xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đại thụ của đờn ca tài tử đột ngột qua đời

Thanh Hiệp (ảnh do gia đình cung cấp)

(NLĐO) – Tác giả Thanh Hiền – người được giới chuyên môn gọi là "vua viết vọng cổ của Đài Phát Thanh Giải Phóng", cha đẻ của bài ca cổ "Chuyến xe Tây Ninh" - vừa qua đời lúc 7 giờ ngày 26-2.

Soạn giả Đăng Minh vừa thông tin tác giả Thanh Hiền do tuổi già sức yếu đã qua đời trong sự thương tiếc của gia đình và các thế hệ nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ, hưởng thọ 78 tuổi.

Đại thụ của đờn ca tài tử đột ngột qua đời - Ảnh 1.

Tác giả Thanh Hiền


Không chỉ là cây viết sáng tác vọng cổ nổi tiếng với hơn 2.000 bài vọng cổ và bản tài tử, tác giả Thanh Hiền còn là nghệ nhân đờn kìm, nhạc tài tử tiêu biểu của khu vực miền Đông Nam bộ.

Ông lớn lên từ môi trường nghệ thuật cách mạng và chất liệu sáng tác từ chiến khu đã cho ông nhiều cảm xúc để viết những bài ca cổ đi vào lòng người.

Tác giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng sinh năm 1942, tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Lúc nhỏ, ông được gia đình cho học cả tiếng Pháp và tiếng Hán. Ngoài học chữ, ông còn yêu thích đơn ca tài tử. Ông học ca và sử dụng được một số nhạc cụ như đờn kìm, đờn gáo, ghi ta phím lõm nhưng đờn kìm là sở trường.

Năm 1960, ông đầu quân về Đoàn Văn công tỉnh Tây Ninh. Một năm sau, ông được Đoàn Văn công Giải phóng "R" tiếp nhận và phân công làm trưởng Ban Cổ nhạc. Ông được đơn vị cử đi học các lớp: Thông tin, báo chí và văn nghệ (1963-1964), được các vị thầy nổi tiếng như: Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, tác giả Trần Hữu Trang... giảng dạy.

Đại thụ của đờn ca tài tử đột ngột qua đời - Ảnh 2.

Tác giả Thanh Hiền bên cây đờn kìm là tri âm, tri kỷ của ông

Khi lớp học kết thúc, ông được phân công đi thực tế sáng tác và viết bài phản ánh chiến trường miền Nam cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng (CP 90). Ông được phân công về các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ: Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Mỹ Tho,... từ cuối năm 1964-1968.

Tiến sĩ Đỗ Dũng nhận xét: Đây là giai đoạn mà tác giả Thanh Hiền viết vọng cổ về đề tài kháng chiến, với nội dung phong phú ca ngợi những người nông dân chịu thương, chịu khó, bám đất, giữ làng, lòng kiên trung với cách mạng,... Những bài vọng cổ tiêu biểu thời đó đều được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng, hầu hết các bài được NSƯT Thanh Hùng và NSƯT Ngọc Hoa thể hiện như: "Em bé Phú Riềng", "Vui kháng chiến", "Gởi bạn khúc tình ca", "Tiếng sóng biển tiếng quê hương", "Xuân vui Long An tươi màu lá mạ", "Lá thư Đường Bốn", "Đường ra trận hôm nay",...

Ông đã viết khoảng 20 kịch bản cải lương đều được sử dụng trên các đài truyền hình, sân khấu, nhất là Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Những kịch bản cải lương tiêu biểu: "Lá thư cô Hiếu" (giải Nhất - Đài Phát thanh Giải phóng), "Đám cưới cô Trầm", "Vì sao anh chưa về" (giải Nhì - Đài Phát thanh Giải phóng), "Tiếng hát An Cơ" (Huy chương Bạc - Đoàn Cải lương Tây Ninh), "Chim quyên xuống đất" (Huy chương Bạc - Đoàn Văn công Đồng Tháp),... Về bài ca lẻ, nhóm ba bài lý: "Lý sáng trăng", "Lý bông đậu" và "Lý tầm quân" đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Đờn hát dân ca toàn quốc – 1985".

Đại thụ của đờn ca tài tử đột ngột qua đời - Ảnh 3.

Tác giả Thanh Hiền

NSND Thanh Tuấn cho biết những bài vọng cổ nổi tiếng và được phổ biến rộng trong dân gian qua giọng ca của các nghệ sĩ tài danh, cho đến hôm nay khán thính giả đều yêu mến như: "Bông điệp Sài Gòn" (NS Minh Cảnh ca), "Tấc đất tấc vàng", "Chuyến xe Tây Ninh" (NSND Thanh Tuấn ca), "Rẽ mạ đầu mùa" (NS Minh Cảnh – NSƯT Thanh Kim Huệ ca), "Lan trắng", "Cây thương nhớ", "Tâm sự Ngọc Hân" (NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương),...

Với cuộc đời hoạt động cách mạng và cống hiến cho nghệ thuật dân tộc, tác giả Thanh Hiền còn được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu đợt I và II (trong chiến khu), Giải thưởng Văn học Nguyễn Thông - Long An năm 2002, nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen khác.

Từ ngày về hưu đến nay, ông vẫn miệt mài sáng tác khá nhiều bài bản cải lương và bài vọng cổ. Ông cùng vài tác giả khác đã kịp in thành một tuyển tập tương đối đầy đủ các bài bản tài tử và bài ca vọng cổ.

Trước khi qua đời, ông là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh. Ông từng tâm sự niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của ông là được sáng tác và đờn ca để gửi gắm đến khán giả tri âm tình yêu mãnh liệt dành cho văn hóa nghệ thuật Nam Bộ, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử đã được thế giới vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo