xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ký ức nhà sàn giữa rừng

PHAN TRUNG NGHĨA

Từ căn nhà này, họ bước chân lên rừng, xuống sông, biển để lập làng, xây chợ, làm cho đất Cà Mau ngày càng trù phú.

1. Gần 40 năm trước, Cà Mau vẫn còn chằng chịt sông ngòi, mênh mang rừng tràm, rừng đước.

Tổng chiều dài kênh rạch, sông ngòi tự nhiên lên đến 7.000 km, có những con sông hùng vĩ rộng đến 600 m, sâu đến 19 m như sông Cửa Lớn. 36.000 ha rừng tràm và gần 100.000 ha rừng đước quyện với sông như một thực thể của tự nhiên. Khác những con sông, rạch do xáng đào, các dòng sông tự nhiên của Cà Mau không có bờ, bãi. Giới hạn của sông và rừng là những rặng cây.

Ký ức nhà sàn giữa rừng - Ảnh 1.

 Những năm 1980, một lần tôi tháp tùng đoàn nghệ sĩ TP HCM về thăm "Cái rẻo đất chưa khô bùn vạn dặm" - chóp Mũi Cà Mau của nhà thơ Xuân Diệu. Xóm Mũi nằm chụm đầu ven con kênh Rạch Tàu. Ai cũng mãi ngắm cái rẻo đất cuối cùng đầy tha thiết cảm động mà quên đi một kiểu cư trú rất lạ so với miền Đông và Tây Nam Bộ của cư dân Xóm Mũi.

Họ cất nhà theo dọc triền sông như tập quán cư trú của ĐBSCL được hình thành từ cái thời chưa có lộ xe, giao thông thủy lợi chủ yếu. Sông không có bờ, người ta phải cất nhà sàn để ở. Nước ròng xuống, những hàng cột giăng giăng nửa trên nửa dưới để chống đỡ những ngôi nhà.

Những năm sau đó, đi viết báo ở các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân… thuộc vùng rừng ngập mặn (rừng đước) hay vùng rừng nước lợ cầm thủy của U Minh, Thới Bình, tôi đều bắt gặp những làng xóm toàn ở nhà sàn. Ngay cả khu căn cứ của Khu ủy Tây Nam Bộ ở giữa rừng U Minh hay rừng đước thời đánh Pháp, chống Mỹ ta cũng cất nhà sàn mà ở.

Xét về mặt tự nhiên, Cà Mau là vùng đất non trẻ nhất nước, hình thành từ sự bồi tụ của biển Đông, biển Tây và cũng được khai mở sau cùng. Nếu các vùng khác của miệt Hậu Giang, di dân khẩn hoang đến dọn rừng làm nông nghiệp thì ở Cà Mau, càng tiến sâu về mũi đất, người ta sống theo cách dựa vào tự nhiên mà phát triển. Khai thác tự nhiên buộc người ta phải cư trú ngay trên ngư trường hay nơi làm ăn sinh sống. Men theo những dòng sông nổi tiếng của Cà Mau và các chi lưu, xóm làng hình thành ở những nơi trên là rừng, dưới là sông, với các tên gọi đậm chất nghề nghiệp như xóm Chài, xóm Đáy, xóm Câu, xóm Củi… Ở đó, người ta khai thác tôm cá trên sông rạch hay vào rừng đốn củi hầm than.

2. Có lần tôi vào vùng Nhưng Miên, Biện Nhị (một chi lưu của sông Tam Giang), xuồng máy chạy cả tiếng đồng hồ giữa khu rừng đước đại ngàn, cây to cả người ôm. Và rồi mở ra trước mắt tôi một cái làng giữa rừng, giống như truyện thần thoại.

Làng mang tên mộc mạc Xóm Rừng, mặt trước chồm ra sông, sau là đại ngàn. Trước mặt nhà nào cũng có cây cầu gỗ bắc dài ra sông để tiện lên xuống. Họ làm rất kiểu cọ, có lan can để chiều chiều ngồi chơi. Từ chiếc cầu dưới bến sông lên là một khoảng sân rộng trước nhà làm bằng sàn gỗ. Nhà này nối với nhà khác bằng cây cầu gỗ rất rộng tạo thành con đường làng dài đến mấy trăm mét, từ đầu làng đến cuối xóm. Người ta phải làm như thế vì dưới sàn gỗ là bãi sình, không có bờ sông, thủy triều lên là nước ngập mênh mông. Nhà cất kiểu dáng rất phong phú. Có nhà thì một ngôi chính ba gian, liền kề là một cái chái nằm dọc gọi là nhà chữ Đinh. Có nhà thì ba gian hai mái, có nhà thì cất bát dần bốn mái như mái của nhà sàn phía Bắc.

Nhà được dựng trên một sàn gỗ, mặt sàn là những tấm ván dày có đường kính đến 30-40 cm người ta xẻ ra từ những cây đước cổ thụ vài trăm năm tuổi. Trong nhà, sàn, vách, buồng, cửa, cột, kèo… đều làm từ gỗ đước. Dù nhà có giường, chiếu ngựa dày cả tấc được làm từ những cây gỗ to nhưng tôi vẫn thích nằm trên cái sàn nhà bóng nhẵn rất mát vì hơi nước từ dưới bốc lên.

Sau căn nhà lớn thường có nhà sàn nhỏ để làm khu bếp nấu ăn, sau nữa cũng là một khoảng sân rộng được làm bằng gỗ, tiếp giáp với rừng đước mà xứ này gọi là sàn lảng.

Tôi như đang sống ở một chốn lạ của cuộc đời. Một xóm nhỏ giữa rừng, có con sông nhỏ uốn lượn chảy ngang, sáng và chiều đều mát rượi. Thanh niên trai tráng xuống ghe biển hay xuồng câu đi đánh bắt, còn trẻ con phụ nữ thì vào rừng bắt cua, ba khía, ốc len, vọp… Chiều về, bến sông sôi động phả vào đại ngàn tĩnh lặng cái sinh khí của đời sống con người. Cảnh buôn bán diễn ra mà chủ thể là sản vật của rừng, của sông, của biển nhiều đến không thể tưởng tượng nổi. Bữa cơm đãi khách dọn ra dưới sàn muôn vàn thức ăn: Ốc len hầm dừa, cua luộc, cá ngát nấu canh chua… Chủ nhà vui lắm vì ở xứ rừng lâu lắm mới có khách viếng thăm, thế là chén thù chén tạc. Cạnh đó là một bếp un muỗi không thể thiếu được của xứ rừng muỗi như vãi trấu.

3.Nhà sàn còn hiện diện ở một cánh rừng khác là rừng tràm U Minh hạ. Người xưa gọi đây là đất cầm thủy, vùng đất của phèn chua, mưa già một chút là nước nổi mênh mông.

Từ bao đời, cây tràm đã mọc lên rồi sinh sôi thành một cánh rừng rộng lớn. Rừng tràm đã làm nên một đặc trưng cho đất Cà Mau như câu ca: "U Minh bốn bề là tràm, chẳng biết tháng nào nở hoa, mà hương thơm dường như bốn mùa…".

Trước khi người Pháp nhận ra tiềm năng kinh tế của rừng tràm U Minh hạ rồi cho xáng đào nhiều con kênh thì người Việt từ Tiền Giang xuống, từ Hà Tiên qua đã vào rừng U Minh để khai thác sáp ong, củi tràm. Nơi trú ngụ đầu tiên của lớp dân khẩn hoang cũng là những ngôi nhà sàn cất dưới những tán tràm và trên mặt nước, trong một vùng mênh mông tràm, mênh mông đồng nước, không có bờ bãi. Dân khẩn hoang kéo về càng nhiều ở thành xóm, thành làng thì những ngôi nhà ấy hợp lại thành làng rừng nổi tiếng từ xưa.

Đây là vùng đất "Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua" và đầy sương lam chướng khí rồi muỗi mồng đĩa vắt vô số kể. Trong buổi bình minh khẩn hoang ấy, ông bà ta giỏi chịu đựng và đầy mưu kế sáng tạo. Họ đã nương vào thiên nhiên để sinh sống, phát triển. Căn nhà sàn nơi đất mới là một thí dụ. Ông bà ta đã dựa vào vật liệu xây dựng có sẵn của địa phương rồi phát huy kinh nghiệm kiến trúc xây dựng của một dân tộc từng ở nhà sàn để tạo ra một mái ấm trên đất mới.

Từ ngôi nhà sàn này, bao lớp người đã làm chủ đất đai, tổ chức sản xuất nhiều ngành nghề để tạo ra những sản phẩm nức tiếng Nam Kỳ như: tôm, cá khô Cà Mau, ba khía Rạch Gốc, bong bóng cá đường, than đước Năm Căn, cá đồng, mật ong U Minh…

Giờ đây, người ta làm đường, xây lộ trên những vùng rừng hoang vắng xưa; ở nhà đất, xây tường. Sau nhiều năm, nuôi tôm rừng đã thu hẹp dần, nhà nước cấm khai thác gỗ rừng nên ngôi nhà sàn không còn lý do để tồn tại. Nhưng trong tâm khảm của người Cà Mau vẫn còn hoài nhớ về ngôi nhà sàn giữa rừng ngày cũ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo