xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điện ảnh Việt xoay xở trong đại dịch

LÂM LÊ

Khác với hầu hết thị trường điện ảnh trên thế giới - vẫn đang chịu khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19 - điện ảnh Việt Nam trong năm 2021 đã thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Trong một năm điện ảnh toàn cầu khủng hoảng nặng nề vì đại dịch Covid-19 với doanh thu phòng vé giảm khoảng 70%, điện ảnh Việt cũng không ngoại lệ, dù chưa đến mức chạm đáy. Điện ảnh Việt đã, đang thay đổi như thế nào trước, trong và sau đại dịch?

Năm 2020: Bết bát

Năm 2019, thị trường điện ảnh Việt Nam chứng kiến doanh thu tăng trưởng đột phá với con số lên đến 4.100 tỉ đồng, tăng khoảng 40% so với năm trước. Trong đó, tổng doanh thu phim Việt đạt xấp xỉ 1.100 tỉ đồng với tỉ lệ nội địa hóa khoảng 26,5%. Có 5 phim Việt vào tốp 10 phim ăn khách nhất năm và 5 phim đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng. Đây là những cột mốc kỷ lục của điện ảnh Việt.

Thị trường điện ảnh Việt Nam bước vào năm 2020 đầy hứa hẹn phá kỷ lục năm cũ với hàng loạt phim "bom tấn" của Hollywood và Việt Nam chờ lịch phát hành, song đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 3 và kéo dài suốt gần nửa năm sau đó đã ảnh hưởng nặng nề. Ước tính, tổng doanh thu năm 2020 giảm khoảng 50%, thậm chí cao hơn, do hoàn toàn vắng bóng những phim "bom tấn" Hollywood có thể gây bùng nổ phòng vé.

Điện ảnh Việt xoay xở trong đại dịch - Ảnh 1.

Bốn phim chiếu Tết Tân Sửu thuộc 4 thể loại hoàn toàn khác nhau. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Số phim Việt thành công tại phòng vé năm 2020 cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, "Gái già lắm chiêu 3" phát hành dịp Tết Canh Tý doanh thu khoảng 165 tỉ đồng; "Tiệc trăng máu" - bộ phim remake của điện ảnh Ý, phát hành sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh - vươn lên dẫn đầu với khoảng 180 tỉ đồng, lọt vào tốp 3 phim ăn khách nhất lịch sử phim Việt; phim cuối cùng thắng lớn tại phòng vé, lập kỳ tích hiếm có của dòng phim độc lập là "Ròm", dù kinh phí thấp và cũng gây chia rẽ khán giả.

Ngoài những thành công hiếm hoi ấy, hầu hết phim Việt còn lại phát hành trong năm 2020 - khoảng 24 so với 42 phim năm 2019 - đều gặp khó khăn tại phòng vé. Thậm chí, nhiều phim thua lỗ nặng nề như "Hoa phong nguyệt vũ", "Sài Gòn trong cơn mưa", "Chồng người ta", "Bí mật của gió"…

Bên cạnh lý do đại dịch, sự thất bại của nhiều phim Việt trong năm qua phần lớn nằm ở chất lượng nội dung và hình thức quá cũ kỹ, những lối mòn trong kể chuyện và khai thác tâm lý nhân vật hời hợt, hầu hết không để lại dư vị gì đáng nhớ cho khán giả. Đó có lẽ cũng là vấn đề lớn nhất mà điện ảnh Việt Nam đang đối mặt.

Thị trường vẫn tiếp tục phát triển, khán giả vẫn dành sự quan tâm và yêu thích cho phim trong nước. Song, chất lượng phim Việt chưa có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi, đột phá xứng tầm hoặc vẫn luẩn quẩn trong dòng phim giải trí hời hợt, thiếu chiều sâu.

Năm 2021: Ẩn số

Trong khi nhiều nước vẫn đối mặt dịch Covid-19 thì Việt Nam gần như đã kiểm soát được dịch bệnh, tạo cơ hội cho thị trường điện ảnh phục hồi. Quan trọng là điện ảnh Việt có những bộ phim hay, xứng đáng với tấm vé của khán giả trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng vì khó khăn kinh tế hay không.

Mùa Giáng sinh và đón đầu năm mới 2021, điện ảnh Việt tung ra tới 4 phim nhưng chất lượng không thực sự nổi trội nên cũng khó tạo đột phá phòng vé: "Người cần quên phải nhớ", "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử", "Võ sinh đại chiến" và "Em là của em".

Ngay sau đó, "cuộc chiến" phim Tết nguyên đán được xem là cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất từ trước đến nay, bao gồm 2 phim bị lùi lịch phát hành do dịch bệnh là "Trạng Tí" - phim phiêu lưu dành cho thiếu nhi của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và phim hành động hài "Lật mặt 3" của đạo diễn Lý Hải. Hai phim mới gia nhập cuộc đua là "Gái già lắm chiêu 5" thuộc thể loại lãng mạn hài của hai đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân và "Bố già" - phim tâm lý gia đình ấm áp, hài hước do Trấn Thành bỏ vốn sản xuất, đóng vai chính và đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng.

Bốn phim chiếu Tết Tân Sửu thuộc 4 thể loại hoàn toàn khác nhau nhưng đều là sản phẩm của những đạo diễn, nhà sản xuất hay diễn viên "trăm tỉ" từng thành công tại phòng vé. Trong đó, "Bố già" có vẻ là phim có nhiều cơ hội dẫn đầu hơn cả, nhờ tên tuổi Trấn Thành và chất liệu bình dân gần gũi mà anh từng khai thác thành công trong series web drama phát trên YouTube Tết năm ngoái.

"Lật mặt 3" và "Gái già lắm chiêu 5" cũng có ít nhiều cơ hội thành công nhờ thương hiệu giải trí của các tập phim trước đó, xem ra rất phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ hiện nay. Còn "Trạng Tí" là ẩn số khó đoán, nhất là khi nó thuộc dòng phim thiếu nhi không thực sự phù hợp dịp Tết, song sự kết hợp lần đầu tiên giữa 2 cái tên mát tay tại phòng vé - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - lại có thể đảo ngược tình thế nếu phim thực sự đột phá về nội dung và hình thức kể chuyện.

Sau khi mùa phim Tết qua đi, thị trường điện ảnh Việt sẽ trở lại quỹ đạo quen thuộc và chất lượng là yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định sự thành bại của mỗi phim. Một số phim hoàn thành từ năm 2020 nhưng bị lùi lịch phát hành sẽ ra mắt năm 2021 như: "Rừng thế mạng" - tên cũ là "Tà Năng Phan Dũng", thuộc thể loại phiêu lưu sinh tồn của đạo diễn Trần Hữu Tấn; "Thoát ế" - hài lãng mạn của nữ đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư và "Song song" - hình sự giật gân của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng. Đạo diễn ăn khách Victor Vũ cũng sẽ tung ra bộ phim kinh dị tâm linh "Thiên thần hộ mệnh" vào dịp 8-3.

Năm 2021, điện ảnh Việt chờ đợi 2 dự án lớn nhất - đều đang trong quá trình quay: "Em và Trịnh" - phim chân dung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dàn dựng và "Thanh Sói" - ăn theo phim hành động "Hai Phượng" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Với dòng phim độc lập hoặc nghệ thuật, 2021 cũng là năm chứng kiến sự trở lại của khá nhiều đạo diễn tên tuổi: Bùi Thạc Chuyên với dự án "Tro tàn rực rỡ", chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư; Phan Đăng Di với "Tiệc trăng tròn", một dự án bị đình trệ nhiều năm…

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều đạo diễn trẻ triển vọng từng nhận được gói tài trợ của các quỹ điện ảnh nghệ thuật quốc tế để thực hiện bộ phim dài đầu tiên hoặc thứ hai - như Lê Bảo với "Vị", Phạm Ngọc Lân với "Culi không bao giờ khóc"… - cũng góp phần tạo nên bức tranh đầy màu sắc của điện ảnh Việt năm 2021.

Dù còn là ẩn số khó đoán nhưng khác với hầu hết thị trường điện ảnh trên thế giới - vẫn đang chịu khủng hoảng nặng nề do dịch bệnh - điện ảnh Việt trong năm 2021 đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Có gặt hái thành công được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm và tài năng nhà làm phim.

Sự thành bại của phim Tết phần lớn phụ thuộc vào chất lượng từng phim và thị hiếu của khán giả. Điều này đã được chứng minh trong các mùa phim Tết gần đây, khi những phim thành công nhất tại phòng vé lại là các tác phẩm không được đánh giá cao trước đó. Nhiều phim thường thường bậc trung nhưng khi ra mắt, nhờ hợp thị hiếu và tạo được hiệu quả truyền miệng tốt, đã trở nên ăn khách kỷ lục như:"Siêu sao siêu ngố” (2018), "Cua lại vợ bầu” (2019) hay "Gái già lắm chiêu 3” (2020).
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo