xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà hát vắng người xem (*): Chơi vơi nhà hát Tây Đô

Bài và ảnh: Ca Linh

Cả TP Cần Thơ có duy nhất nhà hát này nhưng chỉ để làm sàn tập chứ chẳng mấy khi biểu diễn nghệ thuật vì ế khách

Nằm ở trung tâm TP năng động và phồn vinh nhất miền Tây là Cần Thơ, Nhà hát Tây Đô - rạp hát duy nhất của thủ phủ miền Tây - nhiều năm nay rơi vào tình trạng vắng khách, thậm chí không có buổi diễn nào suốt năm.

Chỉ là nơi diễn tập

Năm 2007, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Cần Thơ thành lập Nhà hát Tây Đô (số 105 Trần Hưng Đạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều) trên cơ sở sửa chữa, nâng cấp rạp Hậu Giang cũ với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng. Rạp có 550 ghế, diện tích khoảng 1.000 m2, gồm 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là Đoàn Cải lương Tây Đô và Đoàn Ca múa kịch Lưu Hữu Phước. Chức năng của nhà hát là tổ chức các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, như: cải lương, ca múa nhạc, kịch nói; đào tạo, truyền nghề, nghiên cứu, bảo tồn đối với các loại hình nghệ thuật dân gian, như: Dân ca Nam Bộ, nhạc lễ Nam Bộ, hát bội... Sự ra đời của Nhà hát Tây Đô thời điểm này đã nhen nhóm cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của TP Cần Thơ nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung.


Nhà hát Tây Đô với mặt tiền ngán ngại đối với nhà tổ chức

Nhà hát Tây Đô với mặt tiền ngán ngại đối với nhà tổ chức

Tuy nhiên, ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô, giãi bày: “Hồi mới thành lập, nhà hát còn có 1-2 suất diễn/tháng. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, các chương trình cứ thưa dần, thỉnh thoảng mới có suất diễn, phần lớn nhà hát chỉ để là nơi tổng duyệt chương trình của đoàn cải lương, ca múa nhạc hoặc làm nơi cho diễn viên, nghệ sĩ đến đây tập dượt”.

Một trong những hạn chế lớn nhất là nhà hát này chỉ thiết kế có 550 ghế, quá ít ghế và sân khấu nhỏ nên khó tổ chức các chương trình nghệ thuật có bán vé. Muốn bán vé chương trình phải mời nghệ sĩ tên tuổi từ

TP HCM xuống biểu diễn. “Nhưng ca sĩ như Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng... nếu mời họ xuống Cần Thơ biểu diễn thì tiền cát-sê lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi đêm diễn nên cần khán phòng rộng, có chỗ ngồi vài ngàn ghế mới thu đủ bù chi. Do đó, mỗi lần họ xuống đây thì chỉ biểu diễn ở nhà thi đấu đa năng hoặc sân vận động Cần Thơ. Ngoài ra, mỗi cặp vé bán ra nếu có những ngôi sao này phải từ 3 triệu đồng trở lên, nếu biểu diễn trong nhà hát, ghế ít sẽ không thu lại được tiền để trả cho ca sĩ” - ông Khánh nói.

Một nghịch lý khác là Nhà hát Tây Đô không có chỗ để xe nên các đơn vị muốn thuê để tập dượt, biễu diễn phải cân nhắc. Nhà hát này nằm ngay con lươn, phía trước đường Trần Hưng Đạo có phần lề đường chỉ dựng được vài chiếc xe máy. Ông Khánh phản ánh: “Mỗi khi có chương trình, chúng tôi phải nhờ công an, dân phòng phường đem xe qua gửi ở con hẻm chỗ Ban Quản lý các KCN-KCX cách đó vài trăm mét. Nếu mấy sô diễn có nghệ sĩ nổi tiếng, chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách thì phải thuê chỗ gửi xe khách ở đường Châu Văn Liêm, cách đó 2 km. Chính điều này mà nhà hát vuột nhiều sô tổ chức sự kiện, hội diễn”.

Kêu gọi xã hội hóa

Theo nhạc sĩ Nguyễn Bá Huy, người nhiều năm gắn bó với Nhà hát Tây Đô, những ngày mới thành lập là thời kỳ sáng đèn nhất của nhà hát. Do thời kỳ này internet, điện thoại di động, truyền hình cáp chưa phát triển mạnh mẽ, người miền Tây cũng đam mê cải lương nên đến nhà hát xem nghệ sĩ biểu diễn là rất “oách”. “Ngày nay, cái gì cũng có trên mạng, thậm chí họ xem xong rồi tải về hoặc thu lại để nghe. Còn cải lương giờ rất ít người xem vì giới trẻ toàn xem ca sĩ trẻ, đẹp nổi tiếng nên nhà hát cứ vắng khách” - nhạc sĩ Bá Huy nói.

Đối với những ca sĩ, diễn viên tên tuổi được trả cát-sê cao nhưng đối với các nghệ sĩ ở Nhà hát Tây Đô, tiền cát-sê mỗi bài hát chỉ hơn 100.000 đồng. Ông Khánh cho biết: “Đối với anh chị em nghệ sĩ cải lương ở nhà hát, chúng tôi không bắt buộc họ làm giờ hành chính. Khi nào tập dượt để biểu diễn thì tập hợp họ lại. Còn ngày thường họ có thể đi hát ở đám, tiệc... để có thêm thu nhập nhưng quy định là không làm mất hình tượng người nghệ sĩ”.

Năm 2014, Bộ VH-TT-DL đã ban hành đề án “Đưa các chương trình hoạt động văn hóa phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020” với mục tiêu giảm khoảng cách chênh lệch thời lượng và chất lượng được thụ hưởng các loại hình và sản phẩm văn hóa, nghệ thuật giữa đồng bào những nơi này với vùng đồng bằng, thành thị... Theo ông Khánh, với chỉ đạo này, mỗi năm Nhà hát Tây Đô phải biểu diễn 100 suất (chia đều cho 2 đoàn nghệ thuật trực thuộc) phục vụ chủ yếu người dân ở vùng ven, những nơi xa trung tâm thành phố, ít có cơ hội tiếp cận với các phương tiện giải trí.

Theo ông Khánh, trong năm 2017 sẽ kêu gọi xã hội hóa để khai thác Nhà hát Tây Đô với thời lượng có chương trình biểu diễn mỗi tháng một lần để nhà hát sáng đèn. UBND TP cũng có chủ trương xây dựng nhà hát lớn thành phố với 1.500 ghế, sân khấu hoành tráng sẽ có nhiều chương trình lớn đến biểu diễn.

Nhà hát hiện đại chỉ có vài buổi diễn

Bạc Liêu xây dựng được nhà hát hiện đại nhất khu vực ĐBSCL: Nhà hát Nón lá. Nhà hát này nằm tại Quảng trường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu, có tên chính thức là Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu. Vì được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá nên người ta hay gọi là Nhà hát Nón lá.

Nhà hát Cao Văn Lầu hoạt động chưa hết công năng Ảnh: DUY NHÂN
Nhà hát Cao Văn Lầu hoạt động chưa hết công năng Ảnh: DUY NHÂN

Hiện tại, nhà hát lớn nhất miền Tây này đang được Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng gần năm nay, nơi đây chỉ mới tổ chức được vài cuộc thi, biểu diễn văn nghệ. Phần lớn công trình chưa được sử dụng hết công năng. “Chúng tôi đang làm tờ trình UBND tỉnh bàn giao công trình nhà hát về Sở VH-TT-DL quản lý, khai thác. Dự kiến, khi tiếp nhận công trình này, chúng tôi sẽ sử dụng khối nhà A với khán phòng hơn 850 ghế để tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống dân tộc; khối nhà B và C sẽ làm khu trưng bày triển lãm, bảo tàng” - bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, cho biết.

D.Nhân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo