xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ Nguyễn Công Ninh: Hai năm khắc khoải với cụ Đồ Chiểu

Cát Vũ

Một diễn viên, một đạo diễn có tiếng ở sân khấu đã bất ngờ thành công qua các vai diễn đầy ấn tượng trên phim. Một diễn viên điện ảnh xuất sắc lại nặng lòng khi nghĩ về sân khấu. Một “cầu thủ” đá hay cả sân nhà lẫn sân khách. Bộ phim truyện nhựa Người học trò đất Gia Định xưa (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), sau gần ba năm thực hiện với khá nhiều trắc trở, đã hoàn thành và được chiếu ra mắt tại rạp Thăng Long (Q.3) vào tối ngày 2-9 vừa qua.

Sự nghiệp:

. Tốt nghiệp diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu 2

. Thạc sĩ Nghệ thuật học Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Leningrad (1984 - 1990) (Liên Xô cũ).

. Đã dựng khoảng 50 vở kịch sân khấu, truyền hình.

. Đã đóng trên 10 phim nhựa và truyền hình.

. Giải nhất đạo diễn Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995 (vở Dạ cổ hoài lang).

. Giải diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim VN lần thứ 12 tại Huế năm 1999.

. Trưởng khoa diễn viên Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TPHCM từ năm 1994 đến nay.

Nhân vật người xem trông đợi nhất không ai khác là cụ Đồ Chiểu  do nghệ sĩ Nguyễn Công Ninh thủ vai, đã tạo ra nhiều luồng ý kiến đánh giá khác nhau, song có một nhận định tương đối chung nhất là càng về “cuối đời”, nhân vật Nguyễn Đình Chiểu càng để lại trong lòng người xem sự khâm phục lẫn niềm thương cảm. Ông đã khước từ mọi vinh hoa phú quý do thực dân Pháp chào mời, chấp nhận một cuộc sống nghèo khó thanh bạch để ngẩng cao đầu làm một người yêu nước và đã ra đi trước sự tiếc thương của đồng bào mình. Cảnh đám tang ở cuối phim đã gây được xúc động mạnh mẽ nơi người xem. Người Lao Động cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Nguyễn Công Ninh, người thủ diễn vai Nguyễn Đình Chiểu trong bộ phim trên.

. Phóng viên: Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Huy Thành nói rằng ông đã tìm rất lâu, thử qua khá nhiều người mới chọn được anh cho vai Nguyễn Đình Chiểu. Song qua buổi chiếu ra mắt, nhiều người nhận xét, anh chỉ mới thành công ở giai đoạn nhân vật về già. Anh nghĩ thế nào về điều này?

- Nghệ sĩ Nguyễn Công Ninh: Thật tình tôi hơi bất ngờ khi được mời đóng vai chính trong một bộ phim truyện nhựa hiếm hoi, có thể nói là “quý như vàng” ở vào thời điểm như hiện nay, lại đóng Nguyễn Đình Chiểu, một nhân vật tuy ở vào giai đoạn lịch sử cận đại song lại được người đương thời hiểu rất rõ. Đời sống nhân vật trên phim lại trải dài đến 40 năm (từ 1848 đến 1888), từ tuổi thanh niên 18, 19 đến khi về già, trong khi tôi đã ở vào tuổi trung niên mà khả năng cũng như phương tiện hóa trang của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đóng nhân vật lúc về già tôi cảm thấy tự tin hơn.

Trong quá trình đi ghi hình, đoàn phim cũng gặp nhiều điều không thuận lợi: kinh phí rót nhỏ giọt, vừa làm vừa chờ... tiền; nhà quay phim Đoàn Quốc nhận quay cùng lúc hai bộ phim nhựa được triển khai cùng thời gian, đang quay phim này lại chạy sang phim khác, khiến tiến độ đã chậm càng chậm thêm. Lại chậm thêm nữa khi xe đoàn phim bị lật trên đường, khiến nhiều người bị thương, riêng tôi bị tét trán phải may đến bốn mũi. Lần đầu tiên tôi phải mất hai năm để đóng một nhân vật. Trong hai năm ấy tôi chỉ khắc khoải một hình bóng cụ Đồ Chiểu và nhờ vậy tôi càng thêm hiểu và yêu quý ông.

. Anh là một trường hợp khá đặc biệt. Từ những năm đầu 80, anh đã được xem là một nam diễn viên nhiều triển vọng ở sân khấu. Rồi vào những năm đầu thập kỷ 90, anh lại là một đạo diễn được khẳng định với những vở kịch như: Dạ cổ hoài lang, Đoạn trường, Gái giang hồ quốc tế, Chuyện tình yêu, Cha yêu... Người ta ngạc nhiên khi thấy anh lại thành danh ở điện ảnh với hàng loạt vai, trong đó có vai Tấn (Ai xuôi vạn lý) đoạt giải diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim VN lần thứ 12 tại Huế. Như vậy, bí quyết để thành công của anh là gì?

- Năm 1991, sau khi tốt nghiệp đại học sân khấu ở Liên Xô (cũ) về tình cờ gặp đạo diễn Châu Huế, không hiểu sao anh lại mời tôi đóng một vai nhỏ trong phim Đời hát rong. Nghe người ta nhận xét rằng lên phim diễn coi cũng được nên tôi cảm thấy tự tin, nhận lời mời của đạo diễn Lê Hoàng, đóng vai Tấn, nhân vật chính trong phim Ai xuôi vạn lý. Rồi từ vai Tấn này, tôi được các đạo diễn mời. Lắm lúc tôi nghĩ mình có duyên với điện ảnh nhiều hơn sân khấu. Ở lĩnh vực nghệ thuật, khó mà giải thích được sự thành công. Nói theo ngôn ngữ của dân sân khấu đó là do được “tổ đãi”, chứ thật ra cũng chẳng có bí quyết gì, chỉ biết cố gắng, đã làm gì là làm cho hết mình.

. Chỉ đạo diễn xuất cho một đạo diễn sân khấu “có tiếng” như anh, hẳn là các đạo diễn điện ảnh cũng cảm thấy e ngại, nể nang?

- Nếu e ngại thì hẳn họ chẳng bao giờ mời tôi. Tôi đã xác định một điều: khi làm một diễn viên trên sân quay, tôi tuyệt đối phục tùng đạo diễn. Bởi đạo diễn một khi đã làm phim là họ đã có ý tưởng riêng, lời nói của mình cũng chỉ là để tham khảo mà thôi. Quyền hạn của đạo diễn ở điện ảnh rất lớn, nên người ta mới gọi là ông vua trường quay.

. Anh đã tham gia vào sân khấu thị trường và đã “đứng” được. Những người hiểu biết về chuyên môn sân khấu đều thấy rằng những vở kịch mang yếu tố thương mại hiện nay thường ít tính nghệ thuật, khác xa với những điều được tiếp thu ở trường lớp. Anh đã dung hòa hai yêu cầu này như thế nào?

- Dựng được một vở vừa mang tính nghệ thuật cao vừa có đông người xem là mơ ước cháy bỏng không chỉ của riêng tôi mà có thể nói là của “toàn thể” những người làm công việc dàn dựng, song chẳng mấy ai làm được. Tôi có được vài vở như Dạ cổ hoài lang, Đoạn trường, Chuyện tình yêu... cũng đã được coi là may mắn lắm. Để làm được một vở đúng tâm huyết còn phụ thuộc nhiều yếu tố mà trở ngại lớn nhất hiện nay là tâm huyết của người nghệ sĩ và thị hiếu của số đông khán giả không thống nhất. Viết hoặc dựng một vở kịch hiện nay, người ta buộc phải chọn thị hiếu của số đông để số đông này có thể nuôi sống nghệ sĩ, một trong những điều kiện hàng đầu để các sân khấu tồn tại. Khán giả bây giờ tới để xem diễn viên. Họ ít quan tâm tới tư tưởng của tác giả hay thủ pháp của đạo diễn. Công thức để làm một vở ăn khách không khó: kịch bản vui + diễn viên ăn khách = ăn khách. Họ thưởng thức việc giải trí một cách đơn giản và như thế là đủ, không cần gì thêm. Ngay khi viết, tác giả cũng ý thức được việc viết cho ai xem nên cầm kịch bản lên đã không có cái để mà sáng tạo. Diễn viên cũng vậy, đời nào họ chịu tập những vở nói chuyện ở “sao Hỏa, sao Kim”? Còn điều này mới “đáng sợ” hơn là có đơn vị nghệ thuật nào trong cơ chế thị trường dám cho đạo diễn làm vở nghệ thuật phục vụ cho một số khán giả chọn lọc ít ỏi?

Đứng ở góc độ người sáng tạo, tôi cảm thấy rất buồn. Sự bức xúc xã hội về nghệ thuật không cao, sẽ không tạo động lực cho nghệ sĩ dốc tâm, dốc sức tìm tòi. Riết rồi, tôi có cảm giác như tiếc công mình học, đôi lúc thấy mình mất phương hướng, không biết làm gì? Thôi thì làm vở để kiếm sống, chờ đợi khán giả thay đổi thẩm mỹ khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo