xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đạm Phương nữ sử bàn về giáo dục nhi đồng

Trần Đình Ba

Dẫu được ra đời cách đây gần 80 năm nhưng những nguyên lý cốt lõi trong giáo dục trẻ em của Đạm Phương nữ sử ở tác phẩm này vẫn là căn cốt, nền tảng không thể thiếu

Trong làng báo nước Nam trước 1945, tên tuổi của Đạm Phương nữ sử (1881-1947) được nhiều người biết đến. Xuất thân dòng dõi nhà Nguyễn, bà đã định danh bằng con đường riêng qua ngòi bút báo chí cùng những trước tác của mình.

Xông pha nơi "trường văn trận bút"

Vốn trong hoàng tộc, bà được biết đến là Công Nữ Đồng Canh, nhưng người đương thời biết bà nhiều qua tên Đạm Phương nữ sử. Tên ấy xuất phát từ chỗ khi xưa, nữ sử là những phụ nữ có học thức, được xã hội tôn trọng, làm nữ quan trong cung. Công Nữ Đồng Canh từng giữ chức nữ quan dạy các công chúa, cung nữ học hành, thế nên khi viết báo, bà dùng tên Đạm Phương nữ sử mà lập ngôn.

Đạm Phương nữ sử bàn về giáo dục nhi đồng - Ảnh 1.

Ấn phẩm “Giáo dục nhi đồng” của NXB Trẻ và NXB Kim Đồng

Theo thống kê trong sách "Đạm Phương nữ sử" của Nguyễn Khoa Diệu Biên, Nguyễn Cửu Thọ, Đạm Phương nữ sử có khoảng hơn 150 bài báo được đăng trong thời gian 1918-1926 khi bà cộng tác với Nam Phong tạp chí, Hữu Thanh tạp chí, Trung Bắc tân văn, Phụ nữ tân văn, Thực nghiệp dân báo…

Trên báo chương, những bài viết của bà có phần nhiều hướng về việc giải phóng phụ nữ và sau này được tập hợp thành những sách giáo dục như bộ ba tập "Nữ công thường thức" (1928, 1929, 1931). Bà còn là Hội trưởng sáng lập Nữ công học hội tại Huế.

Tại hội thảo khoa học "Đạm Phương nữ sử chân dung nhà văn hóa đầu thế kỷ XX" được tổ chức năm 2011 ở Huế, các nhà nghiên cứu đã thống kê một số tác phẩm bà viết, trong đó có tiểu thuyết "Kim Tú Cầu" (1923), "Hồng phấn tương tri" (1929)…; bà còn có hai bộ "Đông quán thi tập" và "Tú dư xích độc" gồm những bài thơ chữ Hán và tập thơ sáng tác chung với chồng là "Hiệp bích thi cảo".

Đồng thời với những bài báo, tiểu thuyết, bà cũng viết và in nhiều sách liên quan đến giáo dục. Như cuốn "Phụ nữ dự gia đình" (in 1929, chữ "dự" được hiểu là cùng với, sau này tái bản với tên "Gia đình giáo dục"), bản thảo "Giáo dục phụ nữ" chưa kịp xuất bản thì Nhật đảo chính Pháp.

Chú trọng giáo dục nhi đồng

Trong các sách bà viết, cuốn "Giáo dục nhi đồng" được in lần đầu tại Nhà in Lê Cường, Hà Nội, năm 1942. Mục đích viết tác phẩm được bà nêu rõ trong lời nói đầu: "Bản sách này ra đời có mục đích là giúp đường chỉ nẻo trong muôn một cho các ông cha, bà mẹ muốn dạy con. Nó sẽ là người bạn của những bà mẹ hiền từ, rất thương con và muốn cho con nên người".

"Giáo dục nhi đồng" là sách khoa học giáo dục, trở thành sách "chỉ nam" trong nhiều gia đình để dạy con cái. Cuốn sách được kết tinh từ những kinh nghiệm nuôi dạy con của tác giả, người đã đề cao nền nếp gia phong và tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình Việt.

Về mặt nội dung, ngoài kinh nghiệm nuôi dạy con cái, tác giả còn chọn lọc, giới thiệu những  phương pháp giáo dục hiện đại của phương Tây áp dụng phù hợp với điều kiện, thói quen của người Việt như phương pháp giáo dục "Vườn trẻ con của Froebel" người Đức, chú trọng bốn đặc điểm: sử dụng trò chơi, tạo thuận tiện cho hoạt động trò chơi qua vườn trẻ con, những món quà ban đầu cho trẻ nên là những khối hình cầu, hình ống tròn, hình vuông, những món quà đó sẽ dạy trẻ về thứ tự liên tiếp; rồi phương pháp "Nhà trẻ con của nữ bác sĩ Montessori" người Ý, lấy sự giáo dục theo hướng tự do, tránh gò bó là nguyên tắc chính để mỗi trẻ phát huy được năng lực riêng…

Tác phẩm được cấu tứ thành bốn phần hài hòa, khoa học: tập dưỡng và giáo dục; đức dục, trí dục, thể dục thể hiện cách thức nuôi nấng, chăm bẵm con trẻ, đồng thời là sự giáo dục toàn diện thể hiện cả ở mặt đạo đức, trí tuệ và thể chất.

Dẫu được ra đời cách đây gần 80 năm nhưng những nguyên lý cốt lõi trong giáo dục trẻ em của Đạm Phương nữ sử ở tác phẩm này vẫn là căn cốt, nền tảng không thể thiếu như tính nêu gương của người mẹ đối với trẻ con ở bài "Người mẹ có giáo dục mới giáo dục được con", cụ thể ở đây "Người mẹ phải có tài, có đức, có năng lực, có học vấn, để khuyến khích, giải thích, dẫn dụ con vào những đường ngay, lẽ phải, tránh những tính xấu tật hư"; hay muốn giáo dục được trẻ, trước hết phải "Biết rõ tâm lý trẻ mới dễ dạy dỗ", như là trẻ có trí tưởng tượng rất mạnh, trẻ luôn có những câu hỏi tiểu tiết để thỏa trí tò mò…

Trong lời tựa viết cho cuốn "Giáo dục nhi đồng", Phạm Quỳnh cho rằng đây là "một tác phẩm có giá trị, do một người tiêu biểu rất xứng đáng của nữ giới nước ta, trong ba mươi năm nay vẫn nhiệt thành tận tụy với xã hội, dày công nghiên cứu mà soạn ra để cống hiến cho các chị em nước nhà". 

Sách nghiên cứu “Đạm Phương nữ sử” của Nguyễn Khoa Diệu Biên, Nguyễn Cửu Thọ cho biết nhờ được dạy dỗ chu đáo, bà làu thông Hán học, biết chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Về dung nhan, bà có “dáng người mảnh mai, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to và sáng, sống mũi cao, nước da trắng mịn”; còn tính cách được biết đến là người đoan trang, nhân hậu.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo