xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đọc "Bút máu" của Vũ Hạnh, hiểu về văn đức

Nhà văn TRẦM HƯƠNG

Tôi hiểu trái tim của một nhà văn tuổi trên 90 như Vũ Hạnh vẫn rừng rực ngọn lửa nhiệt tình, vẫn muốn qua "Bút máu" truyền dẫn đến các thế hệ sau về sứ mạng lớn lao của văn chương và sức nặng của ngòi bút

Tôi nhớ thời là một học sinh ở một trường cấp ba nơi miền cuối đất xa xôi, không biết do sự tình cờ nào đó, tôi được đọc "Bút máu". Tôi đọc say sưa, như nuốt từng câu, từng chữ. Quyển sách khiến tôi bị ám ảnh mãnh liệt về một Lương Sinh giỏi chữ nhưng sai đường, phản bội lại chính mình trong cách sử dụng chữ nghĩa. Anh ta sợ gươm bén và mùi máu tanh nồng nên từ bỏ võ thuật, chọn văn chương để lập thân. Nhưng Lương Sinh nào ngờ ngòi bút còn tàn độc hơn cả gươm đao, hủy diệt bao mạng sống con người khi dùng sai chỗ.

Ngòi bút như lưỡi dao sắc bén

Năm tháng trôi, dòng đời xô tôi đi. Tôi trở thành một nhà văn, sống và làm việc ở TP HCM. Tôi đã được gặp nhà văn Vũ Hạnh. Ông hiện ra trước mắt tôi, thật phong độ,  nho nhã, lịch sự, hào hoa mà gần gũi, chân tình.

Được trò chuyện với ông, tôi thấy cuộc đời này thật phong phú, thật đáng yêu, đáng sống vì có những con người là tinh hoa của đất trời đang tồn tại, tỏa ra quanh ta một thứ ánh sáng minh triết mà ấm áp, an lành. Kiến văn rộng rãi của ông nhắc chúng tôi cần phải đọc, phải học, phải cọ xát, dấn thân mới mong có được những trải nghiệm máu thịt cho những trang viết. Mà thật vậy, biết mười viết một thấy ngòi bút trơn tru; biết một viết một thấy ngòi bút đã ngắc ngứ; biết một viết hai chắc chắn ngòi bút phải ma mị, lấy kỹ xảo khuất lấp sự yếu kém, rỗng tuếch của mình!

Hẳn chúng ta biết bối cảnh ra đời "Bút máu" khi Sài Gòn lúc ấy tràn ngập văn hóa phẩm độc hại, những tiểu thuyết yêu vội sống cuồng, những mơ mộng thoát ly khỏi thực tế xiềng gông, tù ngục, bom đạn, máu lửa, lầm than. Một Sài Gòn ẩn chứa bao thứ bất an, ngổn ngang những phận đời tối sáng. Một xã hội như thế cần biết bao nhà văn bút sắc lòng trong, dùng văn chương chữ nghĩa để cảm hóa, khai sáng, hiệu triệu, đấu tranh cho một xã hội tươi đẹp, công bằng, nhân ái. Song, nhiều nhà văn đã dùng ngòi bút của mình cho danh lợi, tiền tài.

Đọc Bút máu của Vũ Hạnh, hiểu về văn đức - Ảnh 1.

Nhà văn Vũ Hạnh (phải) và nhà thơ Hữu Thỉnh lúc ra mắt “Tuyển tập Vũ Hạnh”. Ảnh: TRẦM HƯƠNG

Mỗi chữ trong "Bút máu" là những lưỡi dao sắc bén vạch trần tội ác của những bồi bút, dùng văn chương chữ nghĩa đầu độc, làm băng hoại tâm hồn bao thế hệ. Không cần giấu giếm, nhà văn Vũ Hạnh cho đó là tội ác.

Thấm thoát mà tôi đã cùng là hội viên với nhà văn Vũ Hạnh, trong  ngôi nhà Hội Nhà văn Việt Nam suốt mấy mươi năm. Mấy mươi năm đó, tôi vẫn được đọc thêm nhiều quyển sách của ông; nhiều bài báo ông viết về những con người, sự kiện đặc biệt; được gặp ông trong những đại hội nhà văn, những cuộc họp mặt báo chí... Ông đi và viết vẫn rất khỏe. Năm 2015, ông là nhà văn cao tuổi nhất ở TP HCM ung dung dự đại hội. Một nhà văn tuổi 90 mà vẫn còn tráng kiện, còn sức để viết, còn sức đi quả là một hiện tượng đáng quý và hiếm có.

Trách nhiệm lớn lao của nhà văn

Những ngày gần đây, gặp nhà văn Vũ Hạnh, tôi vẫn nói về sự ngưỡng mộ của mình qua "Bút máu". Văn chương là đạo và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng khái tuyên ngôn: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà".

Tôi chân thành nói với nhà văn Vũ Hạnh về  cảm nhận "Bút máu" năm xưa và hôm nay. Ông không giấu được nỗi buồn, sự day dứt, trăn trở trước một xã hội còn nhiều nghịch lý, ngổn ngang. Thì đây, sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, thời đại kỹ thuật số, những sản phẩm văn hóa độc hại mở mạng ra là thấy, lan truyền chóng mặt. Có bao nhiêu điều khủng khiếp đã truyền đi trên các trang mạng xã hội… Có quá nhiều điều ngang trái, không thể đổ lỗi cho kẻ thù xâm lược, ngoại bang nữa mà vang lên thống thiết lời cảnh báo phải hành động, phải thay đổi hành vi để cứu lấy mình, cứu lấy những thế hệ con cháu... Những nhà văn đang ở đâu? Tôi hiểu hàng ngàn nhà văn khi cầm lấy ngòi bút đều trăn trở, day dứt trước trách nhiệm lớn lao này.

Những năm đất nước chiến tranh, sống trong lòng chế độ Sài Gòn, nhà văn Vũ Hạnh đã có dũng khí vượt qua danh lợi, xích xiềng, tù ngục, kêu gọi những nhà văn phải có đạo đức trong ngòi bút của mình. Còn hôm nay, đọc lại "Bút máu", tôi hiểu trái tim của một nhà văn tuổi trên 90 như ông vẫn rừng rực ngọn lửa nhiệt tình, vẫn muốn qua "Bút máu" truyền dẫn đến các thế hệ sau về sứ mạng lớn lao của văn chương và sức nặng của ngòi bút.

Nghề y có y đức, có lời thề của Hippocrates cho những bác sĩ trước khi ra trường. Nghề viết văn cũng cần lắm văn đức. Nhưng văn đức ấy cũng rất mơ hồ, có lằn ranh thật mong manh trong những tác phẩm "bỏ quên con người", "mờ mịt hư ảo"… Văn đức đôi khi bị bỏ quên, bị mỉa mai và rẻ rúng trước "sự thành công" về sức lan truyền của những văn hóa phẩm độc hại.

Cám ơn cuộc đời gần trọn một thế kỷ của nhà văn Vũ Hạnh đã cho tôi trải nghiệm để suy ngẫm khi đọc lại "Bút máu" để nghĩ về văn đức. Quyển sách kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhà văn TP HCM mà tôi được giao nhiệm vụ biên tập phần tiểu sử của ông giờ đây đang được chuyển sang màu tím tiếc thương một văn tài… 

Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Vũ Hạnh đã qua đời vào sáng 15-8 tại TP HCM, hưởng thọ 96 tuổi. Chiều cùng ngày, linh cữu ông được đưa đi an táng ở Nghĩa trang TP HCM tại Củ Chi.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nho học. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình từ tháng 3-1945, học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An. Sau đó, ông vào Nam, là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến).

Sau năm 1975, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP HCM, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007.

Các tác phẩm chính

Tập truyện: "Vượt thác" (1963), "Mùa xuân trên đỉnh non cao" (1964), "Chất ngọc" (1964), "Ngôi trường đi xuống" (1966), "Bút máu" (1971), "Con chó hào hùng" (1974), "Cô gái Xà Niêng" (1974), "Ăn Tết với một người điên" (1985), "Sông nước mênh mông" (1995)...

Tiểu thuyết: "Lửa rừng" (1972), "Người nhà trời" (2020)

Hồi ký: "Cái Tết khó quên" (1990), "Một chặng đường bút mực" (2000)

Tiểu luận: "Người Việt cao quý" (1965), "Đọc lại Truyện Kiều" (1966), "Tìm hiểu văn nghệ" (1970)...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo