xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vi phạm bản quyền vở diễn: NSND Thanh Tòng lên tiếng

Thanh Hiệp

Việc vi phạm bản quyền kịch bản sân khấu cải lương đang là vấn đề nhức nhối đối với các soạn giả

NSND Thanh Tòng vừa lên tiếng chỉ trích một số nhà tổ chức biểu diễn, nghệ sĩ đã không tôn trọng tác quyền khi sử dụng các sáng tác sân khấu của ông và nhiều soạn giả khác để sản xuất chương trình, tổ chức biểu diễn nhưng không xin phép và thực hiện nghĩa vụ tác quyền.

Ăn cắp công khai

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, NSND Thanh Tòng cho biết: “Trong các chương trình truyền hình giải trí có tên Cùng nhau tỏa sáng phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long, tiết mục Phụng Nghi Đình được dàn dựng cho thí sinh trình diễn đã sử dụng ca từ của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng viết trong kịch bản Liên hườn kế Phụng Nghi Đình do Hãng phim Tây Đô - Đài Truyền hình Cần Thơ sản xuất  vào thập niên 1990 nhưng không được ghi tên ở phần tác giả, cũng không hề xin phép tác giả”.

Cảnh trong trích đoạn vở Bên cầu dệt lụa được trình diễn trong chương trình truyền hình Gương mặt thân quen 2015, phát trên sóng VTV3. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Cảnh trong trích đoạn vở Bên cầu dệt lụa được trình diễn trong chương trình truyền hình Gương mặt thân quen 2015, phát trên sóng VTV3. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Theo NSND Thanh Tòng, trong chương trình giải trí Gương mặt thân quen, phát trên sóng VTV3, ca sĩ Minh Thuận và một thí sinh khác diễn tiết mục Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ. “Trong đó, thí sinh đóng vai Phàn Lê Huê đã ca bài của tác giả Minh Tơ - cha tôi, sáng tác năm 1958, cũng không xin phép chúng tôi. Mới đây, chương trình Gương mặt thân quen nhí, phát sóng trên VTV3, đã sử dụng tiểu phẩm Phù Đổng Thiên Vương của chúng tôi viết riêng cho Đài Truyền hình TP HCM cũng không xin phép. Đây là hành vi ăn cắp bản quyền công khai, xem nhẹ công sức sáng tạo của các tác giả bao thế hệ đã giữ gìn uy tín, danh dự làm nghề” - ông bức xúc.

NSND Thanh Tòng còn cho biết một vài nhóm diễn viên trẻ đã quay video phát hành trên mạng vở Xử án Bàng Quý Phi của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng, đến khi con cháu ông xem qua mạng mới biết kịch bản của gia tộc mình bị ăn cắp. “Chương trình Đôi tình nhân sân khấu chúc xuân, diễn tối mùng 5 Tết Ất Mùi vừa qua tại rạp Thủ Đô, do nghệ sĩ Vũ Luân tổ chức, có diễn trích đoạn Bao Công vô lò gạch. Trích đoạn này là trong vở Bích Vân Cung kỳ án của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng viết cho Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ, đã được Hội đồng Nghệ thuật TP HCM phúc khảo, Sở Văn hóa Thông tin TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao TP) cấp phép biểu diễn năm 1990. Thế nhưng, chúng tôi không hề nghe nhà tổ chức xin phép và trả tiền bản quyền theo quy định của pháp luật. Thực tế, nghệ sĩ Vũ Luân diễn ở Mỹ các trích đoạn Hàn Tố Mai, Triệu Khuông Dẫn… là kịch bản của tôi,  cũng không một lời xin phép, trả tiền tác quyền. Chúng tôi mong các nhà tổ chức kinh doanh nghệ thuật nên tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tác giả” - ông bày tỏ.

Chép từ mạng nên không cần xin phép!

Nhiều soạn giả sân khấu hiện nay rất khổ tâm khi biết đứa con tinh thần của mình bị ăn cắp công khai.

Bà Vân, em ruột của soạn giả Thế Châu, tâm sự: “Kịch bản Bên cầu dệt lụa, Trường tương tư của anh tôi sáng tác bị một số nghệ sĩ chia ra dựng thành nhiều trích đoạn mang đi diễn khắp nơi nhưng chẳng hề xin phép và trả một đồng tác quyền nào. Khi tôi hỏi ai cung cấp kịch bản, họ thản nhiên bảo chép trên mạng. Chưa nói đến vấn đề tác quyền, việc làm không chuyên nghiệp này đã khiến nhiều câu thoại, lời ca trong tác phẩm bị bóp méo, sai be bét khi ca diễn, xúc phạm đến danh dự của tác giả quá cố”.

Nhạc sĩ Trương Minh Châu, con trai của NSND Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu), khẳng định: “Bài ca cổ của ba tôi bị ăn cắp rất nhiều, từ nhạc chờ điện thoại, nhạc chuông cho đến các chương trình của nhiều đài truyền hình. Nếu chúng tôi có hỏi đến, người sử dụng mới gửi trả tiền tác quyền, còn không hỏi thì quỵt luôn. Ba tôi tuổi cao sức yếu, lại ốm đau thường xuyên, vì không muốn ông buồn nên nhiều khi con cháu đành im lặng”.

Không chỉ lên tiếng phản đối cá nhân ăn cắp bản quyền, NSND Thanh Tòng còn cho rằng việc vi phạm bản quyền diễn ra có hệ thống như hiện nay bắt nguồn từ sự vô trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền. Điều đó dẫn đến hiện tượng các tổ chức, cá nhân kinh doanh nghệ thuật, từ sàn diễn đến sóng truyền hình, đã xem nhẹ pháp luật.

“Trước đây, Phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM thường yêu cầu tác giả phải có chữ ký xác nhận mới cấp phép biểu diễn. Thế nhưng, những năm gần đây, nguyên tắc này đã không còn áp dụng nữa. Vì vậy, nạn ăn cắp tại các sân khấu và băng đĩa rộ lên” - NSND Thanh Tòng lý giải.

Không biết bắt đầu từ đâu

Soạn giả Đăng Minh cho rằng lâu nay, ông nghĩ đơn giản anh em nghệ sĩ trong nghề quá quen mặt, không thể chỉ vì tiền bản quyền mà tránh, không gặp nhau. “Vì thế, hầu như chẳng ai quan tâm đến việc đăng ký bản quyền tác giả, đến lúc muốn thưa kiện cũng gặp khó khăn. Đây là một thiệt thòi lớn của anh chị em tác giả và con cháu của họ sau này muốn đấu tranh đòi quyền lợi của mình” - soạn giả của kịch bản cải lương Vụ án Mã Ngưu, Lệnh truy nã vang tiếng một thời bộc bạch.

Ông Tử Lang, con trai cố soạn giả Hoa Phượng, băn khoăn: “Lâu nay, muốn đăng ký quyền tác giả nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi có đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại TP HCM nhưng ở đây chỉ thu hộ tác quyền ca sĩ, nhạc sĩ. Chúng tôi không biết thông qua tổ chức nào để ủy thác thu hộ tác quyền của mình như bên ca nhạc”.

Theo ông Quản Tuấn An - Trưởng Phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan thuộc Cục Bản quyền tác giả - nạn ăn cắp bản quyền ngày càng nhiều. Hiện Cục Bản quyền tác giả đã trình Chính phủ ký ban hành nghị định xử phạt hành chính về quyền tác giả. Theo đó, mức phạt lên tới 500 triệu đồng, với những vi phạm nghiêm trọng hơn thì có thể bị xử lý hình sự. Hiện nay, nhiều tác giả sân khấu không đăng ký tác quyền, điều này sẽ rất khó xử lý khi dẫn đến tranh chấp. Các tác giả cần tiến hành đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả - 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội hoặc số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM. Tác giả cũng có thể nộp đơn tại sở văn hóa - thể thao và du lịch địa phương nơi đang cư trú. Cơ quan này có trách nhiệm chuyển kết quả đến tác giả ngay sau khi nhận được chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo