xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thổi hồn cho phim Việt

Minh Khuê

Bộ phim chẳng thể hoàn thành nếu không có họa sĩ thiết kế - người cùng các thành viên trong tổ của mình biến hóa với từng bối cảnh

Có thể nói, bộ phận thiết kế là những người “biến không thành có”, thổi sinh khí cho những khung cảnh đẹp nhưng đơn điệu. Công việc của họ rất nhiều, từ khâu tiền kỳ cho đến lúc xong một bộ phim.

Bị “tổ trác”

Vì nhiều lý do, đôi khi họa sĩ thiết kế cũng gặp sai sót và phải tìm cách xử lý. Những bài học rút ra từ sai sót đó được họ tích cóp, trở thành kinh nghiệm để theo đuổi tiếp đam mê đã chọn.


Họa sĩ Mã Phi Hải cho rằng nghề thiết kế phim buồn nhiều hơn vui. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Họa sĩ Mã Phi Hải cho rằng nghề thiết kế phim buồn nhiều hơn vui. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mới đây, ban tổ chức chương trình truyền hình “Đấu trường tiếu lâm” đã phải xin lỗi và sửa sai trên fanpage khi bị phản ứng vì lấy ảnh ca sĩ Lee Ahreum (cựu thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc T-ARA) làm ảnh thờ. Ảnh này xuất hiện trong tiết mục của thí sinh Duy Khương ở đêm chung kết. Trước đó, người hâm mộ ca sĩ Chang Min, thành viên nhóm nhạc Hàn DBSK, cũng từng làm ầm ĩ khiến đạo diễn, nhà sản xuất phim “Thề không gục ngã” phải xin lỗi vì sự cố tương tự...

Trên đây là vài sự cố của tổ thiết kế - bộ phận quan trọng trong đoàn phim cũng như chương trình truyền hình. Tổ này có họa sĩ thiết kế dẫn đầu và những thành viên được phân công về đạo cụ, hiện trường... Họ chuẩn bị bối cảnh tại trường quay, có khả năng biến một mảnh đất trống trở thành một ngôi làng hoặc một căn nhà nhìn ra biển.

Họa sĩ thiết kế Thanh Hiền - người có 12 năm trong nghề, đã tham gia nhiều phim như “Thề không gục ngã”, “Sóng gió phim trường”, “Yêu không dễ”, “Hoàng tử ăn mày”... - cũng từng bị “tổ trác”. Trong phim “Thề không gục ngã”, nhân vật mang bàn thờ tổ tiên từ Hồng Kông chạy loạn sang Việt Nam, cần ảnh thờ một đứa trẻ người Hoa. Thanh Hiền liền lên mạng tìm ảnh người Hoa qua đời. Khi thấy ảnh phù hợp, anh tải về, chuyển sang đen trắng và đưa lên phim nhưng vô tình đó lại là... một ca sĩ Hàn Quốc. Khán giả xem phim đã phát hiện và chỉ trích. “Đây là sự cố đáng nhớ trong nghề của tôi. Vì thế, phải tỉ mỉ, thận trọng hơn dù chỉ là việc nhỏ nhất!” - họa sĩ bày tỏ.

Thanh Hiền cho biết khi nhận kịch bản, anh thường đọc nội dung, hình dung trong đầu dựng thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh nhân vật rồi đi chọn cảnh. Khi chọn xong, anh bàn với đạo diễn cách dựng để nhận ý kiến. Nếu cần thiết, anh vẽ ra để đạo diễn dễ hình dung rồi bắt đầu phân việc cho các thành viên trong bộ phận thiết kế, bắt tay xây dựng, tìm đạo cụ... Khi hoàn tất tiền kỳ, đoàn phim bắt đầu quay, tổ của anh đến địa điểm sớm dựng cảnh và dọn dẹp khi kết thúc...

Theo họa sĩ Mã Phi Hải - 31 năm trong nghề, từng tham gia các phim: “Người Mỹ trầm lặng”, “Quả tim máu”, “Scandal: Bí mật thảm đỏ”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Em là bà nội của anh”... - nghề này có buồn, có vui. Phim điện ảnh và truyền hình giống nhau cách làm nhưng truyền hình nhẹ hơn. Sự tỉ mỉ, thận trọng được đưa lên hàng đầu ở phim điện ảnh vì màn hình rộng, sai sót dễ nhận biết.

“Chúng tôi có thể thiết kế phòng ngủ, phòng khách phù hợp với tính cách nhân vật. Chúng tôi cũng có thể dựng từ nhà cho đến ngôi làng nội thất đầy đủ; làm giả súng, đạn, đóng bàn, ghế, tủ, vẽ tranh... Ví dụ, phim “Lửa Phật”, chúng tôi mất 3 tháng dựng một ngôi làng lớn, phim “Mỹ nhân kế” cũng mất 2 tháng dựng bối cảnh. Khi xong phim, chúng tôi dọn dẹp mang về kho lưu trữ” - họa sĩ Phi Hải cho biết.

Phải có đam mê, nhiệt huyết

Họa sĩ thiết kế là công việc sáng tạo, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cả bộ phim. Công việc này thú vị nhưng cũng có nhiều áp lực mà chỉ những người đam mê, nhiệt huyết mới có thể bám trụ được.

Theo họa sĩ Mã Phi Hải, nghề thiết kế đòi hỏi cập nhật kiến thức liên tục. Chẳng hạn, trước đây, khi không rành về địa điểm, cách bài trí ngôi nhà cổ, anh phải vào thư viện tìm hiểu nhưng nay đã có internet nên đỡ một phần công sức.

“Chúng tôi gặp áp lực về thời gian. Nếu chuẩn bị không đúng thời gian cho cảnh quay hoặc có thay đổi đột ngột gây “vỡ” lịch quay thì rất phiền. Đạo diễn, chủ nhiệm, họa sĩ thiết kế, nhà sản xuất là “bộ tứ” phải luôn chia sẻ, thông cảm cho nhau. Chuyện kinh phí eo hẹp cũng ảnh hưởng đến sự sáng tạo. Khi dựng cảnh, chúng tôi luôn lựa chọn vật liệu nhẹ, vừa túi tiền. Đôi lúc, chúng tôi muốn treo một cái đèn lên cao để giả ánh trăng cho đẹp nhưng khó vì phải thổi khí helium vào cho nó bay lên, tốn tiền” - họa sĩ Phi Hải dẫn chứng.

Phi Hải từng phải vẽ gần 50 bức tranh cho cảnh một nhân vật trong phim tổ chức triển lãm tranh vì khó có thể mượn. Theo anh, sự cố phát sinh trong quá trình quay phim là bình thường nên họa sĩ thiết kế phải luôn sẵn sàng giải quyết. Về sự cố ảnh thờ kể trên, anh cho biết với màn ảnh nhỏ, đôi khi khán giả không quan sát kỹ nhưng với phim điện ảnh, mọi thứ rõ ràng, không thể xem thường. Trường hợp buộc phải lấy ảnh trên mạng thì luôn tìm nguồn liên lạc, không lấy ẩu vì dễ bị “ăn đòn” bởi vấn đề tác quyền.

Họa sĩ thiết kế Anh Thao - từng tham gia phim “Lệ phí tình yêu”, “Váy hồng tầng 24”, “Vừa đi vừa khóc”, “Vòng eo 56”, “Sài Gòn, Anh yêu em”... - tâm sự lúc mới vào nghề, anh thường gặp áp lực. Do ban đầu tổ thiết kế mới thành lập, chưa hiểu rõ sở trường, sở đoản từng người nên anh chưa tin tưởng, tự lo dẫn đến việc nhiều và rối. Sau vài phim, khi hiểu nhau, công việc của anh dần thoải mái và giờ đã thấy nhẹ nhàng. Với họa sĩ thiết kế Thanh Hiền, áp lực lớn nhất là đoàn phim nhiều người, nhiều ý mà phải đi đến thống nhất một ý. Công việc này giờ giấc vốn không ổn định, lại cực nhọc nên ai yêu nghề mới theo được.

Về thu nhập, các họa sĩ thiết kế cho biết có thể đủ sống. Họa sĩ nào cũng có một tổ gồm các thành viên quen thuộc, hiểu nhau. Để duy trì tổ, họ phải tìm kiếm dự án liên tục để các thành viên có thu nhập. Ngoài phim, khi có thời gian, họ còn nhận làm quảng cáo, thiết kế sân khấu, ca nhạc... để kiếm thêm...

Biết nhiều việc, giỏi ứng biến

Trước đây, họa sĩ thiết kế còn quản lý cả tổ phục trang, hóa trang. Họ phải vẽ mẫu trang phục, pha máu... nên khối lượng công việc quá nhiều. Hiện nay, họa sĩ chỉ quản lý tổ thiết kế. Đây là thành phần đa năng trong đoàn phim, biết nhiều việc - từ mỹ thuật đến nghề mộc, hồ, điện, cơ khí... - và giỏi ứng biến, có thể tạo ra mọi thứ khi cần.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo