xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gốm Chăm vào danh sách bảo vệ khẩn cấp

THANH HIỆP - CHÂU TĨNH

"Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của nước ta được UNESCO ghi danh và cũng là danh hiệu thứ 4 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm 2022

Vào lúc 16 giờ 12 phút ngày 29-11 giờ địa phương (tức 22 giờ 12 phút, giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Morocco, di sản "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Dốc sức bảo tồn di sản quý

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại UNESCO, cho biết: "Sự ghi nhận này một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, qua đó góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế về những di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ".

Điều này cũng thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy, nhất là trên cương vị thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 giai đoạn 2022-2026. Hồ sơ trình bày chi tiết kế hoạch bảo vệ di sản "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" sẽ được thực hiện trong 4 năm (2023-2026). Đây là 1 trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này của UNESCO.

Gốm Chăm vào danh sách bảo vệ khẩn cấp - Ảnh 1.

Cụ Trượng Thị Gạch tạo hình sản phẩm gốm cho các bạn trẻ tham quan. (Ảnh: CHÂU TĨNH)

Theo các nhà nghiên cứu, gốm của người Chăm hình thành lâu đời, chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 đến 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C.

Hiện nay tại tỉnh Bình Thuận có 26 thôn của người Chăm, nhưng chỉ có người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình còn làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống của cha ông họ. Nguyên liệu chính làm gốm là đất sét, cát, nước, củi và rơm. Đất sét được tái sinh theo chu kỳ vài ba năm sau khi khai thác tại cánh đồng Hamu Tanu Halan, bên bờ sông Quao thuộc làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) và mỏ đất làng Xuân Quang (cách làng Bình Đức, tỉnh Ninh Thuận, 3 km về hướng Tây Bắc).

Để nghệ nhân sống được với nghề

Làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, nằm ven Quốc lộ 1A, cách TP Phan Rang khoảng 10 km về phía Nam. Đây là một trong những làng nghề cổ xưa nhất Việt Nam vẫn duy trì hoạt động sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Làng gốm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ dân, trong đó 70% người dân trong làng biết làm gốm.

Cụ Trượng Thị Gạch (80 tuổi), là một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất của làng gốm Chăm Bàu Trúc. Bắt đầu tập làm quen với nghệ thuật làm gốm từ năm 15 tuổi, đến nay bà Gạch có 65 năm làm nghề. Theo cụ Gạch, cái khó nhất của nghề làm gốm là phải luôn mày mò, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm tươi mới, không rập khuôn.

"Do việc làm gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay nên mỗi sản phẩm là một ý tưởng, hoàn toàn không giống nhau. Điều này đòi hỏi người làm gốm phải chịu khó, tỉ mỉ khi tạo hình các sản phẩm. Cách sản xuất truyền thống này năng suất không cao so với sản phẩm của các làng gốm có sử dụng máy móc và nguồn thu nhập khá thấp nên cuộc sống của những người làm nghề này còn nhiều khó khăn" - bà Gạch bày tỏ.

Nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận đã gắn kết du lịch văn hóa làng nghề, các tour du lịch biển đều tổ chức đưa du khách đến tham quan làng nghề. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, song nghề gốm của người Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một vì sự tác động của quá trình đô thị hóa đến khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, sự chậm thích ứng với kinh tế thị trường và thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghề. Theo những người trong cuộc, nhìn chung đời sống của nghệ nhân làm gốm vẫn còn khó khăn, thu nhập thiếu ổn định.

Bày tỏ niềm vui khi "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" được UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng: "Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của lãnh đạo và người dân địa phương trong việc gìn giữ bảo tồn một di sản được thế giới công nhận. Do đó trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường phát huy những giá trị của di sản, gắn kết di sản với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương để đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào Chăm ở Ninh Thuận".

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, lạc quan: "Hy vọng rằng sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì làng gốm Bàu Trúc sẽ được nhà nước quan tâm đầu tư hơn, nhất là về vốn, nguyên liệu cũng như các chính sách khác".

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, bày tỏ sự biết ơn và vinh dự của đất nước và nhân dân Việt Nam khi “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi vào danh sách di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bà khẳng định Chính phủ và đặc biệt là cộng đồng người Chăm ở Việt Nam cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo vệ di sản quý giá này.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo