xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chén rượu ngày hội ngộ

TRẦM HƯƠNG

Trên bước trường chinh gặp gỡ nhau/Mùi chi lan mới bén quen màu… Chén trà tiễn bạn hôm nay nhé/Chén rượu mừng công hẹn buổi sau.

Trước mặt tôi là bộ tiểu thuyết 2 tập và 16 tập kịch bản phim truyện "Người đẹp Tây Đô". Ngắm nhìn công trình mà mình từng ấp ủ trong hơn 10 năm ròng rã, lòng tôi trộn lẫn niềm vui và nỗi trăn trở, day dứt. Làm sao không trăn trở, day dứt khi những nguyên mẫu cuộc đời thật, những sự kiện đầy máu thịt vẫn chưa thể được nói hết hoặc biết đến trong tác phẩm của mình?

Đã là tiểu thuyết, phim truyện thì tất nhiên nhà văn phải hư cấu, sáng tạo. Khi những nhân vật chính trong "Người đẹp Tây Đô" - như Bạch Cúc (được hư cấu từ nguyên mẫu cuộc đời thật của thiếu tá tình báo Lâm Thị Phấn) hay Hoàng Thái (nguyên mẫu cuộc đời thật của Trần Hiến, sĩ quan Phòng Nhì Pháp) - là đường dây xuyên suốt của câu chuyện, được chăm chút tỉ mỉ trong mỗi khuôn hình thì còn có những bức chân dung thầm lặng khác từng dấn thân, nhập cuộc đang tồn tại hồn nhiên giữa đời thường.

* * *

Tôi gặp ông Trần Hiến lần đầu tiên vào năm 1993, tại căn nhà 44 Lê Trực, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ông là nhân chứng của một thời kỳ lịch sử với những hồi ức phong phú, sống động.

Trần Hiến là con một nhà nho nghèo yêu nước ở đất thần kinh. Khi ông còn tuổi thiếu niên, gia đình lâm cảnh sa sút. Cha mất sớm, ông phải bỏ học, đi làm công cho một chủ sở dây thép ở Cửa Tùng, rồi trở ra Huế làm con nuôi linh mục Thích. Trần Hiến đã vượt lên hoàn cảnh nghiệt ngã, tìm kế mưu sinh và giúp đỡ gia đình...

Chén rượu ngày hội ngộ - Ảnh 1.

Mãi gần nửa thế kỷ sau, ông Trần Hiến (bên trái) và ông Ba Nghi mới gặp lại nhau

Từ nguyên mẫu cuộc đời Trần Hiến, tôi đã xây dựng nhân vật Hoàng Thái trong tiểu thuyết "Người đẹp Tây Đô". Chiến đấu trong hang ổ kẻ thù, ông là nhân chứng ngồn ngộn những sự kiện của dòng sử thi thời Chín năm kháng Pháp của ĐBSCL, cả những bi kịch cá nhân mà ông từng nếm trải.

Trần Hiến vào Nam năm 1943, bỏ lại đằng sau gánh nặng quá khứ. Với bức thư gửi gắm của linh mục Thích, ông trở thành thầy giáo dạy Việt văn Trường Tabert ở Sài Gòn. Khi Nhật đảo chính Pháp, Trường Tabert tản cư về Mỹ Tho. Năm 1945, Việt Minh giành chính quyền, ông tham gia Thanh niên Tiền Phong ở Mỹ Tho. Rồi Pháp quay trở lại…

Vào một đêm tháng 10-1946, trên đường đến trường dạy học, Trần Hiến bị quân Pháp gí súng đưa vào văn phòng đồn trú. Tên chỉ huy đơn vị lính Pháp ở đó cần một phiên dịch. Sự thúc ép ấy buộc ông ký vào giao kèo "bán mình cho quỷ dữ", trở thành sĩ quan phiên dịch của "Deuxième Bureau" miền Tây. Đằng sau sự mẫn cán, lạnh lùng, nghiêm nghị, phớt đời của chàng trai đất kinh kỳ này là một tấm lòng đau đáu hướng về kháng chiến.

Cho đến một buổi sáng cuối năm 1946, một người đàn bà xuất hiện trong cuộc đời Trần Hiến: Lâm Thị Phấn - còn có tên Lâm Thị Elise, từng là hoa hậu ở Cần Thơ. Sự gặp gỡ ấy trở thành định mệnh của cả hai người.

Lâm Thị Phấn từ chiến khu, theo sự phân công của Khu bộ về thành hoạt động tình báo. Bà được trao nhiệm vụ gặp gỡ, móc nối Trần Hiến hoạt động cho kháng chiến. Sở dĩ Khu bộ phân công bà tìm cách có mối quan hệ mật thiết với Trần Hiến, tổ chức đưa vào hàng ngũ kháng chiến là vì vai trò của ông trong "Deuxième Bureau" rất quan trọng.

Dưới vỏ bọc một sĩ quan phiên dịch Phòng Nhì, Trần Hiến đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ: Cung cấp tin tức các cuộc hành binh lấn chiếm; lấy lại tài liệu mật của kháng chiến bị quân Pháp thu được trong các cuộc hành binh càn quét vào vùng giải phóng; cung cấp bản đồ quân sự của quân đội Pháp ở miền Tây; giảm nhẹ hồ sơ tội của can phạm và tìm cách trả tự do cho "tù nhân", "tù binh" Việt Minh; cung cấp cho kháng chiến những tài liệu tối mật…

Để bảo đảm bí mật trong công tác tình báo, Trần Hiến được mang mật danh khác và bí số V.32. Những tin tức V.32 đưa về chiến khu được đánh giá là "tài liệu nước cốt" tối quan trọng. Để làm được điều đó, ông và "người đẹp Tây Đô" Lâm Thị Phấn đã dày công tổ chức lưới điệp báo ngay trong lòng địch. Mỗi thành viên là từng chiến sĩ thầm lặng, góp phần giành lấy nền độc lập của Tổ quốc, hy sinh cả những tình cảm riêng tư.

* * *

Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, bà Lâm Thị Phấn được giao nhiệm vụ về nội thành Cần Thơ hoạt động. Nhờ sự giúp đỡ của Trần Hiến, bà đã xin lại ngôi nhà cũ. Chính nơi đây, một câu chuyện tình tay ba cảm động đã diễn ra.

Trần Hiến cho biết thời gian ấy, Lespinasse - chỉ huy đại đội văn phòng tham mưu kiêm chỉ huy TP Cần Thơ - dành cho ông một căn phòng nhỏ bên phải ngôi nhà kiên cố đó. Ông đã dùng căn phòng này để viết báo cáo ban đêm, tránh khỏi cặp mắt bọn mật thám.

"Việc giao dịch bàn bạc công tác của tổ điệp báo - tôi được giao nhiệm vụ chính với anh Tắng, người phụ trách công tác trừ gian ở nội đô Cần Thơ và cô Hai Phấn - cũng thuận tiện hơn trước. Song, dư luận bắt đầu lan rộng đến tai vợ tôi và cả bọn Phòng Nhì về mối quan hệ với cô Hai Phấn, cho là tôi mê gái. Tất nhiên tôi không cải chính. Ngược lại, mỗi khi giao dịch với bọn Pháp, tôi vẫn tươi cười: "Xin giới thiệu bà Elise, người yêu tôi". Ngặt nỗi, tôi không biết giải thích sao cho vợ hiểu, chỉ cười trừ mà thôi. Là một phụ nữ từng trải, cô ấy cũng chỉ làm thinh chịu đựng" - ông Trần Hiến kể lại khi gặp tôi.

Một hôm, ăn tối xong, Trần Hiến định ở lại phòng làm việc để viết báo cáo thì bà Lâm Thị Phấn giới thiệu với ông một người trung niên, mặt mũi đầy đặn. "Đây là anh Ba Nghi, học trò cũ của ba em. Tối nay, anh ấy xin ngủ lại một đêm, mai đi sớm. Xin anh nhường phòng cho anh ấy một đêm được không? Anh ấy ngủ ngoài sợ bất tiện lắm". Trần Hiến bắt tay người đàn ông ấy và đáp: "Được thôi, tôi sẵn sàng".

Qua báo cáo của Sở Mật thám và tin tức thu lượm được, Trần Hiến biết rất rõ Ba Nghi (nguyên mẫu của nhân vật Quang trong "Người đẹp Tây Đô") là "lính áo trắng", theo Việt Minh từ lúc cách mạng thành công và là người tình cũ của bà Lâm Thị Phấn. Lúc này, Ba Nghi là trung đội trưởng trong đại đội địa phương Cái Vồn.

Ông Trần Hiến nhớ lại: "Đêm đó, anh ấy ngủ lại phòng tôi, còn tôi về nhà. Nằm chung với vợ, tôi vẫn nghĩ một bài thơ để tặng Ba Nghi sáng hôm sau, trước lúc chia tay. Bài thơ làm theo kiểu cũ, nặng điển tích nhưng cốt sao nói được tâm sự của mình mà khỏi lộ bí mật: Trên bước trường chinh gặp gỡ nhau/ Mùi chi lan mới bén quen màu/ Đó gươm bách chiến gươm mài bén/ Đây bút thiên quân giá vẫn cao/ Chim Việt, cành Nam thường vẫn nhớ/ Ngựa Hồ, đất Bắc dễ quên đâu/ Chén trà tiễn bạn hôm nay nhé/ Chén rượu mừng công hẹn buổi sau".

Hứa là vậy nhưng mãi đến gần nửa thế kỷ sau, ông Trần Hiến vẫn chưa có dịp ngồi lại uống cùng ông Ba Nghi chung rượu mừng công năm ấy. Sau năm 1954, ông Ba Nghi tập kết ra Bắc. Đất nước hòa bình, ông trở về công tác tại Sở Lương thực TP HCM rồi nghỉ hưu ở quận Bình Thạnh.

Biết được tâm sự ấy của ông Trần Hiến, năm 1995, khi thực hiện bộ phim tài liệu "Chân dung người đẹp Tây Đô", tôi và đạo diễn Nguyễn Hoàng đã bố trí một cuộc gặp cảm động. Ông Ba Nghi bất ngờ xuất hiện trước cổng, hỏi: "Phải già Hiến không?". Ông Trần Hiến mở cửa, ôm chầm lấy ông Ba Nghi…

Chuyện ông Trần Hiến kể về lòng biết ơn những người có lương tri trong hàng ngũ kẻ thù, về các trận chiến cân não; về mối quan hệ zíc-zắc, phức tạp, vi tế giữa những người từ hai phía... cứ in sâu vào ký ức tôi, cho dù ông đã rời cõi tạm này hàng chục năm rồi.

Càng nghe ông kể, càng đọc những điều ông viết, tôi càng thấm thía lời ông Trần Huy Huỳnh - thủ trưởng lưới điệp báo miền Tây năm xưa của Trần Hiến: "Nghề tình báo của chúng tôi có những điều sống để bụng chết mang theo. Song, chúng tôi - những chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng này - đã tự an ủi: Lấy chiến thắng của dân tộc làm chiến công của chính mình".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo