xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cõi mai, cõi đời

TRẦN NHÃ THỤY

Bây giờ thì nhạc Boléro đang trỗi dậy trở lại ở miền Nam. Nhưng theo như tôi nhận thấy thì sự trở lại này chủ yếu chiếm lĩnh trên các sân khấu ca nhạc, trên các kênh truyền hình, còn trong đời sống thị dân như tại Sài Gòn thì boléro không còn quyến dụ, xao xuyến như xưa nữa.

Khi tôi lớn lên thì đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc. Tôi cũng không phải ở Sài Gòn mà sống miền Trung. Nhưng thời bao cấp, giữa cái đói liêu xiêu và thiếu thốn trăm bề, nhà tôi may mắn có chiếc cassette cũ do ba tôi nhặt hay xin được từ ai đó. Máy cũ, băng cũ, nhiều đoạn bị nhão, cà giựt cà tưng, chồng lời… Chán nhất là đang nghe thì băng đứt phựt, phải chạy ra vườn rứt mấy lá vú sữa vô cặm cụi ngồi dán bằng mủ chảy ra từ cuống lá. "Kỹ nghệ" này không biết ai phát minh ra và lan truyền trong chốn làng quê nhưng từ hồi bé xíu tôi đã biết và rành rẽ món này.

Nhà có cassette nhưng phải nói là mấy ngày Tết chúng tôi mới được nghe thoải mái, còn ngày thường lo đi học, đi làm, lại còn phải tiết kiệm pin nữa. Mấy ngày giáp Tết, nhạc cứ mở inh ỏi suốt cả ngày. Và, dĩ nhiên là nhạc Xuân. "Xuân đi rồi Xuân đến/ Bao la nguồn yêu mới/ Như hoa mai nở phơi phới"... Đó là lời bài hát mà tôi gần như thuộc làu khi còn nhỏ.

Và, không hiểu sao, trong trí óc non nớt ngày ấy cứ hiển hiện một mùa Xuân miền Nam rực rỡ mai vàng.

(Báo Xuân  M4Tết 19.2) Cõi mai, cõi đời - Ảnh 1.

Lớn hơn chút nữa, đọc "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng, tôi lại càng khắc ghi trong tâm trí hình ảnh hoa mai miền Nam: "... Ăn xong rồi đi dạo dưới trời nắng, mệt thì vào nhà hát ngồi máy lạnh, rồi đến lúc ra về mỗi người làm một ly nước trái cây: sướng quá đi! Sướng cái bao tử đã đành nhưng sướng cả con mắt nữa vì miền Nam có một cái đặc biệt là có rất nhiều mai: mai vàng, mai trắng, mai tứ thời. Người xa nhà thấy mai nở nhiều như thế cũng dịu được phần nào lòng nhớ quê hương"… (trích tùy bút Tết).

Như thế đó. Tôi nghe và đọc về hoa mai miền Nam có lẽ còn trước khi thấy hoa mai ở quê mình. Điều này nghe trái khoáy không, khi miền Trung cũng trồng hoa mai? Đúng là miền Trung không thiếu hoa mai nhưng không hiểu sao xóm làng tôi ở không thấy nhà nào trồng mai. Ở đây, người ta chỉ trồng hoa cúc, vạn thọ, thượt dượt, mào gà… Và, ngày Tết cũ thì không có chợ hoa. Chòm nhà tôi ở không có hoa mai. Sau này lớn lên, tự mình đạp xe lân la sang các xã khác tôi mới thấy cây mai. Ở đây cũng không có những vườn mai. Nhà có mai thì dường như chỉ có một cây trồng đầu ngõ hay chính giữa sân, nơi đặt cái bàn thờ, hay còn gọi là bàn thiên. Ngày Tết, cây mai trổ bông vàng rực rỡ, cánh rơi lả tả đầy sân.

Người quê tôi ít khi chặt cành mai mang vào nhà chưng Tết. Sau này, tôi mới biết, với nhiều người trồng mai thì đó là một cuộc chơi kỳ khu, mỗi cây mai đều bộc lộ cốt cách và tư thế của người chủ.

Nhưng "bôn ba không qua thời vận". Người chơi mai dù công phu thế nào cũng phải bó tay với thời tiết. Miền Trung có nhiều năm mưa lụt kéo dài suốt mấy tháng trời, đến Tết còn sụt sùi. Mưa gió thế thì mai nào trổ bông cho được. Cho nên, nói đến mai vẫn ngóng về miền Nam.

***

MƠ VỀ HOA MAI MIỀN NAM từ khi còn nhỏ nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng lớn lên mình sẽ vào sống ở miền Nam, lại có nhà ở ngay làng mai Sài Gòn.

Làng mai Sài Gòn tức các vườn mai ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), nơi mà tôi đã sống gần 20 năm nay.

Người dân ở đây có nghề truyền thống trồng mai, bán mai ngày Tết. Ngày ấy, dường như nhà nào cũng có một vườn mai rộng mênh mông. Mai được trồng trên giồng, theo luống, giữa các luống là mương nước vơi đầy theo nhịp thủy triều. Làng mai Hiệp Bình Chánh gần rạch Gò Dưa là một nhánh của sông Sài Gòn. Phong cảnh nơi đây hồi còn chưa bị đô thị hóa trông hữu tình lắm. Còn bây giờ, những vườn mai được nhổ bỏ, san lấp mặt bằng, phân lô, bán nền đến gần hết. Nhưng người làng mai dường như vẫn còn vương vấn, muốn níu kéo nghề trồng mai lắm. Cho nên dẫu cực khổ, buôn bán không được bao nhiêu thì nhiều gia đình vẫn giữ nghề trồng mai, coi như là giữ lại chút quê kiểng thanh tao giữa cơn lốc thị thành.

(Báo Xuân  M4Tết 19.2) Cõi mai, cõi đời - Ảnh 2.

Ảnh: Hải Đông

Những ngày giáp Tết, dọc theo đường Kha Vạn Cân (và đường Phạm Văn Đồng), người dân vẫn bày bán hoa mai. Nhiều chủ vườn kiểng vẫn dựng rạp dựng lều, thay phiên nhau thức suốt đêm để canh hoa, chăm hoa và bán hoa.

Ở làng mai thì ngày Tết kiếm một chậu hoa mai ưng ý về chưng thật đơn giản. Cứ rảo bộ vào trong xóm, vào vườn mai, tìm chậu mai nào đẹp, giá phù hợp túi tiền, rồi nói chủ vườn giao tận nhà. Tôi thích những cây mai có dáng thế tự nhiên, cánh hoa dày nhiều lớp. Chậu mai mang về nhà không cần rải cát hay sỏi trắng mà để nguyên mấy cái vỏ dừa khô nằm úp úp. Giữa những cái vỏ dừa khô mọc lên những bụi rau càng cua xanh mướt.

Hoa mai nở rồi tàn.

Tết đến rồi Tết qua.

Nhưng tuổi mai có khi còn dài hơn đời người.

***

BIẾT NÓI GÌ VỀ HOA MAI khi mình chẳng phải là người chơi hoa sành điệu!?

Tôi nghĩ hoa mai là một biểu tượng về mùa Xuân, về sự thanh khiết, về sự ấm áp. Hoa mai cũng gắn liền với hình ảnh chùa chiền, với các nhà sư, với người tập thiền hoặc chiêm bái cái đẹp thuần khiết. Có lẽ trong chúng ta, ai cũng từng nghe và thuộc bài kệ "Cáo tật thị chúng" của thiền sư Mãn Giác. "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai - Đêm qua sân trước một nhành mai". Đấy là một công án thiền. Hay đấy chính là công án đời người. Bởi sau khi gọi đồ đệ vào để đọc cho nghe bài kệ này thì thiền sư Mãn Giác nhập Niết Bàn, thọ 45 tuổi.

Bốn lăm mà gọi là thọ ư? Nhưng với thiền sư Mãn Giác thì không thể gọi khác được. Giật mình nghĩ năm nay mình cũng đã 45. Tứ thập nhi bất hoặc. Nhưng như mình thì còn "hoặc" nhiều thứ quá. Như "hoặc" cái chuyện năm ngoái tôi suýt bị đánh ngay chỗ bán hoa mai trên đường Kha Vạn Cân. Chả là dịp Tết nào tôi cũng xách máy ảnh lang thang ở làng mai để chụp hình làm tư liệu. Tôi là người lo xa, cứ sợ sau này hình ảnh làng mai sẽ không còn. Mà đúng là nhiều hình ảnh đẹp đã không còn nữa. Lúc tôi đang chăm chú chụp hình thì có một thanh niên đi tới với bộ mặt "sát thủ" nói rằng không mua thì thôi chứ không được chụp. Thoáng một chút sững sờ, rồi tôi cãi lý rằng có luật nào cấm chụp hình ở đây đâu. Anh kia vẫn nói chụp xong rồi biến chứ không thì ăn đòn. Tôi buồn cười quá song cũng phần nào hiểu được tâm lý của những người bán hoa mai mà ế ẩm. Bèn chụp xong rồi biến.

Buổi tối đó ngồi với hoa mai, tự dưng thấy lòng… rất boléro: Hoa mai dâng ngập nẻo đường em đi.

Nhưng cõi hoa nào giống cõi đời. Người trồng hoa không phải lúc nào cũng có tâm hồn thanh khiết và nhẹ nhàng như hoa.

Lại chợt nghĩ, năm nào vào dịp Tết, báo chí cũng có bài viết mai được mùa hay thất mùa, lên giá với rớt giá; chứ hầu như không có tuyệt bút ca ngợi vẻ đẹp hoa mai. Cũng lâu rồi không thấy ai làm một chương trình ý nghĩa như võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo dâng hoa mai cho vong hồn nghĩa quân Tây Sơn tại chùa Kim Sơn (Hà Nội).

Hoa mai vẫn còn đó giữa trời đất nhưng dường như đã ít nhiều phai lạt trong lòng người?!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo