xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Đình làng Đồng Quỹ và tuổi thơ tôi

Bài và ảnh: ĐỖ VĂN DINH

Chiến tranh, thời gian làm thay đổi mọi thứ nhưng đình làng Đồng Quỹ vẫn tồn tại cùng năm tháng, bảo vệ bình yên cho người dân quê tôi

Đình làng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có từ thuở nào chẳng rõ. Khi chúng tôi lớn lên, đình đã ở đó rồi. Cửa đình làng rất rộng, hướng ra ao đình.

Những ngày xưa yên ả

Buổi tối, chúng tôi hay tụ tập bên đình. Ấy là lúc đoàn văn công của thôn diễn văn nghệ mà phần lớn là những vở tuồng cổ. Chúng tôi trải chiếu ngồi xem. Chiếc đèn chai được kéo lên hai bên cánh gà. Lui dần bên trong là khoảng chiếu dành cho nhạc công. Thời đó, văn công thôn hay diễn các vở: Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Bao Công xử kiện, Tích Mạnh Lệ Quân… Diễn viên không môi son má phấn, không chuyên nghiệp nhưng khán giả đến xem thì chật ních.

Trước ngày biểu diễn, bao giờ chúng tôi cũng được ăn kẹo. Đoàn văn công thôn chia đều cho chúng tôi. Có lẽ họ cũng hiểu sự thèm khát chất ngọt của lũ trẻ làng quê nên khi lên tỉnh để sắm thêm đạo cụ biểu diễn thì tiện thể mua luôn dăm ba gói kẹo hồng. Tôi hay để dành kẹo trong túi quần phần của mình và ăn phần của anh tôi nhường cho. Có những lần tôi quên khuấy đi, kẹo trong túi quần rỉ ra thứ nước vàng đường phên.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Đình làng Đồng Quỹ và tuổi thơ tôi - Ảnh 1.

Đình làng Đồng Quỹ

Đình làng nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Ngày mùa, sân đình rải đều lúa. Những trục đá quay tròn, hai người đẩy, một người kéo cứ chà đi, chà lại để các hạt thóc rời khỏi bông. Người lớn thì mệt, còn bọn trẻ như chúng tôi thì lấy làm thích thú, cứ nhảy lên đống rơm này, trèo lên đống thóc kia cười sằng sặc, sằng sặc…

Tôi nhớ nhất cái ao làng trước cửa đình. Cái thời ấy, cả làng lấy nước. Những thùng nước kĩu kịt trên vai không kể là buổi sáng hay buổi chiều. Cái ao làng sạch sẽ, không rác rưởi, không cánh bèo, nước trong suốt cả bốn mùa. Bên cạnh ao có cây bàng cổ thụ. Thời kháng chiến chống Mỹ, không biết bao nhiêu cuộc chia tay của các đôi trai gái dưới gốc cây này. Cây bàng như chứng tích ghi lại những kỷ niệm và cây bàng cũng được nhắc lại trong những trang thư đi - về.

Cái thời ấy, chúng tôi rất trẻ con. Đêm đêm, nhất là những hôm trăng sáng, sau cuộc chơi chán chê trong sân đình, chúng tôi lại mò mẫm đến cây bàng để nghe lỏm những câu chuyện của người lớn. Tựu trung là những lời hẹn hò ngày trở lại. Sau này, khi lớn lên, tôi thấy xấu hổ về những việc rình rập khi ấy. Từng giọt nước mắt rơi rơi dưới gốc cây bàng vào ban đêm, đó là những giọt nước mắt tình cảm mà tại sao chúng tôi khi ấy thấy buồn cười và hô hoán lên làm họ giật mình xấu hổ.

Bên cạnh con đường làng, lui về phía trái là dòng cừ. Quê tôi gọi là cừ, bởi vì nó nhỏ hơn sông. Dòng cừ rộng hơn 3 m. Bên cạnh bờ cừ là hai phiến đá dài 2 m làm thành hai cái bậc lên xuống để cho mẹ tôi, chị tôi cùng hàng xóm đem chăn, màn, quần áo ra giặt giũ. Thường thì ban sáng là đông vui tấp nập. Tiếng chày rộn rã, những bàn chân giẫm đạp lên quần áo cho vắt kiệt nước bẩn đã trở thành tiềm thức trong tôi sau này.

Những khi rảnh rỗi, tôi thường mon men bên chợ. Chợ quê thường họp ban trưa. Gần trưa, bà con tranh thủ họp chợ khi cày đồng hoặc khi cấy lúa xong. Đi chợ chỉ là tranh thủ cả lúc nông nhàn. Chợ quê chỉ bán theo mớ. Những cá, tép, cua đồng đều bán theo mớ đựng trong giỏ hay là rổ rá. Bán nhanh để về làm đồng, ai ai cũng nghĩ như vậy.

Những buổi trưa đó, tôi thường trèo lên tấm bia đá cao hơn đầu người để nhìn dòng sông. Dòng sông quê không rộng, nhưng cũng đủ cho thuyền bè qua lại.

Vững vàng trong biến cố

Thế rồi chiến tranh lan rộng ra toàn miền Bắc. Bóng chiếc máy bay lừ lừ xuất hiện trên chót vót ngọn tre. Có lúc chúng bổ nhào xuống quê tôi. Trước đó, trực thăng của Mỹ thả xuống từng chiếc đài và thêm vào đó là bó truyền đơn. Đại loại là chúng đánh vào tâm lý từng người dân. Có lúc, chúng thả cả khăn voan xuống. Cho dù còn nhỏ, chúng tôi cũng thừa hiểu bộ mặt thật của kẻ xâm lược. Trai làng ra đi tòng quân. Con gái thì xung phong gia nhập thanh niên xung phong. Những tiếng cười thấp thoáng trên con đê làng. Những chiếc xe chở tân binh lên đường. Dân quê tôi đứng hai bên đường vẫy tay tạm biệt.

Thế rồi, quê tôi lại nhận được giấy báo tử từ chiến trường gửi về. Cả làng xúm xít đến gia đình gặp nạn. Họ ngả mũ cúi đầu, thắp hương trước bức ảnh người chiến sĩ mới hy sinh. Anh lính từ chiến trường trịnh trọng đọc tin báo từ đơn vị gửi về. Thận trọng, anh còn tường thuật lại hình ảnh dũng cảm hy sinh của đồng đội. Dừng lại một lúc, anh trao cho gia đình những kỷ vật còn sót lại: khi thì cái mũ, cái áo, có khi cả những chiếc thư mới nhận hoặc phong thư người chiến sĩ đã viết nhưng chưa kịp gửi về.

Chú Thiều con bác tôi cũng hy sinh trong chiến tranh. Giọng người chiến sĩ thấm đầy nước mắt: "Đồng chí Thiều đã hy sinh anh dũng trên chiến trường Nam Lào. Gương hy sinh của đồng chí đã được thông báo đến toàn đơn vị. Cả tiểu đoàn học tập. Đơn vị chúng tôi mất đi người đồng chí. Gia đình mất đi một người con thân yêu. Chúng tôi đã biến đau thương thành hành động cách mạng. Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Tất cả ngả mũ nón. Tôi cũng đứng lặng im sau khuôn cửa sổ. Mẹ tôi thì thở dài...

Tôi lớn dần trong chiến tranh. Học xong cấp ba, tôi trở thành giáo viên giảng dạy ở một trường huyện vùng cao. Về quê lần đầu, mẹ giục tôi đem quà chia cho hàng xóm. Buổi tối, nhà tôi chật ních người, từ trong nhà ra đến cái sân gạch rộng 40 m2 đều kín những chiếc chiếu. Tôi cùng đứa em phân phát, chia đều kẹo và chè cho từng chiếu. Già có, trẻ có, tề tựu đông đủ.

Câu chuyện nổ như ngô rang. Bố mẹ tôi chắp tay đằng trước cười nói hãnh diện mời chào khách. Tôi đứng bên cạnh mẹ và tự giới thiệu về mình, đặc biệt là đơn vị công tác của mình. Bỗng có tiếng xôn xao ngoài ngõ. Tiếng chị em phụ nữ xen lẫn tiếng trẻ con í ới. Lúc rì rầm bí mật, lúc cao giọng và chốc chốc lại cười ré lên. Tiếng đấm lưng bùm bụp đẩy xô.

Dưới ánh đèn pin tôi nhìn rõ những khuôn mặt các cô thôn nữ độ tuổi mười tám, đôi mươi. Thấy tôi, tránh đèn, các cô che kín mặt bằng chiếc khăn tay. Lịch sự, tôi chào hỏi và mời các cô vào chung vui. Cô nọ đẩy cô kia, đến sát bờ ao, cạnh cây mít, một cô bị té ngã trên cầu, cũng may chỉ bị ướt vạt áo. Thế rồi họ lại chạy ngược ra phía cổng. Thì ra, các cô đang trêu chọc gán ghép tôi với một cô nào đó.

Chiến tranh qua đi, tôi cũng đã xa quê và định cư ở một tỉnh vùng Tây Bắc. Mỗi khi có dịp về thăm quê tôi lại ghé qua làng Đồng Quỹ. Bên trụ cổng phụ chót vót trên cao, con nghê đình vẫn ngơ ngác, chân ôm quả cầu, mắt dõi về phía xa. Cửa cuốn sân đình còn đó cùng năm tháng, chỉ khác là ngày càng nhẵn thín hơn.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đình làng tôi vẫn không hề sứt mẻ, không trúng một quả bom nào. Cái ao đình vẫn còn đó. Hai chú rùa đá phủ phục hai bên bậc ao vẫn còn đó. Dòng cừ vẫn lặng lẽ trôi. Chỉ khác là ngày nay làng tôi không còn sử dụng nước ao để ăn uống vì đã có nước máy đến tận từng nhà. Con đường làng nay đã lát gạch và đổ bê-tông. Con đường làng như lưu giữ tuổi thơ tôi…

Di tích thờ Triệu Việt Vương

Đình làng Đồng Quỹ là di tích thờ Triệu Việt Vương, người có công đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỷ thứ VI.

Tương truyền, Triệu Quang Phục (khi chưa xưng vương) được vua Lý Nam Đế cử làm quan Tiết độ sứ ở đạo Sơn Nam. Ông có qua làng Đồng Quỹ thăm hỏi việc nông trang, khuyên bảo dân làm ăn. Vì vậy, khi ông qua đời, nhân dân lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng Đồng Quỹ.

Đền mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của hai thời Lê - Nguyễn. Do được xây dựng giữa 1 làng quê đúc đồng truyền thống nên ở đây còn bảo lưu được nhiều cổ vật bằng chất liệu đồng như chiếc vạc đồng nặng 180 kg, cao 0,85 m; đường kính miệng 0,63 m; tượng Triệu Việt Vương đúc bằng đồng sơn son thếp vàng…

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Đình làng Đồng Quỹ và tuổi thơ tôi - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo