xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thay màu nhóm nhạc dân tộc

Thùy Trang

Một nhóm nhạc dân tộc có thể lên sân khấu năng động trong trang phục quần jeans - áo pull, gợi cảm trong trang phục dạ hội và có thể nhảy múa khi chơi những nhạc cụ dân tộc, miễn là tạo nên không gian âm nhạc và phong cách trình diễn thực sự cuốn hút

Chiếc áo chẽn vải denim thời thượng cùng với chiếc quần jeans ống loe đồng chất, trên tay ôm chiếc đàn tranh, đàn tì bà, sáo, đàn bầu..., hình ảnh của nhóm nhạc Giao Thời xuất hiện trên sân khấu gây ngạc nhiên và cuốn hút khán giả ngay từ giây phút đầu tiên. Ca khúc “Nắng có còn xuân” của nhóm trình diễn hoàn toàn được phối mới so với những phiên bản trước đây. Người nghe thấy  bất ngờ và thú vị. Một nhóm hát tạo nên cảm quan hoàn toàn khác hẳn đối với khán - thính giả về nhóm nhạc dân tộc mà họ từng biết đến và từng xem biểu diễn.

“Liều ăn nhiều”

Để phù hợp với phong cách rất hiện đại của mình, Giao Thời cũng chọn loại âm nhạc cực kỳ trẻ trung với cách hòa âm bằng các nhạc cụ điện tử thời thượng. Vẻ ngoài sôi động của các tiết mục “Nắng có còn xuân”, “Vũ khúc trống”, “Yêu cái đèn cù”, “Nửa vầng trăng”, “Hồ trên núi”, “Huyền thoại hồ Núi Cốc”... đủ sức lôi kéo khán giả lắc lư theo điệu nhạc. Điều thú vị hơn cả là công chúng vẫn nhận thấy tinh thần dân tộc chủ đạo trong những ca khúc này thông qua những đoạn đơn tấu, song tấu hay hòa tấu bằng nhạc cụ dân tộc trong phần biểu diễn. Màu sắc chính của các ca khúc mà nhóm trình diễn vẫn là những thanh âm nhạc dân tộc được hòa quyện một cách khéo léo, nhuần nhuyễn với thanh âm của nhạc cụ điện tử. Sự mới mẻ vì thế trở nên thú vị và thuyết phục người nghe hơn hẳn.

 

Nhóm Giao Thời (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Nhóm Giao Thời (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

 

So với Giao Thời, nhóm nhạc có đẳng cấp chuyên nghiệp hơn hẳn, thâm niên biểu diễn cùng với kỹ thuật chơi đàn dân tộc điêu luyện - nhóm nhạc Bốn Chị Em - không thể sánh bằng nhưng nhóm nhạc gồm 4 nghệ sĩ tuổi vị thành niên với phong cách và đường hướng âm nhạc tương tự như Giao Thời khi lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình “Vietnam’s got talent 2015” đã để lại khá nhiều ấn tượng với công chúng. Đàn nhị, đàn tranh, đàn t’rưng... với những bản phối pha trộn rock, R&B... thời thượng của nhóm trở nên cuốn hút hơn. Sức hút đến từ Giao Thời hay nhóm Bốn Chị Em chính là phong cách trình diễn cực kỳ năng động, cuốn hút như bất kỳ ngôi sao nhạc nhẹ nào trên sân khấu.  Đó là sự khác biệt rất lớn của họ so với hình ảnh của các nghệ sĩ nhạc dân tộc trên sân khấu biểu diễn lâu nay.

Trước nay, trong tâm thức của công chúng mặc định hình ảnh nghệ sĩ biểu diễn nhạc dân tộc là phải trang phục áo dài, khăn đóng và phong cách trình diễn phải luôn nhẹ nhàng, thùy mị. Vậy nên, sự thu hút đối với công chúng nếu có chỉ là khoảnh khắc ban đầu và nhanh chóng nhàm chán ở những lần sau bởi quy cách cũ kỹ. Chính những điều này khiến cho các nhóm nhạc dân tộc đời mới mạnh dạn thay đổi hình ảnh, phong cách nhằm tăng thêm sức hút cho mình. Sự thay đổi đó xuất phát từ nhu cầu của đời sống và  tư duy “dám nghĩ, dám làm” của những người trẻ đang khát khao đi tìm khán giả cho mình.

Xu hướng thời đại

Trưởng nhóm Giao Thời là ca sĩ Hoài Phương, vốn là cựu thành viên của nhóm Mặt Trời Đỏ và Mặt Trời Mới trước đây (phiên bản đầu tiên khi mới thành lập). Với kinh nghiệm nghề, Hoài Phương hiểu cô cần phải thay đổi những gì để nhóm nhạc dân tộc đi đường dài. “Khán giả hiện nay đều rất trẻ, họ cần những gì quen thuộc với họ hơn. Đó là lý do chúng tôi quyết định thay đổi để phù hợp hơn với xu hướng thời đại. Suy cho cùng, chúng tôi cần phải có khán giả để đi chặng đường dài” - Hoài Phương chia sẻ.

 

Nhóm Bốn Chị Em (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nhóm Bốn Chị Em (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

 

Thực tế, phương thức mà Giao Thời hay Bốn Chị Em đang theo đuổi không mới. Đây là bí quyết tạo nên thành công vang dội của những nhóm nhạc như Bond, Kitaro hay trẻ trung hơn là Vanessa Mae rất tài năng được cả thế giới mến phục. Việc biến hóa những giá trị thuộc về truyền thống thành những giá trị mới mẻ, lạ lẫm hơn, phù hợp xu hướng thời đại để tạo nên thành công như mong đợi là công thức chung.

Ca sĩ Bảo Lan (thành viên nhóm 5 Dòng Kẻ) khẳng định: “Tôi luôn ủng hộ tư duy thoát ly khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc xưa cũ  bởi cái chúng ta cần là tìm đến khán giả bằng ngôn ngữ âm nhạc gần gũi và dễ hiểu nhất, nhất là đối với âm nhạc dân tộc. Thật khó để tạo nên dáng dấp khác biệt khi chúng ta không phải là những người tiên phong nhưng rõ ràng học tập để cải thiện tầm nhìn là điều phải làm”.

Ngay chính với những người theo đuổi âm nhạc dân tộc truyền thống như nghệ sĩ Tuyết Mai hay nghệ sĩ Hoàng Anh cũng đồng thuận với quan điểm của nhiều người trong giới chuyên môn: “Cần phải có những thay đổi vì thành công của nhiều nhóm nhạc dân tộc trên thế giới, gần nhất là Trung Quốc, bằng phong cách trình diễn mới này thì không cớ gì chúng ta phải gò ép nghệ sĩ nhạc dân tộc của Việt Nam giữ nguyên lề lối cũ”.

Một nhóm nhạc dân tộc có thể lên sân khấu năng động trong trang phục quần jeans - áo pull, gợi cảm trong trang phục dạ hội hay có thể nhảy múa khi chơi những nhạc cụ dân tộc, cái chính là họ có thể tạo nên không gian âm nhạc và phong cách trình diễn thực sự cuốn hút, thú vị. “Tất nhiên, những đòi hỏi về kỹ thuật chuyên môn là điều bắt buộc. Và đó là sự thay đổi quá phù hợp đối với nhạc dân tộc trong lúc này” - nghệ sĩ Tuyết Mai nhận định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo