xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà thơ và trách nhiệm công dân

Bài và ảnh: ANH LƯU

Thơ đang đứng ở đâu trong đời sống hôm nay? Lấy chủ đề "Sông núi trên vai" cho Ngày thơ Việt Nam năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam muốn nhắc nhở, "làm nóng" lại trách nhiệm công dân của người cầm bút

Trước hết, phải thừa nhận rằng từ nhiều năm nay, thơ Việt Nam vẫn  đang loay loay, tiếp tục nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Nói thế, bởi hầu như hiện nay không một NXB nào dám đầu tư kinh phí cho thơ. Nếu nhà thơ muốn in, phải thực hiện theo kế hoạch B tức bỏ tiền túi từ A đến Z. Rồi sau đó? Nói theo hình tượng văn học, chẳng khác gì viên sỏi ném xuống đại dương mênh mông. Họa hoằn lắm, mới có tiếng vọng mơ hồ, bằng không cũng chẳng một ai biết đến. Tại sao?

Nhiều người cho rằng các loại thơ hiện nay đã cũ, đã sáo mòn, cần phải cách tân, đổi mới nhiều hơn nữa. Theo tôi, hình thức của thơ không phải vấn đề cốt lõi; quan trọng hơn cả vẫn là nội dung của thơ. Thơ đang đứng ở đâu trong đời sống hôm nay? Các nhà thơ đã và đang nói gì về suy tư mà công chúng đang từng ngày hướng đến? Câu hỏi này, tưởng dễ nhưng thật ra rất khó trả lời. Bởi vì rằng, trước sự thay đổi, va đập của thời cuộc trong thời gian qua về biển đảo, biên giới, an toàn thực phẩm, sự tha hóa về nhân cách, xa rời các giá trị truyền thống… thơ đã lên tiếng như thế nào?

Nhân Ngày thơ Việt Nam năm nay, có lẽ, do nắm bắt được sự bất cập này, Hội Nhà văn Việt Nam muốn nhắc nhở, "làm nóng" lại trách nhiệm công dân của người cầm bút nên đã lấy chủ đề "Sông núi trên vai". Điều này rất quan trọng vì chúng ta biết rằng, đây là năm kỷ niệm tròn 40 năm chiến thắng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; và cũng là năm bộ đội Việt Nam hoàn thành sứ mệnh cao cả bảo vệ biên giới Tây Nam.

Nhà thơ và trách nhiệm công dân - Ảnh 1.

Tác phẩm thơ và văn xuôi chủ đề “Biển đảo - 2019” của các nhà văn, nhà thơ TP HCM ra mắt nhân Ngày thơ Việt Nam

Thiết nghĩ, "Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy" - câu thơ của Chế Lan Viên đã khái quát sứ mệnh của người cầm bút trong mọi thời đại là nhà thơ không thể đứng ngoài các sự kiện chính trị trên đất nước mình: "Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông". Ai dám bảo chức năng này dành cho văn hóa nghệ thuật, trong đó có thơ đã... lạc hậu? Và những bài thơ được ngân vang trong Ngày thơ Việt Nam năm nay như: "Mùa này biên giới hoa sim/ Tím quanh mộ chí im lìm các anh/ Bao người lính trận vô danh/ Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình…" (Nguyễn Việt Chiến) ai dám bảo… không thơ?

Thật ra, lịch sử thi ca Việt Nam đã chứng minh rằng, dù là thơ gắn liền với thời sự đi nữa nhưng nếu thơ hay, có sức khái quát thì nó vẫn tồn tại độc lập. Những bài thơ của Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… đời nhà Trần là những chứng cứ hoàn toàn thuyết phục. Gần đây nhất với bài thơ "Tổ quốc gọi tên mình" của Nguyễn Phan Quế Mai do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc cũng là một minh chứng rõ nét. Từng nghe và sau này, nếu có nghe lại giai điệu: "Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn giăng lưới bủa vây… Một tấc biển tách rời vạn tấc đất đớn đau…" - rõ ràng, ta vẫn còn thấy mới.

Có một điều dễ dàng nhận ra rằng, hiện nay, thơ ít được quần chúng yêu thích như xưa, ngoài vấn đề nội dung như vừa nêu trên là còn do cách thưởng thức đã khác. Đã khác ở chỗ không mấy ai nhẫn nại đọc trên từng trang sách, chăm chú theo từng con chữ nữa. Nếu cũng từng con chữ đó lại được thể hiện bằng hình thức mới thì vẫn tốt hơn, hấp dẫn hơn.

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của âm nhạc. Nếu bài thơ hay nào đó được phổ nhạc thì sức lan tỏa và sự cảm nhận cũng đa dạng và đa chiều hơn. Nên chăng, trong các cuộc thi thơ, vận động sáng tác về chủ đề cực kỳ thời sự nóng bỏng là biển đảo, biên giới thì Hội Nhà văn nên phối hợp với Hội Nhạc sĩ chăng? Nên lắm! Cuộc "hôn phối" giữa thơ và nhạc cũng sẽ là một kênh tích cực đưa thơ đến gần với công chúng hơn nữa. 

Nhà thơ cần trang bị kiến thức

Sáng 18-2, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM cùng Hội Nhà văn TP HCM và NXB Văn hóa Văn nghệ tổ chức ra mắt bộ sách "Biển đảo - 2019" với 3 tập thơ: "Dấu chân biển cả" (Phùng Hiệu),"Tiếng chuông trong bão" (Phan Trung Thành), "Sóng hát" (Phạm Phương Lan), tập truyện ngắn "Cánh chim chắn bão" (Huỳnh Mẫn Chi) và truyện dài "Đi về phía bình minh" (Võ Thu Hương) - kết quả Trại sáng tác năm 2018 chủ đề "Văn nghệ sĩ TP HCM với biển đảo thân yêu".

Một khi viết về đề tài biển đảo, ngoài tinh thần trách nhiệm công dân, các nhà thơ cũng cần được trang bị nhiều hơn nữa về tri thức, kiến thức thuộc các vấn đề sử học, văn hóa truyền thống... của biển đảo Việt Nam, có như thế tác phẩm thơ mới đạt chất lượng cao hơn. Nếu viết thơ tình cá nhân, có thể tùy hứng phóng bút nhưng một khi đã chạm đến vấn đề có sức khái quát như "Sông núi trên vai" - chủ đề của Ngày thơ Việt Nam năm nay thì sự cẩn trọng này bao giờ cũng cần thiết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo