xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ấn tượng tranh mỹ thuật của họa sĩ trẻ

Thùy Trang

Một lớp họa sĩ trẻ đang nối tiếp những danh họa của nhiều thế hệ đi trước, tạo ra diện mạo mới cho mỹ thuật Việt Nam

Hai triển lãm "Xe đạp ơi" của họa sĩ người Pháp gốc Việt Thu Vân Trần và "Vòng tròn - Thời gian" của họa sĩ Hà Mạnh Thắng, diễn ra cùng thời điểm đầu năm, vừa kết thúc, để lại nhiều ấn tượng thú vị. Cả hai đều là gương mặt nổi bật của làng hội họa đương đại Việt Nam hiện nay với những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao.

Những người trẻ năng động

"Xe đạp ơi" là triển lãm ý niệm, lấy cảm hứng từ bản tình ca chất chứa kỷ niệm của tuổi mộng mơ cùng các chất liệu địa phương giàu biểu tượng (cao su, cánh buồm, gốm). Trong khi đó, "Vòng tròn - Thời gian" giới thiệu các tác phẩm hội họa (trừu tượng biểu hiện) và sắp đặt mới nhất của Hà Mạnh Thắng. Cảm hứng tác phẩm đến từ những bài thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ - nơi chiều không gian và thời gian được mở rộng, chuyển tải mối tương quan giữa thiên nhiên - con người, giữa cá nhân - thế sự. Sáng tác của Hà Mạnh Thắng vừa ẩn chứa tinh hoa của hội họa hiện đại Tây phương vừa chứa đựng tâm tính Á Đông, gợi nhớ quá khứ đã qua và nuối tiếc cái đã mất.

Ấn tượng tranh mỹ thuật của họa sĩ trẻ - Ảnh 1.

“Nữ hoàng phương Đông” của Vũ Ngọc Vinh

Dù cách tiếp cận chất liệu và xử lý kỹ thuật của 2 nghệ sĩ không giống nhau nhưng họ đều có điểm chung là hòa trộn khéo léo hội họa hiện đại Tây phương với chất Á Đông mềm mại, e ấp. Tác phẩm của họ giúp khán giả tiếp cận phạm vi rộng của nghệ thuật hiện đại cũng như nắm bắt được ý nghĩa của nó đối với xã hội đương thời.

Thu Vân Trần (SN 1979) là nghệ sĩ ý niệm, sinh sống và làm việc tại Paris - Pháp. Chị sáng tác trên nhiều chất liệu và sử dụng nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Các tác phẩm của chị ẩn chứa phức cảm về thẩm mỹ được thể hiện thông qua trải nghiệm cá nhân cũng như nghiên cứu về lịch sử. Chị từng tham gia triển lãm tại nhiều phòng tranh và bảo tàng uy tín như: Moderna Museet (Thụy Điển), Neue Berliner Kunstverein (Đức); góp mặt tại Venice Biennale 2017 (Ý) - một trong những triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất và uy tín nhất thế giới; đoạt giải thưởng Marcel Duchamp 2018. Còn họa sĩ Hà Mạnh Thắng (SN 1980) nổi bật bởi bề mặt tranh của anh là điểm hội tụ các nét cọ - vệt khắc, sơn dầu và chất liệu nguyên bản, những mảng màu đặc và cách tạo hình tự nhiên không khiên cưỡng, hội họa hiện đại phương Tây lẫn cổ vật truyền thống Việt Nam... Anh từng tham gia triển lãm ở nhiều không gian uy tín trong và ngoài nước: L’espace (Hà Nội), Quỳnh Gallery, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore...

Ấn tượng tranh mỹ thuật của họa sĩ trẻ - Ảnh 2.

“Chiều khác” của Lương Trung

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Vũ (SN 1991) được biết đến với nghệ danh "Cậu bé thỏ", tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa tại Malaysia, là một trong số ít nghệ sĩ trẻ say mê với giá trị truyền thống Việt Nam. Anh nổi danh trong cộng đồng thiết kế qua những sáng tạo nghệ thuật lấy ý tưởng chất liệu văn hóa Việt như nghệ thuật tuồng, tranh lụa họa sĩ Mai Thứ, cảm hứng tranh dân gian Đông Hồ.

Lê Thúy là cái tên nổi bật ở mảng tranh lụa. Cô nằm trong danh sách thế hệ "tầng ba", những họa sĩ kế cận xuất sắc các bậc tiền nhân ở "tầng một" (theo xếp hạng của người trong giới, "tầng một" là những người đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, những bộ tứ huyền thoại: "Trí, Vân, Lân, Cẩn", "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái"…; lớp họa sĩ "tầng hai" là những người thành danh từ những năm 1990: Thành Cương, Lê Thiết Cương, nhóm Gang of Five…; thế hệ họa sĩ "tầng 3" gồm 8 nghệ sĩ trẻ đương đại: Nguyễn Văn Hè, Đỗ Hiệp, Lương Đức Hùng, Lã Huy, Tạ Huy Long, Lê Thúy, Phạm Tuấn Tú, Bùi Tiến Tuấn).

Nghĩ mới và không ngại thể nghiệm

Ưu thế của những người trẻ là việc không ngại thể nghiệm trong không gian sáng tạo đậm chất cá nhân của mỗi người. Như chia sẻ của Nguyễn Ngọc Vũ, anh thích tích cực hoạt động với nhiều vai trò, xử lý nhiều chất liệu, phương tiện khác nhau để thỏa ham muốn sáng tạo, thể nghiệm của bản thân. Thế nên, các tác phẩm của anh không chú trọng vào một hình thức mà kết hợp nhiều loại hình xoay quanh chủ đề và hình ảnh của tuồng, tranh Hàng Trống. Anh đã trưng bày các tác phẩm của mình tại châu Á, châu Âu và Mỹ cũng như tham gia xuất bản 2 quyển sách về nghệ thuật xếp giấy tại Pháp.

Ấn tượng tranh mỹ thuật của họa sĩ trẻ - Ảnh 3.

“Phía bên kia thiên đường” của Vũ Đức Trung

Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Công Hoài (SN 1984) gây ấn tượng khi thành công trong việc bóc tách thân phận con người thông qua tranh chân dung. Anh có không ít tác phẩm diễn tả tình trạng cô đơn, lạc lõng của những phận người. Đó là những thân phận khó thích nghi, những dấu vết của tổn thương, những chịu đựng xung đột nội tâm, những tác động của đời sống… nhưng có sức hút đến lạ lùng với người xem.

Triển lãm "Tỏa 2" diễn ra cuối năm 2018 của 10 nghệ sĩ trẻ: Nguyễn Nghĩa Cương, Hà Phước Duy, Tạ Minh Đức, Phạm Hà Hải, Triệu Minh Hải, Lê Phi Long, Nguyễn Đức Phương, Vũ Đức Trung, Lương Trung, Vũ Ngọc Vĩnh mang đến những cuộc đối thoại về thẩm mỹ; mở ra không gian tương tác giữa điểm nhìn cá nhân với câu chuyện xã hội; là sân chơi phóng khoáng cho những biến tấu đa dạng của nghệ thuật.

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của "Tỏa 2" chính là mở rộng không gian cho những phương thức biểu đạt cách tân và đa dạng: có sự tự vấn, suy nghiệm là giao lộ của sự chia sẻ giữa nghệ sĩ với nhau cũng như nghệ sĩ với khán giả.

Ấn tượng tranh mỹ thuật của họa sĩ trẻ - Ảnh 4.

“Đông tàn” của Hà Mạnh Thắng

Những câu chuyện trong tranh của các họa sĩ trẻ luôn chất chứa những câu chuyện về đời sống đương đại: thật đến nao lòng bởi những khắc khoải ưu tư nhưng cũng đầy sắc màu bởi sự xa hoa, phù phiếm của thời đại. Những tác giả trẻ thể nghiệm với cả những chất liệu không tưởng như vải vụn, đất sét… thành tác phẩn tranh hoàn hảo. Không ít họa sĩ trẻ đã tìm tòi, khám phá những chất liệu mới, thậm chí phương thức mới để thực hành hội họa. Nó thể hiện quá trình luôn tìm tòi, khám phá và sáng tạo của họa sĩ Việt. 

Nhiều thành tựu

Thế hệ họa sĩ mới đầy thú vị không chỉ bởi tài năng mà còn là tinh thần sáng tạo không giới hạn của họ. Tranh của Nguyễn Đức Phương (SN 1982) luôn mang đậm nét văn hóa Việt, còn tranh sơn mài của Vũ Đức Trung (SN 1981) lại sử dụng chất liệu và kỹ thuật của sơn mài truyền thống Việt Nam để đưa ra những tạo hình mang hơi thở đương đại. Lê Phi Long (SN 1980) có nhiều tác phẩm chịu ảnh hưởng bởi không gian tinh thần Phật giáo đậm nét. Trong khi đó, Triệu Minh Hải (SN 1982 ) thực hành nghệ thuật đa dạng, trải khắp các phương thức biểu đạt như vẽ, sắp đặt, video, âm thanh... Tất cả họ đều trang bị cho mình một hành trình đủ bền vững để tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Nếu Phạm Hà Hải (SN 1974) có những giải thưởng danh dự tại Triển lãm Mỹ thuật châu Á Philip Morris 1998 - 1999 và huy chương đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 thì Hà Phước Duy (SN 1984) - một nghệ sĩ theo trường phái hiện thực - từng đoạt giải nhất Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL năm 2016. Sau khi lấy bằng thạc sĩ hội họa tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (2010), Lương Trung (SN 1981) mang về Giải thưởng Dogma Art Prize. Tranh của anh mang hơi thở hiện thực xen lẫn tinh thần biếm họa. Vũ Ngọc Vĩnh (SN 1978) lại gây ấn tượng bởi tranh của anh nằm trong bộ sưu tập của nhà vua Morocco. Còn Nguyễn Nghĩa Cương (SN 1973) có nhiều tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo