Sau khi phim "Trạng Tí" do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn dời lịch phát hành sang dịp Tết nguyên đán do đại dịch Covid-19, hệ thống rạp không còn tác phẩm Việt nào phục vụ khán giả thiếu nhi trong suốt mùa phim hè. Trên màn ảnh rộng đã thế, màn ảnh nhỏ cũng không khá hơn khi từ lâu, phim thiếu nhi trở nên hiếm hoi, chưa qua được con số 1.
Không thu lợi, chẳng ai làm
Vài năm trước đây, khán giả nhí vẫn còn cơ hội ra rạp thưởng thức các phim phù hợp với lứa tuổi của mình như "Bảo mẫu siêu quậy" phần 1 và 2, "Anh em siêu quậy", do đạo diễn Lê Bảo Trung thực hiện. Mặc dù chất lượng còn phải bàn nhưng đây vẫn là món ăn tinh thần hiếm hoi cho thiếu nhi qua màn ảnh. Kể từ năm 2017 đến nay, phim Việt thỉnh thoảng có 1 hoặc 2 phim phù hợp với khán giả thiếu nhi như loạt phim "Nắng", "Ở đây có nắng", "Mặt trời con ở đâu?", "Hạnh phúc của mẹ", "Anh thầy ngôi sao"... Ở đó có câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, đề cao tình phụ tử, mẫu tử và có nhân vật chính là diễn viên nhí.
Do kịch bản khác biệt, vài phim trong số này lúc đầu hướng đến đối tượng thiếu nhi nhưng khi qua thẩm định cấp phép phát hành, cơ quan quản lý dán nhãn không phục vụ đối tượng trẻ em dưới 13 tuổi hoặc 16 tuổi. Một số phim có doanh thu huề vốn nhưng nhiều phim lặng lẽ rời rạp trong thua lỗ. Với các nhà sản xuất tư nhân, thấy thua lỗ là khỏi làm. Phim rạp đã thế, phim truyền hình dành cho thiếu nhi lại càng thiếu thốn hơn. Năm 2019, khán giả màn ảnh nhỏ chỉ có 1 tác phẩm phim thiếu nhi mới do Việt Nam sản xuất là "Cậu bé nước Nam" do THVL1 phát sóng. Đến mùa hè, các nhà đài lại tập trung phát lại những phim cũ cách đây 10-15 năm: "Đất Phương Nam", "Kính vạn hoa", "Đội đặc nhiệm nhà C21"... Lý giải về việc khan hiếm phim thiếu nhi ở cả rạp lẫn truyền hình, nhiều người trong giới cho rằng bắt đầu từ nhà sản xuất, chẳng ai còn quan tâm đến đối tượng khán giả này khi một loạt các vấn đề trở nên nan giải: kinh phí, đạo diễn, kịch bản, diễn viên... và hiệu quả kinh doanh. Một câu chuyện hay, bay bổng, mang tính sáng tạo đúng kiểu cho thiếu nhi thì thường kinh phí sản xuất không thấp, trong khi doanh thu không cao, khó huề vốn nên hiếm nhà sản xuất tư nhân nào dám mạo hiểm. "Phim hay cho thiếu nhi khó gấp đôi, gấp ba so với phim cho người lớn. Một người phải có tình yêu với thiếu nhi mới bỏ thời gian, công sức tìm tòi, hòa nhập vào thế giới các bé và sáng tác kịch bản hay, hợp thời. Có tình yêu này, đạo diễn mới kiên nhẫn làm việc cùng diễn viên nhí, tỉ mỉ hướng dẫn diễn xuất. Về mặt lợi nhuận, phim cho thiếu nhi thường không phải dòng phim thu lợi cao nhưng kinh phí cũng chẳng thấp. Các hãng sản xuất tư nhân đề cao lợi nhuận nên rất khó để họ dốc sức làm các phim phục vụ đối tượng khán giả này" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Cảnh trong phim hoạt hình nước ngoài “Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới” vừa ra rạp chiếu tại Việt Nam. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Cần vai trò của nhà nước
Những khó khăn khi làm phim thiếu nhi hoặc có yếu tố thiếu nhi thì ai cũng biết. Đạo diễn Đức Thịnh từng kể khi đưa cả ê-kíp gồm các diễn viên nhí ra đảo quay phim "Anh thầy ngôi sao", đoàn phim của anh phải thuê giáo viên ra đó để dạy học cho các bé, để bảo đảm các bé theo kịp chương trình học trên lớp. Mỗi bé đều có người thân tháp tùng đoàn, theo sát chăm sóc. "Ngoài ra, đoàn phim có hẳn một đội trợ lý luôn theo sát chăm sóc cho các em từ ăn uống, nghỉ ngơi, đến vui chơi, lắng nghe tâm sự cũng như tham gia hòa giải các cuộc xích mích của con nít" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể về hậu trường làm phim "Trạng Tí". Phan Gia Nhật Linh nói làm việc với diễn viên nhí, đạo diễn vất vả gấp bội, phải trở thành bạn của các em, cùng chơi đùa với các em, để hiểu tâm sinh lý và tính cách của từng em nhỏ, từ đó mới có thể khai thác cảm xúc của mỗi diễn viên. Đôi khi, đạo diễn phải "đóng vai ác" để đẩy các em vào hoàn cảnh có cảm xúc gần với cảm xúc trên phim nhưng cũng phải yêu thương các em để có thể giành được tình cảm của các em, từ đó mới có thể thuyết phục các em nghe lời hướng dẫn của mình.
Hiện nay, số lượng diễn viên nhí có khả năng diễn xuất không ít. Tuy nhiên, hầu hết các em còn phải học ở trường, phụ huynh cũng không thể cho con theo đoàn phim dài ngày trong khi phim truyền hình luôn đòi hỏi thời gian quay lâu dài. Trăm điều khó khăn phải trải qua để làm được phim thiếu nhi nếu không có tài trợ, đặt hàng từ nhà nước thì tình trạng khan hiếm này vẫn tiếp tục kéo dài.
Khán giả nhí hiện nay chỉ trông chờ vào phim nước ngoài ra rạp hoặc tìm xem qua mạng, nền tảng số. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào phim ngoại không phải điều tốt vì trẻ em được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những giá trị văn hóa khác dẫn đến cách ứng xử, cách nghĩ xa lạ với văn hóa truyền thống Việt. Nhiều người trong giới cho rằng giải pháp tốt nhất để giải cơn khát phim thiếu nhi hiện nay là sự can thiệp của nhà nước, cơ quan quản lý văn hóa. "Nhà nước phải có chiến lược phục hồi và phát triển dòng phim thiếu nhi của Việt Nam. Thông qua hình thức đặt hàng hoặc tài trợ, phối hợp với các đơn vị sản xuất tư nhân để có kế hoạch sản xuất cho màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ" - nhà báo Cát Vũ đề xuất.
"Chúng ta cần một khung giờ riêng phù hợp cho phim thiếu nhi trên truyền hình như giờ vàng phim Việt hiện có trên các đài. Nếu thiếu nhi có một khung giờ riêng và cần những sản phẩm được nhà đài tài trợ với kinh phí từ phía nhà nước thì nhà sản xuất tư nhân sẽ hăng hái tham gia phối hợp sản xuất. Khi nhà sản xuất có nhu cầu, đội ngũ biên kịch mới mạnh dạn tham gia chứ như hiện nay, có kịch bản cũng không có đầu ra" - biên kịch Đông Hoa nói.
Đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn cho rằng có những việc cần vai trò của nhà nước trong tổ chức, điều phối, sản xuất phim thiếu nhi. Bên cạnh việc đặt hàng, tài trợ, nhà nước cũng có thể tạo cơ chế phù hợp, ban hành chính sách miễn hoặc giảm thuế cho phim thiếu nhi.