xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghĩa trang Nghệ sĩ TPHCM bị giải tỏa ?

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

700 ngôi mộ nghệ sĩ sẽ được giải tỏa trong thời gian tới. Ngôi mộ nào có người thân lo lấy cốt trước sẽ được bố trí trong tháp cốt

Trong buổi lễ cúng 49 ngày của NSND Phùng Há, ông Diệp Nam Thắng (tức bầu Thắng,  giám đốc Công ty Cải lương Dạ Lý Hương), Trưởng Ban Quản lý nghĩa trang và chùa Nghệ sĩ, buồn bã cho các nghệ sĩ biết: “UBND quận Gò Vấp đã mời tôi lên để thông báo về việc giải tỏa nghĩa trang chùa Nghệ sĩ. Nhà nước không lấy đất, chỉ yêu cầu bốc mộ tất cả rồi hỏa táng, sau đó đưa những hũ cốt vào tháp cốt được xây trong khuôn viên chùa. Tuy nhiên, không phải ngôi mộ nào cũng được bốc. Trong khi đó chùa lại không có tiền để làm công việc lo chu tất phần hỏa táng cho hơn 700 ngôi mộ nghệ sĩ. Do vậy, chúng tôi thông báo đến người thân của các nghệ sĩ được chôn cất tại đây, ai bốc mộ sớm sẽ được ưu tiên đưa vào tháp cốt này”.

img

NSƯT Thanh Thanh Tâm thăm viếng mộ đạo diễn Chi Lăng- nguyên giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang


Chấm hết di tích 60 năm


Người yêu thích sân khấu không ai không biết đến nghĩa trang Nghệ sĩ và chùa Nghệ sĩ TPHCM tọa lạc trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp-TPHCM. Ngôi chùa này có tên là Nhựt Quang nhưng người dân và khán giả mộ điệu vẫn quen gọi là chùa Nghệ sĩ. Chùa được xây dựng năm 1949 do NSND Phùng Há cùng với các soạn giả hoạt động cách mạng: Năm Châu, Trần Hữu Trang, Mai Quân... đứng ra thành lập. Đồng thời  NSND Phùng Há cùng với  những nghệ sĩ tiên phong đã thành lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế Nam Việt nhằm liên kết các nghệ sĩ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.


Thời đó, nhìn thấy có nghệ sĩ tài danh khi chết đi chỉ có mảnh chiếu quấn thân vì không có áo quan để chôn, NSND Phùng Há đau lòng nên bày tỏ ước nguyện tìm một mảnh đất để xây chùa và nghĩa trang, giúp cho “giới nghệ sĩ sinh thời sống chung thì khi chết không thể lẻ loi, túng quẫn như vậy”.


Ý tưởng đó đã được Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế Nam Việt đồng tình ủng hộ. Hai soạn giả Năm Châu và Trần Hữu Trang cùng NSND Phùng Há huy động tiền đóng góp từ các mạnh thường quân, các chủ hãng có tấm lòng hảo tâm đứng ra mua đất, xây chùa và nghĩa trang. Dựa vào mối quan hệ đầy uy tín và tài ngoại giao của một cô đào tài sắc thời đó, NSND Phùng Há đã vận động ông chủ trường đua Phú Thọ tặng cho Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế Nam Việt một ngày thu nhập. Ngày 5-9-1949, hội đã nhận được 139.000 đồng để mua lô đất có diện tích 6.080 m2 ở xã Hạnh Thông Tây – Gò Vấp. Chùa Nghệ sĩ và nghĩa trang Nghệ sĩ được hình thành từ đó, tính đến nay đúng 60 năm, đã có hơn 700 ngôi mộ nghệ sĩ được chôn cất tại chùa, chưa kể đến hơn 100 hũ cốt của nghệ sĩ, công nhân hậu đài, diễn viên quần chúng nghèo được hỏa táng và gửi tại chùa.


Còn đâu chốn đi về ?


Nghĩa trang Nghệ sĩ TPHCM đã trở thành biểu tượng của lòng tôn kính người nghệ sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật. Trong hơn 700 ngôi mộ ở đây có biết bao con người từng có một thời là những gạch nối làm nên thành tựu to lớn cho nghệ thuật sân khấu cải lương, kịch nói miền Nam. Họ hiên ngang chiến đấu, thông qua các tác phẩm, các vai diễn để ca ngợi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong số  họ có người được tôn trọng như những liệt sĩ đã ngã xuống cho sân khấu dân tộc. Họ có công với đất nước, có công với sự nghiệp sân khấu cách mạng và trên hết là tấm gương đạo đức đối với thế hệ diễn viên trẻ sau này, như NSND Năm Châu, NSND Năm Đồ, NSND Ba Vân, NSND Thành Tôn, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Trường Xuân, NSƯT Thanh Nga, soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng, soạn giả Vĩnh Điền, đạo diễn Chi Lăng...


Ở đây còn có những ngôi mộ của các nghệ sĩ tài danh như Minh Phụng, Đức Lợi, Kiều Hoa, Trương Ánh Loan, Hoàng Tuấn, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Tô Kiều Lan, Quốc Hòa, Lê Công Tuấn Anh... Đó là những tên tuổi mà thành công của họ là niềm tự hào của giới nghệ sĩ và khán giả mộ điệu. Nghĩa trang Nghệ sĩ gần như quanh năm là ngày tưởng niệm của nhiều nghệ sĩ. Có tháng gần như ngày nào cũng có giỗ nghệ sĩ tại đây. Ngày đó không chỉ có người thân mà còn có rất đông khán giả mộ điệu khắp nơi tìm về, nghe lại bài vọng cổ, xem lại những tấm ảnh lưu niệm để nhớ về người nghệ sĩ họ yêu mến. Giới diễn viên trẻ từ cải lương, hát bội đến kịch nói, điện ảnh, truyền hình sau này đã tìm đến nghĩa trang và chùa Nghệ sĩ TPHCM để tìm hiểu và lắng nghe những câu chuyện thấm nhuần đạo lý của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.

Cảm xúc của nghệ sĩ NSƯT Ngọc Giàu:

Nghĩa trang có một không hai


Việc giải tỏa nghĩa trang trên địa bàn TP để trả lại sự trong lành cho môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, đối với nghĩa trang Nghệ sĩ TPHCM, tôi nghĩ quận Gò Vấp nên xem xét lại vì không nơi đâu trên thế giới có một nghĩa trang dành riêng cho nghệ sĩ như ở nước ta. Có thể tạm ngưng cho phép chôn cất thêm trong nghĩa trang này, chứ không nên giải tỏa vì mỗi phần mộ trong nghĩa trang này đều mang những giá trị lịch sử, văn hóa  và có mối quan hệ mật thiết với công chúng yêu nghệ thuật nhiều thế hệ.


NSƯT Minh Vương:

Chúng tôi đau lòng lắm !


Việc xây tháp đặt hũ cốt không khó nhưng những gia đình nghệ sĩ nghèo, không còn người thân thì lấy đâu tiền để làm. Rồi những phần mộ vô chủ sẽ về đâu,  nghĩ đến đó chúng tôi đau lòng lắm. Nhà nước nên tính lại, có sự phối hợp, hỗ trợ kinh phí như thế nào để việc giải tỏa này ổn thỏa đôi bên.


NSƯT Bảo Quốc:

Cần bảo tồn như một di tích


Ra nước ngoài biểu diễn, tiếp xúc với nhiều khán giả kiều bào ở nhiều nước, tôi thấy ai cũng biết đến nghĩa trang Nghệ sĩ TPHCM. Có người khi về nước là tìm đến viếng mộ những nghệ sĩ mà họ yêu kính. Có người đã cho tôi xem những bức ảnh chụp bên mộ NSƯT Thanh Nga, chị ruột của tôi, với ánh mắt rất tự hào. Nay nghĩa trang Nghệ sĩ bị giải tỏa, tức là xóa đi dấu ấn một thời để nhớ, nơi các thế hệ khán giả và nghệ sĩ trẻ bày tỏ tấm lòng tri ân đối với người nghệ sĩ đi trước. Lâu nay, vì tình thương dành cho cả giới, ban quản lý nghĩa trang đã cho nhiều người không phải nghệ sĩ, chủ yếu là thân nhân các nghệ sĩ được chôn cất tại đây, gây nên quá tải, làm mất đi tính chất, ý nghĩa ban đầu của nghĩa trang này. Theo tôi, nên quy hoạch lại nghĩa trang Nghệ sĩ, cần đưa những ngôi mộ không phải nghệ sĩ đi nơi khác hoặc hỏa táng gửi vào tháp cốt. Còn các ngôi mộ của nghệ sĩ nổi tiếng, có công với sự nghiệp sân khấu và đất nước vẫn giữ nguyên trạng, có tu bổ, sửa chữa, nâng cấp để làm khu di tích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo