xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lá vẫn xanh đời

Truyện ngắn của BÙI PHAN THẢO

Buổi chiều bệnh viện trôi qua thật chậm. Ở đây có nhịp sống khác. Ngoài kia người ta hối hả giẫm đạp bươn bả mà đi, vượt lên nhau mà sống; còn ở đây là những con người yếu đuối, ngồi dậy không nổi nói gì đi, chạy

Nhịp sống ở đây không phải là những chiếc kim giây chạy liên hồi không ngưng nghỉ, là thời khắc qua nhanh chóng trong những toan tính vội vàng, mà là những con số nhịp tim hiện lên màn hình monitor; là rẻo giấy đo kết quả điện tâm đồ cứ dài ra mãi.

Lá vẫn xanh đời - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chàng bác sĩ trẻ cứ dõi mắt theo những đường đồ thị mà chỉ có anh ta và những người trong nghề mới hiểu được; lâu lâu lại đổi vị trí những đầu cắm màu xanh trên ngực người bệnh rồi lại nhìn vào những rẻo giấy cứ liên tục in ra những vệt ngoằn ngoèo.

Phòng có máy lạnh nhưng chỉ bật ở nhiệt độ vừa phải, bởi nằm đây đa số là những người có tuổi, những mái đầu bạc trắng hoặc lơ thơ chút tóc trên đầu. Tuổi xanh của họ đều đã trôi qua nhiều năm rồi, không thể nào níu kéo. Ai cũng đã có một thời để sống, thậm chí sống hào hùng, sống tươi vui, sống làm khổ bao người, làm khổ nhau và làm khổ chính mình vì những hoan, hỉ, ái, nộ, lạc. Nhưng đó mới chính là cuộc sống với đầy đủ giá trị và ý nghĩa của nó. Bây giờ, họ nằm đó, gầy nhom, mỏng dính, xác xơ.

Trong góc phòng là chỗ nằm của một bệnh nhân già, hầu như ít khi thấy người nhà của ông xuất hiện. Suốt từ đêm hôm qua, khi đưa mẹ anh vào, anh thấy ông tự ngồi dậy, xương xẩu, quanh mình lủng lẳng dây nhợ; ông nhìn mọi người với đôi mắt còn rất sáng song có phần dửng dưng. Rồi ông chậm chạp ngả lưng xuống, nhắm nghiền đôi mắt, không biết thức hay ngủ. Bên trái, sát giường mẹ anh đêm qua cũng là một ông già, có vẻ đã hồi phục nhiều. Kế bên là một bà lão, cứ ú ớ nói điều gì đó, anh định qua hỏi bà cần nhờ gì nhưng nhớ ra đây là phòng săn sóc đặc biệt, hạn chế người nhà có mặt và chưa đầy phút đã có bác sĩ chạy ra. Bây giờ anh mới biết từ phòng của bác sĩ nhìn ra có thể bao quát hết tình trạng của bệnh nhân nên khi có việc gì cần kíp, cần sự giúp sức của người nhà, điều dưỡng mới gọi người nhà đang túc trực quanh đấy suốt ngày đêm để kịp chạy vào.

Trưa nay anh vào lại bệnh viện, mẹ đã chuyển qua giường khác. Trên chiếc giường trong góc phòng làm nơi cấp cứu đêm qua giờ là một ông trạc tuổi 60. Chắc ông ta bệnh theo kiểu "giả đò" bởi anh thấy ông ta không chỉ có vẻ ngoài bóng bẩy so với tuổi tác mà còn gọi điện thoại oang oang. Đã thế, còn khoe cái mác Việt kiều bằng cách xổ Pháp ngữ với mấy người bạn làm ăn vào thăm.

Những chiếc máy lạnh đủ làm cho phòng bệnh không nóng bức song không khí không được thoáng đãng. Anh biết tính mẹ, nên cầm cái quạt giấy, phe phẩy để mẹ ngủ. Bà nói:

- Cứ nằm mãi một kiểu thế này mẹ khó chịu quá. Sao không cho mẹ trở mình cho dễ chịu?

- Không được, bác sĩ bảo mẹ không được nằm nghiêng. Mỏi quá thì con đấm lưng, xoa bóp nhẹ chân tay cho thôi. Chịu khó vài bữa mẹ ạ, chuyển sang phòng khác sẽ được nằm ngồi thoải mái. Bây giờ vẫn đang cấp cứu nên phải tuyệt đối nghe lời bác sĩ…

Bà nhắm mắt lại, đưa tay trái nắm lấy bàn tay của anh, bàn tay phải đang đeo những sợi dây nhỏ dẫn thuốc vào cơ thể, lâu lâu bà đưa lên, co duỗi như đang tập thể dục làm anh muốn bật cười.

Mẹ anh đã ngủ dưới bàn tay anh quạt đều. Anh ngắm mẹ mình. Bà còn đẹp lắm, dẫu những nét xuân sắc thời trẻ đã phai nhòa. Dù trên gương mặt đã điểm những dấu đồi mồi nhưng mái tóc bà còn đen nhiều chỗ. Con gái nhà giàu một thuở, nên cốt cách bà mãi giữ suốt đời: Đi đâu làm gì cũng nền nã. Vào bệnh viện mà vẫn áo quần phẳng phiu, chiếc áo len mỏng điệu đàng. Cổ đeo dây chuyền, tay vẫn chiếc vòng ngọc thạch và chiếc nhẫn đánh rất khéo trên bàn tay trái. Cách mẹ ăn cũng thế, hạt gạo nấu cháo phải vừa nở cho đủ dẻo, nhừ quá hay để nguội, mẹ sẽ không ăn.

Để cho mẹ ngủ, anh bước ra ngoài. Cả một khoảng sân bệnh viện lấp loáng vài vũng nước. Té ra cơn mưa đến và đi hồi nào anh không hay. Nắng đã trở lại, may mà có mấy cây xanh che bóng xuống những chiếc ghế đá trong sân bệnh viện. Mùa này những chiếc lá bàng ngả dần sang màu đỏ, cây sung vẫn sum suê quả quanh thân, nhiều chiếc lá bị sâu đục mà sao trông cây vẫn xanh vẫn lớn? Những người đi thăm nuôi tranh thủ giờ khám bệnh, bị hộ lý đuổi ra ngoài đang tụ tập chuyện trò.

***

Buổi tối ở bệnh viện là lúc đông vui nhất trong ngày. Tấm bảng ngoài cổng bệnh viện ghi rõ "Cấm trẻ em dưới 10 tuổi" nhưng nhiều người không quan tâm, vẫn đưa con vào thăm bệnh. Nằm ở khoa này, theo những người thăm nuôi - đều là châu báu, bởi đều đã gần đất xa trời, ai cũng con đàn cháu đống nếu có cuộc sống bình thường. Nhưng đâu phải ai cũng như ai. Ông già nằm ở góc phòng chẳng hạn, tưởng ông ta chẳng có ai bên đời này nữa nhưng chiều nay mới có vợ ông ta đến, hai ông bà chẳng có con cái, nương tựa, chăm sóc nhau lúc cuối đời. Sát bên mệ người Huế là bà cụ người Triều Châu, năm 1978 có vụ "nạn kiều" chạy qua Campuchia, năm 1982 về lại TP HCM. Anh con trai làm nghề kinh doanh vận tải, ngày đêm cứ đánh chiếc quần short jeans bạc màu vào bệnh viện. Nằm ngoài cùng là một ông lão xấp xỉ 80. Bà chị đỏng đảnh và anh con rể là con của cụ này. Nghe anh con rể nói, anh mới biết hiện tình:

- Ba tôi có hai dòng con, tới 19 người. Chắc do hồi trẻ, ổng cứ "sản xuất" mà không chăm sóc nên tình cảm cha con cũng lợt lạt.

- Các anh chị của anh có ở xa không hay gần đây?

- Ở Sài Gòn hết, chẳng ai ở tỉnh. Nhưng các anh chị vào thăm, thấy cũng không mặn mà gì, họ về nhắn với chị Tư: Thôi khi nào ba mất, chị gọi cho chúng tôi vào lo liệu. Chị Ba thì anh thấy đó, chị ấy bảo vào đây là nhức đầu, ở lâu đổ bệnh. Tôi thấy chị Tư thương ông già nhất, chị thức liền 2 đêm rồi, nên tôi là rể nhưng tự nguyện vào thay…

- Từ chuyện cha tôi, tôi nghiệm ra mình đẻ ít thôi, tôi có 2 con là vừa rồi. Nhưng mình phải thương con hết lòng, để mai mốt có nằm một chỗ cũng được con cái rủ lòng thương mà chăm sóc lại cho mình.

Bà cụ nằm sát giường mẹ anh, hết ngồi dậy đã xoay mình nằm quay đầu trở lại. Hơn mẹ anh chỉ 2 tuổi mà trông bà cụ như trên 80 khi đầu tóc bạc phơ, lưng còng, bé nhỏ. Hôm qua cụ không nói gì, cứ nhìn anh. Khi quạt cho mẹ, lâu lâu anh cũng quay qua quạt cho cụ. Có lúc anh quay sang, ô hay, sao bà cụ lại khóc? Giọt nước mắt người già lạ lắm, ít ỏi, chỉ đậu quanh hốc mắt… Bỗng dưng anh thấy lòng mình chùng xuống. Hôm nay bà cụ đã cởi mở hơn, nói cho anh biết bà cũng có 7 người con nhưng giờ chỉ còn 5 thôi, 4 trai 1 gái, đứa nào cũng làm ăn khấm khá. Khi bà ngồi dậy, thấy bà run run, anh hỏi: "Bác có lạnh không, để con khoác áo cho bác?". "Không, tôi yếu nên ngồi dậy là run. Cậu lấy giùm tôi chai dầu cù là". Rồi bà cụ nói những điều mà anh biết, bà đã bắt đầu lú lẫn. Lúc nãy, khi bà cụ ngủ, anh con trai có vào, cười với anh rồi đi ra. Anh ấy bảo: "Mẹ tôi vào đây đã là lần thứ sáu rồi. Đợt này nằm đây hơn nửa tháng. Chiều qua, lúc anh về, mẹ tôi đang nằm bỗng bật dậy: Về thôi. Tôi bảo sao mà về, mẹ quên đang nằm viện, dây nhợ quanh mình à? Ờ nhỉ, nằm đây hoài chán quá, Dũng ơi"…

***

Lại thêm một buổi chiều nữa trôi qua. Ngày mai anh sẽ trực, sẽ tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi trong ngày để chạy lên với mẹ. Dù có những lúc, chỉ được đứng chờ ở ngoài hành lang hay ngồi trên ghế đá nhìn vào dãy phòng cửa đóng im ỉm, sau đó là những người thân đang chống chọi với bệnh tật, tuổi già. Trời đã sẫm tối dần. Những chiếc lá trên cây muồng đã khép lại, đám hoa vàng cũng giấu mình đi và rụng rơi nhiều, xen giữa những cánh hoa sứ trắng đầy sân bệnh viện. Những người đi nuôi người bệnh đã trải chiếu ở các dãy hành lang, tranh thủ đi ăn ở căng-tin hay miếng cơm ở nhà dỡ vào để lấy sức mà thức đêm và chống chọi với đám muỗi dày đặc. Đêm đầu, anh thấy có người giấu cả đôi chân trong chiếc túi nylon hay quấn mình trong chiếc võng. Anh thử nằm trên ghế đá, chỉ chừng 15 phút là phải bật dậy vì muỗi cứ vo ve cắn chích liên hồi.

Ở lại một đêm chăm sóc mẹ, cậu em út của anh đã kịp biết hết mọi người. Hắn quảng giao thật, anh thầm nghĩ. Và hắn cũng cực kỳ sâu sắc. "Anh biết không, đêm qua mấy anh em ở lại nói với nhau: Con gái tìm chồng cứ vào đây. Nhiều anh chàng tuyệt lắm. Cứ thấy đàn ông con trai mà lau mình cho mẹ khéo léo, dịu dàng; cần mẫn đổ bô, dọn dẹp sạch sẽ, còn ai hơn những chàng ấy nữa"… Cậu em cũng cho biết gã Việt kiều đã xuất viện, trả lại sự yên tĩnh cho mọi người, khỏi phải nghe thứ tiếng Pháp bồi, ồn ã.

Có tiếng khóc nấc rồi tiếng khóc nối nhau ở giường đối diện. Bà lão tóc bạc phơ, người quắt lại như đứa bé mười hai trong bộ đồ trắng chắc không qua khỏi, bệnh viện đã chuẩn bị xe để người nhà đưa về. Con cháu đứng quanh giường bệnh. Thằng cháu trai gọi bà cố cứ ôm lấy bà mà hôn lên vầng trán đã lạnh. Cô cháu gái tay vẫn quạt mà nước mắt vòng quanh. Trưa nay, anh vẫn thấy anh con trai và cô con dâu bón cho bà cụ, kẻ đút cháo, người bón sữa cơ mà. Chao ôi, đời người như chiếc lá, tuổi già như bóng xế chiều hôm. Anh con trai nấc lên, bế lấy mẹ đặt lên chiếc cáng, đẩy ra xe chờ sẵn ngoài sân. Những bước chân thất thểu, những đôi mắt thẫn thờ rời khỏi bệnh viện.

Anh ra ngồi trên ghế đá ở dãy phòng bệnh đối diện bên này khoảng sân. "Meo". Một tiếng kêu và tiếng rơi đánh bịch. Ai đó, chỉ có thể là ai đó tàn nhẫn liệng con mèo từ trên lầu xuống. Nó nằm bất động. Có người định nhớm bước tới. Tiếng ai đó nói: "Đừng, hình như nó còn thở, nó sẽ sống". Mấy người vừa bước xuống cầu thang, xúm lại. Vẫn tiếng người đàn ông ngồi ở ghế đá cạnh anh: "Không sao đâu, giờ mật nó tan ra. Lát mật nó tụ lại, nó sẽ đứng dậy, bước đi"… Quả như thế thật. Con mèo khẽ rùng mình, cử động cái đầu, cái đuôi bắt đầu ve vẩy. Chừng 10 phút sau, khi anh quay lại, nó đã đi từ lúc nào.

Trước sân, những đứa trẻ vẫn đùa giỡn, vô tư. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chiếc lá trên cành rụng xuống, chiếc lá khác mọc lên, xanh tươi. Trong anh vẫn ngời lên niềm hạnh phúc, bởi mẹ anh đã qua cơn nguy kịch, mẹ vẫn còn ở lại với anh. Ngắm mẹ ngủ, giấc ngủ ngon sau 3 đêm ở bệnh viện, anh bỗng muốn khóc dù môi đang nở nụ cười. n

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo