xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Ông già và thằng bé": Bài thơ trên sa mạc

Huỳnh Trọng Khang

François Augiéras - tác giả vừa là "ông già" mà cũng là "thằng bé" phân tranh nhau và hòa giải với nhau trong cùng một bản thể

Những năm sau đệ nhị thế chiến, các tên tuổi lớn của văn đàn Pháp như René Étiemble, Yves Bonnefoy, Marguerite Yourcenar thi thoảng nhận được những tập sách lạ lùng mang theo cái nóng miền Phi châu ấy, tác giả có cái tên còn lạ lẫm hơn, Abdallah Chaamba, thoạt nghe như một chú bé người Algeria hoặc Morocco với văn phong vụng về như thể vừa học tiếng Pháp.

Tình yêu trên "châu lục đen"

Trong số những người đọc bản thảo ấy, đặc biệt có André Gide, tác giả của "Bọn làm bạc giả" mới đoạt giải Nobel năm 1946, đã nhìn thấy ở "Ông già và thằng bé" một phát hiện mới lạ, cũng như tìm thấy niềm hạnh phúc tuổi xế chiều khi đọc những trang văn thơ mộng của "cậu bé da màu" xa xôi ấy.

Ông già và thằng bé: Bài thơ trên sa mạc - Ảnh 1.

"Ông già và thằng bé" (Domino Books và NXB HNV, 2019) mang hình hài của một truyện vừa hơn là tiểu thuyết. Trong ấn bản đầu tiên năm 1949, do nhà Pierre Fanlac ấn hành, tác phẩm chỉ có 79 trang. Mong manh như một bài thơ, một bản du ca lướt trong gió, trên cát của sa mạc Sahara cằn cỗi, như chính ngài đại tá già, một gã da trắng cô độc giữa hoang mạc, với bản đồ, những phép đo đạc, các vì sao. Trong đại cảnh sinh động ấy, ẩn chứa một dáng hình của địa ngục và ông đại tá trở thành kẻ tự lưu đày chính mình trong sự khổ hạnh, giữa vùng chết chóc. Chỉ có đứa bé da màu "sinh ra trên mảnh đất này của sa mạc, từ những im lặng, đã chào đời trong sự đồng thuận của các vì sao" là nguồn sống duy nhất của ông. Tình yêu sinh ra từ cái chết, tội lỗi sinh ra từ tình yêu và mầm vui sinh ra từ đau khổ. Bài thơ mong manh mang trong nó thù hận và yêu thương, trở thành lời chứng của nỗi tuyệt vọng của con người trước những cám dỗ tự nhiên.

Tác phẩm lạ kỳ

Năm 1954, nhà xuất bản Minuit gom lại các tập sách của Abdallah Chaamba in chung thành một cuốn tiểu thuyết 272 trang. Đến năm 1963, cũng chính Minuit tái bản thành tập sách mỏng chỉ 84 trang, ghi tên tác giả: Abdallah Chaamba (François Augiéras). Hóa ra chủ nhân của những trang viết nên thơ trong "Ông già và thằng bé" không phải một "chú bé da màu" mà là một thanh niên da trắng người Pháp, con trai của danh cầm nổi tiếng Pierre Augiéras. Dẫu thế, trong thiên truyện này vẫn mang nhiều yếu tố từ đời thực của ông, như chuyện ông từng sinh sống ở châu Phi với người bác là sĩ quan về hưu; bản thân ông là một người đồng tính, cuộc hôn nhân không khiến ông cảm thấy thoải mái; gần như không gì thuộc về thế giới con người làm Augiéras dễ chịu. Đề cao lối sống trở về với thiên nhiên hoang dã, bất chấp những lề thói xã hội, những năm cuối đời, ông đã viết trong một hang động, để có thể "chống khuỷu tay mình lên bến bờ giấc ngủ mê, bên cạnh cái chết, hơn cả cuộc đối thoại với mảnh linh hồn bé nhỏ của tôi, hơn cả việc đặt bút dưới những ngôi sao cuối cùng, trực diện Đấng tối cao, Thượng đế và quan tòa duy nhất của tôi" như ông đã viết từ rất lâu trong "Ông già và thằng bé".

Những dòng này hé mở cho ta lối nhỏ bước vào câu chuyện tình ngang trái như là cuộc diện kiến của con người trước cái hằng hữu. Vì thế không ngạc nhiên, khi tác phẩm này từng được đọc với nhãn quang tôn giáo hơn là một chuyện ái tình thuần túy. Ở đây, ta cũng chú ý đến sự nổi loạn của Augiéras có bóng dáng của nhà thơ thiên tài Rimbaud, con người tự hủy ghê gớm từng gây xôn xao dư luận Paris một thời vì chuyện tình đồng tính với Verlaine. Từ lúc xuất hiện, François Augiéras đã nhận được lời động viên rất lớn từ Gide, qua thư từ và cả một lần gặp gỡ ngắn ngủi tại khách sạn mà Gide lưu trú năm 1950. Một năm sau, Gide qua đời. Augiéras tưởng rằng mình là mối tình cuối cùng của một trong những nhà văn vĩ đại của Pháp.

Gây sốc bằng mối tình đồng tình trong một thời buổi khá thủ cựu, "Ông già và thằng bé" không hiếm hoi những đoạn miêu tả trực diện cảnh nhục dục nhưng tác giả của nó quyết chối từ sự tục tằn. Truyện cũng không phải đưa ra một lời biện minh hay kiến giải về tình yêu. "Ông già và thằng bé" phức tạp hơn thế dẫu hình thức của nó giản dị. François Augiéras vừa là "ông già" mà cũng là "thằng bé" phân tranh nhau và hòa giải với nhau trong cùng một bản thể. Ông chết trong một nhà tế bần, cô độc như ông già trong túp lều giữa Sahara, ôm ghì mối tình ngang trái của mình. 

Sống và viết như một vì tinh tú

François Augiéras sống và viết như một vì tinh tú không ngừng đổi chỗ trên bầu trời. Bỏ trường học từ tuổi 13 để theo đuổi đam mê vẽ nhưng sau đó lại chuyển sang làm diễn viên của một gánh hát lưu động. Sang Algeria rồi xuôi về phương Nam theo tiếng gọi của định mệnh. Tại đây, ông sinh sống cùng người bác ruột Marcel Augiéras, người sẽ truyền cảm hứng cho ông không ít lâu nữa, để viết nên tác phẩm "Ông già và thằng bé".

Marcel Augiéras cũng không phải là nhân vật tầm thường. Sinh năm 1882, ở tuổi 20, ông rời quân ngũ để từ đó bắt đầu hành trình thám hiểm sa mạc Sahara hùng vĩ và kỳ bí bậc nhất thế giới. Ông đã dành 4 năm để vẽ bản đồ Tây Sahara với tỉ lệ 1/500.000 và để lại những công trình ghi chép mang tính biên niên về lịch sử Tây Phi cũng như những thám hiểm về vùng đất châu Phi mà thời bấy giờ vẫn còn nhiều bí ẩn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo