xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cởi phong trần, ông về với Tổ nghề

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Đạo diễn, NSND Huỳnh Nga là đạo diễn của nhiều vở cải lương nổi tiếng: "Đời cô Lựu", "Tấm Cám", "Người giữ mộ", "Tiếng sáo đêm trăng", "Khách sạn Hào Hoa", "Gánh cỏ sông Hàn", "Hoa độc trong vườn" đã vĩnh viễn ra đi...

Trước Tết Canh Tý, tháp tùng Ban Tổ chức chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động, chúng tôi đến thăm ông tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Hôm đó ông được các bác sĩ chuyên khoa đặt ống thở hỗ trợ hô hấp, vì bệnh viêm phổi nặng. Gia đình kỳ vọng ông sẽ sớm bình phục nhưng rồi ông ra đi đột ngột, trút hơi thở cuối cùng lúc 8 giờ 5 phút ngày 21-2, hưởng thọ 88 tuổi.

"Nhờ cách mạng, tôi được làm nghệ sĩ"

Năm 2013, tôi may mắn được Hội Sân khấu TP HCM giao làm tổng đạo diễn chương trình vinh danh NSND Huỳnh Nga với chủ đề "Phong trần theo nghiệp Tổ", diễn ra tại Nhà hát Thành phố nên tôi được nghe ông kể nhiều về duyên nghiệp của ông với nghề diễn viên, đạo diễn và làm thầy truyền nghề. Nhà nghèo, cha đi ở đợ, mẹ đi làm mướn, tuổi thơ ông thèm được cắp sách đến trường nhưng chỉ được học mỗi năm vào 2 mùa lúa. Đến đầu năm 1944, ông phải ở đợ cho nhà giàu. Chủ nhà là ông hội đồng nhưng tham gia hoạt động cách mạng bí mật. Thấy ông hiền lành, nhanh nhẹn, ông hội đồng giao cho công việc chuyển thư từ, công văn của cách mạng từ Long An lên Sài Gòn và ngược lại. Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại huyện Thủ Thừa - Long An. Hai năm sau, bị lộ, ông vô chiến khu Đồng Tháp Mười làm việc ở Ban Tuyên truyền chính trị Quân khu 8.

Ít ai biết ông khởi đầu bằng nghề làm bồi giấy, pha màu cho NSND - họa sĩ Hoàng Tuyển vẽ tranh. Đến tháng 8-1948, ông mới được vào Đoàn Kịch Khu 8. "Nhờ có cách mạng, tôi được làm nghệ sĩ. Vai đầu tiên của tôi là Tốt trong vở "Đồng xanh máu đỏ" của nhà thơ Bảo Định Giang. Tiếp sau đó là các vở: "Miếng sắt cũ", "Mưu dân quân"… rồi tôi xung phong đi bộ đội, đến năm 1954 tập kết ra Bắc theo Tiểu đoàn 311. Duyên may cuối năm 1956, Đoàn Cải lương Nam Bộ đăng thông báo tuyển diễn viên, tôi xin giải ngũ để làm diễn viên. Cho đến năm 1957, trung ương có chủ trương thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ, tôi và 8 người cùng ngồi bàn bạc để thành lập đoàn, đó là chiếc nôi của kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc…" - đó là những lời ông từng kể với tôi lúc sinh thời.

Cởi phong trần, ông về với Tổ nghề - Ảnh 1.

NSND Huỳnh Nga

Đam mê nghề đạo diễn

Say mê nghề đạo diễn từ khi trong tâm trí ông luôn muốn xây dựng bố cục, thay đổi những vật dụng từ cái nhìn đầu tiên. Ông lý giải nhờ quá trình làm bồi giấy cho họa sĩ - NSND Hoàng Tuyển nên biết ghép màu. "Khi sang Romania học nghề đạo diễn, tiểu phẩm đầu tiên tôi chọn là diễn tả tâm trạng anh họa sĩ. Màu sắc là những nhân vật. Ông thầy thích lắm, nói tôi sẽ tiến xa nếu biết phát huy bố cục tư duy như thế" - ông từng kể.

Đối với các đồng nghiệp, giai đoạn bộc lộ sự quyết đoán và tài năng đạo diễn của ông là năm 1972 - 1973. "Khi ấy NSND Huỳnh Nga về nước làm công tác chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn Kịch Hà Nội, rồi chủ nhiệm Khoa Kịch nói - Cải lương Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội. Ông dạy chúng tôi nhiều bài học quý, kinh nghiệm diễn xuất và tư duy đạo diễn sắc bén. Dù chỉ được học ông một năm nhưng đó là thời gian quý giá nhất để tôi đúc kết niềm đam mê sân khấu từ người thầy đáng kính này" - NSƯT Minh Vượng xúc động bày tỏ.

Thủ pháp của ông mộc mạc, sâu lắng và rất đời nên từng vở diễn đều dung nạp được khuynh hướng mới, đầy thuyết phục, như trong các vở: "Tìm lại cuộc đời", "Khách sạn Hào Hoa", "Tấm Cám", "Đời cô Lựu", "Tiếng sáo đêm trăng", "Hoa độc trong vườn", "Người giữ mộ"… Đặc biệt, tác phẩm "Đời cô Lựu" là kinh điển của sân khấu cải lương Việt Nam được Tổ chức UNESCO mời sang châu Âu lưu diễn tháng 2-1984.

Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc từng đánh giá: "Tác phẩm của NSND Huỳnh Nga không hào nhoáng nhưng luôn nóng bỏng, giống như cá tính của ông".

Vĩnh biệt đạo diễn - NSND Huỳnh Nga. Ông đã cởi bỏ phong trần để về với Tổ nghiệp, mãn nguyện với những gì mình đã nỗ lực cống hiến cho đời, để lại những tác phẩm sân khấu đi vào lòng người. Công chúng và đồng nghiệp mãi mãi nhớ đến ông. 

Đạo diễn - NSND Huỳnh Nga tên thật Huỳnh Văn Thạch, sinh ngày 15-11-1932 tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An; từng tốt nghiệp khóa đào tạo đạo diễn tại Romania. Trong suốt quá trình hoạt động sân khấu, ông đã dàn dựng trên 300 vở diễn, trong đó có nhiều vở nổi tiếng đã trở thành khuôn mẫu đối với sân khấu cải lương.

Ông nói đời mình gắn liền với con số 8. Bắt đầu làm diễn viên năm 1948, chia tay với nghề diễn viên để học đạo diễn tại Romania vào năm 1968. Ngày đất nước thống nhất, cũng tháng 8, ông mới chuyển về Nam tiếp tục sự nghiệp đạo diễn, trao gửi tâm hồn cho sân khấu cải lương. Ngay cả cưới vợ cũng vào tháng 8, sinh con đầu lòng cũng trong tháng 8. Chính ông cũng không ngờ, mình ra đi ở tuổi 88.

Tang lễ NSND Huỳnh Nga tổ chức tại Nhà Tang lễ TP (25 Lê Quý Đôn, phường 6, quận 3). Lễ viếng từ 10 giờ ngày 22-2. Lễ truy điệu lúc 5 giờ ngày 24-2, sau đó di quan về an táng tại đất của gia đình ở Long An.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo