xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đỗ Hoàng Diệu: Vẫn bị đè bởi chiếc bóng vô hình

Huỳnh Trọng Khang thực hiện

13 năm cho 9 truyện ngắn, chắt lọc và suy nghiệm, tác giả của "Bóng đè" Đỗ Hoàng Diệu nói chị vẫn thế, vẫn bị đè, vẫn ngồi sâu trong vũng tối, giữa những chiếc bóng vô hình, gặm rễ cây chết bằng bàn tay thon

. Phóng viên: 13 năm kể từ khi tập truyện "Bóng đè" ra đời, Đỗ Hoàng Diệu mới cho xuất bản tập truyện thứ hai của mình, "Lưng rồng" (NXB Hội Nhà văn). Đọc trên bìa sách thì "Lưng rồng" còn một tít phụ: "Bóng đè và những truyện ngắn khác", vậy là sau 13 năm, Đỗ Hoàng Diệu chưa thoát được "Bóng đè"?

- Nhà văn ĐỖ HOÀNG DIỆU: Mới đầu, chúng tôi định tái bản tập "Bóng đè". Nhưng như bạn biết, một số truyện trong đấy quá non, câu chữ là để dệt áo choàng cho thiếu nữ tuổi hai mươi ngây thơ, trong khi tôi giờ đã là đàn bà tuổi bốn mươi. Tôn trọng độc giả, trong tập "Lưng rồng", tôi chỉ giữ lại ba truyện: "Bóng đè", "Vu quy" và "Dòng sông hủi". Vậy tại sao tôi không chỉ in những truyện hoàn toàn mới? Cũng vì độc giả, nhiều người đến giờ vẫn hỏi mua "Bóng đè" thật ở đâu. Mười ba năm trước, có lẽ một nửa sách "Bóng đè" trên thị trường là sách lậu với bìa xám chữ nhòe, chính tả gập ghềnh sai. Tôi muốn độc giả của mình được đọc và lưu giữ truyện ngắn họ yêu thích trên bản in tử tế.

. Chị có sợ độc giả nhận xét: Đỗ Hoàng Diệu vẫn bị cái "bóng" cũ ấy "đè" không? Truyện ngắn này có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp của chị?

- Nếu hỏi tôi dành tình yêu nhiều nhất cho truyện nào trong tập truyện công bố 13 năm trước thì đó không phải "Bóng đè". Thậm chí trong bảng xếp hạng "tự sướng", tự trào, tự kiểm thảo của tôi, nó còn xếp sau cả "Dòng sông hủi". Tôi đã đọc "Vu quy" vài lần, đã khóc cười, đã thả mình trôi theo cảm xúc của nhân vật cô dâu suốt hôn lễ kỳ lạ. Nhưng tôi không tài nào đọc lại nổi "Bóng đè". Có gì đó vướng vướng mắc mắc trong cổ họng, trên đôi bàn tay "óng ánh" dẫn dắt linh hồn…

Nhưng với độc giả, tôi đã bị chết tên bởi "Bóng đè", thành ra dù không muốn, dù cố gắng chống lại, đôi lúc tôi đã bị mình đè mình bẹp gí.

Đỗ Hoàng Diệu: Vẫn bị đè bởi chiếc bóng vô hình - Ảnh 1.

Chân dung nữ nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. (Ảnh do nhà văn cung cấp)

. Đâu là truyện chị ưng ý nhất trong cả tập truyện này?

- "Lưng rồng", chắc chắn "Lưng rồng", tất nhiên "Lưng rồng". Tôi tin độc giả, những ai từng thương mến tôi sẽ không thất vọng về truyện này. Lúc viết xong "Hầm mộ", tôi đã nghĩ mình chết thôi, chả còn gì để viết nữa cả. Mà tôi chết thật, trong lúc chết mới mơ mộng mình thành Lam Vỹ. Nếu tôi sống, tôi tỉnh, làm sao trứng Lam Vỹ nở được thành chim.

Một ngày, tôi thấy mình sống lại. Dù còn yếu, tôi vẫn ngồi xuống viết "Lưng rồng". Kỳ lạ, viết đến đâu khỏe đến đấy, thấy hoa nở quanh đời, dù "Lưng rồng" là bi kịch - chết chóc - hận thù.

. Đọc tác phẩm của chị, tôi hình dung về một con người ngồi trong căn phòng tối với những cái bóng của tiềm thức cứ liên tục ám lấy. Một không khí đặc trưng Đỗ Hoàng Diệu, đây là chủ đích hay vô thức?

- Chuyện tôi kể không mấy hấp dẫn, văn chương lúc thế này lúc thế kia, ý tưởng toàn trời ơi đất hỡi. Nhưng tôi là tôi, không trộn lẫn ai khác. Cái không khí đặc trưng bạn đề cập là thứ trời đã cho tôi, tốt xấu gì cũng là "đặc sản" của tôi. Không khí bao la, lại vô hình. Giả dụ giờ hỏi tôi làm cách nào tạo ra không khí đó, tôi chịu, không thể nào rạch ròi gạch đầu dòng một, hai, ba.

Nhiều người nói con người xã hội của tôi và con người văn chương hoàn toàn khác nhau. Thực ra nhiều lúc tôi cũng khó nhận biết đâu mới là con người thật của mình.

. Đọc "Bóng đè", qua "Lam Vỹ" rồi đến "Lưng rồng" có thấy sự nhất quán về giọng kể, chủ đề đến cách dựng truyện, điều gì giúp chị duy trì được sự nhất quán này?

- Tôi chỉ có một linh hồn. Khi viết, thường lý trí tôi tạo dựng câu chuyện và linh hồn kể chuyện bằng cảm xúc, nhịp điệu của linh hồn. Cũng đôi lúc lý trí và linh hồn hoán đổi vị trí cho nhau, ví dụ trong truyện "Dòng sông hủi".

Nhiều người nói tác giả chuyên nghiệp thì nên phải tự làm mới mình để tránh nhàm chán. Nhưng thế nào là tự làm mới? Tôi cho rằng mình không chuyên nghiệp, tôi càng không muốn khiên cưỡng làm trái ý linh hồn mình. Nên vẫn thế, vẫn bị đè, vẫn ngồi sâu trong vũng tối, giữa những chiếc bóng vô hình, gặm rễ cây chết bằng bàn tay thon.

. Định cư ở Mỹ từ năm 2010, "Lam Vỹ", "Hầm mộ" và "Lưng rồng" được viết ở Mỹ nhưng dường như "văn hóa" hay "ngoại cảnh" không xâm nhập được vào tác phẩm, môi trường hải ngoại có tác động gì đến công việc viết văn của chị không?

- Tôi trả lời ngay là không. Chiếc kén vô hình có tên quê mẹ bao bọc tôi khá chắc. Và tôi tự nguyện làm tù nhân, chưa muốn đào thoát.

Môi trường Mỹ tác động đến cách nghĩ, cách sống, cách viết báo của tôi. Với tôi, văn chương thì khác, hoàn toàn khác. Có thể bạn sẽ hỏi lại rằng văn chương chẳng phải là đời sống đấy sao? Đời sống, có nhiều đời sống khác nhau mà.

. Chị có thể cho độc giả được biết các tác phẩm nào của chị được xuất bản trong thời gian tới không?

- Bản thảo xuất bản được, chắc sẽ là "Những câu chuyện kỳ lạ của Đỗ Hoàng Diệu". Vài thứ khác thì tôi không biết, quả thực không biết… 

Dân ta rất có tài văn

. Chị có nhận định gì về văn chương đương đại ở Việt Nam, nhìn từ bên ngoài nước Việt?

- Khoảng cách địa lý không cho phép tôi đọc nhiều, hiểu nhiều về văn chương đương đại Việt Nam. Nhưng thỉnh thoảng tôi đọc được những cuốn rất hay của các tác giả trẻ. Mọi người cứ nói thế nào chứ tôi thấy dân ta rất có tài văn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo