cổ Mân, nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Ngã ba sông này chính là nơi bắt đầu của sông Hàn và kết thúc tại cửa biển Đà Nẵng. Theo một số nghiên cứu, chữ “Cửa Hàn”, lần đầu tiên xuất hiện ở đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) khi vua định lại bản đồ 13 xứ thừa tuyên lần cuối.

Vượt qua lạch nguồn hòa vào cửa biển, sông mang màu xanh ngắt và gợn sóng lao xao khỏe khoắn. Có lẽ ngay từ xa xưa, sông Hàn đã mang cái nét hiện đại của dòng sông khao khát hòa vào biển lớn. Đô thị dọc sông Hàn đã có lịch sử phát triển lâu đời. Từ năm 1835, khi vua Minh Mạng quyết định “Cửa Hàn” là nơi duy nhất buôn bán với phương Tây thì Đà Nẵng đã nhanh chóng vượt lên Hội An và trở thành một thương cảng bậc nhất miền Trung. Cùng với sự phát triển kinh tế, các khu vực hành chính và dân cư bắt đầu được hình thành, thành Điện Hải, đình làng Hải Châu... được xem là dấu tích của giai đoạn phát triển đô thị đầu tiên này. Đến thời kỳ Pháp thuộc: Sau khi xâm chiếm toàn bộ đất nước ta vào năm 1889, thực dân Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Đầu thế kỷ XX, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Thành phố bắt đầu được hình thành dọc bờ Tây sông Hàn với 13 con đường được đặt tên. Những dấu tích thời Pháp thuộc vẫn còn đọng lại khá rõ nét trong cấu trúc đường phố vuông vắn và các kiến trúc khu trung tâm thành phố, điển hình có tòa nhà UBND thành phố, nhà thờ Con Gà, dãy phố thương mại dọc chợ Hàn...

Từ ngày Tây đến “Cửa Hàn”, sông Hàn là chiếc gương soi hai nửa khác biệt: bên bờ Tây phố xá thênh thang và bên bờ Đông còn mịt mù trong sắc “xanh tàu lá”. Bao năm tháng chiếc đò ngang không thể níu khoảng cách đôi bờ, xóa đi hai nửa gương soi của một dòng sông giữa phố và làng... Dòng sông đôi bờ như cách biệt ấy còn là chứng nhân của bao sự kiện lịch sử của đất nước. Sông Hàn 2 lần chứng kiến sự tấn công và đổ bộ đầu tiên của thực dân Pháp hồi thế kỷ XIX và đế quốc Mỹ thế kỷ XX. Dòng nước trong xanh còn lưu giữ bao câu chuyện về lịch sử cuộc đấu tranh giữ nước của cha ông.

Và, diện mạo đôi bờ sông Hàn và Đà Nẵng có những thay đổi lớn kể từ năm 2000 khi cầu quay sông Hàn bắc ngang, xóa đi những xóm nhà chồ, trả lại vẻ đẹp cho bờ Đông sông Hàn và đánh thức sự trở mình của bán đảo Sơn Trà. Những công viên, những con đường mở ra dọc hai bờ sông, những cây cầu nối tiếp nhau ra đời nối liền hai bờ Đông - Tây, những sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế thu hút bạn bè tứ phương đến với Đà Nẵng thêm đông. Đặc biệt, hai bên bờ sông Hàn, ở các khu vực trung tâm có nhiều công trình lớn, ấn tượng được đầu tư xây dựng khiến thành phố bên sông mang dáng dấp một đô thị hiện đại, văn minh.

Đà Nẵng vừa tổ chức “Cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn” nhằm mục tiêu chuyển hóa hai bờ sông Hàn thành điểm đến độc đáo mang tầm quốc tế, đóng vai trò làm chất xúc tác cho công cuộc phát triển của thành phố thông qua thiết lập một hệ kinh tế sáng tạo của cơ hội, gắn kết và sinh thái. Sông Hàn đã, đang và sẽ thay đổi... và có thể thực sự trở thành Nàng thơ!

Mỗi con sông đều mang linh hồn của một vùng đất. Dòng sông Hàn xanh biếc nơi cửa biển ấy cởi mở như sẵn lòng gánh vác và chia sẻ bao bể dâu cuộc đời. Đó cũng là nơi neo đậu của những con tàu đại dương và cũng là nơi neo đậu của những tấm lòng xa quê.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo