xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một buổi sáng trong lành

Truyện dự thi của LÊ THỊ THANH XUÂN

Lại kẹt xe. Lúc nào mà chả kẹt. Nhất là thời khắc buổi sáng. Lúc ả đưa hai đứa con đi học. Đứa 5 tuổi ngồi trước. Đứa 9 tuổi ngồi sau.

 Tròng thêm cái dây đai chật khít eo ngấn mỡ của ả. Cái xe cà tàng ọt ẹt trông giống cái xe thồ hơn khi móc máng đầy những túi. Này là ba-lô con hai cái, ba-lô mẹ một cái, là túi cơm, là bình cà phê pha ở nhà, nào là giỏ đựng mấy cái áo mưa. Trời nắng còn chạy vù vù chứ trời mưa là mắc mệt. Có khi thằng con giở chứng, nhất quyết phải thò cái đầu ra khỏi áo mưa nhìn trời. Khi bị ả che lại, nó khóc thét ầm ào giữa tiếng sấm chớp, giữa nỗi lo canh cánh cây xanh rớt trúng đầu.

Cây mà rớt trúng thì toi. Có hôm ả đèo hai con băng vèo vèo qua vũng nước, ga xe để số một, chân đạp thắng tay căng ga để không xì xụp giữa cơn thủy triều. Đứa ngồi sau có khi bị ám mùi nhựa áo, gật gù ngủ.

"Chị chị, em bé nó ngủ kìa, coi chừng rớt nha…".

Giữa tiếng mưa, tiếng xe máy, tiếng nhồm nhoàm của ba cái bụng, ả gồng chân nghĩ ngợi về từ cường nhân mà đám đồng nghiệp trẻ hay ví von.

Cường nhân cái mẹ gì. Nghiệp tao nặng quá nên phải chịu đó mấy cưng.

Một buổi sáng trong lành - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Là ả hay nguẩy tay nói vậy. Xong rồi, ả ngồi tính toán chi tiêu. Tháng này phải cày thêm việc nào để bù vào khoản hụt. Như tháng tựu trường, mới qua ngày mười mà mọi thứ đã sạch veo.

Cái xe buýt 152 nó cứ vờn vờn trước mặt. "Bầy xe hơi xếp hàng ba thì còn mẹ gì đường". Tiếng kèn xe inh ỏi. Đám công nhân mặc đồ xây dựng lại tấp vào mấy quầy xôi, bánh mì dọc đường nên lại len kín như nêm.

Cứ tới số nhà 139 là ả nhìn. Lòng ả như vừa cay cú vừa chán nản cái sự đời khi nhìn thằng nhóc. Nó cao chớ, trẻ chớ, sáng láng chớ. Vậy mà cứ sáng sáng nó băng băng vỉa hè lẩm bẩm, chỉ trỏ. Có khi nó hùng hổ chạy gí trán người đi đường như hận thù mấy kiếp. Kệ nó. Chả ai gào rú. Chả ai nói năng. Thằng nhóc mặc bộ đồ vải trắng loại dành cho con nít cỡ lớn ngày nào cũng như ngày nào, bị kích động cứ đi tới đi lui hầm hầm hổ hổ.

"Chú đó bị khùng khùng hả mẹ?". Những sáng không ngủ gục, đứa 9 tuổi hỏi. Ả thở dài. Có khi chú không biết mình làm gì đâu con. Ả nhìn thằng nhóc. Tao tỉnh quá có khi còn hóa khùng hơn mày nữa nhóc à. Thằng con ngồi trước, mặt áp lên con ếch bông đầu xe bỗng sực tỉnh. "Mẹ mẹ, chim bay". Ờ, mẹ mày cũng ước hóa chim để bay qua cái đoạn đường đầy ải này đây.

"Này, đã uống xong hộp sữa chưa con? Xong rồi thì ôn bài đi. Từ đây tới trường còn kịp thuộc cả bài đấy".

"Bài gì mẹ, tiếng Việt hả?". Hôm qua học gì? Danh từ riêng, danh từ chung. Thế nào là danh từ riêng? "Làm gì mà mẹ hỏi hoài vậy. Để con nhớ". Nhớ chưa, nói mau. Ả hối. Tối qua mẹ đọc có hai lần đã thuộc đấy. "À, nhớ rồi mẹ ơi, danh từ riêng là từ được viết hoa mẹ ạ. Thế câu "Tối qua tôi ngủ muộn" thì từ tối là danh từ riêng à? Ơ, đâu phải... để con nhớ. Tại sao câu "Tôi đi qua cây cầu mỗi sáng", "Tôi đi qua cầu Nguyễn Văn Cừ mỗi sáng" thì chữ "Nguyễn Văn Cừ" viết hoa còn cây cầu không viết hoa?

Con gái ả hình như dỗi. Nó chưa kịp trả lời ả đã giành mất rồi. Nó im lặng. Lơ lơ ả.

Ả đánh tay lái vào sát dãy barie phân luồng. Kể ra hôm nay, vọt tới đây mà mới tốn có 15 phút đã là quá hời rồi. Bên phía chiều ngược lại, phía trên lũ chim câu bay lượn thảnh thơi quá thể.

Phía trên dốc cầu, cả đoàn người nhúc nhích chậm chạp. Từ hồi có con đường nhánh chạy dẫn xuống đại lộ, giữa cầu hôm nào cũng kẹt. Trời buổi sáng mà không khí cứ như trưa trời trưa trật. Ả đưa tay kéo cái khẩu trang của thằng con lên, nhắc đứa lớn phía sau bịt mũi. Khói lạch bạch từ chiếc xe máy cà tàng cổ lỗ phía trước cứ xộc vào mũi. Xe chở rau củ, bao bị cao như núi, nước chảy ròng ròng, bò lên cầu cố rướn hết ga. Khói từ pô xe cứ hục hà hục hặc khục khặc khạc nhổ.

Người ta không chết vì đói, mà chết vì thở. Nín thở thì chết chứ sao.

Ả lách xe qua phía tay phải, cố vọt lên. Một chiếc tay ga với hai cái gạc chân chành bành. Nhìn là muốn đạp một phát. Ẩu quá, quệt vào người khác thì chả khác nào máy chém. Ả nhìn cô gái trông thong thong thả thả ví đẹp giày cao. Hỡm, không nhanh lại trễ giờ học của con thì lại mệt. Chết, xe máy của ả có vẻ mệt. Nó khục khặc, ga giật giật. Hôm qua ả đã đổ xăng, hai tháng trước đã thay nhớt. Ả thả hai chân xuống, nhổng mông mỗi khi lên ga cho cái xe nhẹ bớt. Chục năm trước, ả còn nhỏ nhắn, chiếc xe còn chạy phà phà. Chục năm sau, ả vừa béo lại đèo theo hai đứa thì xe nào kham nổi.

Giờ thì ả đã chạy lên được giữa cầu.

Sắp được buông ga vọt lẹ đến ngã tư rồi băng băng thêm tầm năm bảy cây số nữa để thả hai cục nợ đời này xuống trại. Ả hay đùa với chúng như thế. Ả cười. Ả thích cảm giác vượt qua đám đông nhộn nhạo, len đặc mặt người căng ráng kia ào ào băng xuống dốc. Đâu phải sự xuống dốc nào cũng thê thảm, sự xuống dốc đôi khi là khoái cảm, hả hê đó chứ!

Ả rướn ga. Cú kéo mạnh làm đứa lớn giật mình chụp vội bụng mẹ ôm chặt lại. "Trời trời, mẹ làm gì mà chạy ghê vậy". Đó đó, mẹ nhắc rồi, lúc nào cũng phải cảnh giác, ôm mẹ, lơ đễnh là rơi đấy nhá. Rơi là bỏ luôn nha. Không lượm lại. Hai đứa con của ả thấm điều này. Còn phải nói, ả cứ ra rả khi hai đứa đòi mang đồ chơi theo. Mang theo cũng được. Lên xe làm rớt đồ mẹ sẽ không quay lại nhặt, đồ có đắt mà không giữ, mất đừng khóc. Con gái ả từng rớt một con cá sấu đồ chơi yêu thích mà không dám rơi giọt nước mắt. Phải rắn, chứ đòi mang theo rồi làm rớt, ai dám dừng lại để cúi xuống nhặt cho con khi phía sau là một đám đông đang cuồng nộ.

Ả lách ra được khỏi chiếc xe hơi đang quẹo trái để băng xuống đại lộ. Phía trước ả là khoảng trống thênh thang. Và sau khoảng trống ấy là ùn ùn lớp xe chờ đèn xanh của ngã tư. Ngay bên phải dốc chân cầu là quầy thịt heo, thịt bò. Mỗi khi qua hết cây cầu ả hay nhìn xuống chân mình, rồi nhìn qua quầy thịt. Cứ liệu như mình còn may quá vậy.

Kế quầy thịt là con hẻm nhỏ băng tắt qua con đường lớn, đầu hẻm có bán hoa tươi. Ả muốn mua bó hoa. Muốn cắm một bình hoa mỗi tuần trên bàn làm việc. Khi ấy, ả sẽ thay một bộ váy bó, chân sẽ mang giày cao bảy phân, quánh tí son đỏ, thoa tí phấn, xịt chút hương thơm. Ả sẽ không còn trong bộ dạng một mụ mẹ xẹt xòa chân giày bệt, áo khoác phủ tay và bụng nai bịt đai con trên chiếc xe lùng nhùng như vậy. Ả sẽ kẻ lại cái chân mày nhiều năm chưa tỉa tót, sơn một hai ngón tay và ngồi gác chân chéo, kéo bàn phím ra gõ vài chữ úp lên phây câu thả thính vu vơ kèm ảnh bình hoa tim tím với quả ảnh chân dài. Rồi đám bạn sẽ vào thả tim sâu sắc. À, có khi có cả cái icon phẫn nộ của gã chồng nữa chứ.

Trong con hẻm có cô bán xôi đậu, xôi gấc, xôi vò, chè… rẻ bệu. Những hôm vội quá, ả cũng tạt vào mua gói xôi rồi nghe câu chẳng biết vui hay buồn: Con mày hôm nay lớn bộn rồi ha.

Hôm nay ả không mua xôi. Cái chai đựng cà phê chạm vào vè xe rủng rẻng. Sáng nào 5 giờ ả cũng dậy lo cơm nước rồi bới mang theo. Hội cơm văn phòng của ả khá đông. Toàn những người chăm chỉ. Hội cơm trưa chỉ bàn về con cái, về chuyện học hành trong leo lẻo.

Hôm qua, mụ Thanh cười rũ: Con em lớp ba, cô dặn về học bài thơ trôi chảy. Tối em khảo bài, hỏi sao con chưa học. Nó mếu máo bảo con tìm hoài trong sách không có bài nào tên là Trôi Chảy hết mẹ ơi.

Ai cũng phì cười. Chuyện học là chuyện dài tập, từ từ rồi sẽ biết tay nhau cưng à.

Ả chạy qua khỏi con hẻm. Ngay góc ngã tư là một quán cà phê to đùng, mùi cà phê thơm lừng ùa vào mặt ả. Những con người ngồi đầy sau lớp kính nâu trong kia thảnh thơi nhìn ra ngã tư nêm chật hơi người, hai con của ả cũng nhìn vào đó. Chúng cũng từng vào đây một hai lần trong những dịp vui vẻ. Thơm hương thế này nhưng bếp núc cũng chẳng ra làm sao. Đời đôi khi thật lạ. Ả lầm bầm.

Đèn xanh. Ả phóng nhanh băng qua ngã tư. Ả thò tay kéo lại chiếc khẩu trang cho đứa nhỏ đang trôi tuột khỏi mũi. Ả nghe tiếng trống trường bên đường vọng tùng tùng giờ vào lớp nhưng ả kệ.

"Mẹ, mẹ chạy chậm chậm cho con học đếm bồ câu nha". Ừ thì chậm. Bầy bồ câu gần cả trăm con đậu trên sợi dây điện băng ngang con đường nhỏ. Thằng con nghểnh cổ ra đếm, con chị cũng tỉnh theo.

Nhưng mỗi khi chạy đến gần sát chiều thẳng đứng với đàn bồ câu ả lại vụt ga nhanh.

Ai biết được, lỡ chúng ị trúng mình thì sao?

Đời mà! 

le-thi-thanh-xuan

"Đây chính là bộ dạng của tôi mỗi sáng theo cung đường trong truyện ngắn. Đó cũng là tôi mỗi ngày trong cuộc mưu sinh đầy nghẹt thở nơi thành phố này. Tôi bị ám ảnh bởi cậu bé còn rất trẻ với những hành vi vô thức trên vỉa hè mỗi sáng, những giấc mơ ám mùi khói bụi lao xao tiếng đời trần trụi từ con trẻ đèo trên xe máy giữa biển người nêm kín mỗi sớm mai và ước mơ của chính mình"...

Đó là những dòng bộc bạch của tác giả về truyện ngắn này. Thật vậy, không khó lắm để nhận ra bóng dáng tác giả qua tác phẩm. Một phụ nữ văn phòng, sáng nào cũng "phi ngựa sắt" đèo con đến trường rồi đến nơi làm việc. Một lộ trình quen thuộc, với những góc phố định vị. Nhưng dường như mỗi ngày là một nhịp đập khác, với bao cảm xúc xâm lấn. Thì ra nhịp phố cũng như nhịp đời, lúc nhanh lúc chậm, khi gắt gỏng khi thi vị. Và phố, dù chật ních, vẫn có những khoảng trống cho cảm xúc. Chính trong khoảng trống đó, truyện ngắn này được viết ra. Đầy rộn ràng, đầy âm thanh và cũng thật lắm nỗi niềm.

Trần Nhã Thụy

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH



Một buổi sáng trong lành - Ảnh 4.

Một buổi sáng trong lành - Ảnh 5.

Một buổi sáng trong lành - Ảnh 6.

Một buổi sáng trong lành - Ảnh 7.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo