xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người “chép sử” bằng đèn cổ

Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN

Linh mục Nguyễn Hữu Triết đã đi qua cả một quãng dài gần 15 năm của cuộc đời mình bằng những chuyến hành trình ngược xuôi Nam -Bắc, chỉ để “nhặt nhạnh những thứ mà người ta đã bỏ đi”

Những người đến thưởng lãm bộ sưu tập Đèn xưa với hơn 300 cổ vật của linh mục Nguyễn Hữu Triết, đang được trưng bày từ ngày 25-1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, đều không khỏi trầm trồ, thán phục khi được tận mắt nhìn thấy một kho tàng đèn dầu cổ. Những chiếc đèn dầu với nhiều kiểu dáng lạ mắt, chạm trổ tinh xảo và độc đáo không chỉ thu hút được khách trong nước mà còn làm say mê du khách nước ngoài.

1.000 chiếc đèn - vạn dặm bước chân

Khoác chiếc áo đã bạc màu thời gian, đeo cặp kính lão, linh mục Nguyễn Hữu Triết ngồi hiền từ lật giở từng trang Kinh Thánh trong chiều khuôn viên nhà thờ im vắng. Đó là những giây phút tĩnh lặng, nhẹ nhàng của vị linh mục nhà thờ Tân Sa Châu (Q.Tân Bình - TPHCM) - người đã dày công sưu tập những bộ cổ vật độc đáo có một không hai ở Việt Nam.

Bộ sưu tập đèn cổ của linh mục Nguyễn Hữu Triết hiện đã lên đến 1.000 chiếc. Đây là thành quả của một thời gian dài dày công nghiên cứu và sưu tầm. Những chiếc đèn ngàn năm như hiện thân cho từng thời đại. Linh mục đã đưa mọi người đi từ nền văn hóa Đông Sơn đến văn hóa Óc Eo; từ các loại gốm triều đại Lý, Trần, Mạc, Lê... đến gốm Bát Tràng, Chăm pa, Thanh Hóa, Sài Gòn, Nam Bộ... Đèn dầu ngày xưa rất gần gũi với cuộc sống, nhưng nay đã không còn thân quen trong nếp nghĩ của nhiều người. Vì vậy, ông mong muốn có thể mang những giá trị văn hóa ngàn năm đến với tất cả mọi người.

Dường như niềm đam mê sưu tầm đồ cổ đã trở thành một phần cuộc sống của vị cha xứ nhà thờ Tân Sa Châu. Trong lần ra mắt Câu lạc bộ sách cổ vào tháng 6-2006, ông đã từng khiến người xem xúc động khi say sưa giới thiệu về hai bức sắc phong cổ mà ông đã rất nhọc công mới tìm thấy được. Xuất hiện đạo mạo và thân tình trong buổi khai mạc triển lãm bộ sưu tập Đèn xưa, vị linh mục hiền từ chia sẻ: “Với tôi, sưu tập là một niềm vui, nhất là khi sưu tập được một hiện vật mình ưa thích, niềm vui đó được nhân lên gấp đôi và khi cổ vật đó được đưa ra cho mọi người thưởng lãm thì niềm vui đó lại đuợc nhân lên gấp ba, bốn lần”.

img
Đèn dầu hình con cào cào của vùng sông nước Nam Bộ

Chính vì niềm vui ấy mà linh mục Nguyễn Hữu Triết đã đi qua một quãng dài gần 15 năm của cuộc đời mình bằng những chuyến hành trình ngược xuôi Nam - Bắc, chỉ để “nhặt nhạnh những thứ mà người ta đã bỏ đi”, như lời linh mục nói. Ngày tháng cứ mải miết trôi đi, những chiếc đèn dầu cổ lại được tìm thấy và mang về, bộ sưu tập của ông lại nhiều thêm mãi. Ngoài những chiếc đèn được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật, những hiện vật còn lại được lưu giữ tại Nhà Truyền thống Công giáo TPHCM (số 6 Tôn Đức Thắng, Q.1-TPHCM).

Cái “say” của cả cuộc đời

Linh mục Nguyễn Hữu Triết tìm đến với những ngọn đèn dầu đã thắp lên ánh sáng cho đời, cũng chính là tìm đến dòng ánh sáng vẫn cháy trong tâm tưởng. Ông bảo trong Kinh Thánh, có nói rất nhiều về đèn: “Các con là ánh sáng của thế gian-Lời Chúa là đèn soi cho con bước - Là ánh sáng chỉ đường con đi”. Và ông đã đi theo niềm đam mê sưu tầm đèn cổ cũng một phần bắt đầu từ chân lý về ánh sáng diệu kỳ trong Kinh Thánh.

Không dễ dàng như việc ra phố đồ cổ Lê Công Kiều (TPHCM) hay phố Nghi Tàm (Hà Nội) để tìm mua cổ vật, mỗi khi về các tỉnh, linh mục Nguyễn Hữu Triết đều dọ hỏi nơi nào có đèn dầu cổ, rồi tìm đến mua cho bằng được. Có khi chiếc đèn trị giá hàng chục triệu đồng, linh mục phải mượn tiền bạn bè để mua, rồi về TP gửi tiền trả lại. Suốt ngần ấy năm, ông đã dốc toàn bộ tiền tiết kiệm của mình cho bộ sưu tập đèn.

Việc tìm ra một chiếc đèn dầu cổ đánh dấu cho một thời kỳ lịch sử là một hạnh phúc lớn lao đối với linh mục Nguyễn Hữu Triết. Không những thế, đó còn là một sự hứng khởi khi khám phá được văn hóa của từng vùng miền. Linh mục đã từng rất tâm đắc khi “nhìn thấy” được cuộc sống của người dân vùng Nam Bộ xưa qua bộ đèn cổ của miền sông nước này. Nhìn những dáng đèn ngàn năm, ông có thể thấy được cả lịch sử, tôn giáo, kinh tế và văn hóa của những thời đại, những nền văn minh đã cách xa hàng thế kỷ. Đó chính là cái “say” của người chơi đồ cổ, bởi không phải ai cũng có thể thấy được những điều kỳ diệu đó.

img
Đèn dầu hỏa được kết hợp 2 chất liệu sắt và thủy tinh

Theo linh mục, những chiếc đèn cũng ẩn chứa trong đó những góc khuất của cuộc sống ngày xưa và cả nếp nghĩ của người xưa: “Một chiếc đèn dầu lạc đơn thuần chỉ là để thắp sáng trong đêm, nhưng người xưa đã biết cách chế tác ra những kiểu dáng độc đáo, lạ mắt và cầu kỳ, chứng tỏ rằng đời sống kinh tế của người xưa cũng đã rất phồn thịnh. Con cào cào, con dế, những loài chim hay rắn nước... những hình ảnh đó đều vốn rất thân quen với nông dân miền sông nước. Còn những chiếc đèn với kiểu dáng cầu kỳ, thường là loại đèn được thắp trong cung đình Huế. Mỗi chiếc đèn đều mang những nét rất riêng của ba miền Bắc, Trung, Nam. Qua đó cũng cho thấy đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của những nghệ nhân”.

Mặc dù việc sưu tầm đèn cổ lấy mất quá nhiều thời gian và công sức, nhưng linh mục Nguyễn Hữu Triết chỉ cười, bảo thời gian chơi với đèn đã là thời gian rảnh rỗi của mình. Không thừa nhận là nhà sưu tập, linh mục cho rằng mình chỉ là một người đi nhặt nhạnh những chiếc đèn và mang về, như là thói quen của một chặng hành trình. Đơn giản vậy thôi.

Chỉ là thói quen, nhưng sưu tầm đèn cổ lại là thói quen của một niềm đam mê, thói quen đã thuộc về một phần cuộc sống của linh mục Nguyễn Hữu Triết. Ông đã đi với niềm đam mê của mình suốt một chặng dài và sẽ vẫn còn tiếp tục âm thầm, lặng lẽ trong cuộc hành trình kiếm tìm những nguồn sáng của ngàn xưa...

Ngoài bộ sưu tập Đèn xưa đang được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật, linh mục Nguyễn Hữu Triết còn là chủ nhân của nhiều bộ sưu tập chưa được trưng bày khác: hàng ngàn quyển sách cổ; hơn 1.000 vỏ chai nước hoa; trên 500 sản phẩm văn phòng phẩm, cùng một số hiện vật quý hiếm khác như: đồ đồng Đông Sơn, đồ gốm sứ, tranh sơn dầu...

Linh mục Nguyễn Hữu Triết còn là cố vấn của Câu lạc bộ sách cổ và Câu lạc bộ sưu tầm cổ vật (các câu lạc bộ được tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần tại nhà thờ Tân Sa Châu).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo