xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo tồn vốn quý của nghệ nhân

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Do cơ chế không đồng bộ và thiếu chiến lược tổ chức truyền nghề, nhiều nghệ nhân tài năng đã ra đi trước khi được vinh danh

Trong những ngày qua, giới nghệ nhân cả nước hân hoan trước thông tin 671 người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cần chính sách đặc thù

Giới chuyên môn đánh giá các nghệ nhân là những "báu vật nhân văn sống". Theo NSND Trần Minh Ngọc, họ là những nhân tố đã và đang nắm giữ, bảo vệ, trao truyền những giá trị tinh túy của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: nghệ thuật trình diễn dân gian; tri thức dân gian; ngữ văn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; tiếng nói, chữ viết; lễ hội truyền thống… Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân cảm thấy tủi thân vì nhận danh hiệu mà lâm vào cảnh thất nghiệp.

"Tôi nhận thấy các "báu vật nhân văn sống" đứng trước nguy cơ dần mai một vì tuổi già, danh hiệu là sự động viên để các nghệ nhân tài năng, đặc biệt ở lứa tuổi "xưa nay hiếm", tiếp tục cống hiến. Thế nhưng, để có cơ chế đặc thù, mức lương cố định để nghệ nhân yên tâm giảng dạy, truyền nghề thì quả là một hành trình dằng dặc. Điều đáng lo là thời gian trôi qua, các cụ sẽ về với tổ tiên, mang theo tất cả tinh hoa của nghề thì lãng phí" - NSND Trần Minh Ngọc lo lắng.

Bảo tồn vốn quý của nghệ nhân - Ảnh 1.

Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Thanh (bìa trái, Bộ môn Múa bóng rỗi tại TP HCM) giới thiệu với tiến sĩ - NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng (người thứ 2 từ trái qua) nghệ thuật cắt dán mâm vàng của các học trò do ông đào tạo

Theo các nhà chuyên môn, chính vì cơ chế không đồng bộ và thiếu chiến lược tổ chức truyền nghề mà nhiều nghệ nhân tài năng như hát xẩm Hà Thị Cầu, ca trù Nguyễn Thị Chúc, đàn đáy Vũ Văn Hồng, quan họ Nguyễn Thị Nguyên… đã ra đi trước khi được vinh danh. 

NNƯT Thanh Nhàn (Bộ môn Chầu văn tại TP HCM) nói không ít ý kiến mong muốn nghị định về xét tặng danh hiệu cần giảm bớt hoặc bỏ qua những thủ tục, tiêu chí rườm rà, cứng nhắc bởi đa phần nghệ nhân đều ở độ tuổi gần đất xa trời hoặc sống ở vùng sâu, vùng xa. Trong số này, nhiều người có cuộc sống khó khăn nên sự vinh danh với họ như một liều thuốc tinh thần quý báu.

"Quan trọng hơn hết là có chính sách đặc thù đối với các nghệ nhân. Đó là mức lương hằng tháng, tổ chức lớp truyền nghề, thực hiện các công trình ghi hình - ghi âm bài thực hành làm công tác lưu trữ… Nghệ nhân được vinh danh hạnh phúc lắm nhưng sau đó làm gì để sống, để làm nghề thì gần như vô vọng" - NNƯT Thanh Nhàn tâm sự.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Theo thống kê của các nhà chuyên môn về lĩnh vực di sản văn hóa dân gian, cả nước hiện có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu, 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số, 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp. "Hầu hết nghệ nhân không sống được bằng nghề, thường chỉ hoạt động vào dịp lễ hội trong năm. Vì vậy, dù được tôn vinh nhưng nhiều nghệ nhân tuổi đã cao vẫn đang phải vật lộn mưu sinh. Họ sẽ làm gì để sống và để truyền nghề? Đó là vấn đề nan giải cần sớm được tháo gỡ" - NNƯT Ngọc Đào (múa bóng rỗi tại TP HCM) nói.

NNND Út Tỵ (đờn ca tài tử tại huyện Hóc Môn, TP HCM) cho biết bản thân ông chưa bao giờ thôi khát khao được truyền nghề nhưng học trò ở các tỉnh về TP HCM học được vài tuần thì bỏ cuộc. "Vì tiền thuê nhà trọ, tiền thuê lớp để dạy, khó khăn vây chặt, nhìn những người trẻ có tài, có khả năng trở thành thầy đờn bỏ cuộc, tôi đau lòng lắm... Để sống và truyền nghề sao khó quá! Lâu rồi, các nghệ nhân được trao danh hiệu đồng nghĩa với việc chờ cơ chế đặc thù để có đủ thu nhập nuôi bản thân trước khi truyền nghề nhưng rồi cứ chờ trong vô vọng" - NNND Út Tỵ bày tỏ.

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với nghệ nhân dân gian. Theo đó, những người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà nước hỗ trợ, dự kiến mức cao nhất là 1,1 triệu đồng/tháng; được hỗ trợ BHYT, chi phí mai táng khi qua đời… Song, từ chủ trương đi vào thực tế vẫn còn cả một chặng đường dài. 

"Phải sớm tháo gỡ những vướng mắc này để hỗ trợ cụ thể trên từng đề án, từng nghệ nhân với bộ môn mà họ có khả năng truyền nghề, từ đó mới quy hoạch được chiến lược trong 5 - 10 năm, tiến đến xây dựng những giáo trình thực hành, truyền nghề của NNND, NNƯT. TP HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, việc tiếp sức này cần làm sớm để lưu trữ đầy đủ những tư liệu quý, bài giảng, bài thực hành của nghệ nhân ngay từ khi họ chưa được xét tặng danh hiệu. Có như thế mới xứng tầm với danh hiệu mà họ được trao" - TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) cho biết. 

GS-TS Tô Ngọc Thanh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết trước đây, ngoài phong tặng danh hiệu, hội còn sử dụng nguồn Quỹ Ford (Mỹ) để hỗ trợ các nghệ nhân bằng cách mời họ về truyền dạy cho lớp trẻ. Tuy nhiên, từ sau năm 2010 đến nay, nguồn tài trợ này không còn.

Chi hội Văn nghệ dân gian ở một số tỉnh, thành cũng lập quỹ hỗ trợ thường xuyên, trong đó Chi hội tỉnh Gia Lai vẫn duy trì mức hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho các nghệ nhân sử thi. Tuy nhiên, các địa phương làm được như Gia Lai chưa nhiều, mức hỗ trợ cũng khiêm tốn. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc kêu gọi xã hội hóa để có đãi ngộ nhằm gìn giữ những “di sản sống” là việc làm cần thiết trong công tác lưu trữ giáo trình, truyền nghề và đào tạo nguồn nhân lực trẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo