xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đặt tình thương đúng chỗ

HOÀNG NGỌC BÍCH

Làm từ thiện đúng địa chỉ, không chỉ cho mình an lòng mà còn là cách để dẹp nạn chăn dắt, lừa đảo; để không còn cảnh ăn xin tràn ngập, nhếch nhác phố phường

Anh đậu xe trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, TP HCM, chờ người nhà vào Diamond Plaza có chút việc. Một người phụ nữ chừng dưới 40 tuổi, đẩy chiếc xe Cub đã cũ, trên yên xe là một bé gái chừng 2 tuổi. Vẻ mặt hớt hải và đau khổ, chị ta nói xe hết xăng mà không có tiền, xin chú ít tiền đổ xăng về nhà bên quận 7.

Sống ở TP này hơn 30 năm, anh từng nghe đủ thứ chuyện, từng chứng kiến những trò lừa đảo để xin tiền, thậm chí chụp giựt. Báo chí cũng từng dấn thân vào cuộc điều tra, phóng viên nhập vai để vạch trần các thủ đoạn của nhiều nhóm giả dạng tật nguyền, sáng đi xin ăn, chiều về ăn mặc bảnh bao đi nhậu quán sang với bia lon mồi ngon đắt tiền. Những đường dây chuyên chăn dắt người già trẻ nhỏ đi xin ăn, hễ không đủ "định mức" thì bị những kẻ cầm đầu đánh đập, bớt phần ăn và đủ trò dọa dẫm khác cũng bị các nhà báo tường thuật cặn kẽ. Cơ quan chức năng vào cuộc, tình hình tạm yên rồi một thời gian sau lại tiếp diễn.

Thoạt tiên anh đã cảnh giác, ngờ ngợ về một trò lừa. Nhưng nhìn em bé ngây thơ, phong phanh tấm áo mỏng cũ sờn, anh đã mềm lòng. Lại tự nhủ, lẽ nào họ đưa cả con trẻ đi lừa, rồi các em lớn lên sẽ ra sao. Nếu không cho, nếu chị này "lỡ đường" thật thì cũng không đành. Thì thôi, có thể bị mắc lừa một lần này vậy. Anh đưa cho chị ta 20.000 đồng, nói đi đổ xăng rồi chở cháu bé về nhà.

Đặt tình thương đúng chỗ - Ảnh 1.

Ba đối tượng chăn dắt ngồi trong quán để theo dõi các bé ăn xin và thu tiền Ảnh: LÊ PHONG

Bẵng đi mấy tháng sau, cũng vào buổi chiều tối nhập nhoạng như lần trước, từ quán cà phê trên đường này bước ra, anh lại gặp người đàn bà và đứa bé trên chiếc xe Cub cũ, cũng vẻ mặt khắc khổ, ánh nhìn van xin… Anh biết mình đã bị lừa thật rồi…

Cứ cuối tuần, thu xếp được thì chị lại cùng bạn bè đi đến các cơ sở xã hội, thăm những người già neo đơn, trẻ khuyết tật, tặng những món quà. Nhiều người bạn của chị cũng gom áo quần và giày dép cũ (nhưng nhiều cái còn khá mới) cho người nghèo khó. Thỉnh thoảng theo đoàn bác sĩ khám bệnh tình nguyện cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa, chị và các bạn cũng đem một số vật dụng tặng bà con.

Ra đường, chị cũng gặp nhiều trường hợp đáng thương, nhưng với chị, phải có cách giúp đỡ, đúng địa chỉ và giúp cho đáng. Chẳng thà mình từ chối với một bàn tay giơ ra trong khi chưa biết họ thật hay giả, để tiền và tâm lực đến với các trung tâm, các cơ quan báo chí có uy tín, chuyển đúng người cần nhận. Làm từ thiện đúng địa chỉ, không chỉ cho mình an lòng mà còn là cách để dẹp nạn chăn dắt, lừa đảo; để không còn cảnh ăn xin tràn ngập, nhếch nhác phố phường và nhất là không để người ăn xin chèo kéo, quấy nhiễu khách nước ngoài.

Những buổi chiều trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn sắp hết cao tốc, chuẩn bị rẽ vào đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP HCM thường diễn ra cảnh thót tim. Khi ôtô chưa kịp dừng chờ đèn xanh đèn đỏ là cả đoàn em nhỏ đã túa ra, đến bên từng chiếc xe, ngả nón xin tiền. Nhiều người đã quen với cảnh này, biết là đang có những kẻ "chăn dắt" đứng lẩn khuất quanh đó hoặc đang ngồi nhậu, chờ đám trẻ đem tiền về "cống nộp" nên cương quyết lắc đầu. Song cũng có những người không biết hoặc ngại phiền toái, không muốn bị quấy nhiễu nên cũng cho tiền.

Nhưng lo nhất là an toàn giao thông. Các em chạy len lỏi giữa dòng xe san sát. Nếu tài xế không để ý hoặc sơ suất, các em lọt vào "điểm mù" hoặc tạt ngang đầu xe khi xe chạy, không xử lý kịp thì tai nạn thảm khốc sẽ xảy ra. Tại sao cơ quan chức năng không có mặt để xử lý là câu hỏi nhiều người đặt ra khi lưu thông ở khu vực này. 

Do tâm lý của số đông người Việt là dễ mủi lòng, thương cảm nên những người lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi vẫn tiếp tục có mặt trên các ngả đường. Biết rằng không dễ dàng để thay đổi một thói quen, song không cho tiền người ăn xin trên phố là việc cần làm.


Phải vào cuộc đồng loạt

Trong văn bản gửi chính quyền các quận, huyện mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đề nghị chính quyền địa phương cần tập trung giải quyết tình trạng người xin ăn, người sinh sống tại các lòng đường, vỉa hè; phát hiện, xử lý hiện tượng chăn dắt hoặc lợi dụng đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi. Sở này cũng khuyến khích người dân TP không trực tiếp cho tiền người xin ăn trên đường phố.

Sự ra tay của các quận, huyện là cần thiết, song cần hơn cả là quyết tâm của các cơ quan chức năng TP HCM, đồng loạt triệt phá, xử lý các đối tượng phạm pháp, đem lại sự bình yên trong đời sống TP, để du khách cảm nhận rõ đây là TP thân thiện, hiếu khách và an toàn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo