xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi nghệ sĩ tâm huyết với nhạc Việt trở về

Bài và ảnh: Thùy Trang

Họ quyết định trở về không hẳn để tìm danh lợi cho bản thân mà mong muốn góp phần tạo nên những dấu son cho nhạc Việt trên thị trường âm nhạc thế giới

Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam (pianist chính trong dàn nhạc jazz big band của quân đội Liên bang Đức) đã trở về Việt Nam với công ty quản lý riêng cùng các dự án âm nhạc mới toanh đang được triển khai. Trước đó, Nguyễn Công Phương Nam (còn có tên khác là Vincent Nguyễn) đã ghi dấu ấn với giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2010 cùng ca sĩ Tùng Dương qua album "Li ti" pha trộn giữa nhạc điện tử và dân gian Việt Nam. Anh cũng để lại ấn tượng qua nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng như: "Trăng và Em" của Jazzy Dạ Lam (jazz), "Dạ khúc dương cầm" của Lê Hiếu (acoustic), "The Un make-up" của Đoan Trang (pop), "Requiem" của Đức Tuấn (acoustic, semi classical) với những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy…

Đi để trở về

Là một trong những nhạc công nổi tiếng ở TP HCM nhưng bỗng một ngày, Nguyễn Công Phương Nam quyết định đi Đức du học trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Anh lên đường với khát vọng "mở mang kiến thức, mở mang tầm nhìn và mở mang thế giới". Anh đã làm được điều đó khi được nhận vào dàn nhạc big band của quân đội Liên bang Đức. Nguyễn Công Phương Nam bảo bây giờ anh có mọi thứ nhưng cũng đồng nghĩa chưa có gì. Và anh quyết định trở về Việt Nam.

Trước Nguyễn Công Phương Nam, Ngô Hồng Quang cũng có quyết định trở về rất ý nghĩa. Năm 2009, Ngô Hồng Quang nhận được học bổng của Nhạc viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan về sáng tác âm nhạc hiện đại trong thời gian 2 năm. Năm 2014, Ngô Hồng Quang tiếp tục nhận được học bổng toàn phần lần 2 của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan với dự án "Nghiên cứu về văn hóa Mông, khía cạnh ngôn ngữ, âm nhạc".

Khi nghệ sĩ tâm huyết với nhạc Việt trở về - Ảnh 1.

Nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi trong buổi diễn của Jesse McCartney vào ngày 10-7 vừa qua

Những tác phẩm kết hợp nhạc dân tộc Việt Nam với nhạc cụ phương Tây của anh đã chinh phục khán giả qua những buổi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, Ngô Hồng Quang vẫn quyết định trở về Việt Nam với nhiều hoạch định. Anh muốn đi sâu nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn âm nhạc dân gian Việt. Album song tấu giữa Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê - một nhạc sĩ nhạc jazz người Pháp gốc Việt, rất yêu Việt Nam và văn hóa Việt - mang tên "Duet Hà Nội" hoặc "Hà Nội"... được phát hành gần đây đã thu hút khán giả khắp thế giới.

Mang nhạc Việt ra thế giới chính là đích đến mà Ngô Hồng Quang tự lần từng bước đi không hề biết mỏi mệt. Những sản phẩm âm nhạc của anh luôn độc đáo, cuốn hút, gây ngạc nhiên với khán giả nước ngoài. Trong đó, anh từng kết hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê thực hiện một dự án kết nối với các nghệ nhân âm nhạc dân tộc ở miền Bắc, nghiên cứu những thành tựu âm nhạc và khả năng sáng tác, biểu diễn của các nghệ nhân ở đây nhằm xây dựng chương trình nghệ thuật biểu diễn, giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc Paris. Đây cũng là một trong những công trình giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới nhận được nhiều sự khen ngợi.

Tiếng gọi nguồn cội

Thanh Bùi vừa tạo nên ấn tượng thú vị cho khán giả khi mang tour diễn "The Revolution" của Jesse McCartney về Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên Thanh Bùi kết nối khán giả Việt với những nghệ sĩ lừng danh trên thế giới bằng những buổi diễn hấp dẫn. Anh đang từng bước biến sứ mệnh "xây dựng nền tảng nhạc Việt và đưa nhạc Việt ra thế giới" mà mình đang theo đuổi trở thành sự thật.

Từ nhiều năm trước, Thanh Bùi cũng có một cuộc trở về khi đang là một giọng ca gây ấn tượng mạnh ở Úc, từng ra mắt 2 sản phẩm âm nhạc tại Thái Lan và Indonesia. Nhiều sản phẩm âm nhạc của anh từng vào top 2 ở bảng xếp hạng danh giá của các quốc gia: Malaysia, Singapore, Philippines… Trở về Việt Nam, Thanh Bùi mang khát vọng sẽ là người Việt đầu tiên nhận được giải thưởng Grammy. Đó là động lực lớn để anh sáng tạo những tác phẩm âm nhạc hay, ý nghĩa, chất lượng cao. Những sáng tác của anh như: "Tình về nơi đâu", "Lặng thầm một tình yêu", "What it’s all about" được chọn làm nhạc nền cho bộ phim "Hollywood Everyday"…

Bày tỏ lý do về Việt Nam dù nhận được nhiều lời mời cộng tác ở nước ngoài, Thanh Bùi cho biết: "Trong thời gian sống ở Úc, tôi có mặc cảm là mình phải giống người Tây thì mới được chấp nhận. Khi về Việt Nam, tôi thấy mình có gì đó gần gũi, thân thuộc, cảm giác như thuộc về nơi này, không còn ai có thể cản đường mình đi".

Trong khi đó, Dương Khắc Linh được sinh ra tại Philippines nhưng lớn lên và học tập tại Hà Lan. Năm 12 tuổi, anh thi đậu nhạc viện tại Hà Lan và gắn bó với piano cổ điển trong 15 năm. Anh từng theo học Trường Nghệ thuật Utrecht ở Hilversum - Hà Lan, tốt nghiệp năm 2004 với tấm bằng thạc sĩ. Sau đó, anh tiếp tục lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại Trường Đại học Portsmouth (Anh) và bằng thạc sĩ lý luận với luận án "Công nghệ âm nhạc ở Việt Nam". Sau khi tốt nghiệp, Dương Khắc Linh đầu quân cho một công ty ghi âm tại Hà Lan. Ngoài ra, anh còn viết nhạc, sáng tác các ca khúc R&B, hip hop cho các ca sĩ Hà Lan, Pháp, Mỹ.

Năm 2007, Dương Khắc Linh trở về Việt Nam khi anh muốn hoàn thành luận án tốt nghiệp về âm nhạc Việt mang tên "Công nghệ âm nhạc ở Việt Nam" và làm phiên dịch cho 2 nhạc sĩ người Hà Lan trong buổi phỏng vấn nhạc sĩ Đức Trí. Sau đó, Đức Trí mời anh hợp tác và làm việc tại Music Faces. Dự án âm nhạc của ca sĩ Hồ Ngọc Hà chuyển sang dòng nhạc R&B - "Xin hãy thứ tha" (My Apology) đã giúp Dương Khắc Linh được công chúng Việt Nam biết đến nhiều hơn. Sau dự án này, anh quyết định lập nghiệp ở Việt Nam.

"Tôi về Việt Nam vì vui nhưng bây giờ lại muốn giới thiệu nhạc Việt ra thế giới vì tôi thấy Việt Nam có quá nhiều người tài, ca sĩ hát hay. Tôi mang tất cả những gì mình có về Việt Nam để làm và tôi lại tiếp tục mang những sản phẩm âm nhạc đó ra thế giới" - Dương Khắc Linh bày tỏ. 

Muốn xóa bỏ nỗi tự ti của nhạc Việt

Lý do trở về được nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam bày tỏ: "Tôi muốn xóa bỏ nỗi tự ti "tiểu nhược" của nhiều người Việt. Khi tôi chơi trong dàn nhạc Big Band tại Đức hay giới thiệu vài sản phẩm nhạc Việt với những người bạn đồng môn của mình, họ đều tỏ ý thán phục. Trong khi đó, chính người Việt của mình lại mang tâm lý "nhược tiểu". Đó là suy nghĩ sai lầm bởi người Việt mình có thể làm được rất nhiều điều xuất sắc. Nhiều người bạn của tôi vẫn luôn phàn nàn về những bước tiến chậm rãi của nhạc Việt. Tôi cũng thấy điều đó nhưng thay vì chỉ than thở, tôi quyết định trở về Việt Nam để thực hiện những điều mình có thể. Ít nhất, sự đóng góp của tôi cũng sẽ làm thay đổi ít nhiều về nỗi tự ti, mặc cảm đang chiếm ngự trong suy nghĩ của nhiều người".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo