TP Hồ Chí Minh đã đón cháu tôi, cô thôn nữ mới lần đầu ra khỏi lũy tre làng bằng cái chật chội của người và xe, của những con đường ngập nước mưa lẫn triều cường, bằng cả cái hào nhoáng thị thành và cả những tủi thân của phận gái quê.
Rời ghế nhà trường THPT lúc TP Hồ Chí Minh đang ào ạt mọc lên những khu công nghiệp, khu chế xuất; cháu tôi cũng như lao vào một cuộc di dân ào dạt của thời công nghiệp hóa. Cuộc sống nhịp điệu thị thành với ngày công ty đêm nhà trọ thấm thoắt đã mấy năm. Dẫu không còn cảnh chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối nữa nhưng đời công nhân cũng đâu phải dễ dàng. Cháu tôi như thân cò, thân vạc lặn lội nuôi mình, lặn lội gửi về quê. Mỗi chiều chiều rồi mỗi Tết đến xuân về vẫn nặng nỗi niềm hướng về cố xứ. Nỗi tủi thân ấy được khỏa lấp bởi những mảnh đời, những dãy trọ như nhau, bởi sự tử tế của người dân TP Hồ Chí Minh, từ bà chủ trọ đến người bán tạp hóa nơi hẻm nhỏ...
Với sự cần cù, lam lũ của người thôn quê, với bản tính chắt chiu của người miền Trung quen cảnh nắng lắm mưa nhiều, đồng lương cũng đã giúp cuộc sống công nhân thêm dễ thở. Khí hậu ôn hòa không khắc nghiệt như quê xứ miền Trung cũng đã giúp những thôn nữ tay chân thô ráp vụng về như được lột xác. Nơi phồn hoa đô hội ấy, cháu đã tìm thấy một nửa đời mình để rồi "Chồng người Bắc, vợ miền Trung/ Nên duyên chồng vợ vùng bưng Sài Gòn/ Rồi lập nghiệp, rồi sinh con/ Đất lành chim đậu vui buồn thành quê".
Công nhân mua sắm sau khi tan ca ra về trong khu công nghiệp Tân Bình, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Có bận, cháu đã chuyển cả gia đình về Nam Định quê chồng. Nhưng nơi ấy đất chật người đông, nghề nghiệp không ổn định, vợ chồng lại xin phép gia đình chồng vào TP Hồ Chí Minh để sống. Dễ dàng xin việc, ổn định cuộc sống, hai vợ chồng đã gom góp mua được ngôi nhà ở huyện Nhà Bè. Hai đứa con ra đời cũng đã nói giọng miền Nam mà không nói giọng Nghệ quê mẹ hay giọng Bắc quê cha. Đúng như ông cha từng nói: mảnh đất mới thì trồng cây gì cũng tốt. Cái hào sảng, nghĩa khí, chân thật, bao dung của người TP Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng đến cách sống của hai vợ chồng cháu tôi. Đức tính tốt đẹp của mỗi miền quê cộng hưởng với vẻ đẹp của con người TP Hồ Chí Minh đã giúp cháu yêu hơn cuộc sống nơi đây.
Cội nguồn sinh dưỡng, hai miền quê thương nhớ giờ là nơi vợ chồng cháu đưa con về thăm trong mỗi dịp hè, Tết hay sự kiện trọng đại chứ không còn là nơi bám trụ để mưu sinh. Mỗi lần về thăm, cháu luôn nói một cách say sưa về mảnh đất phương Nam như thể đã là phần máu thịt của mình. Tôi cũng đã từng ghé TP Hồ Chí Minh thăm cháu nên hiểu được cảm xúc ấy. Lần du lịch phương Nam cùng cơ quan có mấy ngày ở lại đây theo lịch trình. Vẫn là ấn tượng ban đầu như trong hình dung về sự ồn ào, tấp nập của một trung tâm kinh tế - văn hóa – chính trị của phía Nam. Tôi thấy TP Hồ Chí Minh thân thương hơn từ những điều bình dị. Tôi ngạc nhiên bởi sự am hiểu lịch sử và vốn ngoại ngữ của một cô bé bán kỷ vật lưu niệm ở địa đạo Củ Chi, sự nhã nhặn của nhân viên những khu du lịch, những điểm dịch vụ hay nét chân chất phương Nam của cô bán cà phê vỉa hè ở quận 7… Tôi thích thú nhìn dòng người tấp nập trong guồng quay hối hả của sự sống; vui vẻ nhậu sương sương với hàng xóm của vợ chồng cháu nơi ngõ hẻm mà không cần phải e dè giữ khoảng cách của lần đầu gặp gỡ. Bất chợt mỉm cười khi nghe những lời yêu thương của một chàng trai giọng Nghệ với một cô gái xứ Quảng, nhìn những hàng cây dầu, cây sao dọc tuyến phố tỏa bóng sum suê, cứ điềm nhiên sống, hút đất ứ nhựa cho cành lá xanh tươi, mặc bao mùa mưa nắng, mặc bao biến thiên của thời cuộc, cứ vươn lên dưới ánh mặt trời…