xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thạch Lam và gien trội

Vu Gia

Anh có bốn người con. Hễ tốt nghiệp đại học là anh cho về Hà Nội, đăng ký học một khóa tiếng Việt bởi “cháu nội nhà văn Thạch Lam mà viết câu tiếng Việt không thành thì coi sao được!”

Một thời gian dài, văn chương Tự lực văn đoàn không được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nhưng truyện ngắn Thạch Lam (1910-1942) là ngoại lệ. Nhiều thế hệ học sinh cả hai miền Nam - Bắc ai cũng biết đến Nhà mẹ Lê, Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan… của Thạch Lam. Tên ông cũng được nhiều địa phương chọn đặt tên đường, như TP HCM (quận Tân Phú), TP Đà Nẵng (quận Sơn Trà), tỉnh Hải Dương (huyện Cẩm Giàng)...

Con người thành thực

Hơn 70 năm kể từ khi Thạch Lam qua đời, không mấy ai chê văn Thạch Lam. Người khó tính về việc chọn chữ, đặt câu như Nguyễn Tuân vậy mà trong một bài viết hồi tháng 10-1957 cũng không ngần ngại hạ bút: “Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn nhẹ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra và tươi đậm hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta” (Nguyễn Tuân, Tuyển tập Nguyễn Tuân, T.2, NXB Văn học, H, 1982). Theo GS Hà Minh Đức, “văn của Thạch Lam ít bị cũ đi với thời gian vì hai yếu tố cơ bản. Trước hết, về phía chủ quan đó là con người thành thực, thành thực với bản thân và với cuộc sống.

Chính vì thế trên trang viết không có những ý tưởng, lối thể hiện cầu kỳ kiểu cách, giả tạo, mơ hồ. Về phía khách quan, cuộc sống trên dòng chảy đời thường luôn hỗ trợ cho văn chương không xa lạ, lạc điệu” (Hà Minh Đức, Tự lực văn đoàn, Trào lưu - tác giả, NXB Giáo dục, H, 2007). GS Phong Lê cũng cho rằng: “Ở giá trị hiện thực trên một số cảnh đời; ở tình thương và lòng trân trọng người nghèo; ở ý vị và màu sắc dân tộc mà Thạch Lam luôn luôn có ý thức nâng niu, gìn giữ; ở những đóng góp cho câu văn xuôi tiếng Việt giữ được vẻ đẹp riêng tươi đậm và lâu bền của nó…, phần văn phẩm Thạch Lam để lại cho chúng ta hôm nay mang một giá trị khó ai có thể phủ định” (Phong Lê, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, H, 1998)…

Nhưng con cái Thạch Lam có ai hưởng được chút gien này không? Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.

Từ trái qua: Nguyễn Tường Việt (con trai đầu của Nhất Linh), Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Tường Giang và Vu Gia. Ảnh: Nguyễn Tường Đằng

Từ trái qua: Nguyễn Tường Việt (con trai đầu của Nhất Linh), Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Tường Giang và Vu Gia. Ảnh: Nguyễn Tường Đằng

Nghỉ nghề bác sĩ để làm thơ

Qua bài Thạch Lam, Cha tôi trong trí tưởng (Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 28-7-1990), tôi biết anh là bác sĩ, sinh ngày 24-6-1942, vì nhiều tư liệu để lại cho biết lúc Thạch Lam bệnh, vợ ông đang mang thai đứa con thứ ba; người mẹ đi xem tử vi, thầy cho biết nếu sinh con trai thì không sống được. Và Nguyễn Tường Giang ra đời đúng ba ngày thì Thạch Lam qua đời. Đọc bài này, tôi cũng rưng rưng nước mắt: “Cái chết của cha tôi, Thạch Lam. Mẹ tôi cũng đã kể cho tôi, bà tôi cũng đôi lần nhắc lại. Một vài đoạn văn đã viết. Nhưng nói hay nghĩ tỉ mỉ về cái chết của ông, tôi không thể không đau đớn trong lòng. Sự ra đời của tôi, một đứa con trai, là tai họa cho ông (…) Ba ngày sau, ngày 27-6-1942, Thạch Lam mất. Sinh ra đời, buồn thay, nhiều khi đã mang một bản án sát nhân trong hồn”.

Vừa rồi, có dịp sang Mỹ, tôi đến làm việc với Đại học Quốc gia Mỹ (ANU). Nhà Nguyễn Tường Giang cũng gần đó nên anh em có gặp nhau. Trưa hôm sau, anh đưa tôi về nhà người chị đầu của anh (Nguyễn Thị Kim Dung, sinh năm 1936) dùng cơm trưa. Ở đây, tôi gặp anh Nguyễn Tường Đằng (sinh năm 1939), anh kế của anh. Đủ mặt 3 người con của Thạch Lam. Bây giờ, con cái của ai cũng đều phương trưởng, nhà cửa ổn định. Thế là mừng!

Anh có 4 người con, hễ tốt nghiệp đại học là anh cho về Hà Nội, đăng ký học một khóa tiếng Việt. Theo anh, cháu nội nhà văn Thạch Lam mà viết câu tiếng Việt không thành thì coi sao được! Khi đứa con gái út lập gia đình, anh tuyên bố giải nghệ, dành thời gian đi chơi và làm thơ.

Con nhà tông…

Tôi nói hồi trước 1975, tôi có đọc và thích một số bài thơ của Nguyễn Tường Giang, như: “Mẹ ơi/ Năm nay con 25 tuổi/ Lưu lạc vào Nam con đã nên người/ Mẹ đã già rồi lưng còng tóc bạc/ Con ở Đô thành nào được ngày vui/ Này những súng bom người ta mang tới/ Phá ruộng phá đồng nhà cháy tan hoang/ Bao đứa trẻ thơ như con thuở trước/ Lại áo vá vai bụng đói lang thang/ Mẹ vẫn hằng ngày bữa cơm bữa cháo/ Đổ giọt mồ hôi lấm bụi phố phường… Vậy Nguyễn Tường Giang ấy là anh hay người khác?

Anh cười nói về phần đời thầy thuốc của mình. Tôi hơi tiếc cái nguồn gien văn chương nhà Nguyễn Tường, nhất là Thạch Lam, không tồn tại ở lớp hậu duệ, bởi anh Đằng và các cháu nội, ngoại của Thạch Lam đều nghiêng về khoa học kỹ thuật. Bây giờ, Nguyễn Tường Giang mới tuyên bố… làm thơ thì cũng giống như các cụ hưu trí ở xứ ta thôi.

Sân sau nhà anh khá rộng, ven hồ. Trong lúc tôi ngồi ngắm sóng gợn lăn tăn thì anh vào nhà mang ra biếu tôi tập thơ đầy đặn: Khói hồ bay. Anh nói:

“Mấy câu thơ anh nhớ, nằm ở phần thơ trước 1975”. Thì ra, thơ Nguyễn Tường Giang ở miền Nam trước 1975 là của anh. Anh có thơ đăng báo từ hồi trung học (1959) và vui là chính chứ không phải muốn trở thành nhà thơ. Đêm đó, tôi đọc hết cuốn Khói hồ bay và thấy gien văn chương của Thạch Lam không những không mất mà còn là gien trội. Những bài thơ anh viết sau này khá hay: Vẫn những cánh đồng khô/ Những đụn rơm, mái rạ/ Con trâu cày bên bờ ruộng vỡ/ Mưa lác đác bay trên phố Cẩm Giàng/ Tre xanh, đất bụi, quán xiêu đổ/ (…) Chiều nhạt nhòa bóng nắng/ Tôi đứng ở sân ga/ Người xuống, không có ai quen mặt/ Cẩm Giàng chỉ còn là tên gọi/ Rất xưa/ Tôi bật khóc/ Nhớ nhà (Khi ghé thăm Cẩm Giàng); hoặc bài Gọi về, nghe rất thương: Đời người như một vòng cung lớn/ Cuối đường lại thấy bến bờ xưa/ Thuyền trôi, chiều xuống, nhà xa lắm/ Vọng trên sông tiếng mẹ gọi về.

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Ông bà mình nói chẳng sai.

Nguyễn Tường Giang, tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Sài Gòn năm1968. Ra trường, anh làm việc tại các bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương. Qua Mỹ, anh hành nghề tư, tham gia giảng dạy chuyên môn (sản phụ khoa) tại Southside Hospital, Bay Shore, New York rồi tại Virginia Hospital Center, tại Arlington, Virginia. Về hưu năm 2010.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo