xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Còn mãi ông "Hai Lúa" - Lý Huỳnh

Hữu Thân

Cả đời NSND Lý Huỳnh chỉ đau đáu niềm đam mê làm phim, lấy điện ảnh làm lẽ sống, cống hiến hết sức lực và tâm huyết của mình cho nó

Tin NSND Lý Huỳnh mất khiến không ít thân hữu bàng hoàng. Ông mới mời dự sinh nhật của mình hồi đầu năm nhưng phải hủy vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ông cũng mới cùng gia đình đi thăm, tặng quà cho nghệ sĩ ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ của Hội Sân khấu TP HCM đây mà! Dẫu biết sức khỏe của ông vài năm gần đây yếu đi do bệnh tiểu đường, tim mạch, suy thận mạn nhưng sự ra đi quá đột ngột này khiến người thân, bạn bè đau xót.

Còn mãi ông Hai Lúa - Lý Huỳnh - Ảnh 1.

NSND Lý Huỳnh trong một vai diễn

Một cuộc đời mãn nguyện

Ca sĩ Lý Hương, con gái út của NSND Lý Huỳnh, cho biết những ngày cuối đời, biết mình sắp đi xa, ông ôm hôn từng đứa con, đứa cháu và nói ông mãn nguyện vì tất cả mong muốn của đời mình gần như đã đạt được.

Đóng phim ở miền Nam từ trước năm 1975 nhưng Lý Huỳnh thực sự trở thành nghệ sĩ diễn xuất từ những vai diễn của điện ảnh cách mạng. Ông luôn nói rằng mình mang ơn điện ảnh cách mạng, mang ơn những người làm điện ảnh cách mạng như cố đạo diễn Khương Mễ, cố đạo diễn - NSND Hải Ninh, cố đạo diễn - NSND Hồng Sến, cố NSND Huy Thành… Họ đã cho ông cơ hội đổi thay số phận. Nếu những vai diễn trong những bộ phim trước năm 1975 ở miền Nam chỉ phô diễn tài năng võ thuật thì những vai diễn của điện ảnh cách mạng đã dạy cho ông biết hóa thân vào những số phận nhân vật làm nên những hình tượng nghệ thuật để đời.

Một loạt vai phản diện sĩ quan cấp tá, tướng của chế độ Sài Gòn trong những phim đề tài chiến tranh cách mạng được các đạo diễn giao cho ông, như đại tá Hoàng - phim "Cô Nhíp", chuẩn tướng Bách - phim "Đứa con bị từ chối", Long "râu" - phim "Con mèo nhung", thiếu tá Y Vế - phim "Ngọn lửa Krông Jung", đại úy Long - phim "Mùa gió chướng", đặc biệt là vai trung úy Xăm gian ác - phim "Hòn đất"... đều để lại ấn tượng trong lòng công chúng, có không ít vai đã giúp ông giành huy chương bạc tại các kỳ liên hoan phim Việt Nam thời đó như đại tá Hoàng ("Cô Nhíp"), Đinh "Ba búa" ("Mối tình đầu"), đại úy Long ("Mùa gió chướng"), trung úy Xăm ("Hòn đất")…

Không chỉ ghi dấu ấn trong những vai phản diện nói trên, NSND Lý Huỳnh chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng của mình, thể hiện thành công một loạt nhân vật khác: Lão nông tri điền Hai Lúa trong phim "Vùng gió xoáy"của đạo diễn Hồng Sến là dẫn chứng. Vai diễn chính diện đầu tiên này của ông làm nức lòng người hâm mộ điện ảnh, đoạt giải Bông sen vàng Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI. Hình tượng Hai Lúa của Lý Huỳnh đã in sâu trong đời sống xã hội và cái tên Hai Lúa trở thành danh từ cửa miệng của mọi người để chỉ người nông dân chân chất, thật thà nhưng bộc trực, thẳng thắn vùng quê Nam Bộ. Sau Hai Lúa, nghệ sĩ Lý Huỳnh còn có thêm vai diễn chính diện rất ấn tượng nữa là ông Hai Cũ trong bộ phim "Hai Cũ" cũng do đạo diễn - NSND Hồng Sến thực hiện.

NSND Lý Huỳnh từng bày tỏ rằng hơn 60 phim mà ông được đóng và thực hiện với tư cách đạo diễn đã cho ông một sự nghiệp điện ảnh huy hoàng, điều mà trước đó ông chưa bao giờ nghĩ tới.

Nếu có điều chưa mãn nguyện với NSND Lý Huỳnh có lẽ là khát vọng xây dựng hãng phim mang tên ông thật sự lớn mạnh không thành.

Khi điện ảnh Việt Nam thời bao cấp bắt đầu gặp khó khăn, ông là nghệ sĩ đầu tiên đầu tư vốn làm phim. Những bộ phim mang thương hiệu nghệ sĩ Lý Huỳnh (dù bằng giấy phép hãng phim nhà nước) như "Lửa cháy thành Đại La", "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Phạm Công - Cúc Hoa", "Nước mắt học trò" đã tạo nên cơn sốt vé của phim Việt Nam thời kỳ đầu bước vào kinh tế thị trường. Ông trở thành con chim đầu đàn của lực lượng làm phim tư nhân những năm 90 của thế kỷ trước. Không dừng lại ở đó, khát vọng làm phim hợp tác để vươn ra thế giới cháy bỏng trong ông. Nhiều phim hợp tác của ông với điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan, thông qua những mối quan hệ thân hữu trong thế giới điện ảnh Hoa ngữ, như: "Hồng hải tặc", "Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng"… đã được thực hiện, mang đến cho điện ảnh Việt làn gió mới; cho khán giả những kỳ vọng mới. Nhưng rồi cơ chế quản lý của ngành điện ảnh Việt Nam thời đó đã trói buộc khát vọng xây dựng hãng phim tư nhân ngang tầm khu vực của ông. Đến khi Luật Điện ảnh ra đời, tư nhân được thành lập hãng phim thì ông đã già, không còn cơ hội.

Còn mãi ông Hai Lúa - Lý Huỳnh - Ảnh 2.

Vợ chồng NSND Lý Huỳnh. (Ảnh do gia đình nghệ sĩ cung cấp)

Sống nặng nghĩa tình

Hằng năm, trong các buổi tiệc sinh nhật của ông, bên cạnh người thân trong gia đình, bạn bè còn luôn có những nghệ sĩ đồng nghiệp - đã gắn bó với ông trong những năm tháng thời kỳ đầu ông tham gia điện ảnh cách mạng..., cùng những ân nhân của ông và gia đình. Mọi người vẫn nhắc lại chuyện ngày xưa Lý Huỳnh đi đóng phim không nhận thù lao mà còn mang theo gạo để phụ lo thêm đời sống cho anh em, vì lúc đó rất khó khăn. Ông luôn nói mang ơn họ, nhờ mọi người mà ông có cơ hội đến với điện ảnh cách mạng và thành danh.

NSND Lý Huỳnh là người nặng nghĩa tình, ai đã giúp gì cho ông là ông quý trọng và mang ơn suốt đời. Đối với NSND Lý Huỳnh, tình cảm trước sau như một, không phải thấy người ta sa cơ thất thế là quay lưng.

Còn mãi ông Hai Lúa - Lý Huỳnh - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Lý Hùng, Lý Hương và NSND Lý Huỳnh. Ảnh: THANH HIỆP

Đám cưới con gái út Lý Hương diễn ra tại khách sạn Caravelle (TP HCM), quan khách chứng kiến sự có mặt của ông Nguyễn Minh Triết, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP HCM và cả ông Nguyễn Cao Kỳ (lúc đó mới được nhà nước cho phép về Việt Nam). NSND Lý Huỳnh xem ông Nguyễn Minh Triết như là người thân trong gia đình nhưng ông cũng ơn nghĩa với thượng cấp cũ của mình là ông Nguyễn Cao Kỳ thời ông làm cận vệ vòng ngoài của tướng Kỳ lúc ông ấy còn làm phó tổng thống của chế độ Sài Gòn. Nhìn dưới góc độ chính trị lúc đó, sẽ có những bình luận khác nhau nhưng với NSND Lý Huỳnh đó là ứng xử rất con người, đã xem nhau như người thân thì tình cảm vẫn trước sau như một...

Vĩnh biệt ông, một người rất thân mà tôi gọi vợ chồng ông một cách thân thương là "Cô, Chú"! 

NSND Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942, tại Vĩnh Long, qua đời ngày 22-10, tại nhà riêng (TP HCM) do bệnh nặng.

Linh cữu NSND Lý Huỳnh quàn tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 15 giờ ngày 22-10. Lễ động quan vào 10 giờ ngày 24-10, sau đó được an táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên (quận 9, TP HCM).

Đồng nghiệp tiếc thương

Hay tin NSND Lý Huỳnh qua đời, nghệ sĩ Tú Trinh không khỏi bất ngờ, cảm giác trống rỗng. Bà nhớ lại: "Là đàn anh trong nghề, NSND Lý Huỳnh luôn tạo ấn tượng đẹp qua nhiều số phận nhân vật trong phim. Hồi đó, mỗi lần gặp nhau, anh luôn động viên tôi nên dạy nghề lồng tiếng. Phim Việt khi ấy chưa có hệ thống thu tiếng trực tiếp. Anh nói diễn viên đóng hay cỡ nào mà người lồng tiếng dở thì coi như hư hết cảm xúc".

Theo nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà, từ năm 1972, Lý Huỳnh đã tham gia đóng phim. Vốn là một võ sư có tiếng, ông trở thành người đầu tiên đưa võ thuật vào điện ảnh Việt Nam thành công. "Với anh Lý Huỳnh, đóng phim võ thuật không có nghĩa là chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu trên màn ảnh. Anh đã hóa thân vào nhân vật bằng cảm xúc của mình, vận dụng cảm xúc và kỹ thuật để đi sâu vào tính cách, tâm trạng vai diễn. Vì thế, diễn viên đàn em như chúng tôi rất nể và ngưỡng mộ anh". Nhà văn Mạc Can cho biết khi nhận vai diễn, NSND Lý Huỳnh luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở cuộc sống để đưa vào nhân vật. Trong khi đó, NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, bày tỏ: "NSND Lý Huỳnh mãi mãi là điểm tựa đối với các thế hệ diễn viên điện ảnh cũng như đạo diễn về mặt đạo đức làm nghề, truyền thống tôn sư trọng đạo và nhất là nghiêm túc trong lao động nghệ thuật".

Bên linh cữu người cha yêu kính, diễn viên Lý Hùng cho biết những ngày cuối đời, NSND Lý Hùng vẫn đau đáu với tình hình lũ lụt miền Trung. "Thấy nhiều người còn quá khó khăn, cha tôi muốn giúp đỡ họ phần nào. Khi biết anh em chúng tôi cùng bạn bè lên kế hoạch quyên góp, cứu trợ, dù đang bệnh nhưng ông rất vui. Cha tôi còn mong muốn sửa chữa, xây lại khu dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8 nhưng tâm nguyện ấy đã dở dang" - anh xúc động. Diễn viên Lý Hương, con gái NSND Lý Huỳnh, từ Mỹ đã kịp về quê nhà chăm sóc cha trong 3 tháng cuối đời. "Tôi vô cùng ngưỡng mộ tình yêu của cha mẹ mình. Cha luôn ngọt ngào gọi mẹ là "mình", luôn hôn mặt, hôn tay mẹ. Sự ra đi của cha là cú sốc của tôi cũng như của gia đình. Mẹ tôi rất đau lòng, mọi người lo cho sức khỏe của bà nên không dám khóc trước mặt" - cô nói.

T.Hiệp - M.Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo