img
img

ung tin về sự ra đi đột ngột của NSƯT Thanh Kim Huệ đã để lại nhiều thương tiếc đối với bạn đọc, khán giả và nghệ sĩ đồng nghiệp. Hơn 50 năm gắn bó với sân khấu cải lương, bà được giới chuyên môn nhận xét là một nữ danh ca sở hữu hàng trăm bản thu âm vọng cổ, tân cổ giao duyên và là cô đào chánh trong hàng trăm vở tuồng từ cải lương sàn diễn đến video được công chúng yêu mến.


[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 2.

Trong làng sân khấu NSƯT Thanh Kim Huệ tên thật Bùi Thị Huệ (sinh năm 1955) là cô đào bén duyên sàn diễn sớm nhất. Đó là năm bà tròn 14 tuổi đã được bầu Trung đoàn cải lương Hoa Phượng phát hiện tài năng. Ông đưa về đoàn và quảng bá bà trên làn sóng phát thanh, sau đó tiến cử cho bà Sáu Liên (Hãng dĩa Việt Nam) để ký hợp đồng lăng xê giọng ca ngọt ngào, trong trẻo và cao vút. Ban đầu là những vai đào con trong các vở tuồng được thu âm dưới tài chỉ huy của soạn giả Loan Thảo, Viễn Châu… Sau đó bà được ký hợp đồng thu âm 3 bài tân cổ giao duyên: "Biển tình", "Yêu lầm", "Nhớ người yêu" cùng với nghệ sĩ Minh Vương năm 1972. Đó là sự kiện tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán thính giả mộ điệu cải lương thời đó, khiến giá cát sê của bà tăng vọt từ vài chục ngàn đồng lên đến bạc triệu.

[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 3.

NSƯT Thanh Kim Huệ thời trẻ

Và cho đến khi nhận được vai Lan trong bản thu âm vở "Lan và Điệp" do Hãng dĩa Việt Nam phát hành, tên tuổi của bà vụt lên đỉnh cao nghệ thuật, đánh dấu thương hiệu cô đào chánh tuổi còn rất trẻ nhưng sức lan tỏa rất lớn trong làng dĩa nhựa thời đó.

NSND Ngọc Giàu nhớ lại: "Thời đó, thế hệ nghệ sĩ chúng tôi được gọi là thế hệ vàng, khi có giọng ca bẩm sinh, năng khiếu từ trong bụng mẹ phát tiết, thì có hai cách để chạm đến hào quang ngôi sao, đó là thu âm dĩa phát hành trên thị trường và có vai diễn hay để Hội đồng nghệ thuật giải Thanh Tâm tuyển chọn, chấm giải. Thanh Kim Huệ nổi lên từ thị trường băng dĩa, vai Lan là đỉnh điểm chứng tỏ một hướng đi đúng mà soạn giả Loan Thảo đã đặt để cho cô".

[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 4.

Một sản phẩm CD với hình bìa là NSƯT Thanh Kim Huệ

Dù nổi danh rất sớm nhưng bà vẫn giữ được sự giản dị, chân thành trong cách sống. "Có thể từ sự giáo huấn của gia đình, mẹ của Thanh Kim Huệ là người phụ nữ hiền thục, đảm đang. Bà nuôi dạy con gái, khi con theo nghề hát bà luôn túc trực bên con, từ đó mà Thanh Kim Huệ không để xảy ra tai tiếng trong nghề diễn viên, càng không có những xì căng đan ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình" – NSND Thanh Tuấn xúc động nhận xét.


[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 5.

Là nghệ sĩ sớm nổi danh nhưng không kiêu căng, NSƯT Thanh Kim Huệ gắn bó với nhiều đoàn hát trước khi gặp NSƯT Thanh Điền. Bà thú nhận những ngày đầu bước chân vào đoàn gặp ông bà đã tỏ thái độ không có cảm tình. "Kép gì mà đen thui, ốm nhách, cao nghệu. Lại hay chọc ghẹo người khác" – bà đã từng nói về ông xã về cảm nhận ngày đầu gặp gỡ.

[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 6.

NSƯT Thanh Kim Huệ và NSƯT Thanh Điền

Thế nhưng chính cái trống của đoàn hát ngay mùa nước nổi đã đưa hai trái tim nghệ sĩ hòa hợp bên nhau. "Thời đó gánh hát lênh đênh từ bến này sang bến nọ, sống đời gạo chợ nước sông, một hôm ghe hát chở nghệ sĩ của đoàn Hoa Phượng bị lật ở bắc Vàm Cống do trời mưa giông, suýt nhấm chìm tất cả nghệ sĩ. Lúc đó, NSƯT Thanh Điền đã ra tay cứu mỹ nhân, ông dùng cái trống lớn của đoàn, đặt Thanh Kim Huệ ngồi lên mặt trống, một tay ôm chặt mẹ của Thanh Kim Huệ, đẩy vào bờ. Từ sau lần ra tay cứu mẹ con nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, chị đã phải lòng anh và họ tìm hiểu một thời gian rồi nên duyên chồng vợ" – NSND Lệ Thủy kể lại.

Từ khi thành đôi, NSƯT Thanh Kim Huệ và NSƯT Thanh Điền trở thành một cặp nghệ sĩ tạo được hiệu ứng nghệ thuật độc đáo trong mắt công chúng. Bà được yêu mến qua tài năng diễn xuất, viết kịch bản, còn ông thì chuyên trị các vai kép độc, vai phản diện và đạo diễn vở tuồng. Cả hai đã lèo lái đoàn cải lương Sài Gòn 1 (1982) và 3 (1985) đạt doanh thu cao thập niên 80, trở thành thương hiệu với các kịch bản tâm lý xã hội bám chặt hơi thở cuộc sống.

NSƯT Thanh Kim Huệ đã sáng tác nhiều kịch bản cải lương nổi tiếng: "Khúc ly lương", "Hoa học trò", "Bến tương tư", "Em ơi, đừng khóc nữa", "Xin đừng nói yêu em", "Nội ơi, đừng ly dị", "Tôi không yêu đàn bà", "Hoa sen trắng", "Chiếc bóng bên chồng"…

[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 7.

Bà cũng là người nghệ sĩ lưu diễn tại nhiều nước, được khán giả kiều bào yêu mến với những bài tân cổ giao duyên. Vai diễn được yêu thích nhất là Thị Hến trong vở "Ngao, sò, ốc, hến" trên sân khấu Đoàn cải lương Sài Gòn 1. Bà còn có các vai: Sao Ly (vở "Tình ca biên giới"), Sha Ly (vở "Mái tóc người vợ trẻ"), Thủy Cúc (vở "Đường gươm Nguyên Bá"), Mỹ Tiên (vở "Sân khấu về khuya"), Lượm (vở "Sông dài"), Mai (vở "Thần tượng nửa đêm"), Vân Phi (vở "Khúc ly hương"), Tiêu Kim Yến (vở "Người tình trên chiến trận"), Bạch Thu Hà (vở "Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà")…

"Sau khi đoàn Hoa Phượng tan rã, NSƯT Thanh Kim Huệ cùng NSƯT Thanh Điền gia nhập đoàn Kim Chung, một đại bang lớn có đến 7 đoàn hát. Tại đây bà gặp gỡ và có dịp được đứng chung sân khấu với hai nữ nghệ sĩ lớn mà bà luôn xem là thần tượng đó là Lệ Thủy và Mỹ Châu  - Hai cô đào nổi tiếng bậc nhất thời đó, đây cũng chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của bà.

[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 8.

Gia đình NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ có hai người con, con trai là Nguyễn Đăng Quang (1977) và con gái Nguyễn Đức Hồng Loan (1986). Con gái của ông bà đã qua đời do bạo bệnh. Đối với gia đình bà là người vợ, người mẹ luôn tận tụy chăm lo cho mái ấm hạnh phúc. Niềm vui của bà là được nhìn thấy các cháu khôn lớn, học giỏi và là khán giả ruột của mình.

[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 9.

Vợ chồng NSƯT Thanh Kim Huệ và NSƯT Thanh Điền

Sau ngày đất nước thống nhất, NSƯT Thanh Kim Huệ tích cực tham gia chương trình giới thiệu bài bản đờn ca tài tử và các điệu lý do Đài TNND TP HCM thực hiện. Bà đã thu âm nhiều bài tân cổ nổi tiếng như: "Chợ Mới", "Hoa tím bằng lăng", "Tặng đời chiếc nón bài thơ", "Tiếng chày trên sóc Bombo", "Đám cưới trên đường quê", "Cánh thiệp đầu xuân"…

[eMagazine] Huyền thoại về nữ danh ca mang tên Thanh Kim Huệ - Ảnh 10.

Khi bộ môn nghệ thuật cải lương có dấu hiệu xuống dốc, vợ chồng NSƯT Thanh Kim Huệ đã cố gắng lèo lái đoàn hát để duy trì hoạt động. Một giai đoạn cải tiến dàn dựng với hình thức mới, vở "Bến tương tư" tạo tiếng vang về mặt nghệ thuật nhưng lại khiến ông bà vướng nợ nần do phải cầm cố nhà, xe để đầu tư tác phẩm. Sau đó, ông bà đã phải bán nhà cửa, xe cộ cùng nhiều tài sản quý giá để duy trì hoạt động của đoàn hát. Một giai đoạn bà lui hẳn về hậu trường, làm công việc hóa trang, tạo mẫu kiểu cho phòng chụp ảnh của ông để có thu nhập sinh sống.

Gắn bó bền bỉ với nghề và ra đi trong đột ngột, sự vắng bóng của nữ danh ca Thanh Kim Huệ đã khiến nhiều nghệ sĩ thương tiếc. Với họ, cuộc đời bà thật sự là một huyền thoại, và được xem là nữ nghệ sĩ sinh ra để sống với sân khấu. Tiếng hát của bà mãi mãi sẽ lưu lại trong lòng công chúng mộ điệu tình cảm sâu sắc. Vì cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm được giọng ca thay thế bà. NSND Lệ Thủy xúc động nói: "Tiếng hát của Thanh Kim Huệ là một ngoại lệ, vì dù ở độ tuổi nào cũng thể hiện sự trẻ trung, duyên dáng, đằm thắm. Tiếng hát của Thanh Kim Huệ sẽ sống mãi theo thời gian".


Thanh Hiệp - Lê Duy
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên