xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Sống chung với mẹ chồng" - Sống chung mới - cũ

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

Xung đột gay cấn giữa cái mới và cái cũ, cái truyền thống và hiện đại trong quan hệ ứng xử gia đình, giữa hai thế hệ, đặc biệt là giữa mẹ chồng và nàng dâu, đang sống chung dưới một mái nhà

Nhìn từ góc nhìn văn hóa gia đình Việt, tôi soi thấy các nhà làm phim truyền hình nhiều tập "Sống chung với mẹ chồng" (đang chiếu những tập cuối và làm thêm một tập nữa trên VTV1) đã gửi đi thông điệp rất nóng bức trong xã hội Việt Nam hiện đại: Liệu cô dâu có sống chung với mẹ chồng được không? Có cách nào hóa giải cái quan hệ rất phức tạp và gay cấn "mẹ chồng - nàng dâu" này không?

Một kịch bản hấp dẫn

Trước hết, phim được kiến trúc trên cơ sở một kịch bản hay, tuy gốc tích lấy từ tác phẩm văn học của Trung Quốc. Phải khen ngợi các nhà làm phim, đã phóng tác rất giỏi, "Việt hóa" ngọt ngào vấn đề mẹ chồng, nàng dâu này trên màn ảnh nhỏ Việt. Chính cái vấn đề tương tự này, cũng đang gây nhức nhối trong xã hội Việt hiện đại, đang gắng nhấc mình lên khỏi "căn tính nông dân" để giải quyết bi kịch hôn nhân, trong bi kịch chung của sự phát triển.

Sống chung với mẹ chồng - Sống chung mới - cũ - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Bởi vậy, phía sau cái quan hệ riêng tư của một gia đình hai thế hệ sống chung, gồm hai vợ chồng cha mẹ, cặp vợ chồng con trai duy nhất chính là xung đột gay cấn giữa cái mới và cái cũ, cái truyền thống và hiện đại, trong quan hệ ứng xử gia đình, giữa hai thế hệ, đặc biệt là giữa mẹ chồng và nàng dâu, đang sống chung dưới một mái nhà.

Nhân vật chính là bà mẹ chồng - NSND Lan Hương (Hương Bông) thủ vai, đúng là kiểu người rất cũ, khư khư bảo thủ nguyên tắc truyền thống cố hữu, khi quan niệm về nàng dâu: đã là dâu con thì phải nhất nhất tuân theo khuôn phép nhà chồng, trong tất cả sinh hoạt đời thường, kể cả sinh hoạt... phòng the. Cấm cãi, cấm đối thoại. Chính bà đã xông vào phòng con trai đêm tân hôn và giằng cô dâu ra khỏi người con trai, lớn tiếng mắng mỏ: Ai cho phép cô... cưỡi lên người con trai tôi và mắng cả con trai, không được cho vợ trèo lên đầu lên cổ, phải dạy vợ ngay từ thuở bơ vơ mới về! Những chi tiết can thiệp thô bạo này của mẹ chồng đầy rẫy trong ứng xử với con dâu và đôi khi, với cả con trai, hầu như tập phim nào cũng xuất hiện, đến mức gây bão dư luận người xem trên báo chí, trên mạng xã hội.

Đây chính là một bà mẹ chồng của thời hiện đại, quả là độc tài, chuyên quyền đến nghiệt ngã. Và, bà đã gặp một cô con dâu... là nhà báo, sống có tình nghĩa, song rất bản lĩnh, độc lập, biết phản kháng, khi rơi vào trường hợp "con giun xéo lắm cũng phải quằn". Tuy nhiên, nhìn từ cách ứng xử truyền thống trong gia đình Việt, cũng phải thấy cô Vân con dâu, do diễn viên trẻ Bảo Thanh sắm vai rất nhuần nhị, đã nhiều khi đối xử không khéo, lắm lúc cơn giận bốc lên, cô đã cả gan nói "huỵch toẹt" vào mặt mẹ chồng những điều mình nghĩ về bà, khiến cô bị chồng xông vào bênh mẹ, quá tay đánh tàn bạo hơn một lần. Chính nhân vật con dâu này cũng phải chịu điều tiếng. Xung đột gia đình càng lúc càng căng thẳng, bởi bố chồng và chồng Vân là 2 người đàn ông, lẽ ra phải là nhân vật "giảm sốc" cho quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thì ông bố lại cam chịu, nín nhịn còn ông con, chồng Vân thì lại nhu nhược, cả nghe mẹ, thiếu chính kiến, nông nổi, lúc ngả chiều theo mẹ, lúc ngả chiều kia, nghe vợ rồi rốt cuộc lại bênh mẹ, đánh vợ, nghe mẹ xui, bỏ vợ, cưới ngay người khác do mẹ chọn, dù không yêu...

Tại sao phim "Sống chung với mẹ chồng" lại khiến người xem nóng lòng chờ đợi, với nhiều thích thú, càng xem càng nhiều ý kiến khen chê trái ngược? Nhất là người xem đang nóng lòng chờ đợi cái kết thúc, cho dù nó có hậu hay không?

Tôi cho rằng trước hết, phim này có kịch bản thành công, dù dựa vào kịch bản nước ngoài. Đây đúng là câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu Việt thời hiện đại, đã được đẩy lên thành bi kịch không tránh khỏi giữa những bà mẹ chồng bảo thủ và những cô con dâu của cuộc sống hôm nay, đang là những năm cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Không ngẫu nhiên, trong phim có tới 2 bà mẹ chồng, một bà ở đô thị và một bà ở nhà quê. Cũng không phải tình cờ mà 2 cô con dâu đều đã được đô thị hóa và sự khác biệt về lối sống đô thị của họ với 2 bà mẹ chồng "rất truyền thống" đã phá hủy sâu sắc mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, đến mức không thể hàn gắn, cho dù những người chồng của họ đều yêu quý cả mẹ lẫn vợ.

Bộ phim đã không ngần ngại xông pha vào những cảnh tượng rất đỗi đời thường, sắp đặt, xâu chuỗi chúng, nhằm hiển thị bằng hình ảnh, với một loạt chi tiết tả thực được chọn lọc kỹ lưỡng, khéo léo, khiến ai xem cũng phải nghĩ ngẫm, liên tưởng, hay soi thấy vấn đề "mẹ chồng - nàng dâu" của chính gia đình mình trong đó. Các nhà làm phim đã biết rất rõ lợi thế của phim truyền hình nhiều tập là đưa những chuyện đời thường mà ai ai cũng đều biết, có thể tự chiêm nghiệm, tự liên hệ, so sánh để có thể đưa ra các phương cách giải quyết, vì gia đình nào của người Việt hôm nay cũng có thể có những chuyện tương tự...

Diễn xuất xuất sắc

Có thể thấy một thành công cơ bản khác là nghệ thuật diễn xuất nhân vật truyền hình của dàn diễn viên gạo cội của thể loại sân khấu kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội và Nhà hát Tuổi Trẻ... đã vào những vai diễn truyền hình của bộ phim này một cách rất chuyên nghiệp, nhiều sáng tạo, tỉ mỉ trong từng cử chỉ diễn xuất, để "đóng đinh" nhân vật vào cách diễn tả thực vốn có của diễn viên thể loại kịch (chứ không phải cách diễn ước lệ của diễn viên kịch hát truyền thống). Cách diễn này vốn rất gần gũi với cách diễn tả thực của diễn viên điện ảnh và truyền hình, đặc biệt nhất là cách diễn vai mẹ chồng thông minh, rất chuyên nghiệp và rất có duyên của NSND Lan Hương (Hương Bông). Hương Bông tỏ ra rất rành nghề khi thiết kế nhân vật mẹ chồng, nói theo ngôn ngữ nghề nghiệp, Hương Bông đã diễn rất kỹ xảo một vai tính cách, khác xa với các vai diễn hiền lành lâu nay Hương vẫn thể hiện trên sân khấu và cả điện ảnh nữa, đó là những vai kịch thuần Việt, dịu dàng, thật thà, chất phác, điều này khiến nhiều người cứ tưởng là sở trường trong cái diễn kịch và không chỉ kịch của chị. Nói chung trên sân khấu, Hương Bông có vẻ như không gặp duyên may và không mấy thành công ở những vai phản diện, thường là những vai tính cách, thường ngược với sở trường diễn xuất của chị.

Dường như vai mẹ chồng này ở phim truyện truyền hình đã khiến Lan Hương được thoải mái vẫy vùng trong thể nghiệm vai diễn, cứ như cá gặp nước, lại được chính Hương chiếu sáng bởi những tính toán rất kỹ lưỡng đến từng cử chỉ diễn xuất trước ống kính, từ cái cười nụ mỉa mai, cái nhếch mắt coi thường đến cái lắc đầu thật mạnh khi không vừa ý; cặp mắt lúc long lên sắc lẻm sau cặp kính, trên cặp kính, lúc lim dim giả bộ hiền lành vì bị con dâu bắt nạt,... cho đến việc xử lý giọng nói nhân vật với rất nhiều màu sắc và âm lượng to nhỏ, bổng trầm, tùy vào tình huống của câu chuyện. Hương thật giỏi giang ý nhị khi diễn tả tình cảm của mình, có khi chỉ cần qua cử động của... mái tóc! Hương đã diễn mà như không diễn. Nghĩa là Hương đã đạt tới cảnh giới đẹp nhất: diễn cứ như không!

Hai cặp vợ chồng trẻ trong tuyến truyện song song "mẹ chồng nàng dâu" của 2 gia đình, nhất là 2 cô con dâu trẻ, đều được Bảo Thanh và Thu Quỳnh diễn xuất linh hoạt chân thật và hiện đại, bởi họ là những diễn viên trẻ sáng giá được thử nghiệm diễn xuất trên sân khấu, trên màn ảnh nhỏ qua nhiều vai kịch, với nhiều thân phận nghệ thuật rất khác nhau. Họ cũng đã đạt đến sự diễn cũng... như không của diễn viên trẻ, đã biết tung hứng nhịp nhàng, ăn ý, "xuôi chèo mát mái" với những diễn viên thuộc hàng cha chú, cứng cáp cả về tuổi nghề lẫn tuổi đời. 

Giá trị đọng lại

Có kịch bản hay, áp sát đời sống hiện thực và nghệ thuật hóa được một vấn đề gai góc là việc sống chung với mẹ chồng của nàng dâu hiện đại và hóa giải trong diễn xuất sắc bén, lành nghề của dàn diễn viên trẻ, già khá điêu luyện trong phim, đã là thành công mang tính thuyết phục của một phim truyền hình. Và chắc chắn một điều: Sống chung với mẹ chồng cũng khó như sống chung với lũ. Người dân ĐBSCL đã biết sống chung với lũ, còn biết làm giàu từ lũ, biết len trâu, biết vớt gỗ trôi từ rừng đầu nguồn, biết đánh cá linh trong lũ… Biết cách sống chung với nhau, bằng tình yêu và sự thông cảm thì cả mẹ chồng và nàng dâu đều hạnh phúc. Cả mẹ chồng và nàng dâu hôm nay đều có tấm gương sáng để soi chung, khi thi sĩ Xuân Quỳnh bày tỏ tình yêu đầy ơn nghĩa của nàng dâu với mẹ chồng. Tôi thích thơ và cách ứng xử trong đời sống hằng thường của Xuân Quỳnh, đã hóa giải xung đột mẹ chồng - nàng dâu, trong bài thơ "Mẹ của anh", với những câu thơ gan ruột: "Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong". Ơn mẹ chất đầy trong trái tim con dâu Xuân Quỳnh, vì biết mẹ đã "Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em…".

Tôi tin mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu có thể hóa giải bằng tình yêu! Đương nhiên, tình yêu phải từ cả hai phía, cả mẹ chồng và cả nàng dâu!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo