xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dấu ấn 4 vở diễn tranh Giải Mai Vàng 2017

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Bốn dấu ấn đẹp về thủ pháp dàn dựng của 4 vở diễn này nhận được sự đồng cảm của số đông giới chuyên môn, báo giới. Tuy nhiên, quyết định bầu chọn yêu thích vẫn thuộc về công chúng

Sân kịch năm nay dù trong mùa "hạn", thiếu vắng kịch bản hay nhưng 4 vở diễn được đề cử Giải Mai Vàng 2017 vẫn cho thấy các sân khấu kịch xã hội hóa đã có sự đầu tư từ nội dung đến thủ pháp nghệ thuật, tạo thêm sự sinh động trên sân khấu, thu hút người xem.

"Chúng ta thuộc về nhau" - Dấu son của Quang Huy

Vở "Chúng ta thuộc về nhau" (tác giả: Bùi Quốc Bảo) trên sân khấu Nhà hát Thế Giới Trẻ có câu chuyện khá đơn giản, xoay quanh vấn đề tranh chấp gia tài và sự bội tín của con người trong cuộc sống khi đặt mình trước 2 lựa chọn: tiền bạc hay gia đình. Với kinh nghiệm là một diễn viên, Quang Huy dàn dựng vở diễn thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và số đông người xem.

Dấu ấn 4 vở diễn tranh Giải Mai Vàng 2017 - Ảnh 1.

Từ trên xuống: Cảnh trong vở "Mẹ chồng rắc rối", "Hồi xưa biển ngọt", "Chúng ta thuộc về nhau", "Ngôi nhà không có đàn ông"

Dấu ấn 4 vở diễn tranh Giải Mai Vàng 2017 - Ảnh 2.

Dấu ấn 4 vở diễn tranh Giải Mai Vàng 2017 - Ảnh 3.

Dấu ấn 4 vở diễn tranh Giải Mai Vàng 2017 - Ảnh 4.

Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét: "Thủ pháp dàn dựng của Quang Huy là biết chia ra những lát cắt không gian của vở diễn để các nhân vật bám chặt vào tính tư tưởng, chủ đề vở kịch mà phát huy thế mạnh. Tôi đánh giá cao khả năng ứng biến, vận dụng nhiều mảng miếng và cách xử lý không gian rất thông minh của đạo diễn trẻ này nhằm tạo nên hiệu ứng đẹp cho một vở kịch".

"Cái hay của đạo diễn là chèn vào mạch chuyện rất nhiều thông tin cập nhật từ báo chí, truyền thông. Quang Huy đưa vào kịch khá ngọt những câu chuyện từ thực tế về tranh chấp đất đai, nhà cửa, tài sản dẫn đến gia đình ly tán" - nhà báo Hoàng Kim nhận xét.

Nhà báo Linh Đoan khen ngợi: "Quang Huy lần đầu thử sức vai trò đạo diễn nhưng đã tạo nên một bản dựng tròn trịa, vừa có tính giải trí, hấp dẫn vừa đủ tiếng cười và đọng lại tình yêu thương sâu lắng".

"Mẹ chồng rắc rối" - Thủ pháp thông minh của Ngọc Hùng

Vở kịch có nội dung về xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình, xóa bỏ sự khác biệt giữa 2 thế hệ trong một mái ấm, để chuyển hóa sự căm ghét thành yêu thương và chung sống yên ấm bên nhau. Đây chính là yếu tố thu hút người xem đến với vở kịch này.

Tác giả Nguyễn Thu Phương đã lý giải hạnh phúc theo cách riêng của cô nhưng Ngọc Hùng lại có cách kể chuyện bằng ngôn ngữ sân khấu rất hóm hỉnh, duyên dáng. "Vở được dựng với mô-típ náo kịch. Các tình huống hài dí dỏm xen lẫn yếu tố chính luận, khi bông đùa, khi lên án và phần kết đã tạo nhiều bất ngờ thú vị cho người xem. Vở diễn kết thúc để lại nhiều suy ngẫm cho khán giả về thân phận con người trong cuộc sống hiện đại khi đứng trước trách nhiệm bảo vệ gia đình, bổn phận làm tròn chữ hiếu, vẹn chữ tình. Thủ pháp dàn dựng của đạo diễn rất mạch lạc, thông minh, có nhiều khoảng lặng để khán giả xúc động" - NSND Trần Ngọc Giàu nhận xét.

Nhà báo Linh Đoan cũng đồng tình: "Thủ pháp dàn dựng của đạo diễn Ngọc Hùng còn để mỗi nhân vật trong kịch chạm đến trái tim người xem, ai cũng thấy mình trong kịch, đó là cách dựng thông minh, sâu sắc của anh".

Nhà báo Phạm Phú Túc còn cho rằng hiệu quả của vở kịch chính là cách bố trí ánh sáng và sử dụng ngôn ngữ âm nhạc rất đắt. "Nhà hát Thế Giới Trẻ lúc ra mắt vở này chưa sửa chữa khán phòng nhưng Ngọc Hùng đã vận dụng ánh sáng rất thông minh, xử lý không gian sân khấu cũng là một cách sáng tạo" - nhà báo Phạm Phú Túc nói.

"Ngôi nhà không có đàn ông" - Vũ Minh thuyết phục khán giả

Vở kịch "Ngôi nhà không có đàn ông" của nhà văn Ngọc Linh được đạo diễn Vũ Minh dàn dựng mới đã vẽ nên bức tranh đẹp về thân phận những người phụ nữ căm ghét đàn ông.

Họ có lý do của mình và trong cách lý giải từng lý do đó, Vũ Minh khéo léo để khán giả đưa quan điểm của mình vào kịch.

"Kịch được dàn dựng hấp dẫn, thấm đẫm tính nhân văn dù 2/3 vở diễn tràn ngập tiếng cười. Bên cạnh những tình tiết gay cấn, đậm chất triết lý không lạc hậu theo thời gian của nhà văn Ngọc Linh, thủ pháp tạo tiếng cười của đạo diễn Vũ Minh đã thuyết phục khán giả, vì anh biết bám vào tình huống để lồng ghép chất hài châm biếm rất đời và sâu sắc. Bản dựng mới của Vũ Minh góp phần làm cho dòng kịch của nhà văn Ngọc Linh có thêm sắc thái mới" - NSƯT Kim Xuân đánh giá.

Còn nhà báo Linh Đoan khen ngợi: "Vở diễn có yếu tố giải trí cao vì biết khai thác tiếng cười đúng lúc, tạo hiệu quả cho cả vở diễn và không bị sa đà vào sự dễ dãi".

"Hồi xưa biển ngọt" - Ái Như lấy nước mắt

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn giữ phong cách quen thuộc, đó là dàn dựng những kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học. "Hồi xưa biển ngọt" của tác giả Hoàng Thái Thanh, Hoa Hiền cũng là kịch bản dựa theo tác phẩm văn học "Chuyện tình bên sông" của Việt Khuê, do đạo diễn Ái Như dàn dựng.

Vở thu hút đông đảo khán giả đủ mọi lứa tuổi đến xem và có nhiều đồng cảm với cách kể chuyện của đạo diễn Ái Như. Nội dung kể về sự thay lòng của một người đàn ông, trốn bỏ trách nhiệm, chạy theo tiếng gọi con tim, gây ra sự điên loạn cho vợ mình. Sự thức tỉnh muộn màng của ông phần nào xóa đi khoảng cách giữa ông với cô con gái vốn lớn lên trong sự thù ghét cha.

"Vở kịch là câu chuyện về cuộc đời cay đắng của những người sống chân chất, muốn giữ hạnh phúc yên bình nhưng sóng gió cuộc đời đã xô đẩy họ. Tôi thích tứ kịch đầy nước mắt mà Ái Như đã dựng. Thích nhất là các tình huống đầy nghiệt ngã được đan cài hợp lý khiến nhiều khán giả thưởng thức không cầm nước mắt. Vốn có lợi thế giỏi nghề biên kịch, Ái Như và Thành Hội biết vận dụng những lời thoại chan chứa yêu thương để các nhân vật thốt ra giành được sự đồng cảm da diết của khán giả" - NSƯT Trần Minh Ngọc bày tỏ sự trân trọng.

"Nhiều năm qua, khi cơn lốc kịch ma - kịch kinh dị tung hoành ở nhiều sân khấu kịch xã hội hóa, Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn đứng ngoài cuộc với mặc định đó là dòng kịch giải trí, chạy theo thị hiếu, còn sàn diễn này vẫn giữ giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, vở "Hồi xưa biển ngọt" là một minh chứng mang chất nhân văn sâu sắc. Đạo diễn Ái Như đã tạo hấp dẫn bằng cách dàn dựng những tình tiết bất ngờ, chặt chẽ. Chị khai thác đậm nét tâm lý các nhân vật để diễn viên thăng hoa đồng đều, gieo ấn tượng cho vai diễn mà họ thể hiện. Đó là yếu tố quyết định sự thành công" - nhà báo Hoàng Kim đánh giá cao các vở diễn của sân khấu này. 

Bầu chọn Giải Mai Vàng 2017 còn 11 ngày

Vòng bầu chọn Giải Mai Vàng lần thứ 23-2017 dành cho bạn đọc diễn ra từ ngày 12-12-2017 đến hết ngày 11-1-2018 trên Báo Người Lao Động điện tử (phiên bản web và phiên bản mobile), trang Mai Vàng (giaimaivang.vn), Facebook Mai Vàng kết nối.

Ở đó, ban tổ chức lập phiếu bầu chọn điện tử. Bạn đọc chỉ cần làm theo hướng dẫn để bầu chọn.

Bạn đọc có quyền bầu chọn cho nghệ sĩ, tác phẩm hoặc chương trình mà mình yêu thích ở một hay nhiều hạng mục nhưng chỉ được bầu chọn một lần cho một nghệ sĩ, tác phẩm hoặc chương trình truyền hình trong mỗi hạng mục.

Ứng viên nào có số phiếu bầu chọn của bạn đọc cao nhất trong mỗi hạng mục sẽ đoạt Giải Mai Vàng 2017.

Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 23-2017 sẽ diễn ra vào đêm 18-1-2018 tại Nhà hát TP HCM, được trực tiếp truyền hình trên VTV9 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Tổng giải thưởng cho bạn đọc bầu chọn: 40 triệu đồng.

B.T.C

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo