xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoa phong lan và tiếng máy lạnh rì rầm

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

Những cuộc gặp năm xưa thường để lại trong tôi nhiều điều đáng nhớ, nhất là với người đã khuất. Ngồi nhắc lại, bỗng hiển hiện nhiều hình bóng cũ lay động, miên man, lắm khi khắc khoải nhớ người, nhớ nghề...

"Có thể biến những thứ bỏ đi thành giai điệu lay động lòng người. Đó là phần việc của người nghệ sĩ". Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có lần nói thế khi hai chú cháu tôi ngồi trò chuyện trên căn gác nhà ông ở cư xá Bắc Hải, quận 10, TP HCM hơn 10 năm trước. Căn gác ấm áp, gần gụi phảng phất hồn quê với bàn viết gọn và chiếc đàn mandoline mắc trang trọng ở góc cao vừa đủ cho người nhạc sĩ già kịp với tay mỗi khi trong ông bật lên một giai điệu mới.

Chỉ tay vào những giò phong lan đủ màu tươi tắn treo bên hiên gác, ông bảo hầu hết các giò hoa ấy là "của người ta vứt đi, cô mày thấy tiếc lượm về". "Cô mày" ở đây là bà xã của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và dưới bàn tay chăm bón tỉ mẩn của đôi vợ chồng già, hoa sống lại để khoe với ánh trời tất cả tươi nguyên thuần khiết. Cũng như hoa, nghệ thuật với ông cần được chăm chút hằng ngày. Không chăm sóc bằng tất cả niềm say mê, không trung thực với cảm xúc qua trải nghiệm của bản thân thì người làm nhạc khó có được những khúc ca đáng nhớ.

Người viết ca khúc nổi tiếng từ thời trai trẻ đôi mươi "Có một đàn chim" đã đi xa mấy năm rồi. Đàn mandoline, hoa phong lan và sóng biển, những thứ ấy bây giờ thường khiến tôi liên tưởng đến ông. Ồ, lạ nhỉ, có thể bạn sẽ hỏi sao lại có sóng biển ở đây?

À, vậy thì tôi sẽ kể. Thỉnh thoảng trở về Đà Nẵng, có dịp dạo xe trên đường Nguyễn Tất Thành, ngang đoạn ngày xưa là bãi biển Thanh Bình cách chợ Cồn khoảng một cây số, tôi vẫn hình dung về một vụ suýt đuối nước xảy ra năm 1936 ngay tại nơi này. Một cậu bé 13 tuổi với chiếc phao ống tre trong lúc bơi chẳng may bị nước biển cuốn ra xa và đang chấp chới tuyệt vọng giữa các đợt sóng kéo dồn cấp tập. Cái chết cận kề vì lũ bạn của cậu chỉ biết í ới hoảng loạn trên bờ. Đúng lúc ấy, từ bờ lao ra cái dáng lực lưỡng của anh thanh niên tên Quơ. Gần nửa giờ vật lộn với các đợt sóng hung hãn, anh dìu được cậu bé vào bờ và cả hai đều ngất lịm ngã nhoài trên cát.

Cậu bé ấy chính là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thuở thiếu thời. Kể lại chuyện thoát chết lúc nhỏ của mình với giọng vẫn còn hồi hộp, người nhạc sĩ lão thành bảo rằng mãi mãi về sau, ông vẫn thấy lòng ân hận vì không gặp lại được ân nhân dù vẫn cố công kiếm tìm. Anh Quơ trong buổi chiều hóng mát hiếm hoi của mình dường như chỉ xuất hiện trên bãi biển ấy lần duy nhất rồi sau đó mất hút. Cứ như anh được trời phái đến riêng trong khoảnh khắc ấy.

Bãi biển hoang sơ hiu hắt của gần 100 năm trước kia giờ đã thành một đoạn phố sầm uất với tuyến đường ven biển tinh tươm và các cao ốc uy nghi tráng lệ. Tìm đâu ra những đợt sóng gầm gào, chiếc phao ống tre chỏng chơ và hai bóng người - một trai trẻ, một thiếu niên - nằm ngất lịm rã rời trên cát trắng!

Hoa phong lan và tiếng máy lạnh rì rầm - Ảnh 1.

Những bài viết xúc động về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và ca sĩ Y Moan của nhà báo Nguyễn Đình Xê - nguyên Ủy viên Ban Biên tập, Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động Ảnh: Quang Liêm

Chỉ là hình dung của tôi thôi, với nỗi rưng rưng cảm nhận về bước đi bí ẩn và lạnh lùng của thời gian và về quy luật thiêng liêng của đất trời. Đừng ngạc nhiên nếu ngang qua đây có lúc tôi nghe được giai điệu réo rắt vang lên từ chiếc đàn mandoline trong tay người nhạc sĩ để sống lại phút hứng khởi năm xưa khi bất chợt dừng xe bên lề đường sau lúc rời căn nhà ở cư xá Bắc Hải và cuộc trò chuyện lý thú kia để viết vội vào sổ tay cái tựa bài ưng ý mà mình vừa nghĩ ra: "Phan Huỳnh Điểu và thiên sứ tên Quơ". Cả câu kết của bài báo này - Báo Người Lao Động ngày 8-11-2003 - dường cũng đã hình thành ngay lúc ấy giữa phố đông: "Anh Quơ không chỉ là ân nhân mà chính là thiên sứ đến từ trời. Anh giật khỏi tay thần chết một con người tài hoa và giữ lại cho đời thật nhiều giai điệu tình yêu".

*

*      *

Nếu hoa phong lan và sóng biển nhắc tôi kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì tiếng máy lạnh rì rầm khiến tôi không ít lần áy náy hồi tưởng cảnh mình lúng túng trước ca sĩ Y Moan năm nào.

Đó là một sáng hè năm 2006, tôi đến đón Moan đi điểm tâm ở khách sạn Công Đoàn. Anh đến TP HCM vào chiều hôm trước đó theo lời mời của Ban Biên tập Báo Người Lao Động để tham gia một cuộc trao đổi văn nghệ do báo tổ chức. Dù lúc ấy bận bịu ở Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk, Y Moan vẫn sốt sắng thu xếp công việc để có mặt đúng giờ hẹn. Anh đáp xe đò rời Buôn Ma Thuột từ sáng sớm và ngồi bó gối trong lòng xe nêm chặt người suốt gần một ngày dài với cây đàn guitar bên cạnh.

"Ngủ ngon không Moan ơi?", tôi hỏi theo thói quen và chờ đợi câu trả lời xã giao dễ gặp cũng theo thói quen. Nhưng không, giọng anh khiến tôi chưng hửng: "Ngủ có được đâu mà ngon. Máy lạnh kêu như tiếng máy cày!".

Vừa nói Y Moan vừa chỉ tay lên góc tường, nơi cái khung máy lạnh úa màu đang rỉ ra từng giọt nước. Còn hơn cả tiếng máy cày, tôi nghe lúc ấy tai mình ù lên nỗi e thẹn trước lời ta thán thẳng như ruột ngựa của người bạn Ê Đê.

Nhưng Moan là thế, anh thật lòng chứ không hề có ý trách gì ai, chẳng hề chê chủ nhà thiếu ý tứ, đặt anh nghỉ đêm ở nơi không thể ngủ yên. Vậy là trọn một ngày và một đêm người nghệ sĩ không chợp được mắt. Quả là chúng tôi vô ý quá chừng!

Nhưng may mắn thay, cũng nhờ vậy mà chúng tôi thêm hiểu nhau, thân thiết nhau hơn. Báo Người Lao Động ngày ấy còn nghèo. Hẳn là trong mắt Y Moan thuở ấy, người bạn làm báo của anh cũng hồn nhiên và vô tâm quá thể!

Vài năm sau đó, khi chúng tôi thực hiện chuyến giúp đỡ bà con nghèo vùng cao, Y Moan trở thành người hướng dẫn đắc lực. Băng rừng, lội suối đến với bản làng xa, anh đàn hát say sưa làm ấm nóng hành trình. Tiếng hát anh vang động núi rừng giữa vòng vây hân hoan của già trẻ gái trai. Mồ hôi từng dòng trên gương mặt lầm bụi đỏ giữa trưa nắng gắt. Phút chốc, tôi cảm nhận tiếng hát ấy không đơn thuần chỉ để góp vui. Thiêng liêng và diệu vợi, giọng người nghệ sĩ núi rừng như vòng tay ấm nóng ôm níu chúng tôi lại gần nhau hơn.

Lúc ngồi trên ghe nhỏ qua một đoạn sông trên đường đến một bản làng, Y Moan nói với tôi rằng anh cầu mong trời cho mình được sống đến 100 tuổi. "Làm gì mà sống lâu vậy cha nội?". "Để hát những bài tụng ca nguồn cội. Tôi thèm hát suốt đời cho bà con mình". Xuyên qua lớp lau sậy ven sông, Y Moan nhìn xa xăm vào khoảng trời trước mặt. Sóng nước lóng lánh bên mạn thuyền dội vào vầng trán rám nắng. Màu mắt Moan linh lợi, sống động hồn vía của người nghệ sĩ được sống với núi rừng, bên cạnh bà con mình. Nó khác xa màu mắt đỏ hoe và vẻ u hoài buổi tối nào anh cùng tôi đến thăm một phòng trà trên đường Cao Thắng. Khi ấy, chứng kiến một nữ ca sĩ cùng trang lứa với mình từng một thời sôi động trên sân khấu ca nhạc giờ vào tuổi xế chiều phải nhặt nhạnh từng tờ bạc do khách hàng giấu quấn trong từng cành hoa, Moan chạnh lòng cúi xuống với ly rượu nhạt hờ hững trên tay. Vội vàng, Moan đứng dậy kéo tay tôi rời khỏi phòng trà. Cú kéo mạnh bạo và dứt khoát khiến tôi thấm thía: À, nơi này chẳng phải của Moan. Chỗ của anh là ở trên kia…

(Tháng 7-2020)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo