xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiểu yêu Nam Bộ trên sân khấu kịch

Bài và ảnh: HOÀNG KIM

Yêu có khi đòi hỏi, có khi ích kỷ nhưng thương thì lặng lẽ mà sâu sắc, dịu dàng mà mạnh mẽ, không ồn ào bày tỏ nhưng khi cần thì làm tới cùng, làm hết mình cho người mình yêu. Cho nên, trong ngôn ngữ của mình, người Nam Bộ thường dùng chữ thương hơn chữ yêu

Sân khấu kịch TP HCM thời gian qua đã làm rơi nước mắt biết bao khán giả với những tình yêu rất đẹp. Thật lòng mà nói, những tình yêu ấy thường mang dáng dấp kiểu yêu của người Nam Bộ, của người miền Tây, xứ sở mênh mông sông nước…

Kiểu yêu Nam Bộ trên sân khấu kịch - Ảnh 1.

Vân Anh và Đoàn Thanh Tài trong vở "Bao giờ sông cạn"

Chính vì ở nơi mênh mông sông nước nên những mối tình của con người ở đó cũng mênh mông không biết đâu là bờ bến. Mênh mông yêu không toan tính thiệt hơn, nhiều ít, được mất; không tính độ dài thời gian là 5 năm, 10 năm hay vài chục năm… có khi mất cả một đời người, cho đến giây phút cuối cùng trước khi xuôi tay nhắm mắt.

Anh Hai Đời (vở "Đời Như Ý" - Sân khấu Thế Giới Trẻ) tuy mù nhưng vẫn cưu mang Bé Ba - cô gái thiểu năng, bị người ta lợi dụng làm cho có bầu. Từ sự chở che biến thành tình yêu lúc nào không rõ. Tình yêu cũng đánh thức tri giác của Bé Ba, giúp cô tỉnh táo. Cảnh họ chèo thuyền trên sông đi tìm nhau, thảng thốt vì sợ mất nhau, ánh trăng trải trên sông mênh mông như tình yêu không bờ bến khiến người xem bật khóc. Tình yêu ở đây đầy chất hào hiệp, nghĩa khí, vừa là tình vừa là nghĩa, là nhân.

"Bao giờ sông cạn" (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) cũng có một mối tình mòn mỏi hơn 20 năm. Cứ mỗi mùa nước đổ, ông Chờ và bà Thà mới tái ngộ cố nhân nhưng không dám nhìn nhau, chỉ đêm đêm nhìn ngọn đèn lắt lay dưới bến sông là biết người về neo thuyền nơi ấy. Chỉ ngọn đèn thấu hiểu cho tình này, chỉ con sóng vỗ mạn thuyền nhắn giùm lời hối lỗi. Tác giả lấy chiếc ghe và bến sông làm điểm tựa. Người miền Tây sống chỉ biết quẩn quanh bến sông và chiếc xuồng lay lắt. Chất sông nước vừa đẹp nhưng cũng vừa u buồn, như kiếp giang hồ lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ, một thời khiến người ta thấy tự do, thú vị nhưng cũng đầy chông chênh, vô định. Tình yêu cũng vì thế mà trôi nổi, mong manh. Nhưng người ta đâu có sợ, cứ yêu hết lòng, mặc nước trôi tới đâu thì tới…

"Hiu hiu gió bấc" (Sân khấu Buffalo) cũng có một bến sông mà cô Hảo cứ phải chèo qua chèo lại mười mấy năm trời để chờ đợi anh Hết quên người xưa ngó lại cho mình. Cô lủi thủi đi theo tiếng gọi trái tim bất chấp tuổi xuân trôi qua vùn vụt. Hết cũng lủi thủi đi theo bóng hình cô Hoài dù người ta đã lên xe hoa bỏ anh lại nơi bến sông buồn. Nhưng Hết vẫn làm bộ tỉnh bơ, ngày nào cũng ôm bộ cờ tướng ngồi chơi mê mẩn, cho thiên hạ tưởng anh hư đốn, cho thiên hạ đừng chửi cô Hoài phụ tình. Yêu mà hy sinh đến vậy. Vừa mất tình vừa mất danh dự, chỉ mong bảo vệ người yêu. Kiểu người phương Nam đã hy sinh thì hy sinh cho trót, không màng kể công, không màng thị phi hơn thiệt. Y như chú Năm "đờn kìm" yêu cô Lan "khật khùng" vì bị nhà chồng hành hạ, chú phải thay đổi con người mình thành một tay bặm trợn để che chở cho cô, hy sinh cả dáng người nho nhã, hy sinh cả bàn tay cầm đờn dịu dàng. Người nghệ sĩ dám chia tay với nghệ thuật, nghĩa là đã có một điểm dừng khác lớn lao hơn rất nhiều. Hai kiểu hy sinh của hai người đàn ông sông nước này quả thật hiếm hoi.

Kiểu yêu Nam Bộ trên sân khấu kịch - Ảnh 2.

Công Danh và Đoàn Thanh Phượng trong vở "Hiu hiu gió bấc"

Nhưng hy sinh nhiều hơn nữa chính là tình yêu của anh Chờ trong "Tình lá diêu bông" (Sân khấu Kịch Thể nghiệm - 5B). Yêu lặng lẽ, không đòi hỏi đáp lại, chung vai gánh nặng với cô Hai Thương lo cho đàn em thơ dại và cuối cùng là nhận lãnh án tù oan để cứu gia đình Hai Thương. Sự hy sinh được đẩy tới tận cùng.

Hình như trong tình yêu của người Nam Bộ hàm chứa chữ thương nhiều hơn cả. Yêu có khi đòi hỏi, có khi ích kỷ nhưng thương thì lặng lẽ mà sâu sắc, dịu dàng mà mạnh mẽ, không ồn ào bày tỏ nhưng khi cần thì làm tới cùng, làm hết mình cho người mình yêu. Cho nên, ngôn ngữ của người Nam Bộ thường dùng chữ thương hơn chữ yêu. "Mầy thương thằng đó hả?", "Mầy thương con nhỏ đó phải hông?". Những phương ngữ tưởng chỉ để phân biệt vùng miền, nhưng không, nó hàm chứa một triết lý sống, một tính cách, một tâm hồn.

Sông nước mênh mông đã nuôi dưỡng con người Nam Bộ nên họ tự nhiên như thế. Và những tình yêu như vậy vẫn rất cần cho sân khấu hôm nay, khi mà trái tim người ta cần được rung động, đôi mắt người ta cần được khóc, để đời sống công nghiệp đừng cuốn người ta đi theo sự lạnh lùng, toan tính… 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo