xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cải lương miễn phí: Nên hay không?

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Giới chuyên môn và nghệ sĩ sân khấu đang lo lắng về dự án cải lương miễn phí, bởi theo họ, đó không phải là cách để cứu sàn diễn của bộ môn nghệ thuật này

Khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương sẽ có cơ hội thưởng thức miễn phí mỗi tháng 2 suất diễn những vở tuồng hay tái dựng tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, bắt đầu từ tối 28-9 với vở "Giấc mộng đêm xuân" (tác giả: Nhị Kiều - Phi Hùng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu). Khá đông khán giả đã đến xem suất diễn này và tỏ ra thích thú khi nhận vé mời vào rạp, thay vì phải mua vé như lâu nay. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn và nghệ sĩ ở các đơn vị sân khấu xã hội hóa lại tỏ ra lo ngại.

Mất dần thói quen...mua vé

Vở "Giấc mộng đêm xuân" có sự tham gia ca diễn của lực lượng nghệ sĩ khá hùng hậu: Thanh Ngân, Trọng Phúc, Lê Tứ, Linh Trung, Thu Vân, Lê Hồng Thắm, Tấn Giao, Quỳnh Hương... Theo thông báo của nhà hát, đây là buổi diễn mở màn cho những suất nằm trong kế hoạch sáng đèn từ đây đến cuối năm 2019 của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, với sự hỗ trợ của UBND TP HCM và Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM về kinh phí. Ngoài vở "Giấc mộng đêm xuân", nhà hát đang chuẩn bị dàn dựng các vở: "Tướng cướp Bạch Hải Đường", "Nhân danh công lý", "Lê Công kỳ án", "Bàn thờ tổ của một cô đào"... Khán giả được nhận vé mời tại Nhà hát Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM) trước mỗi suất diễn, cách nhau 2 tuần trong tháng. Mục đích của dự án này là làm sáng đèn nhà hát và tạo thói quen cho khán giả đến rạp.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, nói: "Theo tôi, đây không phải là giải pháp hay. Đừng làm mất đi thói quen mua vé của khán giả. Sàn diễn cải lương trải qua giai đoạn bệnh nặng, sau một vài hoạt động cho thấy đang "hồi dương", nếu thật sự tạo cơ hội, điều kiện để cứu nguy, không để sàn diễn cải lương chết, thì các cấp quản lý liên quan phải ngồi lại tính toán, chứ không thể làm như kiểu thuyền bị lủng, chắp vá và tiếp tục ra khơi".

Cải lương miễn phí: Nên hay không? - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Giấc mộng đêm xuân”

Soạn giả Hoàng Song Việt lo lắng: "Nếu vì miễn phí mà chất lượng nghệ thuật của vở diễn kém thì khán giả sẽ hụt hẫng".

Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ cho rằng: "Trong khi các sàn diễn xã hội hóa đang nỗ lực bán từng vé để khán giả thật sự yêu nghệ thuật cải lương đến sàn diễn, nhà nước lại thực hiện đề án này, gây khó khăn cho các đơn vị xã hội hóa".

Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng: "Sẽ là con dao hai lưỡi khi nghệ sĩ ỷ vào tiền hỗ trợ của nhà nước, vở diễn không đạt yêu cầu, còn khán giả xem miễn phí nên đến và ra về trong tình trạng thiếu tôn trọng vở diễn". Theo nghệ sĩ Kim Tử Long: "Chỉ nên miễn phí khi đưa cải lương ra quảng trường, với các sự kiện lớn, còn ở rạp phải là "thánh đường" đúng nghĩa. Dù chỉ một vé được bán cũng là sự trân trọng dành cho nghệ sĩ chúng tôi".

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn băn khoăn: "Tôi lo ngại là diễn miễn phí sẽ bị đồng hóa với "diễn phục vụ nội bộ có tài trợ của nhà nước". Vì qua suất diễn đầu, đã nghe dư luận bàn tán việc diễn viên ngôi sao lấy vé VIP bán, còn vé trên lầu, vé hàng ghế xa mới được phân phối cho khán giả. Với khoảng 250 ghế ngồi của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, mỗi suất, nghệ sĩ tham gia vở nhận vé cho người nhà, cho khán giả thân quen, số lượng vé đến tay khán giả bên ngoài là bao nhiêu? Trong đánh giá để thử nghiệm cải lương miễn phí, cần nhìn rõ vấn đề này, cẩn trọng hơn với dự án cải lương miễn phí".

Giải pháp nào khả thi?

Trước những lo lắng của các nhà chuyên môn và nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa, ban giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết sau đợt diễn thí điểm, từ đây đến cuối năm, nhà hát sẽ đánh giá và có báo cáo với Sở VH-TT TP HCM để kịp thời điều chỉnh tổ chức biểu diễn, bán vé hoặc hỗ trợ bằng phương cách nào đó nhằm làm cho sàn diễn Nhà hát Trần Hữu Trang sáng đèn.

Nghệ sĩ Kim Tử Long khẳng định: "Khi đã tạo thói quen xem miễn phí cho khán giả thì sẽ khó bán vé trở lại". Theo anh, nên hạ giá vé khi có sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước, chứ không nên miễn phí.

Đạo diễn Hoa Hạ cũng đồng thuận với việc giảm giá vé để hỗ trợ cho khán giả yêu sàn diễn cải lương.

Soạn giả Hoàng Song Việt đề xuất thêm: "Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các đoàn có số lượng diễn viên trẻ khá đông, lại không đủ kinh phí để mời nghệ sĩ ngôi sao tăng cường. Họ cần hỗ trợ để sáng đèn. Phương án này sẽ mang lại niềm tin cho thế hệ diễn viên trẻ bám nghề, vì nhà nước đã hỗ trợ họ làm nghề một cách nghiêm túc".

Theo đạo diễn Huỳnh Nga: "Không phân biệt quốc doanh hay tư nhân, căn cứ trên đề án làm vở mới, nhà nước hỗ trợ kinh phí để đưa vở diễn đến với số đông khán giả. Cách hỗ trợ trên đề cương được duyệt sẽ có thêm nhiều vở hay, giá vé lại giảm hợp túi tiền của khán giả bình dân". 

Không cạnh tranh sòng phẳng

Được biết, mỗi suất diễn, Sở VH-TT TP HCM sẽ hỗ trợ cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 40 triệu đồng. Kinh phí dàn dựng và thù lao tập dượt vở đã có ngân sách của nhà nước cấp.

Với nghệ sĩ các đoàn xã hội hóa, đang hoạt động tự lực cánh sinh, đề án này đã đặt họ vào thế cạnh tranh không sòng phẳng, giữa một bên được nhà nước bao tiêu trọn gói từ đầu vào cho đến đầu ra, còn một bên tự thân vận động lại đang đối mặt với khó khăn, khi thị phần có chiều hướng bất lợi, vì khán giả chỉ thích nhận vé mời xem miễn phí.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo