xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trồng hoa âm nhạc trong tâm hồn trẻ

Bài và ảnh: Thùy Trang

Sự sáng tạo mới mẻ của những dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi sắp tới hứa hẹn tạo nên đời sống âm nhạc tươi mới, phù hợp cho các em

Chương trình Ca khúc thiếu nhi trong ký ức người lớn, với 2 giọng ca Hồng Nhung, Bằng Kiều diễn ra vào ngày 18-6 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) được xem là ý tưởng táo bạo của ê-kíp thực hiện.

Khơi dậy nguồn cảm xúc

Những ca khúc thiếu nhi quen thuộc sẽ được mặc áo mới bởi dàn nhạc, hợp xướng thay cho hình thức đơn sơ trước đây. “Một mảng sắc màu thú vị không chỉ hấp dẫn đối với thiếu nhi mà cả người lớn. Chúng tôi lấy dàn hợp ca “Chú ếch con” làm điểm xuất phát cho những sáng tạo và tìm tòi mới của mình trong mảng ca khúc thiếu nhi” - nhạc sĩ Hồng Kiên, chủ biên chương trình, chia sẻ.

Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi biểu diễn cùng nhóm Soul Club trên sân khấu
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi biểu diễn cùng nhóm Soul Club trên sân khấu

Ấn tượng về tiết mục trình diễn hợp xướng “Chú ếch con” (Phan Nhân) do bé Hương Trà và dàn hợp ca thiếu nhi quốc tế thể hiện tại cuộc thi Tiếng hát trẻ em quốc tế do Trường Piccolo Coro ở Bologna (Ý) tổ chức vào năm 2003 vẫn còn in đậm dấu ấn trong lòng người yêu nhạc, đặc biệt là những người làm nghề. Hiệu ứng toàn cầu của album ca nhạc thiếu nhi Zecchino d’Oro (do hãng ghi âm Studio Antoniano phát hành năm 2003) càng thôi thúc người trong nghề phải biến “giấc mơ” thành sự thật.

Thực tế, ý tưởng thực hiện chương trình ca khúc thiếu nhi trong ký ức người lớn nhận được sự hoan nghênh của người trong giới, nhất là khi nhạc thiếu nhi đang bị “ngó lơ” như hiện tại.

Tất nhiên, yếu tố “phù hợp thời đại” phải được coi trọng khi “nhu cầu của khán giả hiện tại đã khác xưa rất nhiều” - bà Nguyễn Mỹ Trang (Giám đốc Công ty Mỹ Thanh, đơn vị tổ chức chương trình Ca khúc thiếu nhi trong ký ức người lớn) cho biết. Vậy nên, “mọi thứ cần phải được xây dựng trên những chuẩn mực nhất định trong nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày nay và cả sự cầu thị trong sáng tạo âm nhạc của người làm nghề” - nhạc sĩ Hồng Kiên khẳng định. Đó là lý do những ca khúc thiếu nhi cần phải làm lại một cách tinh tế và thời thượng.

Có lẽ, đây là một trong rất ít chương trình ca nhạc thiếu nhi đúng nghĩa hiếm hoi hiện nay, khác xa với những chương trình lấy thiếu nhi làm đối tượng kinh doanh giải trí đang tràn ngập đến mức ngán ngẩm trên sóng truyền hình. Trong những cuộc thi hát dành cho thí sinh “nhí” trên truyền hình, thật khó để khán giả tìm thấy một ca khúc thực sự của thiếu nhi được chọn dàn dựng trong các phần tranh tài.

Sau nhiều lần công luận lên tiếng, ban tổ chức một số chương trình thi hát dành cho trẻ nhỏ cũng phát động vài cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi nhằm tìm nguồn ca khúc cho thí sinh “nhí” của mình tranh tài nhưng đều thất bại. Lượng ca khúc tham dự nhiều nhưng đa phần không đáp ứng được yêu cầu.

Điều đó cũng lý giải vì sao những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi vẫn phải gào thét những bài hát dành cho người lớn trong các chương trình thi hát trên sóng truyền hình. “Chúng ta có thể có những ca khúc thiếu nhi hay nhưng vì mức đầu tư lớn nên hầu như các đơn vị sản xuất chương trình đều phải bỏ qua. Trong khi đó, nhạc thiếu nhi lại ít ca khúc có thể giúp các bé khoe giọng, thể hiện khả năng ca hát” - nhạc sĩ Phương Uyên giải thích.

Tạo khu vườn âm nhạc trong sạch

Dự án “Sách nhạc tuyển tập 100 bài hát thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung” với những album nhạc; dạy thanh nhạc cho các bé; giúp dàn dựng các chương trình ca nhạc thiếu nhi… vừa ra mắt là câu trả lời về sự “mất tích” suốt 3 năm qua của chàng nhạc sĩ này. Viết ca khúc thiếu nhi chưa bao giờ là dễ. Để sống được với nó lại càng khó khăn vì nó không tạo ra được danh tiếng cũng như thu nhập cao, cho nên người đủ can đảm để đặt chân vào vùng đất này không nhiều. “Ngoài tình yêu trẻ con ra, tôi nghĩ người làm nghề phải có trách nhiệm với chính khán giả thiếu nhi. Tôi muốn con mình và những đứa trẻ khác không phải sống trong môi trường âm nhạc không dành cho chúng, phải hát những bài hát không dành cho chúng. Tôi muốn tạo cho chúng một khu vườn âm nhạc trong sạch, đầy sắc màu đúng với lứa tuổi của chúng” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.

“Thiếu nhi là đối tượng khán giả tiềm năng. Chúng ta, những người làm chuyên môn đã quên mất trách nhiệm, nghĩa vụ và cả nguồn thu từ đối tượng khán giả này” - ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi nhận định.

Xây nền thẩm mỹ âm nhạc cho trẻ

“Chúng ta, những người làm nghề có thể xây dựng nền tảng thưởng thức thẩm mỹ âm nhạc cho các bé thiếu nhi ngay từ đầu. Từ căn bản có sẵn đó, các bé thừa sức để phân biệt đâu là nghệ thuật và đâu là thứ giả hiệu, rẻ tiền” - ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi nói. Không khó để nhận ra sự xuống cấp của thị hiếu thưởng thức của lớp khán giả hiện tại bắt nguồn từ lỗ hổng về kiến thức nền tảng. “Tôi muốn xóa bỏ được điều đó” - Thanh Bùi mong ước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo